Có nhất thiết phải lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ nhỏ, để đảm bảo tương lai có công việc tốt hay không? Hay những tấm chứng chỉ chẳng qua là một cách để các gia đình ganh đua và “khoe” việc đầu tư cho giáo dục con cái?
Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại ý nghĩa của các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Vài năm trở lại đây, tôi thấy họ hàng và các đồng nghiệp nói nhiều về việc cho con họ theo học các khóa tiếng Anh lấy chứng chỉ quốc tế cho trẻ em như Starters, Movers, Flyers hay TOEFL. Điều này làm tôi không khỏi băn khoăn về lộ trình học của con mình, năm nay bắt đầu lên lớp ba và đang học tiếng Anh ở trường công theo chương trình của Bộ.
Không thể phủ nhận là cho con học các chương trình quốc tế giúp trẻ có cơ hội trau dồi tiếng Anh một cách hiệu quả hơn và việc học thời xưa với nay cũng khác nhau rất nhiều. Tuy nhiên, thế hệ 8x chúng tôi ở lứa tuổi bọn trẻ bây giờ sau giờ học còn đi đá bóng, ném lon hay đọc truyện tranh mà đến khi đi làm vẫn có thể sử dụng tốt tiếng Anh. Thế thì việc ép bọn trẻ hết giờ học chính, lại đi “cày” tại trung tâm tiếng Anh để thi lấy bằng quốc tế, có thực sự cần thiết hay không?
Hãy thử nhìn lại giá trị của những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế này là gì.
Trên thực tế, theo tôi hiểu, ở Việt Nam các chứng chỉ như Starters, Movers, Flyers, KET, PET … trước hết là những thang đánh giá trình độ tiếng Anh của trẻ. Đó là cơ sở để xét việc trẻ có thể theo học chương trình tiếng Anh nâng cao, thi vào các trường chuyên hay định cư ở nước ngoài hay không.
Song nhiều phụ huynh, nhất là các phụ huynh ở thành phố, lại bị cuốn theo tâm lý “đám đông” và “sợ con thua kém”. Tức là, con cái người khác học cái gì thì con mình cũng phải học theo cái đó, để không bị bỏ lại phía sau. Thế là những chứng chỉ này vô tình lại trở thành một công cụ để các bố mẹ ngầm ganh đua xem con ai giỏi hơn ai và nhà ai “chịu chi” cho con đi học hơn.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận đúng về những chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Hãy hiểu các chứng chỉ này gắn với những cách tiếp cận, lộ trình và trọng tâm học tập có hệ thống dành cho trẻ. Chẳng hạn như các kỳ thi Starters, Movers và Flyers của Đại học Cambridge, dành cho trẻ từ 7 – 12 tuổi, là các kỳ thi vừa để đánh giá trình độ, vừa để định hướng trọng tâm học tập cho học sinh.
Theo đó, các bài thi ở mỗi trình độ sẽ xoay quanh một lượng giới hạn các kiến thức ngữ pháp, từ vựng và những yêu cầu nhất định đối với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của con. Điều quan trọng là các bài thi này cùng lượng kiến thức đi kèm đều được nghiên cứu bởi các chuyên gia ngôn ngữ và giáo dục của Đại học Cambridge để đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp thu của từng lứa tuổi và giúp tạo động lực học tập cho trẻ.
Như vậy, nếu tôi đăng ký cho con học trình độ Movers, tôi cũng sẽ cần phải “liếc” qua trước xem để thi được, con tôi sẽ cần học những từ vựng thế nào, trau dồi kỹ năng gì từ đó giúp con tìm đúng thầy, ôn luyện đúng chỗ. Và như vậy tôi cũng sẽ hiểu được, nếu con tôi đạt 10 khiên (thang tính điểm của các bài kiểm tra Cambridge YLE) có nghĩa là con tôi đang ở trình độ nào và sẽ cần bồi dưỡng thêm kỹ năng nào để dần phát triển các kỹ năng tiếng Anh về sau.
Kết lại, sau khi tìm hiểu kỹ về các chứng chỉ này, tôi vẫn sẽ cho con đi học thi Cambridge Movers. Nhưng tôi quan niệm rõ ràng rằng, giá trị lớn nhất của chứng chỉ này nằm ở phương pháp tiếp cận với tiếng Anh – thứ mà con tôi sẽ được trải nghiệm trong quá trình luyện thi và giúp cho con phát triển khả năng tư duy, sử dụng tiếng Anh về sau. Do đó tôi sẽ không quá đặt nặng việc con được bao nhiêu “khiên” hay có thi đạt hay không.
Với tôi, chứng chỉ này nên là một thang đo thay vì là một thứ huy chương.
Tuấn Đông
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của của phụ huynh.