7 cuốn sách “gối đầu giường” về hoạt động ngữ pháp dành cho giáo viên

Xin chào các thầy cô! Nhân dịp năm học mới bắt đầu và các thầy cô đang chuẩn bị thao giảng thì em xin viết một bài ngắn ngắn review các sách tập hợp hoạt động ngữ pháp mà các thầy cô có thể áp dụng vào bài giảng trên lớp.

Để hỗ trợ cho các thầy cô thì các cuốn sách trong bài review này của em sẽ được gộp vào một số nhóm cụ thể. Các cuốn nào có cùng một số đặc điểm chung thì sẽ thuộc về nhóm tương ứng, và các cuốn nào được coi là ngoại lệ thì sẽ được tách riêng ra. Sau đây là các nhóm và những cuốn sách thuộc từng nhóm.

Sách toàn năng

Dưới đây là các cuốn sách có chứa hoạt động mà các thầy cô dạy ở tất cả các độ tuổi, trình độ đều có thể tham khảo.

Ur, P. (2009). Grammar Practice Activities (2nd ed.). Cambridge University Press.

Trong số các cuốn sách trong bài này thì đây là cuốn em kết nhất. Sách chứa đầy ắp các hoạt động, bao phủ rất nhiều cấu trúc ngữ pháp, gồm cả hoạt động cần chuẩn bị nhiều, lẫn không cần chuẩn bị. Những hoạt động nào yêu cầu worksheet thì sách cũng đã cung cấp đầy đủ. Nói chung là sách phù hợp cho mọi lứa tuổi, và rất đáng để tham khảo.

Woodward, S. W. (1997). Fun with Grammar: Communicative Activities for the Azar Grammar Series. Pentice Hall Regents.

Sách này có đặc điểm tương tự giống cuốn của Ur: đơn giản, đa dạng, dễ dùng, dễ sử dụng. Sách này còn hay ở điểm nữa là hầu hết các hoạt động đều mang tính giao tiếp, nên các thầy cô nào muốn lấy ý tưởng cho hoạt động Produce thì có thể tham khảo. Các thầy cô lưu ý là không cần phải có sách ngữ pháp của Azar để có thể sử dụng.

Sách kỳ công

Dưới đây là các cuốn sách tập hợp các hoạt động ngữ pháp rất sáng tạo, hay ho, nhưng thường chứa các hoạt động khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian chuẩn bị.

Obee, B. (2002). The Grammar Activity Book. Cambridge University Press.

Zaorob, M. L., & Chin, E. (2001). Games for Grammar Practice: A Resource Book of Grammar Games and Interactive Activities. Cambridge University Press.

Em sẽ gộp chung 2 cuốn này để review vào làm một, vì cả hai đều rất đa dạng, và nhiều hoạt động lại rất sáng tạo. Điểm đặc biệt nhất của 2 cuốn này là tất cả các hoạt động đều khá kỳ công, và đều đi kèm với một worksheet riêng biệt mà thầy cô có thể in ra. Vì thế nên em dám chắc rằng 2 cuốn này rất phù hợp cho các thầy cô muốn thêm chút gia vị vào buổi dạy của mình. Tuy nhiên thì các thầy cô cũng nên lưu ý là sách này chất nhiều hơn lượng, nên không phải cấu trúc ngữ pháp nào cũng có hoạt động riêng.

Sách sáng tạo

Dưới đây là các sách mà em nghĩ có chất lượng không đồng đều, lại có chứa vài hoạt động hơi ít giá trị giáo dục, nhưng lại rất sáng tạo, và quan trọng là rất thu hút người học. Các thầy cô có thể cân nhắc tham khảo và lấy cảm hứng từ các hoạt động trong sách này để sáng chế ra hoạt động của riêng mình.

Rinvolucri, M. (1984). Grammar Games: Cognitive, Affective and Drama Activities for EFL Students. Cambridge University Press.

Rinvolucri, M., & Davis, P. (1995). More Grammar Games: Cognitive, Affective and Movement Activities for EFL Students. Cambridge University Press.

Đây là 2 cuốn cổ điển của thầy Mario Rinvolucri, chuyên gia giáo dục khá nổi, và là người sáng lập trung tâm ngôn ngữ Pilgrims ở Canterbury, Anh. Cả 2 cuốn sách này có đặc điểm là có các hoạt động đa dạng nhất trong số các sách em giới thiệu. Cả 2 cuốn đều liệt kê và hướng dẫn các thầy cô thực hiện nhiêu fhoạt động di chuyển, diễn kịch, tư duy, và đủ mọi thể loại khác. Tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của sách là tác giả nhiều khi không nói rõ rằng hoạt động này giúp học sinh rèn luyện khả năng sử dụng cấu trúc ngữ pháp nào, nên các thầy cô có thể tốn chút công để sửa hoạt động sao cho phù hợp với lớp học của mình.

Selivan, L. (2018). Lexical Grammar: Activities for Teaching Chunks and Exploring Patterns. Cambridge University Press.

Cuốn này là cuốn mới nhất, và cũng là cuốn có cách tiếp cận ngữ pháp độc đáo nhất. Sách này của thầy Selivan thì không đưa ra các hoạt động ngữ pháp dựa trên các cấu trúc ngữ pháp cụ thể, mà tất cả các hoạt động đều dựa vào các lexical chunk – các nhóm từ thường hay đi cùng nhau, bao gồm collocation (carefully examine), prepositional phrase (at all costs), linking phrase (as the study suggests), các cụm thường được coi là cấu trúc ngữ pháp truyền thống (If I were you), hoặc thậm chí là cả câu (What are you gonna do?). Vì nó rất khác so với các sách tham khảo ngữ pháp và sách giáo khoa nên sách này hơi khó sử dụng, nhưng nếu thầy cô nào thấy cách tiếp cận này thú vị thì hoàn toàn có thể đọc và tham khảo.

Ms.Vũ Trọng Hiếu

    Đăng ký Đối tác

    Comments

    Subscribe
    Notify of
    guest

    0 Comments
    Oldest
    Newest Most Voted
    Inline Feedbacks
    View all comments
    Minh Anh Lê
    Minh Anh Lê
    Education is the most powerful weapon which you can use to change the world - Nelson Mandela

    Related Posts