Đại dịch COVID-19 thực sự khiến nhịp sống của nhiều gia đình trên khắp thế giới bị đảo lộn. Trường học đóng cửa, làm việc từ nhà cho đến giãn cách xã hội – có quá nhiều giải pháp phòng dịch khiến các phụ huynh phải tìm cách để thích nghi. Giám đốc giáo dục toàn cầu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ông Robert Jenkins , chia sẻ 5 bí kíp để giúp việc giáo dục trẻ tại nhà đi đúng hướng.
1, Lên lịch học tập cùng con
Cha mẹ hãy cố gắng xây dựng một lịch học tập cho con trong đó tích hợp những chương trình giáo dục phù hợp với lứa tuổi trên internet, truyền hình hoặc đài phát thanh. Trong đó, hãy dành ra những khoảng thời gian để con chơi và đọc sách. Mọi hoạt động thường ngày đều có thể là cách để giúp con bạn học thêm điều gì đó. Và quan trọng là, cả nhà hãy lên lịch học cùng con nếu có thể.
Cho dù xây dựng lịch học tập và chương trình học là cực kỳ quan trọng với trẻ em, nhưng trong những thời điểm như thế này này cha mẹ có thể để ý thấy là các con cần một mức độ linh hoạt nhất định.
Hãy thay đổi các hoạt động cùng con một cách thường xuyên. Nếu các con có vẻ mệt hoặc bắt đầu không thoải mái khi cứ phải tham gia một lớp học trực tuyến, hãy chuyển sang một lựa chọn khác với nhiều hoạt động thể chất hơn. Cha mẹ không nên quên là lập kế hoạch và làm việc nhà cùng nhau cũng là một cách rất tuyệt để giúp con phát triển các cơ vận động nhé. Hãy kiên trì và cố gắng điều hòa lịch học tập theo nhu cầu của con nhất có thể.
2, Trò chuyện cởi mở
Hãy khuyến khích con đặt các câu hỏi và bày tỏ cảm xúc với bạn. Hãy nhớ là con bạn có thể có những phản ứng rất khác nhau với sự căng thẳng, vậy nên hãy kiên trì và thấu hiểu. Bắt đầu bằng việc hỏi con có muốn nói chuyện về vấn đề của con không. Và sau đó, hãy tìm hiểu xem con đang cảm thấy thế nào, rồi lắng nghe con.
Cha mẹ cũng có thể trò chuyện thêm về việc vệ sinh cá nhân của con nữa. Bạn có thể sử dụng những khoảng khắc bình thường hàng ngày để giúp con hiểu được tầm quan trọng của những việc nhỏ như rửa tay kỹ chẳng hạn. Tuy nhiên, nên đảm bảo là bạn và con ở một không gian đủ an toàn để con có thể nói ra được những suy nghĩ của mình một cách thoải mái. Ngoài ra, việc vẽ tranh, kể chuyện và các hoạt động khác cũng có thể giúp gợi mở câu chuyện của cha mẹ và con nữa đấy.
Cha mẹ hãy cố đừng xem nhẹ hay bỏ qua những vấn đề khiến con lo lắng. Hãy chắc chắn là bạn ghi nhận những gì con cảm thấy và đảm bảo với con rằng, việc con cảm thấy lo âu hay sợ hãi trước điều gì đó là hoàn toàn tự nhiên. Cho con thấy bạn lắng nghe con như thế nào bằng cách tập trung hết mức vào lời chia sẻ của con và chắc chắn là con hiểu được rằng con có thể nói chuyện với cha mẹ hay thầy cô bất cứ khi nào con muốn. Và cha mẹ cũng đừng quên ảnh báo con về tin giả, khuyến khích con (và tự nhắc mình nữa nhé) là sử dụng các nguồn thông tin đáng tin cậy, chẳng hạn như những hướng dẫn của UNICEF.
3, Học có chiến lược
Bắt đầu bằng những tiết học ngắn và dần dần kéo dài ra. Nếu mục đích ban đầu đặt ra là hoàn thành một tiết khoảng 30 – 45 phút, hãy bắt đầu cho con học 10 phút trước và rồi từ từ kéo dài ra. Trong tiết học, hãy kết hợp thời gian làm việc trực tuyến trên màn hình với các hoạt động trực tiếp bên ngoài.
4, Bảo vệ con trên không gian số
Các nền tảng số giúp con duy trì việc học tập, vui chơi và giữ liên lạc với bạn bè. Tuy nhiên, việc sử dụng Internet ngày càng nhiều cũng tăng khả năng con tiếp xúc với các nguy cơ về an toàn và bảo mật thông tin cá nhân. Hãy nói chuyện để con hiểu về những điều con cần biết, những hành vi phù hợp trên những nền tảng con sử dụng, chẳng hạn như các ứng dụng gọi trực tuyến.
Cha mẹ cũng nên cùng con đặt ra những “luật” gia đình về việc Internet có thể được sử dụng như thế nào, khi nào và ở đâu. Bên cạnh đó cũng cần thiết lập kiểm soát trên các thiết bị để giảm thiểu nguy cơ trên mạng, đặc biết là cho trẻ nhỏ và xác định các công cụ giải trí trực tuyến phù hợp cùng con. Để đề phòng trường hợp “bắt nạt trên không gian ảo” hoặc các nội dung không phù hợp trên mạng, cha mẹ cũng cần có sẵn thông tin liên lạc của các kênh hỗ trơ trẻ em.
Cha mẹ cũng đừng quên rằng, các con không nhất thiết phải chia sẻ hình ảnh cá nhân lên các trang dạy học trực tuyến, vì điều này có thể tăng nguy cơ đối với bảo mật thông tin cá nhân của con.
5, Giữ liên lạc với cơ sở giáo dục của con
Cha mẹ nên thường xuyên liên lạc với thầy cô và nhà trường để năm thông tin, đặt câu hỏi và cập nhật thêm các hướng dẫn phù hợp. Tham gia các nhóm phụ huynh và cộng đồng trên mạng cũng có thể là cách tốt giúp cha mẹ giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình dạy con học tại nhà.
(Nguồn: UNICEF)