Cooperative Learning (Học tập hợp tác) là khái niệm khá mới mẻ đối với không ít thầy cô. Phương pháp này không chỉ tăng cường hiệu suất học tập mà còn phát triển các kỹ năng xã hội cho học sinh. Vậy, nền tảng của Cooperative Learning là gì? Ứng dụng vào lớp học ra sao? Mời quý thầy cô cùng FLYER tham khảo qua bài viết sau đây.
1. Cooperative Learning là gì?
Cooperative Learning (Học tập hợp tác) là một phương pháp giáo dục yêu cầu học sinh làm việc cùng nhau (làm việc theo nhóm) để đạt được mục tiêu học tập chung.
Các đặc điểm chính của Cooperative Learning bao gồm:
Đặc điểm | Nội dung |
---|---|
Tính cộng tác | Học sinh làm việc cùng nhau, chia sẻ thông tin và kiến thức để giúp đỡ nhau trong quá trình học. |
Phân công nhiệm vụ | Mỗi thành viên trong nhóm thường có nhiệm vụ riêng để đóng góp vào dự án hoặc bài học chung. |
Tính kỹ năng xã hội | Học tập hợp tác khuyến khích phát triển kỹ năng xã hội như giao tiếp, lắng nghe, quản lý thời gian và làm việc trong nhóm. |
Học hỏi qua việc chia sẻ kiến thức cho nhau | Học sinh có thể chia sẻ với nhau những khái niệm hoặc kiến thức mà các em đã nắm vững. |
Đánh giá nhóm và cá nhân | Thường có sự kết hợp giữa đánh giá nhóm và đánh giá cá nhân để đảm bảo tính công bằng trong quá trình học. |
Học tập hợp tác thường mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện hiệu suất học tập, phát triển kỹ năng mềm, khuyến khích tư duy sáng tạo và tạo ra môi trường học tập tích cực. Phương pháp này thường được ứng dụng trong nhiều môi trường giáo dục – đào tạo, từ trường học các cấp đến những khóa đào tạo doanh nghiệp.
2. Nền tảng của Cooperative Learning
Nền tảng của Cooperative Learning dựa trên nhiều yếu tố như: Sự phụ thuộc cá nhân tích cực, trách nhiệm cá nhân, sự tham gia bình đẳng và tương tác cùng lúc. Để hiểu rõ hơn, mời thầy cô tham khảo nội dung sau đây.
2.1. Sự phụ thuộc cá nhân tích cực (Positive Interdependence)
Nói về phương pháp Cooperative Learning là nói đến sự phụ thuộc cá nhân tích cực khi lợi ích của một người liên quan đến lợi ích của một người khác. Các thành viên trong cặp hoặc nhóm cần ý thức rằng mình là một đội và đang hướng về mục tiêu chung.
2.2. Trách nhiệm cá nhân (Individual Accountability)
Khi thực hành phương pháp học tập hợp tác, mỗi cá nhân cần hoàn thành nhiệm vụ của riêng mình để đạt được mục tiêu chung. Điều này đòi hỏi học sinh phải có trách nhiệm cao trong việc kỷ luật bản thân và hoàn thành công việc của mình một cách chỉn chu.
2.3. Tham gia bình đẳng (Equal Participation)
Làm việc theo cặp và theo nhóm thường được các bạn học sinh đón nhận nhiệt tình, nhưng vấn đề là khó kiểm tra liệu các em có đang làm việc một cách công bằng hay không. Các chiến lược Cooperative Learning đảm bảo rằng mỗi học sinh trong nhóm/ cặp đều đóng góp một cách công bằng vào kết quả cuối cùng. Những chiến lược này được thiết kế để gia tăng sự tương tác và đảm bảo mỗi học sinh đều có đóng góp vào các hoạt động theo nhiệm vụ cụ thể.
2.4. Tương tác cùng lúc (Simultaneous Interaction)
Cooperative learning yêu cầu sự trao đổi thông tin, thảo luận liên tục giữa các thành viên trong nhóm và/ hoặc giữa các nhóm với nhau để đi đến một mục tiêu chung. Nếu không duy trì yếu tố này, mục tiêu sẽ khó lòng đạt được.
3. Những lợi ích và thách thức khi áp dụng Cooperative learning
Như bất kỳ phương pháp học tập nào, Cooperative Learning cũng mang những lợi ích và khó khăn riêng khi áp dụng.
3.1. Ưu điểm của Cooperative Learning
Ưu điểm | Giải thích |
---|---|
Thúc đẩy sự tham gia của tất cả học sinh | Trong Cooperative Learning, học sinh không chỉ lắng nghe bài giảng từ thầy cô mà còn phải tham gia tích cực vào quá trình học tập. Các em được tham gia thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, đóng góp kiến thức và kỹ năng của mình để đạt được mục tiêu chung của nhóm. |
Phát triển kỹ năng làm việc nhóm | Cooperative Learning tạo cơ hội cho học sinh học cách làm việc với người khác, phân chia công việc, tận dụng sự đa dạng trong nhóm để đạt được mục tiêu chung. |
Khám phá nhiều quan điểm | Học sinh có cơ hội nghe hiểu quan điểm của người khác khi học theo phương pháp Cooperative Learning. Qua đó, các em phát triển khả năng tư duy phản biện, mở cửa cho sự đa chiều trong tư duy và hiểu biết sâu hơn về nhiều chủ đề. |
Quản lý thời gian hiệu quả | Trong Cooperative Learning, học sinh chia sẻ trách nhiệm với nhau, trong đó mỗi em buộc phải hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng thời hạn để theo kịp tiến độ chung của cả nhóm.. Điều này giúp học sinh học được kỹ năng ước tính thời gian cần thiết cho từng phần công việc và tuân thủ theo lịch trình cho trước. |
Vai trò và trách nhiệm rõ ràng | Các em được phân công công việc, quy định trách nhiệm và xác định mục tiêu cụ thể. Vai trò và trách nhiệm rõ ràng giúp tối ưu hóa hiệu quả làm việc của từng thành viên trong nhóm, đồng thời giảm thiểu sự mơ hồ và xung đột trong quá trình học tập. |
Sự phụ thuộc tích cực | Học sinh học cách tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ hoặc dự án. Các em sẽ nhận thức được rằng thành công của cả nhóm phụ thuộc vào đóng góp và sự hợp tác của từng cá nhân. Điều này thúc đẩy trách nhiệm cá nhân và khuyến khích sự tự giác trong quá trình học. |
Phát triển kỹ năng xã hội | Sự phụ thuộc tích cực trong học tập hợp tác giúp học sinh phát triển kỹ năng xã hội quan trọng như lắng nghe, trao đổi thông tin, hỗ trợ đồng đội và giải quyết xung đột. |
Nhận biết phong cách học tập của học sinh | Cooperative Learning cho phép giáo viên nhận biết phong cách học tập và sở thích của từng học sinh. Nhờ đó thầy cô có thể tùy chỉnh phương pháp giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của mỗi em. |
Thúc đẩy giáo dục kiến thức xã hội | Giáo viên có cơ hội giảng dạy về giáo dục xã hội thông qua việc học cách hợp tác, tôn trọng ý kiến của người khác và giải quyết xung đột. |
Tiết kiệm công sức giảng bài | Khi học sinh làm việc cùng nhau, học sinh có thể giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau. Do đó, thầy cô có thể giảm bớt khối lượng công việc và tập trung vào hỗ trợ các em. |
3.2. Nhược điểm của Cooperative Learning
Nhược điểm | Nội dung |
---|---|
Thầy cô chưa quản lý được các nhóm một cách triệt để | Học sinh có thể có sự không đồng tình, xung đột hoặc khó khăn trong khi làm việc cùng nhau. Điều này đòi hỏi sự can thiệp và kỹ năng quản lý từ phía giáo viên. |
Chưa có sự đồng đều và nghiêm khắc khi phân công, quản lý nhiệm vụ | Một số học sinh có thể không hoàn thành công việc của mình hoặc dựa vào bạn cùng nhóm để hoàn thành. Từ đó dẫn đến sự không công bằng trong nhóm. |
Yêu cầu thời gian | Học tập hợp tác có thể yêu cầu một buổi học có nhiều thời gian hơn để học sinh thảo luận, làm việc cùng nhau và trình bày kết quả. |
Không phù hợp cho tất cả bài giảng | Cooperative Learning không phải lúc nào cũng phù hợp cho tất cả các môn học hoặc mục tiêu giảng dạy. Một số bài học hoặc nhiệm vụ có thể yêu cầu làm việc độc lập hoặc có cách tiếp cận khác. |
Mất nhiều thời gian chuẩn bị | Việc lên kế hoạch cẩn thận và xác định rõ nhiệm vụ cho từng nhóm có thể tốn thời gian, công sức của các thầy cô khi mới thực hiện phương pháp lần đầu. |
4. Phân biệt Collaborative learning với Cooperative learning
Collaborative learning và Cooperative learning là hai phương pháp học tập phổ biến, trong đó đều yêu cầu sự hợp tác giữa các học sinh. Tuy nhiên, hai phương pháp này lại có nhiều điểm khác biệt lẫn nhau. Mời thầy cô tìm hiểu rõ hơn qua bảng phân biệt sau:
Điểm khác biệt | Collaborative Learning | Cooperative Learning |
---|---|---|
Khái niệm | Collaborative Learning khuyến khích tinh thần làm việc nhóm và tạo cơ hội tương tác xã hội. Học sinh có thể cùng nhau đặt câu hỏi, chia sẻ ý tưởng và cung cấp phản hồi để nâng cao trải nghiệm học tập. -> Vấn đề bài học có sẵn. Học sinh hợp tác, trao đổi ý kiến để cùng giải quyết vấn đề. | Cooperative Learning là phương pháp học tập mà học sinh làm việc theo nhóm nhỏ để tìm hiểu, chia sẻ và trao đổi kiến thức nhằm đạt được mục tiêu học tập chung, dưới sự hướng dẫn của giáo viên. -> Chưa có nội dung bài học. Học sinh hợp tác, trao đổi ý kiến của nhau để cùng hình thành nội dung. |
Dựa vào | Sự tham gia và hợp tác của nhóm | Phân công nhiệm vụ và nỗ lực của mỗi cá nhân |
Chức năng | Giải quyết vấn đề tập thể | Phân công vai trò rõ ràng, mỗi thành viên như một “mảnh ghép” với những nhiệm vụ riêng. |
Tính chất tương tác | Tham gia tích cực, có sự đóng góp của nhiều ý kiến trên cùng một vấn đề | Sự phụ thuộc và hỗ trợ lẫn nhau. Mỗi người là một “mảnh ghép” tạo thành một “bức tranh hoàn thiện” |
Kỹ năng | Tư duy phản biện và giao tiếp | Khả năng quản lý và tổ chức thời gian |
Lợi ích | Nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề | Quản lý thời gian hiệu quả |
Cải thiện giao tiếp | Vai trò và trách nhiệm rõ ràng | |
Tương tác xã hội | Sự phụ thuộc lẫn nhau tích cực | |
Phát triển tư duy phê phán | Nâng cao lòng tự trọng | |
Tăng động lực | Trau dồi kỹ năng lãnh đạo | |
Phù hợp với | Thúc đẩy tinh thần đồng đội và hợp tác | Phân chia các dự án phức tạp |
Học tập tích cực và trải nghiệm | Sự phụ thuộc và hỗ trợ lẫn nhau | |
Khuyến khích quyền làm chủ việc học | Nhấn mạnh sự đóng góp của cá nhân | |
Trau dồi kỹ năng giải quyết vấn đề | Thực hành kỹ năng lãnh đạo |
5. Chiến lược vận dụng Cooperative Learning trong lớp học
Các hoạt động Cooperative Learning trong lớp có thể được lựa chọn tùy thuộc vào mục tiêu bài giảng của thầy cô và đặc điểm lớp học. Dưới đây là một số chiến lược Cooperative Learning mà thầy cô có thể vận dụng vào quá trình giảng dạy:
5.1. Think-Pair-Share (Nghĩ-Cặp-Chia sẻ)
Think-Pair-Share là một chiến lược Cooperative Learning vô cùng đơn giản mà hiệu quả. Ngoài việc giúp học sinh tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề, chiến lược Think-Pair-Share cũng khuyến khích các em tự đánh giá kiến thức vừa học và đo lường mức độ hiểu bài của bản thân.
Với chiến lược này, giáo viên đặt một câu hỏi cho cả lớp, có thể ở đầu bài giảng hoặc trong một phần quan trọng bất kỳ của bài học. Học sinh có một khoảng thời gian riêng để suy nghĩ và ghi chú câu trả lời của các em xuống giấy. Sau đó, học sinh thảo luận với bạn cùng bàn về câu trả lời của mình. Sau buổi trao đổi theo nhóm đôi, học sinh sẽ chia sẻ câu trả lời cuối cùng trước lớp.
5.2. Circle-the-Sage (Vòng tròn những hiền tài)
Một chiến lược rất hiệu quả khác để thúc đẩy học sinh tham gia vào quá trình Cooperative Learning là Circle-the-Sage. Giáo viên đặt một câu hỏi cho cả lớp, sau đó yêu cầu tất cả học sinh có thể trả lời được câu hỏi này đứng lên. Những học sinh chưa biết câu trả lời có thể lựa chọn một trong số bạn đang đứng để lắng nghe giải thích.
Chiến lược Circle-the-Sage đã được chứng minh là rất hiệu quả cho cả bạn học lẫn bạn hướng dẫn. Bạn hướng dẫn có cơ hội kiểm tra và củng cố kiến thức mà mình đã học. Trong khi đó, bạn học được khám phá và học hỏi thêm những kiến thức mới, những góc nhìn khác từ bạn mình. Cũng trong hoạt động này, cả hai nhóm học sinh trên đều được luyện tập các kỹ năng xã hội như giao tiếp, làm việc nhóm,… và nhiều kỹ năng quan trọng khác.
5.3. Timed-Pair-Share (Hẹn giờ-Cặp-Chia sẻ)
Timed-Pair-Share là một chiến lược Cooperative Learning tập trung chủ yếu vào việc luyện tập kỹ năng lắng nghe cho học sinh. Với hoạt động này, thầy cô đưa ra một chủ đề để học sinh tự suy luận trong vài phút. Sau đó, thầy cô yêu cầu các em thiết lập các nhóm đôi và trao đổi với nhau về các ý tưởng của mình.
Quá trình trao đổi ý tưởng theo nhóm đôi sẽ diễn ra như sau: Trong khi một bạn nói về ý tưởng của mình (A), bạn còn lại chỉ lắng nghe (có thể khi chép lại) mà không nói gì thêm (B). Sau khi bạn A trình bày xong, bạn B tiến hành đưa ra phản hồi cho bạn A. Quá trình này tiếp tục lặp lại khi bạn B bắt đầu nói về ý tưởng của mình. Đây cũng là điểm khác biệt của Timed-Pair-Share so với các chiến lược trên.
Đối với học sinh ở độ tuổi nhỏ, khả năng tập trung của các em còn giới hạn. Để giúp học sinh phân chia vai trò rõ ràng, hơn nữa là tập trung hơn vào nhiệm vụ của mình trong các phiên trao đổi, FLYER gợi ý thầy cô có thể yêu cầu bạn lắng nghe cầm một cây bút và bạn nói cầm một tờ giấy.
Chiến lược Timed-Pair-Share khuyến khích những học sinh thụ động,ngại chia sẻ trở nên chủ động hơn trong học tập. Đặc biệt, chiến lược này rất hữu ích trong các lớp học tiếng Anh. Học sinh không chỉ được luyện nói mà còn có cơ hội rèn luyện kỹ năng nghe hiểu tiếng Anh của bản thân.
5.4. Agree-Disagree Line-ups (Xếp hàng theo đồng tình-không đồng tình)
Agree-Disagree Line-ups tạm dịch là “Xếp hàng theo đồng tình-không đồng tình“. Theo chiến lược này, giáo viên sẽ đưa ra một luận điểm, yêu cầu học sinh chọn đồng tình hoặc không đồng tình với luận điểm đó (dựa trên ý kiến riêng của các em).
Ví dụ, “Education should be free in Vietnam. Who agrees and who disagrees with this statement?” (Giáo dục nên miễn phí tại Việt Nam. Ai đồng ý và ai không đồng ý với luận điểm này?).
Sau khi đặt vấn đề, thầy cô phân chia hai nhóm thành hai hàng song song – đồng tình và không đồng tình, và yêu cầu học sinh đứng vào hàng tương ứng với ý kiến của các em. Các học sinh thuộc hai nhóm sẽ đứng đối diện nhau, lần lượt đưa ra ý kiến của mình và buộc phải lắng nghe trong lúc bạn còn lại đang trình bày quan điểm.
5.5. Tea Party (Tiệc trà)
Với hoạt động Tea Party, cả lớp sẽ được sắp xếp thành hai vòng tròn: một vòng tròn lớn bao quanh một vòng tròn nhỏ. Thầy cô sẽ đặt ra một câu hỏi và yêu cầu học sinh của hai nhóm ngồi đối diện nhau để thảo luận theo cặp và đưa ra câu trả lời.
Khi đặt ra câu hỏi tiếp theo, giáo viên yêu cầu nhóm học sinh của vòng tròn bên ngoài di chuyển theo chiều kim đồng hồ và thay đổi bạn cặp. Quá trình này tiếp tục cho đến khi tất cả học sinh đã có cơ hội thảo luận với bạn cặp mới.
Chiến lược này đặc biệt hữu ích khi giáo viên muốn cùng học sinh ôn tập hoặc giải bài tập một cách nhanh chóng. Học sinh cũng cần tích cực hợp tác với bạn cặp của mình.
5.6. Jigsaw (Ghép hình)
Trong hoạt động Jigsaw, mỗi học sinh sẽ là một “mảnh ghép”. Thầy cô chia lớp thành hai nhóm: một nhóm soạn bài tập để ôn lại kiến thức từ bài học trước đó, nhóm còn lại chuẩn bị tóm tắt kiến thức cho bài học mới. Hai nhóm này cần hợp tác với nhau để hỗ trợ nhau ôn lại bài cũ và tìm hiểu bài mới.
Sau buổi trao đổi giữa các nhóm học sinh, thầy cô tiến hành tổng hợp các kiến thức quan trọng mà các em cần nắm của bài mới. Chiến lược”ghép hình” này không chỉ khuyến khích tương tác giữa học sinh mà còn thúc đẩy các em tự chịu trách nhiệm cho quá trình học tập của mình.
5.7. Numbered Head Together (Đầu được đánh số cùng nhau)
Khi áp dụng Numbered Head Together, giáo viên sẽ chia học sinh thành các nhóm có số lượng thành viên bằng nhau. Học sinh trong mỗi nhóm được giao các số thứ tự giống nhau giữa các nhóm.
Ví dụ:
- Nhóm A có 10 học sinh. Mỗi học sinh trong nhóm sẽ được giao một chữ số từ 1-10.
- Nhóm B cũng có 10 học sinh. Mỗi học sinh trong nhóm B cũng được giao các chữ số tương tự.
Tiếp theo, thầy cô đặt ra một câu hỏi để các nhóm thảo luận. Khi thời gian thảo luận kết thúc, giáo viên chọn một chữ số bất kỳ, yêu cầu học sinh trong các nhóm có chữ số tương ứng cùng đứng lên, đưa ra câu trả lời và trình bày quan điểm của nhóm mình.
Chiến lược này tạo cơ hội cho học sinh không chỉ làm việc theo nhóm nhỏ mà còn được tương tác với cả lớp. Điều quan trọng là tất cả học sinh đều phải tham gia thảo luận, vì bất kỳ ai cũng có thể bị gọi bất cứ lúc nào dựa trên chữ số mà các em được giao.
6. Những điều nên biết trước khi bắt đầu phương pháp Cooperative Learning
Trước khi bắt đầu với phương pháp Cooperative Learning, thầy cô cần nắm một số điều sau để quá trình thực hiện được hiệu quả:
Yếu tố | Nội dung |
---|---|
Duy trì sự tập trung vào nhiệm vụ của học sinh | Một trong những điều quan trọng nhất khi thực hiện Cooperative Learning là đảm bảo học sinh duy trì sự tập trung vào nhiệm vụ của riêng mình. Mỗi em được phân công thực hiện những công việc riêng dưới sự hỗ trợ của giáo viên. Do đó, các em cần có sự tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. |
Vai trò của giáo viên | Với phương pháp học tập hợp tác, giáo viên không trực tiếp “giảng dạy” như các phương pháp học tập truyền thống. Thay vào đó, thầy cô đóng vai trò hỗ trợ và quản lý quá trình học tập này. |
Khả năng học sinh bị xao lãng | Các em dễ dàng bị lạc hướng và bắt đầu tán gẫu thay vì làm việc cùng nhau trong môi trường Cooperative Learning. Thầy cô cần chuẩn bị trước tâm lý để đối mặt với tình huống này, đồng thời đôn đốc và phối hợp để đảm bảo học sinh duy trì sự tập trung vào nhiệm vụ. |
Quản lý các nhóm học sinh | Một lớp học thường được chia thành nhiều nhóm khi sử dụng phương pháp Cooperative Learning. Mặc dù không thể có mặt mọi nơi cùng lúc, thầy cô vẫn có thể quan sát tổng quát từ bục giảng và nhắc nhở các em khi nhận thấy các dấu hiệu học sinh đang bị xao lãng (tiếng cười, tiếng ồn,…). Thầy cô cũng có thể chia học sinh thành các nhóm lớn để theo dõi các em hiệu quả hơn. |
Chiến lược Cooperative Learning cụ thể | Tạo danh sách các chiến lược Cooperative Learning cụ thể mà thầy cô muốn ứng dụng trong lớp học. Danh sách này giúp tiết học diễn ra đúng trọng tâm, mục tiêu và giúp thầy cô xử lý nhanh chóng các vấn đề có thể phát sinh. |
Tiếp cận mang tính cấu trúc | Khi đã chọn được chiến lược cụ thể, thầy cô cần có cách tiếp cận mang tính cấu trúc đối với học tập hợp tác. Cấu trúc này gồm từng bước cụ thể để đảm bảo áp dụng bốn nguyên tắc: Sự phụ thuộc lẫn nhau tích cực, sự tham gia bình đẳng, trách nhiệm cá nhân và tương tác đồng thời. |
7. Một số ví dụ về ứng dụng Cooperative learning trong lớp học
Dưới đây là một số ví dụ về áp dụng Cooperative learning trong lớp học để thầy cô tham khảo:
7.1. Ứng dụng Minecraft
Minecraft là một nền tảng học tập dựa trên trò chơi về hình khối mà giáo viên có thể tích hợp vào hoạt động giảng dạy trên lớp, mang lại niềm vui và hứng thú cho nhiều học sinh. Các hoạt động trong trò chơi giúp thúc đẩy khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề và học tập hợp tác khi được sử dụng trong các nhóm nhỏ.
Ví dụ từ video trên cho thấy cách giáo viên ở Ireland sử dụng Minecraft để giúp học sinh thấy được mối liên hệ giữa lịch sử, khoa học và công nghệ. Các học sinh sẽ vào vai người Viking để đóng tàu, định cư và thậm chí tham gia vào các cuộc đột kích của người Viking.
7.2. Ví dụ về chiến lược Agree-Disagree Line-ups
Agree-Disagree Line-ups là một hoạt động thú vị để thúc đẩy thảo luận và xây dựng quan điểm của học sinh về các chủ đề cụ thể. Lớp học tiếng Anh của cô Anna đã ứng dụng chiến lược Cooperative learning này như sau:
Cô Anna chuẩn bị một danh sách các câu hỏi liên quan đến chủ đề mà cô muốn lớp học thảo luận. Trong một bài học tiếng Anh về môi trường, cô đưa ra 2 quan điểm trước lớp như sau:
- “You should cut down on using plastic bags” (Nên cắt giảm số lượng túi nilon được sử dụng).
- “Instead of driving, you should use public transportation” (Thay vì lái xe, nên sử dụng phương tiện công cộng).
Tiếp theo, cô yêu cầu học sinh xếp hàng dọc theo một đường thẳng. Sau đó kẻ vạch song song 2 bên, đánh dấu 1 bên là đồng tình và 1 bên là không đồng tình. Các bạn học sinh trong lớp sẽ đi tới vị trí tương ứng với ý kiến đồng tình hoặc không đồng tình của các em đối với quan điểm đó. Những ai ở giữa có thể biểu thị sự hoàn toàn không chắc chắn hoặc có thể đồng tình hoặc không đồng tình tùy theo hoàn cảnh.
Sau khi đã xếp hàng, các em có cơ hội trao đổi quan điểm của mình với bạn học, thảo luận về những ý kiến đồng tình, không đồng tình hay trung lập với 2 quan điểm. Cô Anna đã khuyến khích học sinh chia sẻ lý do của mình bằng tiếng Anh.
Cuối cùng, cô Anna yêu cầu một số học sinh trình bày câu trả lời tổng kết trước lớp bằng tiếng Anh. Thông qua hoạt động Agree-Disagree Line-ups, cô Anna đã giúp học sinh thể hiện quan điểm của mình, thúc đẩy thảo luận và tạo cơ hội để các em sử dụng tiếng Anh trong một bài học đầy thú vị.
7.3. Ví dụ về chiến lược Think-pair-share
Trong một buổi học tiếng Anh về chủ đề khí hậu và thời tiết, cô Anna cho học sinh tìm hiểu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đến cuộc sống hàng ngày qua các bước sau:
- Bước 1: Bằng hiểu biết cá nhân, học sinh trong lớp tự viết ra giấy những tác động của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa đến cuộc sống hàng ngày của các em trong thời gian 5 phút.
- Bước 2: Học sinh ghép cặp với bạn cùng bàn, thảo luận và hoàn thành bảng thông tin sau trong thời gian 5 – 10 phút
Characteristics of humid tropical monsoon (Đặc điểm của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa) | Affects daily life (Ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày) |
………………………………….. | ………………………………….. |
………………………………….. | ………………………………….. |
- Bước 3: Cô Anna gọi 1 bạn lên trình bày bằng tiếng Anh những thông tin mà nhóm mình tìm hiểu. Những nhóm khác bổ sung và đóng góp ý kiến.
- Bước 4: Sau khi cả lớp đã thống nhất được ý kiến, cô Anna nhận xét và bổ sung kết quả cuối cùng.
8. Một số câu hỏi thường gặp về Cooperative Learning
Cooperative Learning có khó thực hiện không?
Có thể nói, Cooperative Learning không khó để thực hiện bởi tính đa dạng của các chiến lược, thời gian chuẩn bị và tổ chức ngắn, khả năng tùy chỉnh linh hoạt các hoạt động. Thầy cô hãy lựa chọn các chiến lược và điều chỉnh sao cho phù hợp.
Collaborative learning và cooperative learning có thể kết hợp cùng lúc trong lớp học không?
Có, thầy cô hoàn toàn có thể kết hợp cả collaborative learning và cooperative learning trong lớp học theo những cách sáng tạo như:
- Áp dụng collaborative learning trước, cooperative learning sau.
- Collaborative là một nhiệm vụ nhỏ trong cooperative learning.
- Kết hợp đồng thời cả hai phương pháp.
Học tập hợp tác có ảnh hưởng như thế nào đến học sinh?
Học tập hợp tác khuyến khích sự phát triển các kỹ năng giao tiếp và thúc đẩy học sinh tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập.
9. Tổng kết
Như vậy, phương pháp Cooperative Learning không chỉ tạo ra môi trường học tập tích cực mà còn thúc đẩy sự phát triển xã hội và cá nhân của học sinh. Tuy nhiên, thầy cô cần cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như mục tiêu bài giảng, đặc điểm lớp học,… để có thể áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả và phù hợp. Chúc thầy cô thành công!
Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?
FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!
✅ Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…
✅ Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp
✅ Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…
✅ Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)
Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!
Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188
Xem thêm: