Concept Checking Questions (CCQs) là gì? – Học sinh đã thực sự hiểu bài?

Concept Checking Questions (CCQs) – Câu hỏi kiểm tra khái niệm được giáo viên sử dụng trong hoặc sau buổi học nhằm xác nhận mức độ hiểu bài thực tế của học sinh. Những câu hỏi chung chung như “Do you understand?” hay “Have you got it?” (Em có hiểu không?) đều nhận về một đáp án chung chung từ phía học sinh, thông thường đáp án đó là “Yes” (Có) bởi các em sẽ cảm thấy xấu hổ nếu tự nhận rằng mình chưa hiểu bài. CCQs được thiết kế để giải quyết vấn đề này. 

Trong bài viết dưới đây, FLYER sẽ giải thích cụ thể và gợi ý cách tận dụng CCQs triệt để trong lớp học nhằm giúp thầy cô hiểu rõ mức độ nhận thức của học sinh.

1. Concept Checking Questions (CCQs) là gì?

Concept Checking Questions CCQs
Khái niệm Concept Checking Questions (CCQs)

Concept Checking Questions (CCQs) là những câu hỏi được đặt ra để đảm bảo học sinh thực sự hiểu rõ những gì được dạy. Trong lớp học tiếng Anh, nội dung giảng bài xoay quanh khái niệm từ vựng, các cấu trúc ngữ pháp và ngữ cảnh sử dụng. Nếu học sinh hoàn toàn hiểu bài, các em có thể trả lời đúng CCQs cũng như sử dụng từ vựng, cấu trúc trong tình huống phù hợp.

Video dưới đây có thể giúp thầy cô hiểu rõ hơn về khái niệm Concept Checking Questions (Vui lòng bật phụ đề nếu cần):

CCQs đào sâu vào nội dung giảng dạy thay vì hỏi một cách quá trực tiếp về mức độ hiểu bài. Thông qua đó, học sinh sẽ được dẫn dắt khéo léo để thể hiện bản thân có thực sự nắm bắt nội dung hay không.

Concept Checking Questions CCQs
Ví dụ Concept Checking Questions
  • Concept: “restaurant” (nhà hàng)
  • CCQ: If I was hungry, would I go to the restaurant or the hospital? (Nếu tôi đói, tôi sẽ đến nhà hàng hay bệnh viện?)
  • Concept: “bookstore” (hiệu sách)
  • CCQ: What’s the name of the nearest bookstore? (Tên hiệu sách gần nhất là gì?)
  • Concept: I opened the window. (Tôi đã mở cửa sổ.)
  • CCQ: Am I opening the window now? (Tôi đang mở cửa sổ phải không?)

Lưu ý: Một cái bẫy mà giáo viên dễ mắc phải được gọi là “bẫy Yes”. Thầy cô hãy nhớ lại các buổi giảng dạy, khi học sinh được hỏi rằng: “Do you understand?” (Các em có hiểu không?), hầu hết học sinh đều đáp đồng thanh “Yes” (Có ạ) phải không? Thực chất, một vài em trong số đó chưa hoàn toàn hiểu bài nhưng cũng gật đầu cho qua. Đây chính là lúc Concept Checking Questions phát huy tác dụng hòng ngăn chặn hiện trạng “giấu dốt” diễn ra trong lớp học.

2. Khi nào nên sử dụng Concept Checking Questions?

Concept Checking Questions CCQs
Khi nào nên sử dụng CCQs trong lớp tiếng Anh?

Trong lớp học tiếng Anh, giáo viên có thể sử dụng Concept Checking Questions bất cứ khi nào muốn đánh giá khả năng tiếp thu của học sinh, bao gồm kiểm tra từ vựng, cụm từ và cấu trúc ngữ pháp.

Các câu hỏi kiểm tra cần được đặt đơn giản và phù hợp với trình độ của học sinh. Trong nhiều trường hợp (chẳng hạn như với nhóm học sinh mẫu giáo hoặc người mới bắt đầu), thầy cô cần cung cấp bối cảnh đặt câu hỏi hoặc hình ảnh để các em dễ hình dung hơn.

  • Nếu muốn kiểm tra khả năng hiểu từ “tree” (cái cây), thầy cô lần lượt chỉ vào bức ảnh cái cây và bông hoa rồi đặt câu hỏi CCQ: “Is this a tree?” (Đây có phải là cái cây không?).  

3. Các dạng Concept Checking Questions thường gặp?

Có nhiều cách để đặt Concept Checking Questions tùy vào sự sáng tạo của giáo viên. Thông thường có các loại câu hỏi CCQs sau:

3.1. Câu hỏi Yes/ No (Yes/ No questions)

Concept Checking Questions CCQs
Dạng Concept Checking Questions: Yes/ No questions

Câu hỏi Yes/ No là lựa chọn hàng đầu để kiểm tra khả năng hiểu bài bởi sự linh hoạt và đơn giản.

  • Khi thầy cô chỉ vào bức hình ngôi nhà và hỏi: Is this a house? (Đây có phải ngôi nhà không?), đáp án mong đợi sẽ là “Yes”, điều này chứng tỏ học sinh đã nắm được nghĩa của từ “house”. 
  • Ngược lại, khi thầy cô chỉ vào bức hình “pagoda” (ngôi chùa) và hỏi tương tự, đáp án mong đợi sẽ là “No”.

Chỉ khi học sinh hiểu rõ sự khác biệt giữa các khái niệm “house” và “pagoda” thì mới có thể trả lời đúng.

  • Do we use “some” in positive sentences? 

(Có dùng “some” trong câu khẳng định được không?)

  • Do we use “much” for countable nouns?

(Có dùng “much” cho danh từ đếm được không?)

  • Do “work” refer to the act of working?

(Từ “work” có phải chỉ hành động làm việc không?)

Ứng dụng CCQs dạng Yes/ No Question trong lớp học:

3.2. Câu hỏi phân biệt (Discrimination question)

Concept Checking Questions CCQs
Dạng Concept Checking Questions: Discrimination question

Câu hỏi phân biệt thách thức học sinh thể hiện sự hiểu biết bằng cách đưa ra lựa chọn đúng dựa vào ngữ cảnh hoặc mô tả sẵn có trong câu hỏi.

Cách đơn giản nhất để đặt CCQs dạng này là đưa ra các tình huống giả định, bắt đầu bằng “If….” (Nếu…).

  • If you give something to someone temporarily, are you borrowing or lending?

(Nếu đưa một món đồ cho ai đó tạm thời, các em đang “mượn” hay “cho mượn”?)

  • If you are concentrating on sounds, do you “listen” or “hear”?

(Nếu tập trung vào âm thanh, các em đang “listen” hay “hear”?)

  • If I say “I will see you later”, do I decide just now?

(Nếu tôi nói “Mình sẽ gặp bạn sau”, có phải tôi vừa đưa ra quyết định này không?) 

  • If you want to buy a dress, should you go to a clothing store or a shoe store?

(Nếu các em muốn mua một chiếc đầm, các em nên đến “clothing store” hay “shoe store”?)

3.3. Câu hỏi trả lời ngắn (Short answer questions)

Concept Checking Questions CCQs
Dạng Concept Checking Question: Short answer questions

Câu hỏi trả lời ngắn dùng để xác nhận các chi tiết, giúp giáo viên đảm bảo học sinh thực sự hiểu thông tin cụ thể.

Điểm hay của short answer questions là đôi khi, một câu hỏi có thể có nhiều đáp án. Do đó, short answer questions có thể được gọi là open-ended questions (câu hỏi mở).

  • Concept: “convenience store”
  • CCQ: What’s the name of the convenience store near you? (Cửa hàng tiện lợi gần các em tên là gì?)
  • Concept: “capital”
  • CCQ: What’s the capital of France? (Thủ đô của Pháp là gì?)
  • Concept: “thirsty”
  • CCQ: What do you do when you are thirsty? (Bạn làm gì khi khát nước?)

3.4. Câu hỏi lựa chọn (Either/ or)

Concept Checking Questions CCQs
Các dạng Concept Checking Questions: Either/ Or

Dạng CCQs Either/ or khá giống với dạng Discrimination questions (Phần 3.2) bởi cả hai dạng câu hỏi đều đưa ra những lựa chọn. Điểm khác biệt lớn nhất là Either/ or ngắn hơn và hướng tới một đối tượng cụ thể thay vì mô tả một ngữ cảnh.

  • Is Earth rounded or squared?

(Trái Đất vuông hay tròn?)

  • Is ice hot or cold?

(Đá nóng hay lạnh?)

  • Do you study on weekends or on weekdays?

(Các em học vào cuối tuần hay trong tuần?)

3.5. Khẳng định phi ngôn ngữ (Nonverbal affirmation)

Concept Checking Questions CCQs
Các dạng Concept Checking Questions: Nonverbal affirmation

CCQs “Khẳng định phi ngôn ngữ” thường ở dạng câu yêu cầu hoặc mệnh lệnh. Nếu học sinh hiểu khái niệm đang được nói tới, các em sẽ làm đúng yêu cầu của giáo viên. Ngược lại, nếu học sinh chưa thực sự hiểu bài, các em có thể tỏ ra chần chừ hoặc thực hiện sai yêu cầu.

  • Trên bảng có 3 bức hình: xe hơi, xe máy, xe đạp. Giáo viên đưa ra một yêu cầu: 

Point to the car! (Hãy chỉ vào xe hơi!)

=> Nếu học sinh hiểu khái niệm xe hơi trong tiếng Anh là “car”, các em sẽ chỉ đúng bức hình xe hơi.

Ứng dụng CCQs khẳng định phi ngôn ngữ trong lớp học:

4. Làm sao để đặt concept checking questions đúng cách?

Theo tài liệu thu thập, có một số “nguyên tắc vàng” khi sử dụng CCQs trong giảng dạy tiếng Anh:

4.1. Chuẩn bị trước các CCQs

Là một giáo viên tiếng Anh ESL, việc xem qua bài học trước khi bắt đầu lớp học và sáng tạo thêm một số câu hỏi sẽ rất có lợi. Điều này giúp việc tổ chức lớp học cũng như phân bổ bài học thêm phần hợp lý, đồng thời tận dụng tối đa thời gian dạy học trên lớp, tránh tình trạng bị “cháy giáo án”.

Với bài học về câu điều kiện, thầy cô có thể đặt một số CCQs như sau:

  • If you had a million dollars, what would you do?
    (Nếu các em có 1 triệu đô, các em sẽ làm gì?)

Các CCQs tiếp theo:

  • Is this situation real or imaginary?
    (Đây là tình huống thực hay tưởng tượng?)
  • Does it mean you have a million dollars now?
    (Tình huống trên có nghĩa là các em hiện đang có 1 triệu đô?)
  • Are you talking about something that will definitely happen?
    (Chúng ta đang nói về điều chắc chắn sẽ xảy ra?)

4.2. Đặt câu hỏi đơn giản

“Đơn giản” tức là sử dụng từ ngữ dễ hiểu và phù hợp với trình độ hiện tại của học sinh. Nếu đặt CCQs quá phức tạp, thầy cô sẽ lãng phí thời gian cho việc giải thích các chi tiết khó hiểu không phù hợp với lớp học. 

Trình độ của học sinh là Beginner (Mới bắt đầu):

CCQ phù hợp CCQ không phù hợp 
Do you like London?
(Em có thích Luân Đôn không?)
=> Cấu trúc thì hiện tại đơn, từ vựng rất đơn giản, độ dài phù hợp.
Have you visited London before?
(Em đã từng thăm Luân Đôn chưa?)
=> Cấu trúc thì hiện tại hoàn thành thuộc trình độ Intermediate, không phù hợp với Beginners.

4.3. Sử dụng nhiều dạng CCQs khác nhau

Sử dụng nhiều dạng Concept Checking Questions cho phép giáo viên kiểm tra các khía cạnh khác nhau của khái niệm mục tiêu. Mỗi loại câu hỏi sẽ gợi ra một loại phản hồi hoàn toàn khác biệt. Chẳng hạn, một số câu hỏi gợi ra những câu trả lời ngắn, có/ không, trong khi các câu hỏi khác tạo ra một cuộc đối thoại và đáp án mở.

Khi dạy từ “happy” (vui vẻ, hạnh phúc), một CCQ có thể đặt là:

  • Do you feel happy when you get a gift?

(Khi nhận quà bạn có vui không?)

=> Đáp án thông thường sẽ là “Yes” (), nhưng học sinh cũng có thể trả lời “No” (Không) và đưa ra lý do cụ thể. Chẳng hạn:

=> No, because I will have to give them a gift in return.

     (Không ạ, vì em sẽ phải tặng lại họ một món quà khác.)

Điều này có nghĩa là, thầy cô cần linh hoạt trong khi sử dụng CCQs và khi đánh giá câu trả lời của học sinh dựa vào kinh nghiệm giảng dạy riêng của bản thân.

4.4. Hướng đến đối tượng học sinh cụ thể

Trong quá trình giảng dạy, thầy cô cần hướng CCQ đến những học sinh cụ thể thay vì luôn đặt câu hỏi chung cho cả lớp. Điều này cho phép giáo viên kiểm tra một cách “cá nhân hóa” và nắm rõ mức độ hiểu bài thực tế của mỗi học sinh.

Hãy dành câu hỏi khó hơn cho học sinh giỏi; ngược lại, những câu hỏi đơn giản dành cho những học sinh có tốc độ tiếp thu chậm hơn. Bằng cách này, sự đa dạng câu hỏi được tăng lên, đồng thời cho phép học sinh tiếp thu kiến thức chéo và lắng nghe thêm nhiều góc độ ý kiến. Thầy cô hẳn sẽ rất ngạc nhiên với sự sáng tạo trong đáp án của các em đấy!

4.5. Sử dụng hình ảnh trực quan

Học sinh rất thích các ví dụ trực quan với nhiều màu sắc, âm thanh, biểu cảm hay hình ảnh. Do vậy, việc kết hợp CCQs với các phương tiện truyền thông giúp lớp học trở nên thú vị và gia tăng động lực học tập cho học sinh. 

  • Khi dạy động từ “eat” (ăn), thầy cô có thể làm động tác giả vờ ăn và đặt CCQ: “What am I doing now? (Tôi đang làm gì?).
  • Khi dạy về màu sắc, thầy cô cho học sinh xem một video gồm các màu sắc và đặt các CCQs như: What’s the first color? (Màu sắc đầu tiên là gì?), What’s the last color in the video? (Màu sắc cuối cùng trong video là gì?), How many colors are there in the video? (Có bao nhiêu màu sắc trong video?).

5. CCQs khác gì với ICQs?

Concept Checking Questions CCQs
Phân biệt CCQs và ICQs

CCQs và ICQs có chức năng hoàn toàn khác nhau.

Concept Checking Questions (CCQs) là những câu hỏi được đặt ra để giáo viên xác minh xem học sinh có thực sự hiểu rõ cách sử dụng một khái niệm hoặc khía cạnh của tiếng Anh trong ngữ cảnh nhất định, bao gồm: ý nghĩa từ vựng, cách dùng các cấu trúc ngữ pháp và từ vựng phù hợp ngữ cảnh.

Instruction Checking Questions (ICQs) là những câu hỏi được đặt ra để giáo viên xác minh rằng học sinh có nhận thức được mình cần phải làm gì hay không, bao gồm: hướng dẫn bài tập hoặc hướng dẫn thực hành. 

Concept Checking Questions CCQs
Ví dụ về Instruction Checking Question

Ví dụ về ICQs trong lớp học online:

Một số thầy cô lầm tưởng rằng ICQs không thật sự quan trọng. Mặc dù vậy, học sinh thường bị mất tập trung trong lớp học và bỏ qua những chi tiết hoặc các hướng dẫn từ giáo viên, dẫn đến việc bối rối trong khâu thực hành hoặc mất thời gian hỏi lại những gì đã được hướng dẫn. Trong trường hợp này, ICQs đóng vai như một công cụ để giúp học sinh tập trung trở lại.

Mời thầy cô xem bảng sau để thấy rõ sự khác biệt giữa CCQs và ICQs:

CCQs (Concept Checking Questions)ICQs (Instruction Checking Questions)
Kiểm tra mức độ thông hiểu các khái niệm, từ vựng, cấu trúc của học sinh.Kiểm tra độ nhận thức rõ ràng về các nhiệm vụ học sinh cần làm.
Ví dụ:

Câu hỏi chủ đề: 

Look! The forest is on fire!
(Nhìn kìa, khu rừng đang bốc cháy!)

CCQs:

Is the forest on fire now?
(Có phải khu rừng đang bốc cháy không?)

Is this happening or did this happen?
(Sự việc này đang diễn ra hay đã diễn ra?)
Ví dụ:

Hướng dẫn bài tập:

Read the passage on page 33 again and summarize the main idea in two sentences.
(Hãy đọc lại đoạn văn ở trang 33 và tóm tắt lại nội dung chính bằng 2 câu nhé.)

ICQs:

Where should you look to find the passage?
(Các em cần tìm đoạn văn ở đâu?)
-> Trả lời: Page 33
What should you focus on in your summary?(Các em cần tập trung vào điều gì trong phần tóm tắt?)
-> Trả lời: The main idea.

6. Thách thức khi sử dụng Concept Checking Questions

Mặc dù Concept Checking Questions là một công cụ hữu dụng trong việc đánh giá độ hiểu biết của học sinh, thầy cô cần sử dụng CCQs sao cho cẩn trọng để hạn chế một vài thách thức thường gặp:

  • Câu hỏi không rõ ràng hoặc không phù hợp với trình độ: Nếu CCQs quá khó, học sinh sẽ không hiểu câu hỏi hoặc hiểu nhưng không thể trả lời. Ngược lại, nếu CCQs quá dễ thì không thể đánh giá được mức độ hiểu bài thực sự của học sinh.
  • Đặt không đủ số lượng câu hỏi: Mỗi khi ứng dụng CCQs, số lượng câu hỏi nên từ 2 câu trở lên để đảm bảo học sinh hiểu nhiều khía cạnh của nội dung được học.
  • Thiếu sự linh hoạt trong câu hỏi: Sự chuẩn bị được đánh giá cao nhưng giáo viên cũng cần quan sát tình hình lớp học để thay đổi, bổ sung cho từng tình huống cụ thể. Ví dụ, nếu nhận thấy phần lớn học sinh thiếu tự tin khi trả lời câu hỏi, giáo viên sẽ biết rằng nhiều em chưa hiểu bài, từ đó lên kế hoạch ôn tập hoặc giảng lại phần nội dung đó.
  • Học sinh không dám trả lời: Đôi khi học sinh sẽ cảm thấy ngại hoặc thiếu tự tin khi phải trả lời quá nhiều câu hỏi, đặc biệt là khi các em chưa chắc chắn về đáp án của mình. Do vậy, việc tạo một không khí sôi động, cởi mở cho lớp học là rất quan trọng. 
  • Phản ứng của học sinh không chính xác: Học sinh có thể trả lời sai do thiếu tự tin dù các em đã hiểu bài, trả lời sai do không hiểu rõ câu hỏi. Mặt khác, một số em trả lời đúng do được bạn nhắc hoặc đã được học trước. Do vậy, CCQs cần được thay đổi linh hoạt.

7. Ví dụ các Concept Checking Questions cho lớp học tiếng Anh

8. Câu hỏi thường gặp về Concept Checking Questions (CCQs)

Câu 1: Thế nào là một CCQ hiệu quả?

Một CCQ hiệu quả được đánh giá theo các từ khóa sau:

Tính rõ ràng: Câu hỏi rõ ràng và đi thẳng vào trọng tâm, không quá khó hiểu hoặc lòng vòng.

Tính liên quan: Cần liên kết trực tiếp với khái niệm được giảng dạy.

Độ khó phù hợp: Độ khó của CCQ phải phù hợp với trình độ hiểu biết của học sinh và mức độ phức tạp của khái niệm. Câu hỏi cần đủ thách thức để khuyến khích học sinh trả lời nhưng không được quá khó dễ gây nản.

Không để lộ đáp án: CCQ hiệu quả không gợi ý đáp án, học sinh cần sử dụng sự hiểu biết để tự trả lời.

Tính cụ thể: Một CCQ tốt nhắm vào một khía cạnh cụ thể của khái niệm (chẳng hạn như nghĩa, loại từ, bối cảnh sử dụng,…) để đảm bảo học sinh nắm toàn bộ khía cạnh của nội dung được dạy cũng như giúp giáo viên hiểu rõ học sinh đang gặp khó khăn ở đâu.

Tính đa dạng: Cần kết hợp nhiều dạng câu hỏi để giúp học sinh hiểu rõ hơn về khái niệm.

Sẵn sàng phản hồi: Giáo viên cần phản hồi ngay lập tức về độ chính xác hoặc thảo luận thêm dựa vào đáp án của học sinh, bất kể đáp án đó là đúng hay sai.

Câu 2: Giáo viên thường mắc lỗi gì khi sử dụng Concept Checking Questions?

– Sử dụng quá nhiều dạng câu hỏi Yes/ No.
– Bỏ qua các câu hỏi bổ sung (follow-up questions), chỉ đặt một CCQ duy nhất.
– Không điều chỉnh CCQ phù hợp với trình độ của học sinh, thiết kế quá khó hoặc quá dễ.
– Đặt CCQ mơ hồ, không xoáy thẳng vào khái niệm cốt lõi.

Câu 3: Làm gì nếu học sinh trả lời sai một CCQ?

Khi học sinh đưa ra đáp án sai, thầy cô cần đưa ra phản hồi ngay lập tức bằng cách:

– Giảng lại mảng nội dung học sinh chưa hiểu bằng cách đưa thêm ví dụ hoặc diễn đạt lại.
– Thiết kế lại các CCQ đơn giản hơn để xác nhận lại khả năng hiểu bài.
– Cho học sinh thời gian để suy nghĩ thay vì chỉ đưa ra đáp án đúng.

9. Tổng kết

Tóm lại, thầy cô cần chú ý những điểm chính về Concept Checking Questions sau:

  • CCQs là gì?: Là những câu hỏi được thiết kế để giúp giáo viên xác minh học sinh đã hiểu rõ nội dung được dạy hay chưa (như cách sử dụng cấu trúc, từ vựng, cụm từ hoặc bối cảnh sử dụng) 
  • Khi nào sử dụng CCQs?: Khi giáo viên giải thích một khái niệm mới hoặc bất cứ khi nào cần kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh.
  • Làm sao để đặt CCQs đúng cách?: Để đặt CCQs đúng cách, giáo viên cần lưu ý:
Sử dụng từ ngữ đơn giản và phù hợp trình độ của học sinh.
Chuẩn bị trước các câu hỏi và thay đổi linh hoạt tùy vào tình hình lớp học.
Hỏi ít nhất 2 câu cho một khía cạnh nội dung.
Kết hợp nhiều loại câu hỏi như Yes/ No, Either/ or, Wh-questions, True/ False,… tùy vào mức độ sáng tạo.
Tập trung vào ngôn ngữ mục tiêu thay vì tình huống. Ví dụ: He’s been at home all day. (Anh ấy đã ở nhà cả ngày.)
-> Nên: Did he go out? (Anh ấy đã ra ngoài phải không?)-> Không nên: Is he tired? (Anh ấy mệt phải không?)

Concept Checking Questions chính là một trong những kỹ năng quan trọng của giáo viên tiếng Anh. Vì vậy, thầy cô cần luyện tập liên tục ngay tại lớp nhằm giúp học sinh có phản xạ tốt cũng như nâng cao hiệu quả lớp học. FLYER chúc thầy cô thành công.

Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?

FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!

Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…

Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp

Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…

Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)

Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!

Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188

>>> Xem thêm:

    Đăng ký Đối tác

    Comments

    Subscribe
    Notify of
    guest

    0 Comments
    Oldest
    Newest Most Voted
    Inline Feedbacks
    View all comments
    Tâm Trần
    Tâm Trần
    "Muốn thay đổi vận mệnh, trước tiên hãy thay đổi tính cách".

    Related Posts