Giáo dục ngày nay đang đối mặt với sự biến đổi không ngừng của xã hội hiện đại. Trên con đường giáo dục và đào tạo mầm non tương lai của đất nước, có một nội dung quan trọng mà thầy cô cần lưu tâm, đó là sự hình thành và phát triển của “Growth Mindset (Tư duy cầu tiến)“. Trong bài viết này, mời quý thầy cô cùng FLYER tìm hiểu về tư duy cầu tiến và khám phá tại sao tư duy này lại là chìa khóa mở cửa tri thức cho thế hệ tương lai.
1. Khái niệm Growth mindset (Tư duy cầu tiến)
Tư duy cầu tiến không chỉ là một khái niệm trong giáo dục mà còn là một triết lý sống. Growth mindset được khám phá bởi nhà tâm lý học Carol Dweck. Theo ông, tư duy cầu tiến là sự nhận thức rằng kỹ năng không phải là điều được định sẵn, mà chúng ta có thể đạt được nếu đầu tư thời gian và sự nỗ lực.
Theo Dweck, có hai dạng tư duy chính: “growth mindset” (tư duy cầu tiến) và “fixed mindset” (tư duy cố định). Người có growth mindset tin rằng sự phát triển liên tục là khả thi, và họ có thể học được kiến thức và kỹ năng mới. Ngược lại, những người có fixed mindset tin rằng chúng ta được sinh ra với tài năng và phẩm chất không thể thay đổi, điều này quyết định khả năng của mỗi người ở trong cuộc sống.
2. Growth mindset hoạt động như thế nào?
Growth mindset hoạt động bằng cách thay đổi cách nhìn nhận về khả năng, sự thất bại và quá trình học hỏi. Dưới đây là một số cách hoạt động của growth mindset, mời thầy cô cùng tham khảo để có cái nhìn tổng quan hơn về tư duy này.
Cách hoạt động | Mô tả |
---|---|
Xem sự thất bại như một bài học | Người có Growth mindset không nhìn nhận thất bại là một thất bại hoàn toàn. Thay vào đó, họ coi đó như một cơ hội học hỏi và phát triển, xác định những điểm mạnh và yếu để cải thiện bản thân trong tương lai. |
Tin rằng nỗ lực là yếu tố tiên quyết | Họ tin rằng nỗ lực là yếu tố quyết định quan trọng đối với thành công. Thay vì đặt tâm trí chủ yếu vào tài năng tự nhiên, họ coi nỗ lực và làm việc chăm chỉ như một phần quan trọng của quá trình đạt được mục tiêu. |
Coi thách thức như một cơ hội phát triển | Người có tư duy cầu tiến chào đón thách thức và xem đó như một cơ hội để phát triển cả về kỹ năng và trí tuệ. Thậm chí, những thách thức khó khăn được họ coi như một bước đệm quan trọng để đạt được mức độ thành công cao hơn. |
Tìm kiếm phản hồi từ người khác | Người có tư duy cầu tiến không sợ nhận phản hồi tiêu cực và thậm chí chào đón nó như một cách để cải thiện bản thân. Phản hồi từ người khác giúp mỗi người hiểu rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu của mình. |
Duy trì tư duy mở cửa | Người có Growth mindset không bị giới hạn bởi niềm tin rằng tài năng hay trí tuệ là cố định. Thay vào đó, họ liên tục mở lòng với việc học hỏi và phát triển, tin rằng bất kỳ ai cũng có thể phát triển vượt lên trên khả năng hiện tại. |
Chia sẻ thành công với người khác | Họ không chỉ coi thành công là của riêng mình mà còn chia sẻ và động viên người khác. Hành động này tạo ra một không khí tích cực đến những người xung quanh. |
Tập trung vào quá trình thay vì kết quả | Người có Growth mindset tập trung vào quá trình học hỏi và nỗ lực hơn là chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng. |
Nhận diện và thay đổi tư duy cố định | Người ta bắt đầu với việc nhận ra những niềm tin và giả định cố định về bản thân và khả năng của mình. Sau đó, họ cố gắng thay đổi những niềm tin này thành niềm tin vào khả năng phát triển thông qua nỗ lực. |
3. Ví dụ về Growth mindset
Để thầy cô hiểu rõ hơn về Growth mindset, FLYER đã tổng hợp ví dụ về hai cách tiếp cận khác nhau đối với 3 tình huống cho trước. Cột bên trái là tình huống giả định, 2 cột bên phải lần lượt là suy nghĩ của người theo tư duy cố định và tư duy phát triển:
Tình huống | Tiếp cận theo tư duy cố định | Tiếp cận theo tư duy phát triển |
Bạn đạt điểm rất cao trong một kỳ thi | Tuyệt vời! Mình thực sự thông minh trong lĩnh vực này. | Tuyệt vời! Chắc hẳn mình đã làm việc chăm chỉ và học được rất nhiều. |
Bạn đang bắt đầu một nhiệm vụ hoặc dự án mới | Mình hy vọng những nhiệm vụ này sẽ dễ dàng với mình. | Mình hy vọng những nhiệm vụ và dự án này sẽ thật thú vị! |
Bạn nhận được phản hồi tiêu cực về việc học của mình | Ôi không! Điều này chứng tỏ mình không giỏi việc này. | Được rồi, mình cần quay lại làm học tập và tìm hiểu thêm. |
Những ví dụ này cho thấy sự khác biệt trong tư duy. Với cách tiếp cận tư duy cố định, thật dễ dàng để quy thành công và thất bại cho khả năng vốn có của bản thân. Những người này có thể tìm kiếm sự yên tâm bằng cách làm những việc mà họ cảm thấy thoải mái. Ngược lại, người có tư duy cầu tiến có thể nhận ra sự chăm chỉ của mình và cố gắng cải thiện khi bản thân chưa đạt được thành tích cao. Người sở hữu Growth mindset luôn tìm kiếm những thử thách, đặc biệt khi họ có cơ hội học hỏi điều gì đó mới mẻ.
4. Sự khác biệt giữa Growth mindset và Fixed mindset
Ở môi trường giáo dục, tư duy của học sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập và phát triển trong tương lai của các em. Hai tư duy phổ biến là Growth Mindset (tư duy cầu tiến) và Fixed Mindset (tư duy cố định) có sự khác biệt rõ rệt trong cách các em đối mặt với thách thức, thất bại. Với các thầy cô, hiểu rõ sự khác biệt giữa hai loại tư duy này có thể giúp thầy cô tạo ra môi trường học tập tích cực và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của học sinh.
Điểm phân biệt | Growth Mindset | Fixed Mindset |
---|---|---|
Quan điểm về sự thành công | Coi thành công là kết quả của cố gắng và nỗ lực. Tin rằng mọi mục tiêu đều có thể đạt được và là đích đến của mọi người. | Cho rằng thành công là có sẵn và không phải ai cũng đạt được mức độ thành công mong muốn. Người có Fixed Mindset cho rằng mỗi người chỉ đạt được một số thành công hạn chế. |
Quan điểm về sự thất bại | Xem thất bại như một bài học để cải thiện bản thân và phát triển. Thấy thất bại là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm. | Thường cho rằng thất bại là do thiếu năng lực và nói lên giới hạn của bản thân. |
Quan điểm về sự phát triển | Tin rằng trí thông minh và tài năng có thể phát triển thông qua nỗ lực và hành động. | Tin rằng khả năng là cố định và không thể thay đổi. Không coi trọng sự phát triển và cải thiện. |
Quan điểm về sự tiềm năng | Đánh giá cao tiềm năng và tin vào khả năng phát triển của mỗi người thông qua nỗ lực. | Thường ít đánh giá cao tiềm năng và coi nó là yếu tố khó đoán định hay đánh giá. |
Quan điểm về sự nỗ lực | Xem nỗ lực là đầu tư cho sự phát triển và thành công dài hạn. Tin rằng mọi sự nỗ lực đều đáng giá và cần thiết. | Thường coi nỗ lực là không hiệu quả và không muốn đầu tư cho sự nỗ lực, cho rằng năng lực là có sẵn và không cần nỗ lực đặc biệt. |
5. Lợi ích của Growth mindset
Có thể thấy được Growth Mindset khác biệt hoàn toàn so với Fixed Mindset về mọi quan điểm. Đối với học sinh, việc thúc đẩy tư duy tích cực mang lại nhiều lợi ích quan trọng:
Lợi ích | |
---|---|
Khả năng học hỏi và phát triển | Với Growth mindset, các em học sinh sẽ tin rằng mình có khả năng phát triển thông qua nỗ lực và học hỏi không ngừng. Niềm tin này khuyến khích sự tò mò và mong muốn liên tục nâng cao kiến thức và năng lực của bản thân. |
Sẵn sàng đối mặt với thách thức | Growth mindset thúc đẩy tư duy tích cực về sự nỗ lực và kiên nhẫn. Nhờ tư duy cầu tiến, học sinh sẽ tập trung hơn vào quá trình học tập và sẵn lòng đối mặt với thách thức mà không sợ thất bại. |
Tự tin và ý thức về bản thân | Học sinh sở hữu Growth mindset có sự tự tin cao, vì các em tin rằng bản thân có khả năng phát triển và cải thiện những kỹ năng sẵn có. Sự tự tin này giúp các em vượt lên chính mình. |
Sự linh hoạt trong quá trình học tập | Tư duy cầu tiến giúp học sinh coi thất bại là một phần của quá trình học tập và sẵn sàng điều chỉnh chiến lược học của mình. Điều này tạo ra sự linh hoạt và sự sáng tạo trong học tập. |
Thúc đẩy tinh thần hợp tác | Growth mindset thúc đẩy tinh thần hợp tác của học sinh, vì những em này hiểu rằng mọi người có thể học hỏi từ nhau. Các em chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau để đạt được mục tiêu chung. |
Phục hồi nhanh chóng sau thất bại | Những học sinh có Growth mindset dễ dàng đứng dậy sau những thất bại. Thay vì tự làm tổn thương bản thân, các em luôn xem xét và học hỏi từ những thất bại này để chuẩn bị cho những thử thách tiếp theo. |
6. 10 Bước phát triển tư duy cầu tiến cho giáo viên
Hy vọng những nội dung trên đây đã giúp thầy cô hiểu hơn về Growth mindset. Nhưng hiểu thôi chưa đủ, thầy cô cũng cần phát triển tư duy cầu tiến để, không chỉ làm gương cho học sinh mà còn để thầy cô có thể phát triển không ngừng trong sự nghiệp giảng dạy. Vậy thầy cô nên bắt đầu từ đâu? Dưới đây là gợi ý 10 bước cơ bản:
Bước | Mô tả |
---|---|
Nhận biết tư duy của bản thân | Xác định cách mà bản thân tiếp cận với thách thức hiện tại. Đánh giá liệu thầy cô có nói như “Tôi tự nhiên là người thích giao tiếp” hay “Tôi đã học cách làm việc hòa đồng với mọi người” không. Nhận biết là bước đầu tiên để thay đổi tư duy. |
Quan sát sự cải thiện của bản thân | Tự đặt câu hỏi về những kỹ năng mà thầy cô giỏi hơn so với quá khứ. Tìm hiểu tại sao những thay đổi này xảy ra; Đặt câu hỏi về thời gian và sự cố gắng mà thầy cô đã đã dành để cải thiện những kỹ năng này. Những suy nghĩ này thúc đẩy tư duy phát triển. |
Đánh giá thành công của người khác | Tìm hiểu về những người đã vượt qua khó khăn và đạt được thành công. Xem xét cách họ làm điều đó và suy nghĩ về khả năng phát triển của họ. |
Tìm kiếm phản hồi | Tìm kiếm phản hồi từ người khác, dù bản thân có thành công hay không. Phản hồi có thể cung cấp cái nhìn về sự phát triển của thầy cô và những điểm cần cải thiện. |
Tận dụng sức mạnh của “chưa” | Nhận ra rằng có những kỹ năng bản thân “chưa” giỏi, nhưng với sự nỗ lực và kiên trì, những vấn đề này có thể cải thiện trong tương lai. Hiểu rằng điểm yếu của bản thân có thể trở thành điểm mạnh khi được phát triển. |
Trải nghiệm hoạt động mới | Thử nghiệm những hoạt động hoàn toàn mới và thách thức bản thân học thêm kỹ năng mà mình chưa giỏi. Việc liên tục rời khỏi “vùng an toàn” sẽ phát triển tư duy cầu tiến và giúp thầy cô mở lòng hơn để học kỹ năng mới. |
Sai lầm là điều bình thường | Cho phép bản thân mắc phải những sai lầm và học hỏi từ chúng. Thay vì coi sai lầm là dấu hiệu của sự thất bại, thầy cô hãy nhìn nhận chúng là một phần của quá trình học hỏi và là cơ hội để mình cải thiện thêm từng ngày. |
Nhẹ nhàng với bản thân | Thay vì tự trách cứ bản thân, hãy xem xét cách mà thầy cô sẽ đối xử với người khác trong tình huống tương tự. Nhận thức về cách truyền đạt và hỗ trợ bản thân tránh xa khỏi tư duy cố định. |
Xem các ví dụ | Nếu muốn phát triển tư duy cầu tiến, thầy cô hãy xem xét những người đã thành công trong việc thể hiện tư duy này. Học hỏi từ người khác, đặc biệt là từ những người mà thầy cô ngưỡng mộ. |
Đặt ra mục tiêu hợp lý | Đặt ra mục tiêu rõ ràng và hợp lý để hướng tới sự thành công. Thầy cô có thể không kiểm soát được tất cả các yếu tố, nhưng thông qua mục tiêu, thầy cô có thể hướng bản thân đến gần hơn những thành tựu đáng mơ ước. |
7. Phát triển tư duy cầu tiến trong lớp học
Tư duy cầu tiến không chỉ là một phương pháp giáo dục mà còn là một triết lý sống, một cánh cửa mở ra sự phát triển không ngừng cho thế hệ tương lai của đất nước. Làm thế nào để phát triển tư duy cầu tiến trong lớp học? Dưới đây là 6 chiến lược dễ áp dụng cho cả giảng dạy trực tuyến và trực tiếp. Mời thầy cô cùng tham khảo và áp dụng để giúp học sinh của mình phát triển tư duy cầu tiến.
7.1. Cho học sinh biết rằng não bộ cũng có thể được huấn luyện
Hãy giúp học sinh nhận ra rằng não bộ của các em có thể được huấn luyện giống như cơ bắp. Giải thích với các em rằng mỗi khi học điều gì đó mới và khó khăn, các neuron trong não sẽ tạo ra kết nối mới, đường dẫn mới, được củng cố thông qua việc thực hành những gì các em được học.
7.2. Biến tư duy cầu tiến thành một bài học
Một cách để giới thiệu khái niệm tư duy cầu tiến là tổ chức một bài kiểm tra nhỏ. Điều này đủ để khuyến khích sự suy nghĩ, không cần các em phải nộp câu trả lời với đáp án chính xác. Thầy cô có thể đưa ra những tuyên bố như sau hoặc tương tự để các em chỉ ra liệu mình đồng ý hay không:
- Người thông minh không cần luyện tập trí não.
- Chúng ta được sinh ra với một trí thông minh nhất định và điều này không thể thay đổi.
- Khi thực hành một việc nhiều lần, các em có thể phát triển khả năng và trở nên giỏi hơn ở hoạt động đó.
- Nếu không được sinh ra với tài năng sẵn có, các em không thể làm bất cứ điều gì để phát triển nó.
- Các em không thể thay đổi cấp độ thông minh của mình, bất kể bản thân dành bao nhiêu thời gian tập thể dục trí óc.
- Người giỏi ở một điều gì đó là vì họ được sinh ra với một bộ kỹ năng nhất định.
Sau khi đã có đáp án, thầy cô có thể giải thích và sửa đổi câu trả lời theo góc nhìn của tư duy cầu tiến. Sau đó, thầy cô có thể chia sẻ thêm một số thông điệp của Growth mindset với học sinh để làm cho cuộc thảo luận trở nên hấp dẫn hơn.
7.3. Dùng từ “chưa”
Từ “chưa” và “vẫn” có tác động tích cực đến động cơ học tập của học sinh. Phản hồi với học sinh rằng “em không hiểu bài học này” sẽ mang tính tiêu cực hơn so với “em chưa hiểu bài học này”. Từ “chưa” thúc đẩy học sinh tiếp tục học tập và cố gắng khắc phục vấn đề. Đó là một cách để nói với bộ não rằng mặc dù nó chưa tìm ra giải pháp nhưng nó sẽ làm được nếu tiếp tục nỗ lực.
7.4. Khen thưởng sự nỗ lực chứ không phải khả năng
Phần thưởng là yếu tố then chốt trong giáo dục, do đó phải được lựa chọn và sử dụng một cách cẩn thận. Học sinh sẽ đạt được kết quả học tập tốt hơn nếu các em được khen thưởng về nỗ lực chứ không phải trí thông minh. Tại sao? Bởi vì bằng cách khen học sinh thông minh, thầy cô đang ủng hộ tư duy cố định, ưu tiên tầm quan trọng của năng lực ban đầu hơn khả năng phát triển. Lúc này, thông điệp các em nhận được là “mình làm điều đó vì mình thông minh”.
Tuy nhiên, nếu thầy cô khen thưởng sự tiến bộ và nỗ lực của học sinh, các em sẽ hiểu rằng cách để đạt được mọi việc là phải học tập, làm việc chăm chỉ và không ngừng cố gắng. Điều này giúp củng cố tư duy cầu tiến trong mỗi học sinh.
7.5. Nói nhiều hơn về quá trình, nói ít hơn về kết quả
Hệ thống giáo dục ngày nay nhìn chung chỉ tính đến kết quả. Mặc dù các chiến lược giáo dục mới ngày càng phổ biến nhưng điểm số thường là cách duy nhất để đo lường kết quả học tập của học sinh trong thời điểm hiện tại. Điều này không có nghĩa là thầy cô không thể củng cố tầm quan trọng của sự tiến bộ trong quá trình. Hãy dạy học sinh rằng sự tiến bộ và nỗ lực là điều quan trọng nhất đối với thầy cô. Mỗi giáo viên có thể tạo ra các thước đo thành công của riêng mình để thể hiện điều này và thậm chí khiến học sinh tự đánh giá dựa trên các thước đo đó.
7.6. Trở thành một ví dụ
Học sinh quan tâm đến những gì thầy cô làm hơn là những gì thầy cô nói, điều này giải thích tại sao việc nêu gương lại rất hiệu quả trong giáo dục. Điều gì sẽ xảy ra nếu giáo viên sử dụng sai lầm của chính mình làm cơ hội để dạy dỗ học sinh?
Khi làm điều gì sai, thầy cô đừng cố che giấu lỗi lầm của mình. Hãy thừa nhận điều đó, cho cả lớp xem và giải thích cách mình sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện với tư cách là một giáo viên. Thật khó để nhìn ra những sai lầm của chính mình và đưa ra bài học gì đó tích cực từ chúng, vì vậy tấm gương của thầy cô về điều này sẽ rất có giá trị.
FAQs
Growth mindset (tư duy cầu tiến) là sự nhận thức rằng kỹ năng không phải là điều được định sẵn, mà chúng ta có thể đạt được nếu đầu tư thời gian và sự nỗ lực.
Fixed mindset (tư duy cố định) là tư duy cho rằng thành công là có sẵn và không phải ai cũng đạt được mức độ thành công mong muốn. Người có tư duy cố định cho rằng mỗi người chỉ đạt được một số thành công hạn chế trong suốt cuộc đời.
Cho học sinh biết rằng não bộ cũng có thể được huấn luyện
Biến tư duy cầu tiến thành một bài học
Dùng từ “chưa” thay vì “không”
Khen thưởng sự nỗ lực chứ không phải khả năng
Nói nhiều hơn về quá trình, nói ít hơn về kết quả
Biến bản thân trở thành một ví dụ
8. Tổng kết
Hiểu rõ về Growth mindset không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân thầy cô mà còn là chìa khoá để dạy các em không ngừng nỗ lực, không ngừng kiên nhẫn. Sự đổi mới, lòng kiên nhẫn, và niềm tin vào khả năng tự phát triển sẽ dẫn đến những thành tựu không ngừng trong hành trình trưởng thành của các em sau này.
Để tìm hiểu về giải pháp giáo dục FLYER SCHOOL, FLYER for Students, quý đối tác vui lòng để lại thông tin tại form này hoặc liên hệ Zalo: 0338431068.
>>> Tìm hiểu thêm về FLYER School: https://schools.flyer.vn/
Xem thêm:
- 10 trò chơi dạy ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả và hấp dẫn – “Say bye” với những giờ học ngữ pháp khô khan!
- Kỷ nguyên AI Edtech: Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang thay đổi nền giáo dục Việt Nam như thế nào?
- Phương pháp học cá nhân hoá (Personalized learning) là gì? 4 mô hình học cá nhân hoá được ưa chuộng trên thế giới