Bạn đã bao giờ rơi vào tình huống sau: Bạn đứng giữa một người nước ngoài và một người Việt không hiểu tiếng Anh, bạn có thể hiểu những gì người bạn nước ngoài nói để dịch lại cho người Việt; tuy nhiên, bạn lại “cứng đơ” khi giải thích theo chiều ngược lại, tức nghe người Việt nói và thuật lại cho người nước ngoài bằng tiếng Anh? Nếu điều này thường xuyên xảy ra với bạn, đã đến lúc bạn phải học ngay câu tường thuật trong tiếng Anh rồi đó!
Trong bài viết này, FLYER sẽ gợi ý cho bạn 2 cách thuật lại lời nói của người khác bằng tiếng Anh chi tiết nhất nhưng lại cực kỳ ngắn gọn, dễ nhớ. Cùng FLYER tìm hiểu ngay nhé!
1. Khái niệm câu tường thuật
Câu tường thuật (Reported speech) là câu dùng để thuật lại, kể lại lời nói của người khác hoặc lời nói của chính bản thân người tường thuật.
Câu tường thuật được chia làm hai loại, bao gồm câu tường thuật trực tiếp (direct speech) và câu tường thuật gián tiếp (indirect speech). Cả hai đều có cấu tạo hai phần với cấu trúc tổng quát như sau:
Mệnh đề tường thuật + Mệnh đề được tường thuật |
Trong đó:
- Mệnh đề tường thuật (MĐTT) có mục đích giới thiệu người nói “câu gốc” và dẫn dắt người nhận thông tin vào nội dung sẽ được tường thuật. Mệnh đề này bao gồm chủ ngữ – người nói “gốc” và động từ tường thuật – thường được chia ở thì quá khứ đơn. Đối với động từ tường thuật, bạn cần cân nhắc sử dụng động từ phù hợp với ngữ cảnh và loại câu tường thuật. Một số động từ thường được sử dụng trong MĐTT gồm:
Động từ tường thuật | Dịch nghĩa |
---|---|
admit | thừa nhận |
advise | khuyên, khuyên nhủ |
agree | đồng ý, đồng tình |
announce | thông báo |
answer | trả lời |
ask | hỏi/ yêu cầu |
claim | cho là/ đòi hỏi, yêu cầu |
complain | phàn nàn, than phiền |
confess | thú lỗi, thú tội |
confirm | xác nhận |
continue | tiếp tục |
demand | yêu cầu, đòi hỏi |
explain | giải thích |
inform | thông báo |
interrupt | ngắt lời |
offer | đưa ra đề nghị |
order | ra lệnh |
point out | chỉ ra |
promise | hứa |
repeat | lặp lại |
reply | trả lời, phản hồi, đáp lại |
say | nói |
shout | la hét |
state | phát biểu, tuyên bố |
suggest | đề nghị, đề xuất |
tell | nói/ yêu cầu |
threaten | đe dọa |
warn | cảnh báo |
wonder | tự hỏi |
- Mệnh đề được tường thuật (MĐĐTT) chứa những nội dung chính cần được thuật lại với người khác.
Ví dụ cấu trúc câu tường thuật:
MĐTT | MĐĐTT |
---|---|
She said, (Cô ấy nói,) | “I’m watching TV.” (“Tôi đang xem TV.”) |
She said that (Cô ấy nói rằng) | she was watching TV. (Cô ấy đang xem TV.) |
Bạn đã hiểu về khái niệm “mệnh đề” trong tiếng Anh? Tìm hiểu ngay nhé!
2. Câu tường thuật trực tiếp
2.1. Khái niệm
Câu tường thuật trực tiếp (Câu trực tiếp) là câu thuật lại chính xác từng câu chữ những điều một người đã diễn đạt, thường được đặt trong dấu ngoặc kép (“…”).
Ví dụ:
- She said, “I love my family.” (Cô ấy nói: “Mình yêu gia đình mình.”)
2.2. Cấu trúc chi tiết
Câu trực tiếp có ba cấu trúc được phân chia dựa vào vị trí của MĐTT. Trong câu trực tiếp, MĐTT có thể được đặt ở trước, sau hoặc giữa MĐĐTT với những cấu trúc khác nhau – trong đó, bạn cần lưu ý cách dùng các dấu câu như dấu phẩy (,), dấu chấm câu (.), dấu ngoặc kép,… sao cho phù hợp. Các vị trí của MĐTT trong câu trực tiếp cụ thể như sau:
Vị trí của MĐTT | Cấu trúc | Lưu ý về dấu câu | Ví dụ |
---|---|---|---|
Đầu câu | MĐTT, “MĐĐTT.” | – Dấu phẩy luôn theo sau MĐTT, trước MĐĐTT. – Dấu chấm luôn đặt cuối MĐĐTT, bên trong dấu ngoặc kép. – Tùy ngữ cảnh, dấu chấm cuối MĐĐTT có thể thay thế bằng dấu chấm than (!) hoặc chấm hỏi (?). | – They told me, “The class begins at 8 AM.” (Họ nói tôi: “Lớp học bắt đầu lúc 8 giờ sáng.”) – She asked, “What are you doing?” (Cô ấy hỏi: “Bạn đang làm gì đấy?”) – He said, “Congratulations!” (Anh ấy nói: “Chúc mừng!”) |
Cuối câu | “MĐĐTT,” MĐTT. | Dấu phẩy luôn đặt cuối MĐĐTT, bên trong dấu ngoặc kép (trừ trường hợp cuối MĐĐTT đã có sẵn dấu chấm than hay chấm hỏi). | – “The class begins at 8 AM,” they told me. – “What are you doing?” She asked. – “Congratulations!” He said. |
Giữa câu | “MĐĐTT,” MĐTT, “MĐĐTT.” | – Dấu phẩy được đặt ở hai vị trí – ngay sau MĐĐTT đầu tiên (trừ trường hợp cuối mệnh đề có dấu chấm than hay chấm hỏi) và sau MĐTT. – MĐĐTT thứ hai thường được theo sau bởi dấu chấm/ dấu chấm than/ chấm hỏi tùy trường hợp. | – “The weather is nice today,” my sister said, “Why don’t we have a picnic?” (“Thời tiết hôm nay khá đẹp,” chị gái tôi nói, “Sao chúng ta không đi picnic nhỉ?) |
2.3. Một số trường hợp mở rộng MĐTT
Dựa vào những cấu trúc cơ bản trên, bạn có thể biến đổi linh hoạt MĐTT theo những cách thức nhất định nhằm mở rộng và giúp câu thêm tự nhiên, sinh động hơn. Một số cách biến đổi MĐTT gồm:
Cách biến đổi | Ví dụ |
---|---|
– Sử dụng trạng từ đi kèm với động từ tường thuật (ở MĐTT) để mô tả cách người nói nói về một điều gì đó. – Cách này thường phổ biến hơn khi MĐTT đứng sau MĐĐTT. | He shouted loudly at the children, “Don’t go out!” (Anh ấy la lớn với bọn trẻ: “Đừng đi ra ngoài!”) -> Trạng từ “loudly” – “lớn tiếng” đi kèm với động từ tường thuật “shouted” – “la hét”, thể hiện cách “anh ấy la bọn trẻ”. |
– Khi MĐTT theo sau MĐĐTT, chủ ngữ và động từ tường thuật có thể hoán đổi vị trí cho nhau với ý nghĩa không đổi. – Cách này thường được sử dụng trong văn chương, đặc biệt là trong tiểu thuyết hoặc truyện ngắn. | “I’m reading the newspaper,” said Jenny. (“Tôi đang đọc báo,” Jenny nói.) -> Động từ tường thuật “said” và chủ ngữ “Jenny” đã hoán đổi vị trí cho nhau – “said Jenny” (tương tự “Jenny said”). |
Trong giao tiếp hằng ngày, động từ tường thuật có thể được dùng ở thì hiện tại đơn hoặc thì hiện tại tiếp diễn nhằm tạo ấn tượng và tính sinh động cho câu. Trong đó, thì hiện tại tiếp diễn có tính ấn tượng mạnh hơn thì hiện tại đơn. | – He says, “I’m your new neighbor.” (Anh ấy nói, “Mình là hàng xóm mới của bạn.”) -> Động từ tường thuật “say” được dùng ở thì hiện tại đơn. – He’s saying, “I’m your new neighbor.” -> Động từ tường thuật “say” được dùng ở thì hiện tại tiếp diễn. |
Tìm hiểu thêm về trạng từ trong tiếng Anh.
3. Câu tường thuật gián tiếp
3.1. Khái niệm
Câu tường thuật gián tiếp (Câu gián tiếp) cũng dùng để thuật lại những điều ai đó đã diễn đạt, tuy nhiên không cần chính xác từng câu chữ do câu gián tiếp tập trung hơn vào nội dung cần diễn đạt. Với loại câu này, bạn dùng “that” để mở đầu MĐĐTT, tức mệnh đề “that”, thay vì dấu ngoặc kép như trong câu trực tiếp.
Ví dụ:
- She said that she loves her family. (Cô ấy nói rằng cô ấy yêu gia đình của mình.)
3.2. Cấu trúc chi tiết của 4 loại câu gián tiếp phổ biến
Trong câu gián tiếp, MĐTT luôn đứng trước MĐĐTT theo công thức “MĐTT + MĐĐTT”. MĐTT trong loại câu này có cách dùng tương tự MĐTT ở vị trí đầu câu trực tiếp, trong khi cách dùng MĐĐTT lại có phần khác biệt dựa vào câu “gốc” là câu khẳng định, nghi vấn, yêu cầu hay cảm thán. Cụ thể:
3.2.1. Câu khẳng định
MĐTT + (that) + S + V |
Trong đó:
- MĐTT thường chứa các động từ tường thuật như say, tell, answer, admit, reply,…
- Mệnh đề “(that) + S + V” là MĐĐTT. Thông thường, từ “that” trong mệnh đề có thể được lược bỏ để câu nói thêm tự nhiên hơn.
Ví dụ:
- She said (that) she wanted to go home. (Cô ấy nói rằng cô ấy muốn về nhà.)
-> “She said” là MĐTT, mệnh đề “that she wanted to go home” là MĐĐTT.
- He told me (that) I needed to relax. (Anh ấy nói tôi rằng tôi cần phải nghỉ ngơi.)
-> “He told me” là MĐTT, mệnh đề “that I needed to relax” là MĐĐTT.
3.2.2. Câu nghi vấn gián tiếp
Có hai loại câu nghi vấn là câu hỏi “Yes/ No” và câu hỏi “Wh-”. Với mỗi loại câu hỏi, bạn có những cấu trúc câu gián tiếp riêng biệt như sau:
Loại câu hỏi | Cấu trúc | Giái thích | Ví dụ |
---|---|---|---|
Yes/ No | MĐTT + if/ whether + S + V | “If” thường thông dụng hơn “whether”. “S + V” là MĐĐTT. | They asked if my children had gone to school. (Họ hỏi rằng con tôi đã đi học chưa.) -> Mệnh đề “my children had gone to school” dùng để thuật lại câu hỏi của “they” trong MĐTT “They asked”, vì vậy không có dấu chấm hỏi. |
Wh- | MĐTT + wh-word + S + V | “wh- word” là từ hỏi (what, who, why, when, where, how, which). Trong một số trường hợp, “who”, “whom”, “what”, “which” có thể đóng vai trò chủ ngữ/ vị ngữ trong MĐĐTT. “S + V” là MĐĐTT. | – I wonder why she was absent from the class. (Tôi tự hỏi vì sao cô ấy lại vắng mặt trong lớp.) – My parents asked who had left the key at home. (Bố mẹ tôi hỏi rằng ai đã để quên chìa khóa ở nhà.) -> “Who” đóng vai trò chủ ngữ, theo sau bởi động từ “had left”. – She asked what we would buy for the party. (Cô ấy hỏi chúng tôi sẽ mua gì cho bữa tiệc.) -> “What” trong ví dụ này là vị ngữ bổ nghĩa cho động từ “buy”. |
Xét về điểm chung, câu gián tiếp “Yes/ No” và “Wh-” có những điểm giống nhau như sau:
- MĐTT thường chứa các động từ tường thuật mang tính nghi vấn như ask, wonder,…
- MĐĐTT được dùng ở dạng khẳng định, không phải nghi vấn và không có dấu chấm hỏi.
3.2.3. Câu yêu cầu
Phần lớn câu yêu cầu (hay câu mệnh lệnh) thường không có chủ ngữ mà luôn mở đầu bằng một động từ nguyên thể để đi thẳng vào nội dung yêu cầu. Vì vậy, MĐĐTT trong câu yêu cầu gián tiếp thường bắt đầu với “to V”. Ta có cấu trúc câu yêu cầu gián tiếp cụ thể như sau:
MĐTT + (not) to + V |
Cấu trúc này dùng để thuật lại lời yêu cầu, khuyên nhủ, mong muốn hay nhờ vả từ một người đến một người khác. Trong đó:
- MĐTT thường chứa các động từ tường thuật như advise, ask, tell, demand, order, warn,…
- “V” là động từ thể hiện nội dung mà người nói “gốc” muốn diễn đạt.
Ví dụ:
- The doctor advised me to work out more regularly. (Bác sĩ khuyên tôi tập thể dục đều đặn hơn.)
-> “Tập thể dục đều đặn” là lời yêu cầu của “bác sĩ” – người nói câu “gốc”.
- They asked him not to smoke there. (Họ yêu cầu ông ấy không được hút thuốc ở đấy.)
-> “Không được hút thuốc ở đấy” là lời yêu cầu của “họ” – người nói “gốc”.
3.2.4. Câu cảm thán gián tiếp
Động từ tường thuật thường được sử dụng trong câu cảm thán gián tiếp là “exclaim” – “thốt lên”. Theo đó, bạn có cấu trúc câu cảm thán gián tiếp như sau:
MĐTT + (that) + S + V |
Trong đó:
- MĐTT thường chứa động từ tường thuật là exclaim.
- “(that) + S + V” là MĐĐTT và không dùng dấu chấm than cuối câu.
Ví dụ:
- They exclaimed that it was an interesting movie. (Họ thốt lên rằng đây là một bộ phim thú vị.)
4. 4 bước chuyển đổi từ câu trực tiếp sang câu gián tiếp
5 bước chuyển đổi từ câu trực tiếp sang câu gián tiếp sau đây sẽ giúp bạn hoàn thành các bài tập viết lại câu trên lớp thật dễ dàng. Cùng tham khảo và “note” ngay kẻo quên bạn nhé!
4.1. Bước 1: Lùi thì MĐĐTT trong câu trực tiếp
Khi bạn thuật lại lời nói của người khác theo cách gián tiếp, nội dung, thời gian và địa điểm được tường thuật lúc này đã “trôi qua” so với câu nói “gốc”. Vì vậy, khi chuyển sang câu gián tiếp, bạn cần lùi thì của MĐĐTT trong câu trực tiếp – câu tường thuật lại chính xác câu chữ trong câu “gốc”.
Để lùi thì đúng cách, bạn cần lùi một thì so với thì của câu “gốc”. Ta có cách lùi thì cụ thể với ví dụ động từ “make” như sau:
Thì của câu “gốc” | Thì được lùi về (Thì sẽ xuất hiện trong câu gián tiếp) | Ví dụ |
---|---|---|
Hiện tại đơn | Quá khứ đơn | make -> made |
Hiện tại tiếp diễn | Quá khứ tiếp diễn | is making -> was making |
Hiện tại hoàn thành/ Quá khứ đơn/ Quá khứ hoàn thành | Quá khứ hoàn thành | have/ has made -> had made made -> had made |
Hiện tại hoàn thành tiếp diễn | Quá khứ hoàn thành tiếp diễn | have been making -> had been making |
will/ would | would | will make -> would make |
shall | should | shall make -> should make |
can | could | can make -> could make |
may | might (có khả năng, có thể)/ could (cho phép) | may make -> might make may make -> could make |
must | must (sự suy đoán)/ had to (bắt buộc) | must make -> had to make |
need | need | |
used to/ ought to | used to/ ought to |
Ngoài động từ nguyên thể, các động từ khiếm khuyết như would, should, could,… còn có thể dùng với cấu trúc hoàn thành “have + V-ed/ 3”, nhất là trong những trường hợp tường thuật về một sự kiện giả định nào đó trong quá khứ.
Ví dụ:
- He said he should have been there. (Anh ấy nói anh ấy đáng lẽ đã nên ở đó.)
-> “Anh ấy ở đó” là một sự kiện giả định, không có thực trong quá khứ. Điều này được nhận biết thông qua cụm “should have been” – “đáng lẽ đã nên”.
Trái lại, có một số trường hợp không lùi thì mà bạn cần lưu ý. Bạn không lùi thì MĐĐTT khi:
Điều được tường thuật vẫn đúng hoặc liên quan ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ:
- My teacher taught that the Sun rises in the East. (Cô giáo mình dạy rằng mặt trời mọc ở hướng Đông.)
-> MĐĐTT “the Sun rises in the East” diễn tả sự thật hiển nhiên và vẫn đúng ở thời điểm hiện tại, vì vậy bạn không lùi thì động từ “rise”.
Điều được tường thuật chưa xảy ra.
Ví dụ:
- They said they’re studying abroad next year. (Họ bảo họ sẽ đi du học vào năm sau.)
-> “Đi du học” là sự việc chưa xảy ra nên bạn không lùi thì động từ “are” ở MĐĐTT.
MĐĐTT là câu yêu cầu.
Ví dụ:
- She told me to read louder. (Cô ấy yêu cầu tôi đọc lớn hơn.)
-> Động từ “read” được dùng ở dạng nguyên mẫu do MĐĐTT bắt đầu bằng giới từ “to”.
Tìm hiểu chi tiết hơn về 12 thì trong tiếng Anh.
4.2. Bước 2: Lựa chọn và sử dụng đại từ phù hợp ở MĐĐTT
Khi chuyển đổi câu trực tiếp sang câu gián tiếp, bạn có thể thay đổi hoặc giữ nguyên đại từ trong MĐĐTT cho phù hợp. Điều này giúp người nghe dễ dàng nhận biết được người tường thuật đang thuật lại lời nói của người khác hay của chính bản thân họ.
Để biết cách giữ nguyên hay thay đổi đại từ trong câu gián tiếp, bạn có thể tham khảo cách sau:
Câu trực tiếp | Câu gián tiếp |
---|---|
I | I (Khi người tường thuật thuật lại lời của chính mình) |
I | He/ She (Khi thuật lại lời người khác) |
You (số ít) | I/ He/ She |
You (số nhiều) | They |
We | They |
Me | Me (Khi người tường thuật thuật lại lời của chính mình) |
Me | Him/ Her (Khi thuật lại lời người khác) |
Us | Them |
My | My (Khi người tường thuật thuật lại lời của chính mình) |
My | His/ Her (Khi thuật lại lời người khác) |
Your (số ít) | My/ His/ Her |
Your (số nhiều) | Their |
Our | Their |
Mine | Mine (Khi người tường thuật thuật lại lời của chính mình) |
Mine | His/ Her (Khi thuật lại lời người khác) |
Yours (số ít) | Mine/ His/ Hers |
Yours (số nhiều) | Theirs |
Ours | Theirs |
Myself | Myself (Khi người tường thuật thuật lại lời của chính mình) |
Myself | Himself/ Herself (Khi thuật lại lời người khác) |
Yourself (số ít) | Yourself/ Himself/ Herself |
Yourself (số nhiều) | Themselves |
Ourselves | Themselves |
Ví dụ:
- I said, “I’m cooking.” (Tôi bảo: “Tôi đang nấu ăn”.)
-> I said I was cooking. (Tôi bảo tôi đang nấu ăn.)
=> Người nói “tôi” đang thuật lại lời của chính họ là “tôi đang nấu ăn”.
- He told me, “You need to relax.” (Cậu ấy nói tôi: “Bạn cần nghỉ ngơi”.)
-> He told me that I needed to relax. (Cậu ấy nói tôi rằng tôi cần nghỉ ngơi.)
=> Dựa vào tân ngữ ở MĐTT là “me” (số ít), bạn sẽ chuyển “you” thành “I”.
- They said, “The teacher wants us to do a project.” (Họ nói: “Cô giáo muốn chúng tôi làm một dự án.”)
-> They said the teacher wanted them to do a project. (Họ nói cô giáo muốn họ thực hiện một dự án.)
4.3. Bước 3: Thay đổi trạng từ chỉ thời gian, địa điểm và đại từ chỉ định trong MĐĐTT
Khi lời nói của người khác được thuật lại một cách gián tiếp, các yếu tố về thời gian, địa điểm hay những người, sự vật được chỉ định trong MĐĐTT cũng cần được thay đổi cho phù hợp nhằm giúp người nghe nắm được thông tin chính xác.
Cách thay đổi trạng từ chỉ thời gian, địa điểm và đại từ chỉ định từ câu trực tiếp sang câu gián tiếp như sau:
Câu trực tiếp | Câu gián tiếp |
---|---|
now | then |
today/ tonight | that day/ that night |
yesterday | the day before = the previous day |
tomorrow | the next day = the following day |
ago | before |
last week/ month/… | the week before = the previous week/ the month before = the previous month/… |
next week/ month/… | the next week = the following week/ the next month = the following month/… |
here | there |
this | that |
these | those |
Ví dụ:
- She said, “I’m visiting my grandma now.”
(Cô ấy nói: “Giờ mình đang đi thăm bà.”
-> She said she was visiting her grandma then.
(Cô ấy nói lúc đó cô ấy đang đi thăm bà.)
- They asked me, “Will you stay here for a few days?”
(Họ hỏi tôi: “Bạn sẽ ở lại đây trong vài ngày chứ?”)
-> They asked me if I would stay there for a few days.
(Họ hỏi tôi rằng liệu tôi sẽ ở lại đó trong vài ngày chứ.)
- My mom told me, “This hamburger is yours.”
(Mẹ tôi bảo tôi: “Chiếc hamburger này là của con.”)
-> My mom told me that that hamburger was mine.
(Mẹ tôi bảo tôi rằng chiếc hamburger đó là của tôi.)
Lưu ý, trong trường hợp câu trực tiếp đã có sẵn các từ được dùng trong câu gián tiếp như then, there, before, that hay those, bạn có thể giữ nguyên, tức không thay đổi gì thêm, khi chuyển thành câu gián tiếp.
Ví dụ:
- John asked, “How long have you been there?” (John hỏi: “Bạn ở đấy bao lâu?”)
-> John asked how long I had been there. (John hỏi tôi ở đấy bao lâu.)
4.4. Bước 4: Lược bỏ các dấu câu không cần thiết
Như đã đề cập, câu gián tiếp không thuật lại chính xác từng câu chữ của người nói “gốc” như câu trực tiếp. Vì vậy, khi chuyển từ câu trực tiếp sang gián tiếp, các dấu câu đầu tiên ở MĐĐTT mà bạn cần lược bỏ chính là dấu ngoặc kép, dấu chấm hỏi và chấm than.
Ngoài ra, các dấu phẩy để ngăn cách MĐTT và MĐĐTT trong câu trực tiếp cũng cần được lược bỏ khi chuyển sang câu gián tiếp.
Ví dụ:
- I asked him, “What is your hobby?”
-> I asked him what his hobby was.
- They told her, “You look so beautiful today!”
-> They told her that she looked so beautiful that day.
Đến đây, bạn đã hoàn thành những kiến thức cơ bản nhất về câu tường thuật rồi đó! Để củng cố toàn bộ bài học bên trên, mời bạn cùng FLYER chinh phục một số bài tập nhỏ dưới đây nhé!
5. Bài tập về câu tường thuật
6. Tổng kết
Tóm lại, câu tường thuật giúp bạn dễ dàng thuật lại lời nói của người khác hay của chính mình bằng tiếng Anh một cách hiệu quả. Một số nội dung chính mà bạn cần ghi nhớ về câu tường thuật gồm:
- Câu tường thuật được chia làm hai loại, bao gồm câu trực tiếp (tường thuật chính xác từng câu chữ) và câu gián tiếp (tập trung tường thuật nội dung chính).
- Dù là loại nào, câu tường thuật cũng có hai thành phần chính: MĐTT và MĐĐTT.
- Có 4 bước chuyển đổi từ câu trực tiếp sang câu gián tiếp:
- Bước 1: Lùi thì MĐĐTT.
- Bước 2: Lựa chọn và sử dụng đại từ phù hợp ở MĐĐTT.
- Bước 3: Thay đổi trạng từ chỉ thời gian, địa điểm và đại từ chỉ định ở MĐĐTT.
- Bước 4: Lược bỏ các dấu câu không cần thiết ở cả hai mệnh đề.
Trông có vẻ dài và có nhiều thứ cần ghi nhớ, song nếu bạn chăm chỉ luyện tập và củng cố thường xuyên, chẳng mấy chốc bạn sẽ nắm vững các kiến thức này trong lòng bàn tay đấy!
Cùng luyện tập nhiều hơn về câu tường thuật tại Phòng luyện thi ảo FLYER bạn nhé! Không dừng lại ở câu tường thuật, bạn còn cơ hội luyện tập thêm nhiều kiến thức tiếng Anh khác với hàng trăm bộ đề “xịn” kết hợp các tính năng game siêu hấp dẫn tại FLYER nữa đó! Cùng chinh phục tiếng Anh ngay với FLYER nhé!
Đừng quên tham gia ngay nhóm Luyện Thi Cambridge & TOEFL cùng FLYER để được cập nhật các kiến thức vài tài liệu tiếng Anh mới nhất nhé.
>>> Xem thêm: