Trẻ nhỏ có khả năng tiếp thu ngôn ngữ một cách tự nhiên và nhanh chóng. Đây cũng là lý do mà nhiều chuyên gia khuyên phụ huynh nên cho con em học tiếng Anh ngay từ khi còn nhỏ. Trong số đó, nhiều người lựa chọn tham khảo cách học tiếng Anh của trẻ em Mỹ bởi đây chính là cách trẻ em Mỹ học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Do đó, việc tham khảo và áp dụng phương pháp học tập của chính người bản xứ sẽ giúp cho quá trình học tiếng Anh của trẻ em Việt Nam hiệu quả và tự nhiên hơn.
Trong bài viết này, mời quý thầy cô và ba mẹ cùng tham khảo 5 cách học tiếng Anh của trẻ em Mỹ, cùng với đó là cách áp dụng phù hợp với trẻ em Việt Nam, để có thể hỗ trợ con em mình học tiếng Anh hiệu quả nhất.
1. Sơ lược về các giai đoạn học tiếng Anh của trẻ em
Khi học bất kỳ ngôn ngữ nào, trẻ luôn tiếp nhận ngôn ngữ giao tiếp, cụ thể là Nghe và Nói, một cách tự nhiên trước khi làm quen với kỹ năng Đọc và Viết. Thông thường, đối với trẻ em, khi được học tiếng Anh từ nhỏ, cụ thể là trong khoảng thời gian trẻ chưa đến trường và chưa được học tiếng Anh một cách bài bản, trẻ sẽ có xu hướng trải qua các giai đoạn dưới đây:
1.1. Bắt đầu giao tiếp
Khoảng thời gian đầu khi tiếp xúc với một ngôn ngữ mới được xem là khoảng thời gian “im lặng” của trẻ. Trong giai đoạn này, trẻ có xu hướng nghe, nhìn và tiếp thu những âm thanh mới lạ. Điều ba mẹ cần làm lúc này là tạo cho trẻ sự hứng thú khi được tiếp xúc với một ngôn ngữ mới bằng cách thường xuyên cho trẻ nghe những đoạn nhạc bằng tiếng Anh, với đồ họa hấp dẫn, nhằm thu hút sự tập trung của trẻ. Trong quá trình này, trẻ sẽ tự kết hợp khả năng nghe và nhìn để hiểu được những gì mình đang xem, từ đó dự đoán được ý nghĩa những gì mà mình đã nghe thấy.
Sau khoảng thời gian “im lặng”, trẻ sẽ bắt đầu có xu hướng lặp lại những gì mà mình đã nghe được. Điều này chứng tỏ trẻ đã tiếp thu được những kiến thức mới về ngôn ngữ và bắt đầu vận dụng vào cuộc sống. Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu với những từ vựng đơn giản, dễ phát âm như “papa”, “mama”, “baby”,… hoặc các câu giao tiếp ngắn như “Hello”, “Let’s go!”, “Good night!”,…
1.2. Xây dựng ngôn ngữ tiếng Anh
Sau quá trình lặp lại những từ ngữ đơn giản, quen thuộc, trẻ có xu hướng tự xây dựng cho mình một nền tảng ngôn ngữ tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất. Cụ thể, ở giai đoạn này, thay vì phát âm những từ riêng lẻ, đơn giản, trẻ có xu hướng ghép những từ ngữ riêng biệt thành một cụm từ ví dụ như: “a yellow ball”, “a big table”, “a lovely doll”… Trẻ cũng dần chuyển từ việc đặt ra những câu hỏi sang dùng những câu tường thuật đơn giản để thể hiện những gì trẻ thấy như “It’s rainy!”, “I have a dog”, “It’s grandma”,… Tất nhiên, tùy thuộc vào tần suất tiếp xúc với tiếng Anh cũng như trải nghiệm của riêng trẻ mà quá trình xây dựng ngôn ngữ có thể đến sớm hay muộn.
1.3. Sự hiểu biết
Thông qua những gì trẻ được nhìn thấy, trẻ bắt đầu sử dụng những “manh mối” này để hiểu những gì mà mình nghe được. Từ đó, trẻ có thể hiểu được ý nghĩa và cách dùng của những từ ngữ tiếng Anh một cách tự nhiên và bắt đầu biết cách sử dụng chúng trong giao tiếp. Trẻ có xu hướng thể hiện sự hiểu biết của mình thông qua việc đưa ra ý kiến hoặc suy nghĩ bằng tiếng Anh như “I like swimming”, “I love this shirt”, “That’s my toy”,…
Ở giai đoạn này, điều ba mẹ cần làm là khuyến khích trẻ sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thường ngày. Ba mẹ cũng đừng ngần ngại giao tiếp với trẻ bằng tiếng Anh, cũng như sử dụng những từ vựng mới trong những cuộc trò chuyện. Trẻ sẽ tự nắm ý chính nhờ vào một số từ vựng quan trọng đã biết trước đó, kèm theo các “manh mối” trong ngữ cảnh lúc đó để tự giải mã câu nói. Nếu trẻ không thể tự giải mã, sự tò mò sẽ kích thích trẻ đặt câu hỏi và việc giải đáp từ phía ba mẹ sẽ giúp trẻ học hỏi một cách chủ động.
1.4. Những lỗi sai
Một điều hiển nhiên trong quá trình học tiếng Anh của trẻ chính là việc mắc phải những lỗi sai. Đó có thể là lỗi sai về cách dùng từ, về cách phát âm hoặc về cách sử dụng các cấu trúc câu và ngữ pháp. Tuy nhiên, những lỗi sai lại chính là một phần của quá trình học tiếng Anh.
Khi bé mắc lỗi sai, ba mẹ không nên quá nôn nóng chỉ ra lỗi sai của trẻ và điều chỉnh ngay lập tức. Ngược lại, ba mẹ nên chờ bé nói hết câu, sau đó làm mẫu vài lần để trẻ thấy được sự khác biệt giữa câu đúng và câu sai, qua đó trẻ tự động sửa lỗi trong quá trình giao tiếp. Nếu như trẻ không thể tự sửa lỗi của mình, ba mẹ tiếp tục lặp lại các bước trên đến khi trẻ có thể sử dụng tiếng Anh chuẩn nhất.
1.5. Sự thất vọng
Trải qua những mới lạ và hứng thú ban đầu về một ngôn ngữ khác biệt với tiếng mẹ đẻ, trẻ bắt đầu gặp phải những lỗi sai và đây cũng là điều khiến trẻ cảm thấy dần thất vọng. Trong một số trường hợp, trẻ không thể hiểu hết những gì mình nghe được hoặc không thể bày tỏ hết suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh vì vốn từ vựng còn hạn chế, cũng là điều khiến trẻ cảm thấy chán nản.
Cho đến khi trẻ đến trường, việc học tiếng Anh bắt đầu có sự ràng buộc, không còn là việc học tự do và tiếp thu tự nhiên như trước. Trẻ phải học nhiều kiến thức với mức độ khó ngày càng tăng. Một số trẻ sẽ không còn hứng thú như trước và bắt đầu cảm thấy hoài nghi không biết vì sao mình cần phải học tiếng Anh. Ở giai đoạn này, ba mẹ và thầy cô cần kết hợp cùng nhau trong việc hỗ trợ và hướng dẫn trẻ. Bên cạnh đó, hãy cho trẻ biết vì sao mình cần học tiếng Anh, khuyến khích tinh thần của trẻ bằng những lời động viên, đồng thời cho trẻ giao tiếp tiếng Anh với người bản xứ nếu có cơ hội, để trẻ tận mắt nhận thấy được tầm quan trọng của tiếng Anh..
Tham khảo: Dạy tiếng Anh cho bé 5 tuổi không khó – Mách thầy cô 6 tips dạy tiếng Anh hữu hiệu nhất!
2. Cách học tiếng Anh của trẻ em Mỹ như thế nào?
Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của trẻ em Mỹ, dù vậy, để có thể tiếp thu được ngôn ngữ và học ngôn ngữ một cách chuẩn nhất, trẻ cũng cần trải qua 5 giai đoạn trên cũng như sự hỗ trợ nhất định từ người lớn.
Nhận thức được sự tương đồng trong cách tiếp thu ngôn ngữ của trẻ, nhiều phụ huynh và giáo viên đã tìm hiểu các cách học tiếng Anh của chính trẻ em người bản xứ để vận dụng cho con em mình. Tuy nhiên, để có thể vận dụng đúng cách, ba mẹ và thầy cô không thể chỉ đọc rồi áp dụng y hệt, mà cần điều chỉnh linh hoạt sao cho phù hợp với trẻ em Việt Nam nói chung và đặc điểm tâm lý của con em mình nói riêng.
2.1. Bắt đầu học với kỹ năng nghe
Trẻ em Mỹ được sống trong môi trường nói tiếng Anh từ nhỏ, do đó kỹ năng nghe là kỹ năng mà các bé được tiếp xúc đầu tiên. Từ những cuộc hội thoại của người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm cho đến những chương trình trên TV, bài hát, phim ảnh đều là tiếng Anh. Thông qua đó, trẻ bắt đầu có cơ hội được tiếp xúc với từ vựng và ngữ pháp từ cơ bản đến nâng cao. Trẻ em Mỹ còn học được cách phát âm và ngữ điệu từ môi trường xung quanh thông qua những gì trẻ nghe thấy.
Tương tự, khi áp dụng với trẻ em Việt, phụ huynh và thầy cô cần tạo môi trường nói tiếng Anh thật thoải mái và tự nhiên để trẻ có cơ hội được nghe nhiều hơn. Tuy nhiên, do bối cảnh sống của trẻ vẫn là ở Việt Nam, đồng thời trẻ cũng cần phát triển tiếng mẹ đẻ của mình, nên việc tiếp xúc với tiếng Anh 100% trong đời sống thường ngày là khó có khả năng thực hiện.
Trong trường hợp này, ba mẹ có thể tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn bằng cách:
- Giao tiếp với con bằng tiếng Anh, sử dụng những câu từ đơn giản.
- Cho trẻ nghe tiếng Anh thông qua các bài hát hoặc phim ảnh.
- Khuyến khích người thân trong gia đình giao tiếp tiếng Anh với con.
Cùng với đó, thầy cô hãy tạo cho trẻ những tiết học sử dụng hoàn toàn tiếng Anh để kích thích khả năng nghe của trẻ tốt hơn. Ngoài ra, thầy cô cũng nên hướng dẫn và khuyến khích trẻ đặt câu hỏi bằng tiếng Anh nếu trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu ý thầy cô.
2.2. Học kỹ năng nói
Với trẻ em Mỹ, ngay khi biết nói, trẻ bắt đầu lặp lại tất cả những gì mà mình nghe được. Nhu cầu giao tiếp với ba mẹ, người thân trong gia đình và những người xung quanh càng thúc đẩy việc trẻ em Mỹ nói nhiều hơn. Thông qua những cuộc hội thoại, trẻ dần tiếp thu thêm từ vựng và ngữ pháp để tự hoàn thiện khả năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ của mình. Từ những câu hội thoại ngắn, trẻ tự lồng ghép nhiều ý kiến để nói những câu hội thoại dài hơn, phức tạp hơn để diễn tả đầy đủ nhất suy nghĩ của mình. Cùng với đó, thời gian của các cuộc hội thoại cũng dài ra dựa trên những gì trẻ muốn trình bày.
Với trẻ em Việt, kỹ năng nói bị hạn chế do môi trường xung quanh trẻ không sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thường ngày. Khi trẻ có nhu cầu nói tiếng Anh, trẻ cần phải tìm đúng người và đúng lúc. Tuy nhiên, ba mẹ vẫn có thể tạo cơ hội cho con giao tiếp tiếng Anh bằng cách:
- Khuyến khích con sử dụng tiếng Anh để giao tiếp tại nhà trong một khoảng thời gian nhất định.
- Tìm kiếm bạn bè, hàng xóm để cùng con giao tiếp tiếng Anh.
- Đưa trẻ đến những trung tâm, câu lạc bộ tiếng Anh cho trẻ em để con có cơ hội được giao tiếp với những người có nhu cầu giao tiếp giống con. Điều này cũng giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội của mình.
Tương tự như việc học kỹ năng nghe, cùng với việc tạo một môi trường nghe tiếng Anh cho trẻ, thầy cô có thể áp dụng những phương thức sau để khuyến khích trẻ giao tiếp trong lớp:
- Thường xuyên đặt câu hỏi trong quá trình học để trẻ có cơ hội trả lời bằng tiếng Anh.
- Khuyến khích trẻ đặt câu hỏi bằng tiếng Anh để tìm hiểu những gì con chưa biết.
- Đối với những bé thụ động, ít phát biểu, thầy cô cần chủ động mời bé phát biểu và tìm hiểu liệu bé có gặp bất kỳ khó khăn gì trong việc giao tiếp tiếng Anh hay không.
Xem thêm: 6 cách luyện nói tiếng Anh cho trẻ tại nhà cực hiệu quả
2.3. Học cách phát âm sao cho đúng
Trẻ em Mỹ thường học cách phát âm từ vựng và bắt chước ngữ điệu một cách tự nhiên thông qua quá trình giao tiếp hằng ngày với người lớn. Tất nhiên, ở giai đoạn đầu của việc giao tiếp, nhiều trẻ sẽ gặp lỗi sai về cách phát âm. Tuy nhiên, thông qua việc lắng nghe và học theo người lớn, trẻ sẽ có xu hướng tự chỉnh sửa, từ đó dần có thể phát âm đúng và sử dụng ngữ điệu một cách chuẩn nhất.
Mặt khác, trẻ em Việt lại có phần khó khăn trong việc học phát âm tiếng Anh chuẩn bởi cách âm giữa tiếng Việt và tiếng Anh có sự khác nhau rất lớn. Từ đó, trẻ dễ bị mắc các lỗi phát âm như thiếu các âm cuối, nhầm lẫn giữa âm hữu thanh và âm vô thanh, nhầm lẫn về cách nhấn âm,… Thực chất đây cũng là những lỗi phát âm mà người Việt vẫn thường mắc phải.
Phụ huynh và thầy cô có thể phối hợp chỉnh sửa phát âm cho trẻ ngay cả khi ở nhà hay ở trên lớp học. Tất nhiên, không phải lúc nào trẻ cũng có thể thay đổi cách phát âm ngay lần chỉnh sửa đầu tiên mà có xu hướng phát âm theo thói quen. Chính vì vậy, thầy cô và ba mẹ cần kiên nhẫn chỉnh sửa nhiều lần để từ đó tạo thành thói quen phát âm cho trẻ.
Xem thêm: Luyện phát âm tiếng Anh chuẩn dễ dàng? Cẩm nang chi tiết phụ huynh cần phải đọc
2.4. Học đánh vần và đọc từ
Cách học đánh vần và đọc từ tiếng Anh của trẻ em Mỹ không theo các quy tắc như tiếng Việt. Các quy tắc đánh vần trong tiếng Anh phức tạp hơn và trẻ sẽ được học phương pháp ghép vần (Phonics) bài bản khi đến trường. Thông qua đó, trẻ có thể phát âm chuẩn các từ và viết đúng chính tả.
Tuy nhiên, từ vựng tiếng Anh rất đa dạng với cách viết và cách đọc khác nhau, không tuân theo các quy tắc nhất định. Khi gặp một từ mới mà chưa biết phát âm, trẻ em Mỹ thường đoán cách phát âm của từ, sau đó nghe người khác phát âm và tự chỉnh sửa cách đọc của mình. Để mở rộng vốn từ, trẻ em Mỹ cũng phát triển kỹ năng đọc thông qua việc đọc sách.
Với trẻ em Việt, việc học đọc từ theo chương trình của trẻ em Mỹ sẽ có phần khó khăn hơn. Lý do là vì đa số các chương trình học tiếng Anh tại Việt Nam hiện tại tập trung dạy từ vựng và đòi hỏi trẻ phải học thuộc cả cách đọc, cách viết của từ vựng đó mà không mấy tập trung vào phương pháp Phonics. Do đó, nếu muốn hướng trẻ học Phonics, ba mẹ và thầy cô có thể tham khảo những gợi ý sau:
- Học cách phát âm và nhận biết bảng chữ cái tiếng Anh.
- Bắt đầu học cách đánh vần từng đơn âm, sau đó ghép lại để đánh vần cả một từ. Ví dụ từ “cat”, có chữ “c” phát âm là /k/, chữ “a” trong đó phát âm là /ae/, chữ “t” phát âm là /t/, ghép các chữ lại ta đọc “cat” là /kaet/.
- Học từ các từ ngắn, có một âm tiết, dần chuyển sang từ có hai âm tiết và các từ dài hơn.
- Khi đã biết phát âm một lượng từ vựng nhất định, trẻ sẽ có xu hướng tự đoán cách đọc của từ vựng mới. Chính vì vậy, trẻ cần được tiếp cận với nhiều nguồn từ vựng mới bằng việc đọc sách, truyện,… Trong lúc đó, phụ huynh và thầy cô có thể lưu ý cách đọc từ của trẻ và chỉnh sửa cách phát âm nếu trẻ đọc sai.
- Luyện tập cho trẻ đọc các câu văn, đoạn văn và khuyến khích bé giải nghĩa những gì trẻ đã đọc được để kiểm tra khả năng đọc – hiểu của trẻ.
Xem thêm: Dạy con đọc tiếng Anh tại nhà với 10 bước đơn giản
2.5. Học viết văn
Học viết văn sẽ là giai đoạn cuối cùng trong quá trình trẻ em Mỹ học cách sử dụng ngôn ngữ. Giai đoạn này đòi hỏi trẻ phải biết cách sử dụng và sắp xếp từ ngữ để tạo thành câu có đầy đủ ý nghĩa. Bên cạnh đó, trẻ cũng được học về các cấu trúc ngữ pháp để viết được những đoạn văn chuẩn xác nhất.
Đó cũng là những kiến thức mà trẻ em Việt cần trang bị trước khi học viết văn. Kỹ năng viết là một kỹ năng phức tạp, khô khan và cũng dễ gây chán nản cho trẻ khi học. Do đó, ở giai đoạn này, phụ huynh và thầy cô cần có những phương pháp luyện viết phù hợp với trình độ của trẻ, cụ thể:
- Luôn theo sát hướng dẫn và tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trong quá trình luyện viết để trẻ luôn cảm thấy có người đồng hành, không bị áp lực và sợ hãi mỗi khi học viết.
- Thiết lập một thời gian biểu cụ thể cho việc luyện viết để tạo thói quen cho trẻ và cho trẻ cơ hội luyện viết đều đặn nhằm nâng cao khả năng vận dụng từ vựng, ngữ pháp.
- Xen kẽ các bài học về từ vựng và ngữ pháp mới để trẻ có thể vận dụng cho việc luyện viết.
- Khuyến khích trẻ đọc nhiều sách, truyện để tìm ra ý tưởng cho bài viết cũng như học thêm từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mới.
- Khuyến khích trẻ trang trí bài viết của mình bằng cách vẽ, tô màu hay sử dụng hình dán. Điều này giúp trẻ có thêm hứng thú viết bài tốt hơn, đồng thời trẻ cũng sẽ lưu trữ bài viết của mình cẩn thận hơn sau khi hoàn thành.
3. Những điều cần lưu ý cho phụ huynh và giáo viên khi vận dụng cách học tiếng Anh của trẻ em Mỹ với trẻ em Việt
Cách học tiếng Anh của trẻ em Mỹ có sự khác biệt rất lớn so với những chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Do đó, để thiết kế lộ trình học tập áp dụng phương pháp học tiếng Anh của trẻ em bản xứ nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với con em mình, phụ huynh và thầy cô cần lưu ý những điểm khác biệt dưới đây:.
3.1. Học mọi lúc mọi nơi, không theo bất kỳ lộ trình nào
Trẻ em Mỹ sống trong môi trường sử dụng tiếng Anh 100% và đó cũng là cơ hội để trẻ tiếp thu kiến thức ngôn ngữ mọi lúc mọi nơi. Bất kể khi trẻ nghe được hoặc đọc được từ nào, trẻ sẽ tự động tiếp thu kiến thức đó mà không cần phải theo bất kỳ lộ trình nào được sắp xếp sẵn.
Trên thực tế, đây cũng là cách học tiếng mẹ đẻ của bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới. Nhưng đối với việc học tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ 2 thì việc áp dụng phương pháp này có phần khó khăn hơn. Mặt khác, các chương trình học tiếng Anh của trẻ em Việt hiện tại thường đi theo một lộ trình nhất định, từ học từ vựng đến các ngữ pháp có liên quan rồi lại tiếp tục học thêm từ vựng mới. Trong một khoảng thời gian ngắn, trẻ phải ghi nhớ những kiến thức mới khiến cho nhiều bé đôi lúc bị quá tải.
Với những lý do trên,, để áp dụng hoàn toàn cách học của trẻ em Mỹ cho trẻ em Việt là một điều khó có khả năng thực hiện. Dù vậy, phụ huynh và giáo viên vẫn phần nào có thể tạo cơ hội để con được học tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, giúp việc tiếp cận ngôn ngữ trở nên dễ dàng hơn thông qua một số cách sau:
- Ba mẹ hãy theo dõi xem con đã học những kiến thức gì trên trường để cùng con vận dụng trong khoảng thời gian luyện tập giao tiếp tiếng Anh tại nhà.
- Thầy cô có thể tạo ra những trò chơi, hoạt động thú vị ngoài giờ học để bé được tiếp xúc với tiếng Anh nhiều hơn mà không quá áp lực như khi học một tiết học chính thức.
- Ngoài ra, sau khi học xong các cấu trúc ngữ pháp mới, thầy cô có thể khuyến khích và hướng dẫn các bé vận dụng các mẫu câu này trong giao tiếp ngay khi có thể để giúp trẻ ghi nhớ tiếng Anh một cách tự nhiên nhất.
3.2. Học lần lượt từng kỹ năng một
Trẻ em Mỹ thường sẽ tiếp xúc với kỹ năng nghe từ những năm đầu đời, sau đó học cách giao tiếp. Đến khi đi học, trẻ được học chữ, bắt đầu hình thành kỹ năng đọc – hiểu và cuối cùng là phát triển kỹ năng viết. Trên thực tế, kỹ năng nghe và kỹ năng đọc được xếp vào nhóm “kỹ năng đầu vào” còn kỹ năng nói và viết là “kỹ năng đầu ra”. Cụ thể, thông qua việc nghe ngóng cuộc trò chuyện xung quanh, trẻ em Mỹ lấy đó để “bắt chước” và phát triển kỹ năng nói. Tương tự, khi có khả năng đọc – hiểu, trẻ lấy vốn từ vựng và ngữ pháp từ những gì mình đọc được để viết thành những đoạn văn nêu lên suy nghĩ của mình.
Ngược lại, nhiều trẻ em Việt lại phải học 4 kỹ năng cùng lúc để phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc này khiến cho trẻ gặp khó khăn rất lớn trong việc học kỹ năng nói và kỹ năng viết. Bởi lẽ, khi trẻ chưa được nghe và đọc nhiều, vốn từ vựng và ngữ pháp chưa đủ thì việc giao tiếp hay viết văn một cách hoàn chỉnh là điều quá sức với trẻ.
Do đó, để giúp trẻ học tiếng Anh một cách hiệu quả và chuẩn nhất, ba mẹ nên vận dụng cách học tiếng Anh của trẻ em bản xứ cho với con em mình. Cụ thể, ba mẹ và thầy cô hãy cho trẻ làm quen và thành thạo từng kỹ năng một theo các bước sau:
- Đối với trẻ dưới 6 tuổi, ba mẹ và thầy cô hãy cho trẻ nghe tiếng Anh thường xuyên và cùng con giao tiếp đơn giản về những vấn đề xoay quanh cuộc sống của trẻ. Đây là bước đầu giúp trẻ tiếp xúc với tiếng Anh một cách tự nhiên nhất.
- Khi trẻ bắt đầu đến trường và được học chữ, ba mẹ và thầy cô hãy khuyến khích trẻ đọc thêm nhiều sách, truyện bằng tiếng Anh nhằm phát triển kỹ năng đọc hiểu cũng như khả năng nhận diện từ vựng của trẻ.
- Dần dần, khi trẻ đã có một nền tảng kiến thức nhất định, ba mẹ và thầy cô bắt đầu hướng dẫn trẻ kỹ năng viết, đồng thời thúc đẩy trẻ luyện viết thường xuyên để kỹ năng này của con ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, ba mẹ và thầy cô cần lưu ý, trong quá trình trẻ học những kỹ năng mới, trẻ cũng cần được củng cố và luyện tập thường xuyên những kỹ năng đã học trước đó. Điều này giúp trẻ có thể phối hợp cả 4 kỹ năng khi vận dụng tiếng Anh trong giao tiếp thực tế, đồng thời biết cách xử lý đa dạng bài tập khi học tiếng Anh trên lớp.
Xem thêm: Bật mí những cách học tiếng Anh hiệu quả (đủ bộ nghe, nói, đọc, viết)
3.3. Học cách đánh vần và phát âm để có nền tảng ngôn ngữ vững chắc
Trẻ em Mỹ học đánh vần tiếng Anh thông qua phương pháp ghép vần Phonics. Do đó, trẻ sẽ có xu hướng phát âm chuẩn hơn và hạn chế việc viết sai chính tả. Ngoài ra, đây cũng chính là phương pháp giúp trẻ em Mỹ xây dựng được một nền tảng ngôn ngữ vững chắc ngay từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, đối với chương trình học tiếng Anh của trẻ em Việt, các bé thường được học phát âm cùng với từ vựng, đi kèm với các kiến thức liên quan như nghĩa tiếng Việt và cách viết từ, đòi hỏi trẻ phải tiếp thu và học thuộc lòng tất cả trong một lần. Điều này dễ khiến trẻ lúng túng do khả năng ghi nhớ của con ở độ tuổi này vẫn còn hạn chế. Trẻ có thể ghi nhớ cách phát âm nhưng lại quên cách viết, nhớ cách viết thì lại quên nghĩa tiếng Việt,…
Để giúp bé vận dụng cách học đánh vần và phát âm tiếng Anh của trẻ em Mỹ, ba mẹ và thầy cô có thể tham khảo những gợi ý sau:
- Hướng dẫn trẻ thành thạo cách đánh vần và phát âm trước khi học từ vựng để trẻ nắm bắt được các quy tắc phát âm chuẩn, từ đó có thể đọc đúng từ vựng thông qua phiên âm và hạn chế việc phát âm sai.
- Sử dụng hình ảnh trực quan trong quá trình dạy từ vựng để trẻ ghi nhớ nghĩa tiếng Việt dễ dàng và lâu hơn.
- Thường xuyên tổ chức các hoạt động “vừa học vừa chơi” giúp trẻ ôn lại từ vựng mình đã học.
3.4. Chú trọng từ vựng và ngữ điệu hơn ngữ pháp
Khi học tiếng Anh, việc học từ vựng luôn phải song song với ngữ pháp. Tuy nhiên, với trẻ em Mỹ, việc sử dụng sai ngữ pháp trong giao tiếp là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Do đó, để thể hiện suy nghĩ của mình chính xác và dễ dàng hơn, người bản xứ thường chú trọng việc sử dụng đa dạng từ vựng và ngữ điệu, hơn là việc sử dụng ngữ pháp một cách chuẩn chỉnh trong khi giao tiếp.
Ngược lại, với trẻ em Việt, các bé thường bị áp lực bởi việc phải sử dụng đúng ngữ pháp trong từng hoàn cảnh. Từ vựng mà các bé sử dụng chỉ “quanh đi quẩn lại” những từ vựng quen thuộc. Việc suy nghĩ phải dùng ngữ pháp nào phù hợp với ngữ cảnh khiến cho các bé mất nhiều thời gian suy nghĩ trước khi giao tiếp, và hầu như không có thời gian để vận dụng đa dạng từ vựng. Mặt khác, việc e sợ dùng sai ngữ pháp càng khiến các bé áp lực và thiếu tự tin hơn khi giao tiếp.
Để khắc phục những vấn đề này, bên cạnh việc dạy thêm từ vựng cho các bé, ba mẹ và thầy cô hãy:
- Khuyến khích bé luyện nói thật nhiều với những chủ đề khác nhau, mới lạ.
- Hướng dẫn bé luyện tập ngữ điệu nhuần nhuyễn khi nói tiếng Anh để thể hiện chính xác ý tưởng của mình.
- Tránh tạo áp lực cho bé khi bé dùng sai ngữ pháp, hãy để bé làm quen dần với việc sử dụng một ngữ pháp mới.
- Nhẹ nhàng chỉ ra lỗi sai ngữ pháp của bé và hướng dẫn bé nên sử dụng ngữ pháp đó trong những hoàn cảnh nào.
Xem thêm: Cách dạy từ vựng tiếng Anh cho học sinh tiểu học dễ thuộc và nhớ lâu
3.5. Tạo môi trường học tiếng Anh tự nhiên và thoải mái
Yếu tố cuối cùng khiến cho việc học tiếng Anh của trẻ em Mỹ thuận lợi hơn rất nhiều chính là môi trường xung quanh. Việc sinh hoạt và học tập trong môi trường sử dụng tiếng Anh hoàn toàn giúp cho khả năng tiếng Anh của các bé tiến bộ lên từng ngày một cách tự nhiên.
Đối với trẻ em Việt, để tìm kiếm môi trường sử dụng tiếng Anh quả là một điều không dễ dàng. Tuy nhiên, ba mẹ và thầy cô hoàn toàn có thể tạo môi trường học tiếng Anh cho trẻ một cách chủ động thông qua các cách như:
- Giao tiếp tiếng Anh tại nhà với con.
- Sử dụng tiếng Anh trong cả buổi học.
- Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với bài hát, phim ảnh và truyện tranh bằng tiếng Anh.
- Hướng dẫn trẻ sử dụng các ứng dụng học tiếng Anh tích hợp với các trò chơi vui nhộn, cho phép trẻ vừa học vừa chơi và tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên nhất.
Xem thêm: Top 50 game học từ vựng tiếng Anh miễn phí lại hiệu quả cho con
4. Tổng kết
– Bắt đầu học với kỹ năng nghe
– Học kỹ năng nói
– Học cách phát âm sao cho đúng
– Học đánh vần và đọc từ
– Học viết văn
Việc học một ngôn ngữ mới càng diễn ra một cách tự nhiên, trẻ càng dễ tiếp thu và tiến bộ nhanh chóng hơn. Thông quá quá trình tìm hiểu cách học tiếng Anh của trẻ em bản xứ trong bài viết trên đây, FLYER mong rằng quý phụ huynh và thầy cô có thêm được những gợi ý hay ho trong việc xây dựng lộ trình học tập tiếng Anh cho con em mình. Tuy nhiên, để các phương pháp trên phát huy hiệu quả tối ưu khi áp dụng với trẻ em Việt Nam, ba mẹ và thầy cô cần cân nhắc điều chỉnh linh hoạt sao cho phù hợp với các con cũng như với môi trường sống, chương trình học của các bé.
Ba mẹ mong muốn con rinh chứng chỉ Cambridge, TOEFL Primary,…?
Tham khảo ngay gói luyện thi tiếng Anh trên Phòng thi ảo FLYER – Con giỏi tiếng Anh tự nhiên, không gượng ép!
✅ Truy cập 1700+ đề thi thử & bài luyện tập mọi cấp độ Cambridge, TOEFL, IOE, thi vào chuyênm,,,
✅ Học hiệu quả mà vui với tính năng mô phỏng game độc đáo như thách đấu bạn bè, games từ vựng, quizzes,…
✅ Chấm, chữa bài luyện Nói chi tiết với AI Speaking
✅ Theo sát tiến độ học của con với bài kiểm tra trình độ định kỳ, báo cáo học tập, app phụ huynh riêng
Tặng con môi trường luyện thi tiếng Anh ảo, chuẩn bản ngữ chỉ chưa đến 1,000VNĐ/ngày!
>>> Xem thêm: