Giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội – SEL là một khái niệm không còn xa lạ đối với các nhà giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, SEL mới chỉ bắt đầu nhận được sự quan tâm trong vòng 10 năm trở lại đây. Vậy SEL là gì? Là một giáo viên tiếng Anh, thầy cô có thể ứng dụng SEL ra sao trong các lớp học của mình? Hãy cùng FLYER khám phá trong bài viết sau đây.
1. Giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội (SEL) là gì?
Giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội (SEL – Social and Emotional Learning) là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục và phát triển toàn diện của mỗi con người. CASEL – tổ chức nghiên cứu dẫn đầu xu hướng giáo dục SEL trong hơn 20 năm qua – đã đưa ra một định nghĩa đầy đủ về Giáo dục năng lực Cảm xúc – Xã hội (SEL) như sau:
“Giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội (SEL) là một quá trình mà trong đó, tất cả mọi người, từ trẻ em đến người trưởng thành, tiếp nhận và áp dụng những kiến thức, kỹ năng và thái độ nhằm phát triển bản sắc cá nhân lành mạnh, quản lý cảm xúc bản thân, đạt được mục tiêu của cá nhân và tập thể; thể hiện khả năng đồng cảm, thiết lập và duy trì những mối quan hệ tích cực; đồng thời đưa ra những quyết định chu đáo và thể hiện tinh thần trách nhiệm.”
Việc thực hành giáo dục các kỹ năng quản lý cảm xúc và xã hội tạo ra môi trường an toàn và tin cậy cho học sinh, giúp các em xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn với gia đình và nhà trường. Thông qua đó, thái độ học tập và kết quả học tập cũng được cải thiện.
Cho đến nay, SEL đã trở thành một phần quan trọng và quen thuộc trong chương trình giảng dạy tại nhiều nước tiến bộ trên thế giới. Nhiều trường học tại Mỹ lồng ghép giáo dục cảm xúc xã hội trong các môn học như lịch sử, toán, tập đọc, v.v. Tại Việt Nam, SEL cũng ngày càng được chú trọng, được nhiều thầy cô và trung tâm ứng dụng một cách hiệu quả trong giảng dạy nói chung và giảng dạy tiếng Anh nói riêng.
2. 5 năng lực cốt lõi của cảm xúc xã hội
Theo tổ chức nghiên cứu chính thống CASEL, có 5 năng lực cảm xúc xã hội cốt lõi như sau:
- Năng lực tự nhận thức (self-awareness)
- Năng lực quản lý bản thân (self-management)
- Năng lực nhận thức xã hội (social awareness)
- Kỹ năng trong các mối quan hệ (relationship skills)
- Kỹ năng ra quyết định có trách nhiệm (responsible decision-making)
2.1. Tự nhận thức (self-awareness)
Năng lực tự nhận thức là khả năng thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của bản thân cũng như cách chúng ảnh hưởng đến hành vi và điểm mạnh, điểm yếu của chính mình.
Nhóm năng lực này giúp trẻ:
- Hình thành trí thông minh cảm xúc – nhận thức và làm chủ cảm xúc, sở thích và nhu cầu cá nhân
- Liên kết suy nghĩ, cảm xúc với hành vi
- Tin vào năng lực của bản thân
- Làm chủ và thoát khỏi các định kiến thông thường
- Hình thành tính trung thực và chính trực.
2.2. Quản lý bản thân (self-management)
Năng lực quản lý bản thân là khả năng điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc và hành vi một cách hiệu quả, kiểm soát căng thẳng và tạo ra động lực nhằm đạt được mục tiêu.
Biểu hiện của nhóm năng lực này bao gồm:
- Khả năng quản lý cảm xúc và giảm căng thẳng
- Biết cách tự tạo động lực và phát triển tính kỷ luật cho bản thân
- Kỹ năng thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch.
2.3. Nhận thức xã hội (social awareness)
Năng lực nhận thức xã hội là khả năng thấu hiểu góc nhìn và cảm xúc của người khác, kể cả những người đến từ nhiều nền văn hóa và hoàn cảnh khác nhau.
Những đứa trẻ có năng lực nhận thức xã hội sẽ có thể:
- Hiểu được góc nhìn của người khác
- Hiểu rằng mỗi người có một điểm mạnh riêng
- Thấu hiểu và thể hiện sự quan tâm với cảm xúc của người khác
- Thể hiện lòng biết ơn
- Thích nghi được với nhiều môi trường sống khác nhau.
2.4. Kỹ năng trong các mối quan hệ (relationship skills)
Kỹ năng trong các mối quan hệ bao gồm khả năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh, đồng thời kiểm soát được các tình huống giao tiếp xã hội khác nhau.
Sở hữu kỹ năng này sẽ giúp trẻ:
- Giao tiếp tự tin và hiệu quả với bạn bè, thầy cô
- Khả năng hợp tác, làm việc nhóm và giải quyết xung đột
- Thể hiện khả năng lãnh đạo và biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần
- Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh.
2.5. Ra quyết định có trách nhiệm (responsible decision-making)
Năng lực cuối cùng trong khung năng lực SEL là khả năng đưa ra quyết định một cách có đạo đức và trách nhiệm, nhận thức được hệ quả của các quyết định này và chịu trách nhiệm cho nó.
Cụ thể, trẻ có khả năng:
- Nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn và đưa ra giải pháp phù hợp
- Phát triển kỹ năng tư duy phản biện
- Có ý thức về hệ quả những hành động của mình
- Hình thành tinh thần trách nhiệm và các tiêu chuẩn đạo đức.
3. Lợi ích của việc giáo dục cảm xúc xã hội cho học sinh
Trải qua thời gian dài ứng dụng, việc giáo dục năng lực cảm xúc – xã hội (SEL) cho thấy những ảnh hưởng tích cực đối với học sinh trong cả môi trường học tập và đời sống:
- Thành tích tốt hơn: Học sinh tham gia chương trình giáo dục SEL có điểm số trung bình cao hơn 11% so với những trẻ không có cơ hội đó.
- Giảm bắt nạt học đường: Giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội (SEL) làm giảm tỷ lệ bắt nạt học đường tới 51%, theo Tạp chí Y tế Dự phòng Hoa Kỳ.
- Giảm tỷ lệ vi phạm nội quy: Theo chương trình giáo dục kỹ năng sống Positive Action, việc áp dụng SEL khiến tỷ lệ vi phạm nội quy giảm tới 73%, cho thẩy trẻ có năng lực điều khiển hành vi và cảm xúc tốt hơn.
- Thành công hơn trong cuộc sống: Về lâu dài, giáo dục SEL mang lại những lợi ích như nâng cao tỷ lệ việc làm và hoàn thành chương trình giáo dục, theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum).
Nhìn chung, thông qua giáo dục SEL, trẻ tích cực tham gia học tập hơn, gắn kết với gia đình và bạn bè hơn, kiểm soát căng thẳng tốt hơn, tự tin hơn và phát triển tính kỷ luật nhằm đạt được mục tiêu. Đây đều là những kỹ năng bắt buộc phải có giúp các con chạm đến thành công trong nền kinh tế số không ngừng phát triển của thế kỷ 21.
4. Tầm quan trọng của giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội (SEL) trong giảng dạy tiếng Anh
Ngoài những lợi ích chung kể trên, việc giáo dục năng lực cảm xúc – xã hội cho học sinh mang lại hiệu quả như thế nào cho việc dạy và học tiếng Anh? Thầy cô có thể đã biết, khả năng tư duy, trí thông minh cảm xúc và năng lực ngôn ngữ của một đứa trẻ có liên hệ mật thiết với nhau. Chúng được ví như chiếc “kiềng ba chân” giúp trẻ vững vàng hơn trong cuộc sống.
Đối với trẻ nhỏ, phát triển ngôn ngữ đồng nghĩa với việc phát triển tư duy và năng lực cảm xúc – xã hội. Việc hình thành các kỹ năng ngôn ngữ, dù là tiếng Việt hay tiếng Anh, giúp trẻ biết cách sắp xếp và truyền đạt suy nghĩ của mình với thế giới bên ngoài. Thông qua hoạt động này, trí thông minh cảm xúc được kích hoạt khi trẻ hiểu rõ hơn về cảm xúc của bản thân và điều chỉnh hành vi phù hợp.
Ở chiều ngược lại, khi trẻ có khả năng quản lý cảm xúc và biết cách giao tiếp hiệu quả, các kỹ năng tiếng Anh như nghe – đọc – viết, đặc biệt là nói cũng sẽ được nâng cao. Khả năng kiểm soát căng thẳng và tự tạo động lực cho bản thân (nằm trong khung năng lực cảm xúc và xã hội SEL) khiến trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động học tập hơn, chủ động tự học và từ đó đạt kết quả tốt hơn.
Cuối cùng, việc được chăm sóc về mặt cảm xúc tại lớp học sẽ giúp trẻ giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực như lo âu, áp lực về thành tích, sợ học, v.v. Lúc này, thầy cô là người truyền cảm hứng, gắn kết các học sinh với nhau và với lớp học.
Tóm lại, việc học ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh, sẽ góp phần phát triển năng lực cảm xúc – xã hội ở trẻ, và ngược lại. Vì vậy, đây là hai hoạt động không thể tách rời, cần song hành nhằm tạo ra môi trường giáo dục toàn diện cho học sinh.
5. 11 hoạt động giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội (SEL) trong giảng dạy tiếng Anh
Sau đây là một số gợi ý về những hoạt động phát triển SEL thầy cô có thể áp dụng trong lớp học tiếng Anh của mình.
5.1. Học từ vựng miêu tả cảm xúc bằng hình ảnh (Emotion Vocabulary)
Một phần quan trọng trong giáo dục SEL là dạy học sinh cách thấu hiểu và biểu đạt cảm xúc của bản thân. Thầy cô có thể dạy trẻ các từ và cụm từ miêu tả cảm xúc trong tiếng Anh thông qua hình vẽ. Pinterest, Pics4Learning là những nguồn cung cấp hình ảnh online miễn phí về chủ đề này mà thầy cô có thể sử dụng.
5.2. Hỏi thăm cảm xúc (Emotional Check-in)
Đây là một hoạt động làm nóng không khí đầu giờ, nơi thầy cô thăm hỏi về tâm trạng của học sinh trong ngày hôm đó. Thầy cô có thể sáng tạo nhiều phương pháp khác nhau để hoạt động này thêm thú vị. Ví dụ như để học sinh chấm điểm cảm xúc hiện tại của mình từ 1 – 10, hay bốc số kẹo tương ứng với tâm trạng buồn hoặc vui, chọn một bài hát miêu tả cảm xúc của bản thân ngay lúc này, v.v. Hoạt động này giúp không khí lớp học thân thiện hơn và thúc đẩy tương tác ở các hoạt động sau.
5.3. Đặt mục tiêu theo mô hình S.M.A.R.T (S.M.A.R.T Goals)
Để phát triển kỹ năng lên kế hoạch và bám sát mục tiêu, thầy cô hướng dẫn học sinh đặt mục tiêu cho chính mình sử dụng mô hình S.M.A.R.T (Specific – Cụ thể, Measurable – Đo lường được, Attainable – Khả thi, Relevant – Liên quan, Time Based – Có thời hạn).
Thay vì những mục tiêu mơ hồ như “I want to be good at English” (Em muốn học giỏi tiếng Anh), trẻ cần đặt được một mục tiêu cụ thể theo các tiêu chí trên, chẳng hạn “I want to get 15/15 shields Starters in 3 months” (Em muốn đạt 15/15 khiên Starter trong 3 tháng). Điều này sẽ giúp cả giáo viên và học sinh có một đích đến rõ ràng hơn, trẻ quyết tâm và tập trung hơn vào việc học.
5.4. Danh sách biết ơn (Gratitude List)
Thực hành lòng biết ơn bằng cách yêu cầu học sinh liệt kê ba điều khiến trẻ cảm thấy biết ơn trong ngày bằng tiếng Anh. Đó có thể là những tình cảm to lớn như gia đình, bạn bè, nhưng cũng có thể là những điều nhỏ bé như một viên kẹo hay mùi thơm của bánh quy mới nướng. Việc thể hiện sự biết ơn khiến các học sinh nhỏ tuổi cảm thấy hạnh phúc hơn, tăng cường khả năng tập trung và giữ bình tĩnh trong lớp học.
5.5. Viết nhật ký (SEL Journalling)
Thầy cô hướng dẫn học sinh viết nhật ký miêu tả các hoạt động hàng ngày của mình. Đây sẽ là nơi trẻ có thể tự do thể hiện bản thân và rèn luyện kỹ năng viết bằng tiếng Anh. Hoạt động này sẽ phù hợp với những lớp học ở trình độ cao hơn. Với các học sinh nhỏ, còn chưa thành thạo kỹ năng viết, thầy cô có thể yêu cầu trẻ vẽ ra giấy và kể lại với cả lớp.
5.6. Trò chơi “What would you do?” (Bạn sẽ làm gì nếu?)
Với trò chơi này, thầy cô phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ bằng cách đặt những câu hỏi như “You have a big test tomorrow, but a friend wants you to go out to the movies. What would you do?” (Bạn có bài kiểm tra ngày mai, nhưng bạn của bạn rủ đi xem phim. Bạn sẽ làm gì?). Các học sinh sẽ thảo luận, đưa ra giải pháp tối ưu nhất và giải thích lí do. Đây là một hoạt động bổ ích giúp học sinh vừa cải thiện khả năng ngôn ngữ, vừa rèn luyện tư duy phản biện.
5.7. Đọc to những lời khẳng định tích cực (Positive Affirmations)
Thầy cô cùng học sinh đọc to những lời khẳng định tích cực như “I am confident” (Tôi tự tin) hay “I am proud of myself” (Tôi tự hào về bản thân) khi bắt đầu lớp học hoặc trước mỗi kỳ kiểm tra. Hoạt động ý nghĩa này sẽ giúp học sinh có niềm tin vào năng lực của bản thân, hào hứng hơn với việc học và thậm chí đạt kết quả học tập tốt hơn.
5.8. Vòng tròn chia sẻ (Class Circle)
Hãy xếp những chiếc ghế thành một vòng tròn chính giữa lớp học. Thầy cô sẽ đưa ra một chủ đề hoặc một câu hỏi về một vấn đề cảm xúc – xã hội cụ thể và để các học sinh lần lượt trình bày suy nghĩ của mình. Ví dụ, trẻ có thể chia sẻ một chuyện khiến mình cảm thấy vui trong ngày và lí do tại sao với cả lớp.
Một lưu ý quan trọng với hoạt động này là thầy cô nên tạo một môi trường tin cậy để trẻ tự do chia sẻ – nếu một học sinh cảm thấy không thoải mái khi trả lời một câu hỏi nào đó, trẻ nên được quyền bỏ qua câu hỏi và nhường lượt nói cho bạn khác.
5.9. Vẽ chân dung tự họa (Self-portrait)
Thầy cô có thể kết hợp việc học ngôn ngữ với các hoạt động sáng tạo như vẽ tranh. Hoạt động này yêu cầu học sinh vẽ một bức chân dung về chính mình, sử dụng màu sắc và những hình tượng khác nhau để diễn tả tâm trạng của bản thân. Sau đó, từng học sinh sẽ lên thuyết trình trước lớp về bức tranh của mình. Trò chơi này không chỉ kích thích tính sáng tạo và khả năng ngôn ngữ, mà còn thể hiện mức độ thấu hiểu của trẻ đối với chính bản thân mình.
5.10. Các trò chơi làm quen (Ice – Breakers)
Khi bắt đầu một kỳ học mới, hoặc khi lớp có học sinh mới đến, thầy cô có thể cho lớp tham gia các trò chơi “phá băng” để gắn kết lớp học hơn. Một số trò chơi phổ biến có thể kể đến như Two truths and a lie (Hai câu nói thật và một câu nói dối), Would you rather (Bạn có muốn), hay Find someone who (Tìm người có đặc điểm sau). Các trò chơi thú vị này sẽ giúp khuấy động không khí lớp học, đồng thời giúp học sinh hình thành những mối quan hệ thân thiết với bạn cùng lớp của mình.
5.11. Trò chơi nhập vai (Role-play)
Tham gia trò chơi nhập vai là một cách tuyệt vời để học sinh học cách đồng cảm và đặt mình vào vị trí của người khác. Thầy cô có thể kết hợp nó với các tình huống xã hội như học sinh A đang gặp chuyện buồn, học sinh B sẽ tìm cách để an ủi bạn như thế nào. Hoặc trường hợp có hai bạn học sinh đang cãi nhau, bạn sẽ tìm cách đàm phán và giải quyết xung đột ra sao.
Xem thêm: <strong>Gợi ý 10+ trò chơi dạy tiếng Anh giúp khuấy động không khí lớp học tốt nhất</strong>
6. Đo lường ảnh hưởng của giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội (SEL)
Sau khi áp dụng các hoạt động SEL đa dạng cho lớp học của mình, chắc chắn thầy cô sẽ cần biết mức độ hiệu quả của chúng để thực hiện điều chỉnh cho hợp lý. Bản chất năng lực cảm xúc – xã hội là một khái niệm trừu tượng, rất khó để đo lường bằng những con số cụ thể. Tuy nhiên, thầy cô có thể sử dụng một vài phương pháp sau đây để có được cái nhìn tổng quan nhất về mức độ ảnh hưởng của hoạt động SEL trong các lớp học tiếng Anh:
- Khảo sát và bảng hỏi: Thực hiện khảo sát các học sinh và phụ huynh về những thay đổi họ nhận thấy trong kỹ năng xã hội, sức khỏe tinh thần cũng như hành vi của trẻ. Nhận xét từ những người trực tiếp cảm nhận năng lực cảm xúc – xã hội của trẻ mỗi ngày sẽ là minh chứng rõ ràng nhất về độ hiệu quả của hoạt động SEL.
- Quan sát và đánh giá: Thầy cô cũng có thể tự mình quan sát và đánh giá sự phát triển về mặt cảm xúc xã hội của các học sinh của mình thông qua biểu hiện, hành vi của trẻ trong những hoàn cảnh khác nhau. Với phương pháp này, một danh sách kiểm tra cho từng năng lực SEL cụ thể sẽ giúp thầy cô theo dõi sự tiến bộ của trẻ qua thời gian dễ dàng hơn.
- Tự đánh giá: Ngoài ra, thầy cô nên khuyến khích học sinh tự nhìn lại và đánh giá sự phát triển kỹ năng cảm xúc xã hội của mình. Các hoạt động tự đánh giá như viết nhật ký, đặt mục tiêu và theo dõi mục tiêu sẽ cho phép học sinh nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu và những điều cần cải thiện của chính bản thân mình.
- Nhận xét định tính: Tổ chức những buổi phỏng vấn sâu giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên để đánh giá tác động của SEL đối với trẻ. Những trải nghiệm cá nhân và đánh giá của họ về việc tích hợp SEL trong chương trình học sẽ là cơ sở quan trọng để kết luận về mức độ hiệu quả của nó.
7. Một số câu hỏi thường gặp
SEL là viết tắt của từ tiếng Anh Social and Emotional Learning, có nghĩa là Giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội.
Năm năng lực cốt lõi của SEL là Tự nhận thức (self-awareness), Quản lý bản thân (self-management), Nhận thức xã hội (social awareness), Kỹ năng trong các mối quan hệ (relationship skills), Ra quyết định có trách nhiệm (responsible decision-making).
Việc áp dụng SEL trong lớp học tạo ra một môi trường học tập tích cực và hòa nhập, nơi học sinh được dạy các kỹ năng liên quan đến khả năng tự nhận thức, tự điều chỉnh, khả năng đồng cảm và giao tiếp hiệu quả.
Giáo viên có thể hỗ trợ học sinh phát triển năng lực cảm xúc và xã hội bằng cách tạo ra bầu không khí an toàn và tin cậy trong lớp học, hướng dẫn học sinh kỹ năng giải quyết xung đột và giải quyết vấn đề, đồng thời tích hợp SEL vào chương trình giảng dạy của mình.
Thầy cô tìm hiểu về SEL tại trang web chính thức của CASEL (casel.org). Tổ chức này cũng chia sẻ những kiến thức và tin tức về giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội tại trường học trên các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, LinkedIn, Twitter, v.v.
8. Tổng kết
Trên đây là tất cả những gì thầy cô cần biết về Giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội (SEL). Hiện nay, SEL đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động giảng dạy nói chung và giảng dạy tiếng Anh nói riêng. Để bắt đầu hình thành và phát triển năng lực cảm xúc – xã hội cho học sinh của mình, thầy cô có thể ứng dụng ngay 11 hoạt động SEL hữu ích mà FLYER đã gợi ý trong bài viết này nhé.
Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?
FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!
✅ Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…
✅ Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp
✅ Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…
✅ Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)
Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!
Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188
Xem thêm>>>