Effective Questioning: Gợi ý 6 chiến lược đặt câu hỏi hiệu quả cho thầy cô

Effective Questioning: Kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả, được đánh giá là một yếu tố có ảnh hưởng đáng kể tới việc giảng dạy của thầy cô. Việc đặt câu hỏi hiệu quả tác động tới cách học sinh tiếp thu và xử lý thông tin, cũng như khuyến khích tư duy độc lập và phản biện. Một câu hỏi hiệu quả cần được xây dựng dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Mời thầy cô tham khảo bài viết dưới đây! 

** Để thuận tiện tra cứu và áp dụng, FLYER xin gửi tới thầy cô danh sách thuật ngữ phổ biến về Effective Questioning ở cuối bài viết.

1. Kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả là gì?

Kỹ năng đặt câu hỏi là một nguyên tắc quan trọng trong việc giảng dạy, được sử dụng như một công cụ đắc lực dành cho thầy cô cũng như học sinh trong các môn học và giai đoạn học tập khác nhau. Cụ thể, những câu hỏi hiệu quả giúp học sinh củng cố, nâng cao, phát triển tư duy và kiến thức. Điều này thúc đẩy các em suy nghĩ một cách nghiêm túc, không chỉ về câu trả lời mà còn về quá trình tư duy.

Có thể dễ dàng hiểu được rằng tại sao việc đặt câu hỏi là một phần thiết yếu trong quá trình học tập. Được xem là một phần cốt lõi trong việc đánh giá học tập, kỹ năng này giúp thầy cô nắm bắt được tiến trình học tập của học sinh, mục tiêu và những điều các em cần phải làm để đạt được mục tiêu đó. Ngoài ra, kỹ năng này cũng cho phép thầy cô đưa ra nhận xét và nhận phản hồi tại bất kỳ phần nào đang diễn ra trong bài học. 

Câu hỏi hiệu quả cần có sự tương tác, tạo ra không khí sôi nổi và ảnh hưởng đáng kể đến quá trình học, cũng như có thể thay đổi tùy theo ngữ cảnh để đạt được kết quả tốt nhất.

Việc hiểu rõ mục đích của câu hỏi sẽ giúp thầy cô điều chỉnh câu hỏi phù hợp hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là thầy cô cần nắm được những những lý do tại sao việc sử dụng câu hỏi lại quan trọng. Điều này giúp:

  • Tập trung vào một chủ đề và khai thác kiến thức của học sinh;
  • Kích thích sự tò mò và thúc đẩy sự tương tác;
  • Định hướng tư duy và quá trình học tập;
  • Đẩy mạnh tư duy sâu sắc và mở rộng kiến thức;
  • Nâng cao kiến thức và thử thách học sinh;
  • Đánh giá việc học và kiểm tra mức độ hiểu bài một cách có hệ thống;
  • Cung cấp thông tin cần thiết cho việc giảng dạy, giúp thầy cô điều chỉnh nội dung phù hợp với học sinh;
  • Xác định và kịp thời xử lý với các “lỗ hổng” hoặc sai sót về kiến thức và hiểu biết;
  • Phân chia giảng dạy theo từng giai đoạn nhỏ để hỗ trợ học sinh đạt được mục tiêu;
  • Tạo sự liên kết và kết nối giữa các chủ đề, môn học để có thể áp dụng kiến thức một cách linh hoạt;
  • Khuyến khích học sinh tự đánh giá và xác định kế hoạch để phát triển việc học.

Kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả là một phần thiết yếu của một quá trình học tập thành công và tiến bộ, cũng như đóng vai trò quan trọng trong mỗi lớp học. Trong hầu hết các bài học, có thể dễ dàng nhìn thấy thầy cô và học sinh sử dụng các hoạt động hỏi đáp hoặc học sinh trả lời các câu hỏi bằng văn bản. Vì vậy, đầu tư thời gian vào việc cải thiện chất lượng câu hỏi là một vấn đề hết sức đáng chú ý.

Mục đích của bài hướng dẫn này là xây dựng một quy chuẩn chung rằng mục đích chính của việc đặt câu hỏi hiệu quả là giúp học sinh suy nghĩ và giúp thầy cô cũng như học sinh có cơ hội đánh giá sự tiến bộ, điều chỉnh việc giảng dạy và củng cố quá trình học tập. Ngoài ra, bài viết cũng mong muốn cung cấp cho thầy cô những chiến lược sáng tạo và thực tế có thể sử dụng khi giảng dạy.

Effective Questioning (Kỹ năng đặt câu hỏi)
Vai trò của việc đặt câu hỏi

2. Lợi ích của việc đặt câu hỏi hiệu quả là gì?

2.1. Đặt câu hỏi hiệu quả phát triển kỹ năng tư duy phản biện

Thầy cô luôn cần dạy học sinh về cách tư duy phản biện, cả trong trường học và ngoài đời. Việc đặt câu hỏi hiệu quả sẽ phát triển các kỹ năng tư duy phản biện, cho phép học sinh tạo liên kết, hiểu được thế giới xung quanh và xử lý các tình huống mới một cách hiệu quả. Điều này đặc biệt phù hợp khi học sinh thực hiện bài kiểm tra, khi kỹ năng này mang lại cho các em sự tự tin và kỹ năng để đối phó với những câu hỏi quen thuộc lẫn không quen thuộc.

2.2. Việc đặt câu hỏi hiệu quả giúp thầy cô đánh giá việc học tập

Thầy cô luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá học tập, và việc đặt câu hỏi là một công cụ cơ bản giúp thầy cô làm điều này. Đặt câu hỏi đúng cách có thể giúp thầy cô đánh giá được mức độ hiểu biết của học sinh về kiến thức đã học. Một trong những vai trò của việc sử dụng câu hỏi là xây dựng kế hoạch học tập một cách kỹ lưỡng, điều chỉnh phương pháp giảng dạy để giúp cá nhân và nhóm học sinh có sự tiến bộ.

2.3. Việc đặt câu hỏi hiệu quả giúp phát triển khả năng tự nhận thức (metacognition)

Khi thầy cô và học sinh tiến hành đặt câu hỏi trong lớp, cũng có nghĩa là quá trình tư duy bắt đầu “hiện hữu” và giúp học sinh kiểm soát quá trình tư duy của mình. Thay vì chỉ tập trung vào kết quả, các em tập trung vào quá trình hình thành và phát triển tư duy. Đặc biệt hơn, tự đặt câu hỏi trở thành một phần quan trọng của quá trình lập kế hoạch, giám sát và đánh giá trong việc nhận thức.

Ví dụ:

  • Lập kế hoạch – Có những gì tôi đã biết mà giúp tôi thực hiện nhiệm vụ này?
  • Giám sát − chiến lược tôi đang sử dụng có hiệu quả không?
  • Đánh giá – lần sau tôi sẽ làm gì khác đi?

2.4. Việc đặt câu hỏi hiệu quả thúc đẩy học tập chủ động

Việc đặt câu hỏi hiệu quả được coi là “trái tim” của học tập chủ động bởi nó khiến người học phải suy nghĩ kỹ càng và đặt bản thân vào trung tâm, cho dù với vị thế đang đặt câu hỏi hay trả lời các câu hỏi đó.

2.5. Đặt câu hỏi hiệu quả giúp mở rộng kiến thức và thử thách học sinh

Điều quan trọng cần ghi nhớ là thầy cô không nên là người duy nhất đặt câu hỏi. Khi thầy cô đưa ra cho học sinh cơ hội đặt câu hỏi và áp dụng vào hoạt động thực hành trên lớp hàng ngày, điều này có thể giúp việc học có những chuyển biến theo các hướng khác nhau, như “đào sâu” kiến thức, thử thách và bổ sung thêm kiến thức nâng cao.

Effective Questioning (Kỹ năng đặt câu hỏi)
Lợi ích của việc đặt câu hỏi hiệu quả

3. Các nghiên cứu chỉ ra điều gì về cách đặt câu hỏi hiệu quả?

Cách đặt câu hỏi là một phần quan trọng của một cuộc thảo luận trong lớp học. Nghiên cứu giáo dục cho thấy rằng cuộc thảo luận trong lớp học có thể ảnh hưởng đáng kể đến quá trình học tập, sự tiến bộ và thành tích của học sinh. Hattie (2009) đã sử dụng chỉ số hiệu quả (effect sizes) để đo lường hiệu quả của các chiến lược giảng dạy khác nhau và các biện pháp ảnh hưởng tới thành tích học sinh. Chỉ số hiệu quả là các con số thể hiện mức độ khác biệt giữa hai nguồn dữ liệu, có xét đến phạm vi phân tán của dữ liệu* (*bao gồm sự đa dạng và biến đổi của dữ liệu). Điều này có thể giúp thầy cô đầu tư thời gian vào những phần có sự khác biệt lớn nhất so với các yếu tố khác. Nghiên cứu của Hattie tính toán mức độ ảnh hưởng của việc đặt câu hỏi là 0,82, cao hơn mức trung bình, chứng tỏ rằng việc đặt câu hỏi hiệu quả có tác động tích cực đến việc học.

Điều này được củng cố rõ hơn khi đi sâu vào nghiên cứu cách đặt câu hỏi như một phần quan trọng của chu trình phản hồi (feedback cycle). Hattie (2009) gán cho phản hồi (feedback) chỉ số hiệu quả là 0,73 và nhận ra rằng, khi được thực hiện tốt, phản hồi có thể là một trong những yếu tố hiệu quả nhất trong việc cải thiện thành tích của học sinh. Phản hồi có một số mục đích nổi bật trong ngữ cảnh này. Về cơ bản, cách đặt câu hỏi cung cấp cho thầy cô những phản hồi về tính hiệu quả của phương pháp giảng dạy.

“Chỉ khi tôi nhận ra rằng phản hồi mạnh mẽ nhất khi nó đến từ học sinh đến giáo viên, tôi mới bắt đầu hiểu nó tốt hơn.” 

– Hattie (2009) –

Nghiên cứu học thuật cũng cho thấy rằng kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả có thể ảnh hưởng đáng kể tới khả năng giao tiếp (oracy) và giúp học sinh tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân. Alexander (2015) và Mercer và Hodgkinson (2008) đã nghiên cứu vai trò của các cuộc đối thoại trong lớp học và chỉ ra rằng kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả của thầy cô có thể ảnh hưởng tới điều này. Qua những nghiên cứu, họ khám phá ra tầm quan trọng của phương pháp giảng dạy đối thoại (dialogic teaching) và cuộc trò chuyện. Nói cách khác, đó chính là sức mạnh của sự hợp tác và cuộc đối thoại để hỗ trợ tư duy, học tập và đánh giá.

4. Sáu hiểu lầm phổ biến về kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả

Effective Questioning (Kỹ năng đặt câu hỏi)
Sáu hiểu lầm phổ biến về kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả
Hiểu nhầmGiải thích
Một số thầy cô đã có sẵn khả năng tốt trong việc đặt câu hỏi, đó là điều có thể “làm một cách dễ dàng”.Để phát triển kỹ năng đặt câu hỏi, thầy cô cần phải chủ động sử dụng các chiến lược, kỹ thuật và phương pháp khác nhau. Khi thử các phương pháp khác nhau này, thầy cô sẽ đánh giá lại quá trình thực hiện để khám phá những gì có tác động lớn nhất đến việc học.
Câu hỏi đóng có ít giá trị hơn so với câu hỏi mở.Câu hỏi đóng cũng quan trọng như câu hỏi mở trong quá trình học, đặc biệt khi được sử dụng để kiểm tra và củng cố kiến thức. Câu hỏi đóng cũng có thể giúp học sinh tự tin hơn với nội dung môn học.
Khi học sinh đặt nhiều câu hỏi, điều đó có nghĩa là phương pháp giảng dạy của thầy cô không hiệu quả.Giảng dạy và học tập tốt đòi hỏi học sinh, bao gồm cả độ tuổi trẻ em và thanh thiếu niên, phải tò mò và đặt nhiều câu hỏi cho thầy cô và bạn bè của mình. Khi đặt câu hỏi, học sinh có cơ hội xác định những hiểu lầm và những thiếu sót trong quá trình học cần được giải quyết.
Đặt câu hỏi với tốc độ nhanh đặc biệt hiệu quả.Việc đặt câu hỏi nhanh chóng có thể thu hút sự chú ý của lớp, tuy nhiên vì học sinh không có thời gian xử lý câu hỏi hoặc nghĩ ra một câu trả lời kỹ lưỡng, đây không phải là cách hiệu quả nhất để mở rộng khả năng học tập của học sinh. Các phản hồi đối với những câu hỏi được đặt với tốc độ nhanh thường có xu hướng chỉ ở mức bề ngoài, thiếu sự sâu sắc và không tập trung vào chi tiết. Thầy cô sẽ nhận được nhiều phản hồi chỉn chu hơn nếu học sinh có thời gian suy nghĩ hoặc chờ đợi.
Thầy cô cần biết tất cả câu trả lời.Thầy cô không biết tất cả các câu trả lời. Một trong những niềm vui của việc giảng dạy là đôi khi thầy cô có thể học cùng với lớp của mình. Những thầy cô giảng dạy hiệu quả sẽ luôn coi mình là người học.
Câu trả lời đúng là điều cần thiết.Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Thông thường, quá trình học tập có mức độ quan trọng hơn hoặc ngang bằng với việc có câu trả lời đúng.
Sáu hiểu lầm phổ biến về kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả

5. Thực hành kỹ năng đặt câu hỏi hiệu quả

Việc sử dụng đa dạng các chiến lược đặt câu hỏi sẽ rất hữu ích trong quá trình giảng dạy của thầy cô. Trong phần này, mời thầy cô khám phá sáu chiến lược đặt câu hỏi hiệu quả được sử dụng trong lớp học:

  • Tạo bầu không khí lớp học phù hợp
  • Lựa chọn câu hỏi đúng
  • Các loại câu hỏi
  • Chiến lược đánh giá học tập và kiểm tra hiểu biết
  • Chiến lược thúc đẩy, làm sâu và mở rộng tư duy
  • Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi tốt hơn

5.1. Tạo bầu không khí lớp học phù hợp

Tạo ra một không khí lớp học phù hợp là quan trọng để học sinh có thể phát triển tốt nhất. Trong trường hợp cảm thấy an toàn và được tôn trọng, học sinh có xu hướng học tập hiệu quả. Khi không khí lớp học tốt, học sinh cảm thấy tự tin đối diện với các thử thách và không lo lắng về việc mắc lỗi. 

Xét về nhiều mặt, việc mắc sai lầm được coi là một phần quan trọng trong quá trình học tập. Với vai trò là người giảng dạy, thầy cô cần thiết lập kỳ vọng cao về hành vi mà học sinh nên thực hiện, đồng thời hướng dẫn bằng cách làm gương để thể hiện tầm quan trọng của việc mắc lỗi và đối mặt với những thử thách.

5.2. Lựa chọn câu hỏi đúng

“Đặt một số lượng đáng kể câu hỏi và kiểm tra phản ứng của tất cả học sinh: câu hỏi giúp học sinh áp dụng thông tin mới và liên kết với kiến thức đã học trước đó.”

– Rosenshine (2012) –

Trung bình, giáo viên đặt khoảng 400 câu hỏi mỗi ngày. Rosenshine (2012), trong cuốn sách “Principles of Instruction” (Những nguyên tắc của việc giảng dạy), đã ủng hộ quan điểm rằng những thầy cô có năng lực tốt sẽ đặt nhiều câu hỏi hơn so với những thầy cô khác. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc đặt câu hỏi sâu sắc và yêu cầu tư duy cao là một thách thức, đồng thời gợi ý rằng thầy cô nên cố gắng đặt nhiều câu hỏi chất lượng cao hơn. Lập kế hoạch và lựa chọn câu hỏi phù hợp là một phần thiết yếu của việc này.

Thầy cô có năng lực tốt thường lập kế hoạch cho các câu hỏi một cách cẩn thận để khuyến khích khả năng tư duy, đánh giá tiến trình và tiến bộ học tập của học sinh. Để lập kế hoạch cho câu hỏi một cách hiệu quả, thầy cô cần có kiến thức chuyên môn tốt và phải biết mục tiêu là gì, nếu không, buổi học không còn tập trung vào nội dung chính.

Dưới đây là một ví dụ về cách một thầy cô dạy môn khoa học sử dụng một chuỗi câu hỏi để giúp học sinh đánh giá phương pháp mà các em đã sử dụng trong một thí nghiệm khoa học.

Câu hỏiNội dung
1Bạn đã xem xét những phương pháp nào? Có bạn nào đã xem xét các phương pháp khác không?
2Bạn đã chọn phương pháp nào? Tại sao bạn chọn phương pháp đó?
3Phương pháp của bạn có hiệu quả không? Lợi ích và hạn chế của nó là gì?
4Bạn biết điều gì bây giờ mà trước đây bạn chưa biết? Có điều gì mới không?
5Bạn có thể sử dụng những gì bạn học được trong tình huống khác không? Trong một môn học khác?
6Còn điều gì bạn cần tìm hiểu hoặc xem xét thêm?
7Nếu bạn có thể làm lại thí nghiệm, bạn sẽ làm gì khác?
8Bạn nhận thấy điều gì về chuỗi câu hỏi này?
9Bạn sẽ đưa ra phản hồi gì cho thầy cô về cách đặt câu hỏi?
10Điều này có ý nghĩa gì cho việc tự đặt câu hỏi của bạn?
10 câu hỏi hiệu quả sử dụng trong thí nghiệm khoa học

Việc lắng nghe ý kiến cũng quan trọng khi lựa chọn câu hỏi phù hợp. Thầy cô thành công là người biết lắng nghe học sinh một cách cẩn thận và đặt câu hỏi để làm rõ, khám phá, mở rộng và hoàn thiện phản hồi của các em. Lắng nghe chủ động có nghĩa là thầy cô có thể lựa chọn và định hình câu hỏi để hỗ trợ hoặc mở rộng tư duy của học sinh. Cuối cùng, việc lắng nghe và phản phản hồi là một quá trình liên tục và tiếp diễn chứ không chỉ là một sự kiện.

5.3. Các loại câu hỏi

Câu hỏi thường được chia thành hai loại chính: câu hỏi đóng và câu hỏi mở.

Câu hỏiVí dụ
Câu hỏi đóng thường liên quan đến việc nhớ lại các sự kiện và kiến thức đã được giảng dạy trước đó và thường yêu cầu một câu trả lời ngắn, ví dụ như “có” hoặc “không”, “đúng” hoặc “sai”.1. Is Romeo a Montague or a Capulet?
Romeo là người Montague hay Capulet?
2. Is _______ an acid or alkali?
_______ là chất axit hay kiềm?
3. Is 5 a prime number?
5 có phải là số nguyên tố không?
4. Is the word ______ masculine or feminine?
Từ ______ là nam tính hay nữ tính?
5. What is the capital city of Australia?
Thủ đô của Úc là thành phố nào?
Câu hỏi mở thường đòi hỏi suy nghĩ sâu hơn và có thể có nhiều câu trả lời khác nhau. Câu hỏi mở thường tập trung vào một chủ đề, môn học hoặc quá trình học tập. Dạng câu hỏi này dùng phổ biến nhất để khám phá một vấn đề theo chiều rộng hoặc chiều sâu hơn.
1. What do we know about the Romans?
Chúng ta biết gì về người La Mã?
2. What makes a good leader?
Yếu tố nào tạo nên một người lãnh đạo giỏi?
3. How could we make the world a fairer place?
Làm thế nào để chúng ta có thể làm thế giới trở nên công bằng hơn?
4. Should children get paid to go to school?
Trẻ em có nên được trả tiền để đi học?
5. Is this the best way to solve this problem?
Đây có phải là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này?
2 loại câu hỏi phổ biến

Cả câu hỏi đóng và câu hỏi mở đều có giá trị đặc biệt. Câu hỏi đóng có thể giúp học sinh nhớ lại kiến thức đã học, trong khi câu hỏi mở giúp củng cố, mở rộng và áp dụng kiến thức trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Anderson và Krathwohl (2001) nhấn mạnh điều này trong nền tảng Bloom’s Taxonomy của họ, khi mà các bước tư duy được xây dựng để phản ánh sự phức tạp trong quá trình nhận thức. Ví dụ, việc phân tích phức tạp hơn so với việc ghi nhớ, tuy nhiên cả hai bước đều có vai trò quan trọng trong quá trình học tập.

Ritchhart (2009) trong dự án Cultures of Thinking của ông đã giúp nghiên cứu có bước tiến xa hơn và xác định một khái niệm về “Typology of Classroom Questions” (Phân loại câu hỏi trong lớp học) hoàn toàn khác nhằm làm cho tư duy và học tập trở nên rõ ràng hơn trong lớp học. Ông đưa ra ví dụ về những dạng câu hỏi có thể có để hỗ trợ thầy cô. Qua Dự án Zero tại Đại học Harvard, ông đã phân loại các loại câu hỏi sau đây:

Câu hỏiMục tiêu
Review (Đánh giá)gợi nhớ lại và xem xét lại kiến thức và thông tin
Procedural (Quy trình)chỉ đạo các hoạt động của lớp học
Generative (Sáng tạo)khám phá chủ đề
Constructive (Xây dựng)xây dựng hiểu biết mới
Facilitative (Tạo điều kiện)thúc đẩy tư duy và hiểu biết của học sinh
Các loại câu hỏi dùng trong lớp học

Suy nghĩ về các kiểu câu hỏi được đặt ra là một yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng thầy cô đang nâng cao kiến thức và thử thách tất cả học sinh nhằm giúp các em học tập hiệu quả hơn.

Xây dựng một “bộ công cụ đặt câu hỏi” là một cách tuyệt vời để bắt đầu nâng cao nghiệp vụ của thầy cô. Thực hành có định hướng cũng là một phần quan trọng của điều này. Phần tiếp theo, thầy cô có thể tham khảo một số đề xuất về các chiến lược sáng tạo và thiết thực.

5.4. Chiến lược đánh giá học tập và kiểm tra kiến thức

Không giơ tay hoặc đặt câu hỏi trực tiếp

Để hướng các câu hỏi cụ thể tới học sinh, cách tiếp cận “không cho phép giơ tay” có thể hữu ích vì thầy cô có thể điều chỉnh các câu hỏi phù hợp với từng học sinh. Điều này cũng khuyến khích sự tham gia của nhiều học sinh hơn, vì bất kỳ ai cũng có thể được hỏi câu hỏi. Để tạo thêm thử thách, thầy cô hãy cố gắng hỏi một học sinh hai câu hỏi liên tiếp. Câu hỏi thứ hai nên khai thác sâu hơn và khuyến khích mở rộng chủ đề.

Kiểm tra không đánh giá

Phương pháp kiểm tra không đánh giá được sử dụng để học sinh tự kiểm tra hoặc đánh giá bản thân. Câu trả lời và kết quả bài kiểm tra không ảnh hưởng đến điểm số và thầy cô cũng sẽ không thu lại. Chỉ có học sinh biết được những điểm tốt và điểm cần cải thiện của bản thân. Phương pháp này có giá trị trong việc thúc đẩy học sinh tự tìm ra câu trả lời và làm việc một cách độc lập. Như vậy, tính kiên nhẫn và khả năng tự điều hướng được cải thiện rõ rệt.

Câu hỏi chốt

Một câu hỏi chốt được đưa ra dựa trên một khái niệm quan trọng trong một bài học mà tất cả học sinh đều phải hiểu trước khi thầy cô chuyển sang phần tiếp theo.

  • Câu hỏi có thể xuất hiện khoảng giữa bài học.
  • Thường là câu hỏi đa lựa chọn với ba hoặc bốn đáp án.
  • Mỗi câu trả lời sai sẽ thể hiện một hiểu lầm/sai sót cần được làm rõ. 
  • Mỗi học sinh phải trả lời câu hỏi trong hai phút.
  • Thầy cô cần thu thập và nắm được các câu trả lời từ tất cả học sinh trong 30 giây.
  • Bảng trắng nhỏ có thể hữu ích trong ngữ cảnh này.

Ví dụ về toán học:

Chọn mô tả đúng nhất về hình thoi.

(a) Hình 2D có hai cặp cạnh song song.

(b) Tứ giác có hai cặp cạnh song song, mỗi cạnh bằng nhau.

(c) Tứ giác có bốn cạnh bằng nhau. Các cạnh đối diện song song và các góc đối diện bằng nhau.

(d) Tứ giác có bốn cạnh bằng nhau. Các cạnh đối diện song song và mọi góc đều là góc vuông.

Phương pháp truyền đạt lại

Sau khi thầy cô đã giải thích một chủ đề hoặc đặt ra các câu hỏi về một chủ đề, học sinh được yêu cầu truyền đạt lại hoặc giải thích theo ý hiểu của mình. Điều này cho phép học sinh có cơ hội thể hiện những gì mà bản thân đã nắm được, đồng thời giúp thầy cô bổ sung những kiến thức còn thiếu cho các em.

Nói lại lần nữa, nói tốt hơn

Thầy cô yêu cầu học sinh đưa ra câu trả lời cho một câu hỏi. Học sinh có thể mắc lỗi sai, lưỡng lự hoặc do dự khi đưa ra câu trả lời. Thầy cô chấp nhận điều này, tuy nhiên sau đó cần yêu cầu học sinh “Nói lại lần nữa, nói tốt hơn”.

Bài kiểm tra áp lực thấp (Low-stakes quizzes) và luyện tập truy xuất kiến thức (retrieval practice)

Bài kiểm tra ngắn áp lực thấp là những bài kiểm tra không ảnh hưởng đến điểm số hoặc kết quả chính thức. Đây là một phương pháp hữu hiệu để kiểm tra kiến thức cơ bản và giúp học sinh luyện tập nhớ lại những kiến thức đã học. Phần này có thể được sử dụng như hoạt động khởi động và thường được chấm điểm bởi bản thân học sinh hoặc bạn cùng lớp. Phương pháp này giúp học sinh cải thiện khả năng ghi nhớ và khôi phục thông tin quan trọng và thường được sử dụng để xác định những hiểu lầm hoặc kiến thức chưa chắc chắn.

5.5. Chiến lược để thúc đẩy, đào sâu và mở rộng tư duy

“Tôi không thể dạy bất kỳ ai điều gì. Tôi chỉ có thể dạy họ suy nghĩ.” 

– Socrates –

Thời gian chờ đợi (Wait time)

Ước tính rằng trung bình, học sinh chỉ có khoảng 0,9 giây để suy nghĩ sau khi thầy cô đặt câu hỏi. Tuy nhiên, thầy cô hãy thử tăng thời gian suy nghĩ thêm ba giây để học sinh có thể xử lý câu hỏi và bắt đầu sắp xếp suy nghĩ của mình. Việc tăng thời gian suy nghĩ có thể cải thiện chất lượng và độ sâu của các câu trả lời.

Suy nghĩ, ghép đôi, chia sẻ (Think, pair, share)

Suy nghĩ, ghép đôi, chia sẻ là một chiến lược thường được thầy cô sử dụng để cho phép học sinh suy nghĩ và giải quyết câu hỏi cùng nhau. Điều quan trọng là học sinh cần thời gian để suy nghĩ cá nhân trước khi tham gia thảo luận với nhóm và chia sẻ ý kiến trước lớp.

Ví dụ:

  • Suy nghĩ − Suy nghĩ về những gì bạn đã biết về núi lửa. Ghi chú lại.
  • Ghép đôi − Thảo luận ý kiến của bạn với đối tác.
  • Chia sẻ − Chia sẻ và gộp ý kiến của bạn thành một nhóm. Chuẩn bị để chia sẻ cho cả lớp.

Nhìn, suy nghĩ, tò mò (See, think, wonder)

“Nhìn, suy nghĩ, tò mò” là một kỹ thuật xuất phát từ nhóm Project Zero tại Đại học Harvard, yêu cầu học sinh nhìn vào một chủ đề, một hình ảnh, một đồ vật, một tác phẩm nghệ thuật hoặc tương tự và đặt ba câu hỏi:

  • Bạn nhìn thấy gì?
  • Bạn nghĩ gì?
  • Bạn tò mò về điều gì?

Đặt ra, tạm dừng, chỉ định, truyền (Pose, pause, pounce, bounce)

Đặt ra − đặt một câu hỏi thử thách. Câu hỏi mở có hiệu quả nhất trong ngữ cảnh này.

Tạm dừng − cho học sinh thời gian để suy nghĩ. Để có đủ thời gian, kỷ luật là điều cần thiết. Thời gian chờ đợi ít nhất là bảy giây.

Chỉ định− không cho phép học sinh giơ tay lên và chọn ngẫu nhiên một học sinh để trả lời.

Truyền − chuyển tiếp quyền trả lời xung quanh lớp, tạo cơ hội cho học sinh phát triển câu trả lời của mình. Điều này có thể bao gồm việc bổ sung ý kiến, thử thách, đưa ví dụ minh họa hoặc đưa ra hướng mới. Thầy cô có thể sử dụng các cụm từ có tính chất khích lệ, ví dụ như ‘and (và)..’, ‘but (nhưng)…’, ‘really (thực sự)…’, ‘what else (còn gì khác)…’

Ví dụ:

Pose − Hãy suy nghĩ về từ ‘xung đột’. Có những loại xung đột khác nhau nào?

Pause − Đợi từ bảy đến mười giây.

Pounce− Học sinh A, cho thầy/cô biết về  một loại xung đột.

Bounce − Em có thể phát triển ý này? Và… Thực sự?… Còn gì khác?… 

Những câu hỏi lớn

Đôi khi, những câu hỏi lớn được gọi là câu hỏi sáng tạo hoặc câu hỏi dựa trên tìm hiểu.

Những câu hỏi này có đặc điểm:

  • Hấp dẫn − kích thích sự quan tâm của học sinh;
  • Có tính khơi mở − không có câu trả lời xác định và thường có nhiều cách trả lời khác nhau;
  • Phong phú − đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ một cách sâu sắc;
  • Kết nối − liên kết với các ý tưởng và chủ đề phổ quát;
  • Thử thách − có thể liên quan đến khía cạnh đạo đức, chính trị hoặc xã hội và tâm lý.

Ví dụ về câu hỏi lớn:

  • What does it mean to belong?

Thuộc về nghĩa là gì?

  • How did computers change our world?

Máy tính đã thay đổi thế giới của chúng ta như thế nào?

  • What is language?

Ngôn ngữ là gì?

  • How could we eradicate hunger across the world?

Làm thế nào chúng ta có thể xóa bỏ đói nghèo trên toàn thế giới?

  • How can we reverse the deforestation of the rainforests?

Làm thế nào chúng ta có thể đảo ngược quá trình phá rừng của rừng nhiệt đới?

  • What are the big questions for your subject?

Câu hỏi lớn trong môn học của bạn là gì?

Phương pháp đặt câu hỏi Socratic

Phương pháp Socratic thúc đẩy việc học chủ động bằng cách sử dụng sáu bước để đặt các câu hỏi mở và tiếp tục đào sâu vào khả năng tư duy, khuyến khích sự phân tích sâu sắc. Dưới đây là 6 bước kèm ví dụ minh họa: 

BướcHành độngCâu hỏi ví dụ
1Làm rõQuan điểm của bạn là gì khi mô tả du lịch toàn cầu là một điều tốt?
2Giả định mang tính thử tháchĐiều này có nghĩa là bạn nghĩ rằng sự phát triển du lịch toàn cầu luôn là điều tốt?
3Đào sâu về bằng chứng và lý doBạn có thể đưa ra những ví dụ nào để chứng minh rằng du lịch toàn cầu là tốt?
4Xem xét các quan điểm và góc nhìn khác nhauBạn nghĩ rằng mọi người đều cho rằng du lịch toàn cầu là tích cực? Ai có thể không đồng ý với điều này?
5Xem xét hệ quả và hậu quả Nếu du lịch toàn cầu giảm sút thì sao?
6Đặt câu hỏi về câu hỏiBạn có vẫn nghĩ rằng du lịch toàn cầu là một điều tốt không?
6 bước đặt câu hỏi mở theo phương pháp Socratic

5.6. Khuyến khích học sinh đặt câu hỏi tốt hơn

Nếu thầy cô vẽ một biểu đồ tròn về đối tượng đặt nhiều câu hỏi nhất trong lớp học, rất có thể biểu đồ sẽ đưa ra kết quả là thầy cô. Chính vì vậy, điều quan trọng là thầy cô cần khuyến khích học sinh tò mò và đặt nhiều câu hỏi hơn.

Dựa trên nghiên cứu có tên “See, Think, Wonder” (Nhìn, Suy nghĩ, Tự hỏi) tại Dự án Zero của Đại học Harvard, nhiều phương pháp khác nhau được đưa ra để khiến học sinh suy nghĩ và đặt nhiều câu hỏi hơn. Một ví dụ xuất sắc chính là Question Starts (Bắt đầu câu hỏi), trong đó yêu cầu học sinh đưa ra những câu hỏi gợi mở về một chủ đề.

Ví dụ:

1. Tạo ra một danh sách ít nhất 12 câu hỏi về xe điện. Sử dụng các cụm từ sau để giúp bạn nghĩ ra những câu hỏi thú vị.

Tại sao…?

Lý do là gì…?

Nếu như…?

Mục đích của… là gì…?

Nó sẽ khác như thế nào nếu…?

Giả sử rằng…?

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta biết…?

Có gì sẽ thay đổi nếu…?

2. Xem xét lại danh sách ý tưởng và đánh dấu một ngôi sao bên cạnh các câu hỏi mà bạn thấy thú vị nhất. Sau đó, chọn một hoặc nhiều câu hỏi có dấu sao để thảo luận trong vài phút.

3. Suy nghĩ về bất kỳ ý tưởng mới nào − bạn có ý tưởng nào về chủ đề, khái niệm hoặc điều gì mà trước đây bạn chưa biết không?

Tham khảo thêm: 6 phương pháp tăng hứng thú học tiếng Anh cho học sinh tiểu học giúp nâng cao chất lượng giáo dục

6. Các nguyên tắc đặt câu hỏi hiệu quả

Trong lớp học, thầy cô có cơ hội tuyệt vời để tạo ra những câu hỏi hiệu quả. Những nguyên tắc dưới đây có thể giúp thầy cô đạt được thành công trong lớp học:

  • Thống nhất quy trình để tạo ra một lớp học an toàn nơi học sinh cảm thấy được đánh giá cao. Thực hiện điều này một cách rõ ràng và triển khai các quy trình trong mỗi buổi học.
  • Hiểu rõ học sinh để có thể lên kế hoạch và đặt câu hỏi một cách cẩn thận, sử dụng phương pháp không đưa tay phát biểu. Điều này có thể hỗ trợ những học sinh không muốn tham gia và giúp quản lý những học sinh có tính cách nổi trội.
  • Lên kế hoạch cho những câu hỏi thầy cô sẽ sử dụng để thúc đẩy tư duy và đánh giá quá trình học. Ngoài ra, thầy cô cũng cần lập kế hoạch về những học sinh được hỏi để đảm bảo tính bao quát và hiệu quả.
  • Cho học sinh có thời gian suy nghĩ để xử lý câu hỏi và đưa ra ý kiến của mình.
  • Đánh giá cao mọi đóng góp và tạo ra một không gian thoải mái trong lớp học để học sinh trình bày những ý tưởng, thử thách các lĩnh vực mới và không e dè khi mắc sai lầm.
  • Sử dụng ngôn ngữ mang tính tích cực như “Đó là một lỗi sai khá thú vị, chúng ta có thể học được gì từ điều này?” để khuyến khích học sinh nhìn thấy giá trị trong việc mắc sai lầm.
  • Tạo cơ hội cho phản hồi có tính xây dựng – thầy cô góp ý cho học sinh, học sinh cho thầy cô và học sinh tới bạn học khác.
  • Đảm bảo tất cả học sinh đều có tiếng nói, hạn chế tình trạng một số học sinh chiếm ưu thế hoặc không tham gia. Sử dụng các tín hiệu phi ngôn ngữ như liên hệ mắt, gật đầu hoặc giơ tay ra để khuyến khích phản hồi.
  • Thêm tính thử thách bằng cách đặt câu hỏi tiếp theo.
  • Với các nhóm lớn, thầy cô có thể sử dụng các phương pháp phản hồi như câu hỏi chốt, bảng trắng nhỏ, đưa ngón tay lên và đưa ngón tay xuống.
  • Khuyến khích sự hợp tác và trao đổi, sử dụng các chiến lược như “nghĩ, ghép đôi, chia sẻ” (think, pair, share). Điều này giúp học sinh tạo ra nhiều câu hỏi và phản hồi hơn. Ngoài ra, phương pháp này cũng hỗ trợ những học sinh rụt rè hoặc không muốn tham gia đưa ra những đóng góp của mình.

7. Bước tiếp theo

“Mỗi giáo viên cần cải thiện, không phải vì họ không đủ tốt, mà vì họ có thể trở nên tốt hơn.”

– Dylan William –

Thực hành đánh giá là một phần cơ bản của Cambridge Teacher Standards (Tiêu chuẩn Giáo viên Cambridge), giúp thầy cô đánh giá tác động của việc giảng dạy lên quá trình học. Sự thiết lập một mối quan hệ tích cực với thực hành đánh giá giúp thầy cô phát triển và thành công. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà thầy cô cần thực hiện một mình. Thông thường, việc thực hành đánh giá cùng với một người hướng dẫn, một đồng nghiệp đáng tin cậy hoặc thậm chí cùng học sinh có thể mang lại hiệu quả tốt.

Một điểm khởi đầu tuyệt vời là xem xét hoặc suy nghĩ về cách thầy cô đặt câu hỏi.

Sử dụng các gợi ý dưới đây để hỗ trợ quá trình đánh giá:

Câu hỏiNội dung
1Khi nào câu hỏi của thầy cô đạt hiệu quả nhất? Thầy cô biết điều đó như thế nào?
2Khi nào câu hỏi của thầy cô ít hiệu quả nhất? Tại sao lại như vậy?
3Học sinh nói gì về cách thầy cô đặt câu hỏi?
4Thầy cô sử dụng các chiến lược đặt câu hỏi nào thường xuyên? Tác động của chúng là gì?
5Lần gần nhất thầy cô làm điều gì đó khác biệt hoặc thử một điều mới là khi nào?
6Trong lớp học của thầy cô, câu hỏi tốt sẽ như thế nào?
7Thầy cô có thể làm gì để cải thiện cách đặt câu hỏi?
7 câu hỏi hỗ trợ quá trình đánh giá 

Phương pháp “Mười Câu Hỏi” để phát triển cách đặt câu hỏi:

Đối với những thầy cô muốn cải thiện cách đặt câu hỏi của mình, một chiến lược tốt để sử dụng là “Mười Câu Hỏi”.

Chiến lược này bao gồm sáu bước cụ thể dưới đây.

Số bướcNội dung
1Mời một đồng nghiệp đáng tin cậy đến dự giờ một buổi học mà thầy cô lựa chọn.
2Trên một tờ giấy, đề nghị đồng nghiệp đó viết xuống 10 câu hỏi đầu tiên mà thầy cô đã đặt trong lớp học.
3Khi họ đã viết xuống 10 câu hỏi mà thầy cô đã đặt, họ đưa tờ giấy đó cho thầy cô và rời khỏi buổi học.
4Sau buổi học, thầy cô đánh giá về những câu hỏi mà bản thân đã đặt. Thầy cô có thể làm điều này một mình hoặc cùng một đồng nghiệp đáng tin cậy. Các câu hỏi quan trọng là: Thầy cô nhận thấy điều gì về cách bản thân đặt câu hỏi? Có điều gì thú vị hoặc làm thầy cô ngạc nhiên không? Thầy cô sẽ làm gì để cải thiện cách đặt câu hỏi? Thầy cô nghĩ điều đó có tạo ra sự khác biệt trong việc học không?
5Thực hiện một hoặc hai thay đổi trong việc đặt câu hỏi và luyện tập lại.
6Lặp lại quá trình này hai hoặc ba lần và đánh giá tiến bộ và những ảnh hưởng đáng kể.
6 bước trong chiến lược “Mười câu hỏi”

8. Danh sách thuật ngữ

Thuật ngữDịch nghĩaGiải thích
AnalysePhân tíchNghiên cứu hoặc xem xét một vấn đề một cách cẩn thận và chi tiết nhằm hiểu rõ hơn về nó.
Assessment for learningĐánh giá quá trìnhCác chiến lược giảng dạy cần thiết trong quá trình học giúp thầy cô và học sinh đánh giá tiến trình trong việc hiểu và nâng cao kỹ năng, cung cấp hướng dẫn và phản hồi cho việc giảng dạy và học tập trong tương lai.
Classroom climateMôi trường lớp họcCảm giác mà lớp học mang lại, ví dụ như một nơi an toàn để thử thách và mắc lỗi. Ambrose và đồng nghiệp (2010) định nghĩa môi trường lớp học là “môi trường trí tuệ, xã hội, cảm xúc và thể chất mà học sinh của chúng tôi học tập” (Theo Ambrose, S.A. et.al. (2010). How Learning Works Seven Research-Based Principles for Smart Teaching. San Francisco: Jossey-Bass p.170).
Closed questionsCâu hỏi đóngMột câu hỏi có thể được trả lời bằng một từ đơn (thường là ‘có’ hoặc ‘không’) hoặc một cụm từ ngắn, và lựa chọn câu trả lời bị hạn chế.
Critical thinkingTư duy phản biệnKhả năng đánh giá và đánh giá phân tích một cách hợp lý các tuyên bố hoặc khái niệm cụ thể dựa trên bằng chứng hoặc ngữ cảnh rộng hơn.
Direct questioningĐặt câu hỏi trực tiếpMột kỹ thuật đặt câu hỏi trong đó thầy cô chọn một học sinh trả lời câu hỏi, thay vì học sinh giơ tay để trả lời câu hỏi.
EvaluateĐánh giáĐánh giá hoặc xác định chất lượng, tầm quan trọng, số lượng hoặc giá trị của một cái gì đó.
Hinge questions Câu hỏi chốtMột điểm chốt (hinge) trong bài học là thời điểm thầy cô cần kiểm tra xem học sinh đã sẵn sàng để tiến tiếp hay chưa, và nếu có, thì hướng nào là phù hợp. Câu hỏi chốt (hinge-point question) là một câu hỏi chẩn đoán mà thầy cô đặt cho học sinh khi đạt đến điểm chốt. Các câu trả lời sẽ cho thầy cô biết điều gì cần làm tiếp theo.
Low-stakes quizzes Kiểm tra áp lực thấpCác bài kiểm tra ngắn gọn không ảnh hưởng đến điểm số hoặc kết quả. Thông thường được sử dụng để tìm hiểu những gì học sinh biết và chưa biết. Những bài kiểm tra này có thể được sử dụng để xác định các hiểu lầm/sai sót hoặc các kiến thức chưa chắc chắn.
Open questionsCâu hỏi mởMột câu hỏi không thể được trả lời bằng một từ đơn, ví dụ như “Bạn nghĩ gì về hiện tượng nóng lên toàn cầu?”
Reflective practice Thực hành tự đánh giáCách thầy cô liên tục học hỏi từ kinh nghiệm lập kế hoạch, thực hành, đánh giá, và điều đó có thể giúp thầy cô và học sinh nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập theo thời gian.
Retrieval practiceThực hành truy xuất kiến thứcMột chiến lược yêu cầu học sinh nhớ lại những gì đã học hoặc đã biết một cách có chủ đích.
ScaffoldingKhung hỗ trợThầy cô cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ phù hợp để học sinh tiếp tục xây dựng kiến thức từ hiểu biết hiện tại, để tăng tính tự tin và độc lập trong việc sử dụng kiến thức hoặc kỹ năng mới.
Wait timeThời gian chờ Thời gian mà thầy cô chờ đợi sau khi đặt một câu hỏi và trước khi chọn một học sinh để trả lời câu hỏi đó.
Zero-stakes testing Bài kiểm tra không tính điểmPhương pháp kiểm tra để học sinh tự kiểm tra hoặc tự đánh giá. Câu trả lời hoặc kết quả không ảnh hưởng đến điểm số hoặc kết quả chung.
Danh sách thuật ngữ

9. Tổng kết

Trên đây là những thông tin cơ bản và phương pháp đặt câu hỏi hiệu quả mà thầy cô có thể tham khảo cho lớp học của mình. Việc sử dụng hiệu quả các câu hỏi không những giúp thầy cô tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?

FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!

Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…

Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp

Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…

Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)

Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!

Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188

Ba mẹ mong muốn con rinh chứng chỉ Cambridge, TOEFL Primary,…?

Tham khảo ngay gói luyện thi tiếng Anh trên Phòng thi ảo FLYER – Con giỏi tiếng Anh tự nhiên, không gượng ép!

✅ Truy cập 1700+ đề thi thử & bài luyện tập mọi cấp độ Cambridge, TOEFL, IOE, thi vào chuyênm,,,

Học hiệu quả mà vui với tính năng mô phỏng game độc đáo như thách đấu bạn bè, games từ vựng, quizzes,…

✅ Chấm, chữa bài luyện Nói chi tiết với AI Speaking

Theo sát tiến độ học của con với bài kiểm tra trình độ định kỳ, báo cáo học tập, app phụ huynh riêng

Tặng con môi trường luyện thi tiếng Anh ảo, chuẩn bản ngữ chỉ chưa đến 1,000VNĐ/ngày!

Xem thêm>>>

    Đăng ký Đối tác

    Comments

    Subscribe
    Notify of
    guest

    0 Comments
    Oldest
    Newest Most Voted
    Inline Feedbacks
    View all comments
    Phương Thảo
    Phương Thảo
    Your second life begins when you realize you only have one.

    Related Posts