Là giáo viên, chắc hẳn thầy cô đã gặp phải trường hợp học sinh “mắt chữ A, mồm chữ O” khi không hiểu bài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của các con. Đây chính là lúc Instruction Check Questions (ICQs) trở thành một công cụ không thể thiếu đối với thầy cô. Dưới đây, FLYER xin mời quý thầy cô đón đọc bài viết cung cấp “tất tần tật” những thông tin về ICQs, các dạng ICQs phổ biến hiện nay và làm thế nào để áp dụng Instruction Check Questions hiệu quả nhất trong giờ học.
1. ICQs – Instruction Check Questions là gì ?
ICQs – Instruction Check Questions là những câu hỏi ngắn gọn được sử dụng để kiểm tra xem học sinh đã hiểu bài hoặc nắm bắt được nhiệm vụ cụ thể hay chưa trước khi vào làm bài tập/hoạt động tiếp theo.
Thay vì hỏi một câu đơn điệu: “Các em đã hiểu bài chưa?” (mà phần lớn học sinh dù hiểu hay không cũng trả lời “em hiểu rồi”), ICQs đóng góp nhiều hơn vào một lớp học tương tác nhờ những lợi ích sau:
- Giúp học sinh hiểu rõ chỉ dẫn và tự tin hơn trước khi làm bài tập hoặc thực hiện hoạt động tiếp theo.
- Tăng tương tác giữa thầy và trò, tạo nên một lớp học tích cực và sôi nổi hơn.
- Hỗ trợ các em chưa hiểu bài nhưng còn ngại ngùng không dám hỏi lại.
Mời quý thầy cô tìm hiểu thêm về ICQs qua video:
2. Một số cách giáo viên sử dụng ICQs trong lớp học tiếng Anh
ICQs được giáo viên sử dụng với rất nhiều mục đích khác nhau nhưng mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giờ học và giúp học sinh hiểu bài hơn. Dưới đây là một số cách ứng dụng ICQs để nâng cao chất lượng giảng dạy trong lớp học tiếng Anh. Mời quý thầy cô cùng đón đọc.
2.1. Kiểm tra sự hiểu bài của học sinh
Sau khi dạy về từ vựng/ cụm từ hoặc hướng dẫn một luật chơi nào đó, thầy cô có thể sử dụng ICQs để kiểm tra xem học sinh đã thực sự hiểu hay chưa. Với trình độ của trẻ cấp độ mẫu giáo hoặc tiểu học lớp nhỏ, thầy cô nên sử dụng các câu “Yes/ No” để các con dễ trả lời.
Ví dụ:
Sau khi học sinh học xong chủ đề về Animals (Động vật), thay vì hỏi câu hỏi chung chung “Do you understand the lesson?” (Các em đã hiểu bài học hôm nay chưa?), thầy cô có thể hỏi cụ thể hơn như:
Thầy cô hỏi | Dự đoán học sinh trả lời |
---|---|
Okay, class. Is this an elephant? Đây có phải con voi không cả lớp? (Tay chỉ vào hình con ngựa) | Yes, this is an elephant. Đúng, đây là con voi ạ. No, this is not an elephant. Không, đây không phải con voi ạ. |
Can a bird fly? Con chim có thể bay không? Can a horse dance? Con ngựa có thể nhảy không? (Thầy cô có thể sử dụng thêm ngôn ngữ hình thể để diễn đạt một cách dễ hiểu hơn) | Yes, it can. Nó có thể ạ. No, it can’t. Nó không thể ạ. |
What do you do when playing this game? Con sẽ phải làm gì khi chơi trò chơi này? | Học sinh sẽ trả lời dựa trên luật chơi thầy cô đã phổ biến. |
Những câu hỏi này giúp xác định liệu học sinh có thực sự hiểu bài giảng/ luật chơi hay không, từ đó thầy cô có thể điều chỉnh nội dung giảng dạy kịp thời.
2.2 Hướng dẫn học viên thực hiện bài tập
Khi giao bài tập, thầy cô có thể dùng ICQs để chắc chắn rằng học viên hiểu rõ nhiệm vụ cần làm. Ví dụ, sau khi giải thích bài tập nhóm, giáo viên có thể hỏi lại 1 số câu hỏi để giúp các em tự tin, sẵn sàng hoàn thành bài tập và tránh những sai lầm không đáng có do hiểu nhầm yêu cầu của giáo viên.
Thầy cô hỏi | Dự đoán học sinh trả lời |
---|---|
What information are we looking for? Chúng ta đang cần tìm thông tin gì nhỉ? | We are looking for museum in this map. Chúng ta đang tìm vị trí của bảo tàng trong bản đồ này ạ. |
When is the deadline? Hạn nộp của bài tập này là bao giờ? | It’s on next Tuesday. Vào thứ 3 tuần sau ạ. |
Which pages do you need to complete homework? Các con cần hoàn thành bài tập về nhà của trang bao nhiêu nhỉ? | We need complete homework from page 13 to 15. Chúng con phải hoàn thành bài tập về nhà từ trang 13 đến trang 15 ạ. |
2.3. Đảm bảo học viên hoàn thành bài tập
Instruction Check Questions cũng được dùng để kiểm tra xem các em có đang hoàn thành bài tập theo đúng hướng dẫn hay không. Trong quá trình suy nghĩ để trả lời câu hỏi, các em sẽ tự đánh giá, xem lại lại bài làm của mình và phản hồi lại cho thầy cô.
Thầy cô có thể hỏi một số câu ICQs để đánh giá xem liệu học sinh đã hiểu yêu cầu của mình hay chưa theo 1 số gợi ý:
Thầy cô hỏi | Dự đoán học sinh trả lời |
---|---|
Are you on the right track? Con có bắt kịp tiến độ bài giảng không? | Yes, I am. Dạ có ạ. No, I am not. I have one more question… Dạ không ạ. Con có thêm 1 câu hỏi… |
Do you need any help? Con có cần cô giúp gì không? | Yes, I do. I need you to explain more about part 1. Dạ có, con cần cô giải thích thêm cho con về phần 1. No, I don’t. Con không ạ. |
Have you finished your task? Con đã hoàn thành xong bài tập chưa? | Yes, I have finished. Con hoàn thành rồi ạ. No, I haven’t finished yet. I am still confused about exercise 3. Con chưa hoàn thành xong ạ. Con vẫn thắc mắc về bài tập 3 ạ. |
ICQs không chỉ đơn thuần là một công cụ phục vụ giảng dạy, mà còn là phương pháp xây dựng một môi trường học tập tích cực, nơi học sinh cảm thấy tự tin và được hỗ trợ trong quá trình tiếp thu kiến thức.
Xem thêm: Interactive Learning là gì? Cách ứng dụng Học tập tương tác vào giảng dạy
3. Các dạng ICQs phổ biến
Bên cạnh câu hỏi Yes/No trong các trường hợp hướng dẫn trên, ICQs có thể được ứng dụng trong lớp dưới nhiều cách thức khác nhau. Thầy cô có thể tham khảo một số cách dùng và ví dụ FLYER đã tổng hợp dưới đây để áp dụng triển khai vào giáo án của mình.
Dạng ICQs | Cách dùng | Ví dụ |
---|---|---|
Yes/No Questions | Dùng để xác nhận nhanh liệu học sinh có hiểu đúng hướng dẫn hay không. | Do you need to work in pairs? Con có cần làm việc theo cặp không? Do you read the whole paragraph? Con có phải đọc hiểu cả đoạn không? |
Multiple Choice Questions | Khuyến khích học sinh suy nghĩ về các lựa chọn trước khi trả lời. | Should we discuss the text or watch the video first? Chúng ta nên thảo luận về văn bản hay xem video trước? Is the answer A, B, or C? Đáp án là A, B hay C? |
Detail Confirmation Questions | Câu hỏi xác nhận chi tiết yêu cầu học sinh giải thích hoặc nhắc lại một phần của hướng dẫn. | Which paragraph are you going to read? Con sẽ đọc đoạn văn nào? What should you do after finishing the first task? Con nên làm gì sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên? |
Open-Ended Questions | Câu hỏi mở yêu cầu các em diễn giải hoặc đưa ra câu trả lời chi tiết hơn dựa trên cách hiểu của bản thân. | How will you start the discussion? Con sẽ bắt đầu cuộc thảo luận như thế nào? What is your opinion on this topic? Ý kiến của con về chủ đề này là gì? |
Summary Questions | Đảm bảo học sinh có cái nhìn tổng quát về nhiệm vụ được giao. | Can you summarize the steps we need to take? Con có thể tóm tắt các bước chúng ta cần thực hiện không?What are the main tasks for this exercise? Nhiệm vụ chính của bài tập này là gì? |
Wh-Questions (Câu trả lời ngắn) | Kiểm tra chi tiết hơn hiểu biết của học sinh về hướng dẫn. | What will you do first? Con sẽ phải làm gì đầu tiên? Where do you find the answer? Con tìm câu trả lời ở đâu? |
This or That Questions | Đưa ra hai lựa chọn và yêu cầu học sinh chọn một, giúp kiểm tra mức độ hiểu bài và làm rõ các yêu cầu cụ thể trong hướng dẫn của giáo viên. | Do you write sentences or match sentences in the box? Con phải viết câu trả lời hay nối các câu trong bảng này? Shall we read the text or listen to the audio first? Chúng ta nên đọc văn bản hay nghe đoạn âm thanh trước? |
4. Một số lưu ý khi sử dụng ICQs
ICQs được xem là bí quyết tăng tương tác lớp học, là công cụ đắc lực trong bài giảng của nhiều thầy cô. Tuy nhiên, để ICQs phát huy được hiệu quả tối đa nhất, FLYER xin gửi đến thầy cô một số lưu ý quan trọng sau đây:
- Câu hỏi cần phải rõ ràng và ngắn gọn. ICQs nên được thiết kế sao cho học sinh có thể trả lời nhanh chóng và chính xác, tránh việc câu hỏi quá phức tạp gây hiểu lầm.
- Sử dụng câu hỏi yêu cầu trả lời ngắn gọn: Các câu hỏi nên yêu cầu học sinh trả lời nhanh gọn, có thể là một từ hoặc một câu ngắn. Điển hình như câu hỏi Yes/No, dạng ICQs phù hợp với trẻ mẫu giáo và tiểu học lớp nhỏ.
- Dự đoán trước các vấn đề mà học sinh có thể gặp phải: Trước mỗi buổi học, giáo viên cần suy nghĩ về những khó khăn mà học sinh có thể gặp trong quá trình tiếp thu bài giảng để chuẩn bị ICQs sao cho phù hợp.
- Thiết kế ICQs phù hợp với trình độ của học sinh: Ví dụ đối với học sinh lớp nhỏ, thầy cô có thể kết hợp sử dụng các câu ICQs đơn giản cùng với ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm khuôn mặt, hoặc hình ảnh minh họa để hỗ trợ truyền đạt thông tin đến các em hiệu quả hơn.
5. Tổng kết
ICQs – Instruction Check Questions không chỉ đơn thuần là một phương pháp giảng dạy, mà còn là cách để thầy cô xây dựng một môi trường học tập tích cực, nơi học sinh cảm thấy tự tin và được hỗ trợ trong quá trình tiếp thu kiến thức. Bằng cách sử dụng ICQs, giáo viên có thể đảm bảo rằng các em nắm rõ yêu cầu trước khi bắt đầu nhiệm vụ, khuyến khích các em chủ động tham gia vào hoạt động tập thể và đạt được kết quả học tập cao. FLYER xin chúc thầy cô sẽ có những giờ dạy thật hiệu quả và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”!
Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?
FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!
✅ Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…
✅ Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp
✅ Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…
✅ Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)
Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!
Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188
Xem thêm: