Trung tâm tiếng Anh được đánh giá là một mô hình kinh doanh đầy tiềm năng ở hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trên thị trường vô cùng gay gắt đòi hỏi các nhà sáng lập cần có đủ kiến thức về kinh doanh, quản lý tài chính kèm kinh nghiệm thực chiến để duy trì và phát triển cơ sở. Trong bài viết này, FLYER chia sẻ tới quý thầy cô 8 kinh nghiệm mở trung tâm tiếng Anh không thể bỏ sót nhằm phát triển mô hình tiềm năng này.
Lưu ý khi mở trung tâm tiếng Anh:
1. 8 kinh nghiệm mở trung tâm tiếng Anh thực tế
Dù có nền tảng kiến thức kinh doanh vững chắc, thầy cô vẫn khó lòng thành công nếu thiếu kinh nghiệm thực chiến. Dưới đây là 8 kinh nghiệm mở trung tâm tiếng Anh mà FLYER đã tổng hợp được từ nhiều nguồn khác nhau.
1.1. Đừng bỏ qua khảo sát thị trường
Khảo sát thị trường giúp thầy cô nắm được nhu cầu học tiếng Anh trong khu vực và hiểu rõ đối thủ cạnh tranh, từ đó lập kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp. Những câu hỏi mà người sáng lập trung tâm tiếng Anh cần trả lời:
- Có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh trong khu vực? Họ là ai?
- Đối tượng khách hàng mục tiêu là ai? Nhân khẩu học, sở thích, mối quan tâm, kỳ vọng,… của họ?
- Nhóm khách hàng tiềm năng là ai?
- Nhu cầu tiếng Anh trong khu vực thế nào? Nhiều hay ít?
- Giá các khóa học từ trung tâm đối thủ ra sao?
- Xu hướng học tiếng Anh hiện tại như thế nào? (Học online hay offline? Theo phương thức truyền thống hay hiện đại?…)
Một số phương pháp khảo sát thị trường:
- Phỏng vấn trực tiếp người dân trong khu vực
- Tổ chức trải nghiệm khóa học và cơ sở vật chất miễn phí (đây cũng là một cách thức marketing)
- Đăng bảng khảo sát trên các phương tiện truyền thông
1.2. Tìm địa điểm phù hợp
Địa điểm đóng vai trò quan trọng trong kinh doanh, trong nhiều trường hợp nó là yếu tố quyết định đến kết quả cuối cùng. Để lựa chọn địa điểm mở trung tâm tiếng Anh phù hợp, người sáng lập cần cân nhắc một vài tiêu chí sau:
- Đặc điểm và thói quen của khách hàng mục tiêu
- Chi phí mặt bằng và chi phí kèm theo như tiền thuế, bảo hiểm, bảo vệ, môi trường,…
- Tình hình giao thông và an ninh khu vực
- Sự thuận tiện di chuyển
- Kế hoạch quy hoạch của phường, thành phố
Hiện nay, việc tìm kiếm mặt bằng vừa ở trung tâm, vừa có giá cả hợp lý là điều gần như bất khả thi tại các thành phố lớn. Vì vậy, các nhà sáng lập cần xác định những tiêu chí ưu tiên để ra quyết định đúng đắn.
Ví dụ điển hình về địa điểm không thuận tiện để mở trung tâm tiếng Anh:
- Nằm trên đường một chiều liền mạch, không có điểm quay đầu ở giữa
- Nằm trong hẻm sâu, đường xe máy
- Nằm ở khu vui chơi giải trí, tụ tập ăn uống ồn ào
- Cách quá xa trung tâm
- …
1.3. Lập kế hoạch kinh doanh cẩn thận
Cách đơn giản nhất để lập kế hoạch kinh doanh là dựa vào thời gian triển khai, có 3 loại kế hoạch thường thấy:
- Kế hoạch ngắn hạn: dưới 3 năm
- Kế hoạch trung hạn: 3 – 5 năm
- Kế hoạch dài hạn: 5 – 10 năm
Trên thực tế, không có quy định pháp lý cụ thể về phân loại các kế hoạch kinh doanh, những hạn mốc này được đặt ra dựa theo kinh nghiệm và sự phù hợp của đa số doanh nghiệp.
Ngoài ra, một kế hoạch kinh doanh đầy đủ cần làm rõ được: tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của trung tâm.
Ví dụ: Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của VUS:
Tầm nhìn | Sứ mệnh | Giá trị cốt lõi |
---|---|---|
Là hệ thống giáo dục đạt chuẩn quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. | Tiếp sức cho thế hệ trẻ Việt Nam tự tin kết nối thế giới và kiến tạo tương lai ý nghĩa cho chính mình và cộng đồng. | Vững vàng tin cậy – Quan tâm sẻ chia – Đồng lòng hợp tác – Khát khao phát triển. |
Mở trung tâm tiếng Anh hiện đại đòi hỏi chi phí khá cao dù là quy mô nhỏ hay lớn. Việc tính toán chi phí và cân đối tài chính kỹ lưỡng ngay từ đầu sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đứt gãy dòng tiền, đảm bảo vận hành bền vững cho tương lai dài hạn.
Thầy cô cần phân loại rõ các chi phí cố định và chi phí biến đổi, đồng thời liệt kê, dự đoán các khoản có thể phát sinh. Dưới đây là một số chi phí phải tính đến khi mở trung tâm tiếng Anh:
Chi phí cố định | Chi phí biến đổi | Chi phí phát sinh |
|
|
|
Thị trường kinh doanh Việt Nam có đặc thù rất khó đoán và thay đổi liên tục, mọi chi phí có thể biến đổi đột ngột và phát sinh khoản ngoài dự tính. Do vậy, để kế hoạch mở trung tâm tiếng Anh trở thành hiện thực, thầy cô nên chuẩn bị một khoản dự trù (từ vài trăm triệu trở lên) cho những trường hợp bất khả kháng.
1.4. Không qua loa trong khâu pháp lý
Tuân thủ pháp luật và kinh doanh hợp pháp là điều đầu tiên các nhà sáng lập cần cam kết khi mở trung tâm tiếng Anh. Thầy cô bắt buộc phải chuẩn bị các thủ tục pháp lý theo quy định để việc mở và vận hành trung tâm được “trơn tru”.
Những hồ sơ cấp phép quan trọng:
- Giấy cấp phép hoạt động giáo dục
- Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chứng thực
- Cam kết phòng cháy chữa cháy
- Bản sao quyền sở hữu nhà, đất nơi đặt trụ sở chứng thực
- Xác nhận cấp phép mở trung tâm của chính quyền địa phương (hay bị bỏ quên)
- Xác nhận tài khoản ngân hàng trung tâm (số dư tối thiểu 300 – 500 triệu đồng)
Bên cạnh đó, những người có thẩm quyền như giám đốc trung tâm và đội ngũ giáo viên phải trình đầy đủ giấy phép liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ hành nghề giáo, sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe và căn cước công dân.
Cụ thể về tất cả hồ sơ và thủ tục pháp lý, quý thầy cô tham khảo tại:
- Điều 48, 49 Nghị định 46/2017/NĐ-CP
- Thông tư 02/2020/TT-BGDĐT
- Điều 2 Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT
- Điều 19 – 23 Nghị định 78/2015/NĐ-CP
- Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT
…và liên hệ các văn phòng luật sư uy tín để được hỗ trợ.
Tham khảo điều kiện thành lập trung tâm tiếng Anh:
1.5. Xây dựng chương trình giảng dạy “cá nhân hóa”
Chương trình giảng dạy tiếng Anh của trung tâm cần bám sát theo đối tượng khách hàng mục tiêu và nhu cầu của thị trường.
Ví dụ:
- Tiếng Anh giao tiếp cho người đi làm
- Luyện thi Cambridge cho học sinh tiểu học
- Học IELTS cho người mất gốc
Các khóa học phải đáp ứng được nhu cầu và mức kỳ vọng của khách hàng nhằm duy trì độ tin cậy và thúc đẩy “quảng bá truyền miệng”. Tuy nhiên, sự khác biệt thật sự giữa các trung tâm tiếng Anh nằm ở phương pháp giảng dạy “cá nhân hóa”.
Ví dụ:
- Wall Street English ứng dụng phương pháp Nghe -> Nói -> Đọc -> Viết khác với phương pháp học truyền thống.
- ILA ứng dụng phương pháp “học mà chơi” trong những khóa học tiếng Anh cho trẻ mầm non.
- Apollo English gắn liền dạy tiếng Anh với nuôi dưỡng 4 kỹ năng tương lai gồm: Hợp tác, Sáng tạo, Giao tiếp và Phản biện của phương pháp MMM 3 bước: Tiếp thu – Thực hành – Vận dụng.
1.6. Đào tạo đội ngũ nhân sự chất lượng ngay từ ban đầu
Để kinh doanh dịch vụ giáo dục thành công thì quan trọng nhất vẫn là chất lượng của đội ngũ giáo viên. Giáo viên là những người truyền đạt kiến thức trực tiếp đến người học, ảnh hưởng đến dân trí và truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Để làm được điều đó, mỗi giáo viên cần:
- Đáp ứng trình độ về mặt chuyên môn tiếng Anh
- Có kỹ năng sư phạm được rèn luyện và chứng nhận
- Có tâm với nghề
Nếu muốn hợp tác với đội ngũ giáo viên đáp ứng đủ 3 tiêu chí trên, bước đầu tiên nhà sáng lập cần làm đó là: xây dựng bộ phận tuyển dụng chuyên nghiệp và chất lượng. Phòng tuyển dụng – nhân sự quyết định nguồn nhân sự đầu vào và ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa công ty. Vì vậy, trước hết, các chủ trung tâm cần đảm bảo chất lượng của đội ngũ tuyển dụng.
Bộ phận quan trọng thứ ba trong giai đoạn bắt đầu hoạt động đó là Tư vấn và Chăm sóc khách hàng. Nhân sự ban này đại diện cho văn hóa, tác phong và sự chuyên nghiệp của trung tâm trong mắt khách hàng. Kinh nghiệm có thể chỉ đứng thứ 2 trong danh sách “ưu tiên” khi chiêu mộ một nhân viên chăm sóc khách hàng, thay vào đó, thái độ, tác phong và sự phù hợp mới là điều tiên quyết.
1.7. Lập chiến lược marketing bền vững, lâu dài
Chi phí marketing rất dễ phát sinh nhiều hơn dự đoán, vì vậy thầy cô cần cẩn thận ở bước này. Chủ trung tâm cần có một kế hoạch quảng bá cụ thể và cẩn trọng để phát triển thương hiệu bền vững thay vì đuổi theo mục đích lợi nhuận trước mắt.
Phương thức marketing phải phù hợp với thói quen, sở thích của khách hàng mục tiêu. Mặc dù ngành giáo dục đang trải qua cuộc cách mạng chuyển đổi số nhưng không phải nhóm đối tượng nào cũng thích xem quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Ví dụ:
- Một phần lớn người trung niên thích đọc sách báo, tờ rơi và xem tivi hơn là truy cập Facebook, Tiktok.
- Biển quảng cáo đầy cảm xúc với những câu từ cô đọng ở các ngã tư vẫn để lại ấn tượng sâu sắc cho người đi đường.
- “Trăm nghe không bằng một thấy” – Marketing hình ảnh thương hiệu bằng tác phong chuyên nghiệp của nhân viên ngay lần đầu tiếp xúc với khách hàng.
Các phương thức marketing phù hợp với xu hướng phát triển bền vững hiện nay:
- Kể chuyện cảm xúc, kinh nghiệm thực tế,…
- Sáng tạo nội dung thuận tiện xem trên điện thoại thông minh
- Các chiến dịch vì cộng đồng (hiến máu, dọn vệ sinh khu phố, từ thiện,…)
- Chú trọng vào chất lượng hơn số lượng trong mọi khía cạnh
- Lấy khách hàng làm trọng tâm
1.8. Lắng nghe góp ý từ khách hàng và cải tiến
Rất nhiều cơ sở kinh doanh đã phải ngậm ngùi đóng cửa vì không chịu lắng nghe và bắt kịp xu hướng của thị trường. Bên cạnh đó, việc “lắng nghe và cải tiến” xuất phát phần nhiều từ đạo đức kinh doanh của các nhà sáng lập cùng đội ngũ nhân sự. Chỉ khi nhà sáng lập có mục tiêu đóng góp cho nền giáo dục nước nhà bên cạnh mục tiêu lợi nhuận thì trung tâm mới có thể cải tiến và phát triển.
Một số cách để lắng nghe ý kiến từ khách hàng:
- Trực tiếp hỏi cảm nhận trước, trong và sau khóa học
- Xem đánh giá trên Google maps, fanpage của trung tâm
- Gửi email khảo sát
- Đọc những bài review trong các group kín trên facebook
2. Tổng quan thị trường đào tạo tiếng Anh hiện nay
Theo Bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ lớn nhất thế giới 2023, Việt Nam đứng thứ 58/113 quốc gia, thuộc mức độ trung bình. Số liệu này cho thấy, thị trường đào tạo tiếng Anh hứa hẹn sẽ mở rộng hơn nữa trong vài năm tới với quy mô hàng ngàn tỷ đồng.
=> Về nhu cầu thị trường
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia giáo dục, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến sự tiềm năng của ngành đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam:
- Chính sách cam kết đầu tư hàng năm cho giáo dục của Chính phủ chiếm khoảng 20% ngân sách nhà nước.
- Quy mô dân số đứng thứ 3 trong ASEAN, cơ cấu dân số trẻ.
- Tầng lớp trung lưu, thượng lưu có xu hướng gia tăng mạnh, nhu cầu về giáo dục Anh ngữ cho con cái cũng tăng theo.
Hầu hết các trường học công lập không đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh trong việc đào tạo tiếng Anh cho con. Do đó, họ tìm đến những cơ sở tư nhân như một giải pháp bổ sung và chấp nhận chi phí đắt đỏ hơn để con được tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại.
=> Về số lượng
Đến nay, có không dưới 10 chuỗi trung tâm tiếng Anh với hàng chục chi nhánh trên toàn quốc. Tiêu biểu là:
- Apollo English: 70+ cơ sở
- VUS: 70 cơ sở tại 18 tỉnh thành
- ILA: 60+ cơ sở tại 15 tỉnh thành
- Apax Leaders: 120 cơ sở
- Ngoại Ngữ Thần Đồng: 33 cơ sở tập trung nhiều ở khu vực miền Nam
Ngoài ra, còn một số hệ thống trung tâm tiếng Anh khác như Aten, Ngoại Ngữ Không Gian, British Council,… đều có nhiều chi nhánh tại TP.HCM và Hà Nội với cơ sở vật chất hiện đại và chất lượng giảng dạy uy tín.
3. 4 lý do thất bại thường gặp của các trung tâm tiếng Anh
Bên cạnh sự thành công của những hệ thống Anh ngữ kể trên, phần lớn các trung tâm tiếng Anh thường thất bại hoặc không duy trì được lâu, đặc biệt là trong và sau dịch Covid (với tỷ lệ 80% trung tâm đóng cửa, giải thể hoặc ngừng hoạt động). Vậy, nguyên nhân thất bại là do đâu?
3.1. Thiếu kinh nghiệm và kiến thức kinh doanh
Đây là top 1 những nguyên nhân dẫn đến thất bại của hầu hết các cơ sở kinh doanh nói chung, bao gồm cả trung tâm tiếng Anh. Những bài toán về kinh doanh, tài chính, thị trường, xu hướng, bán hàng… có thể cản trở các nhà sáng lập trong mọi giai đoạn. Ngay cả khi có đầy đủ nền tảng giáo dục nhưng thị trường vẫn luôn luôn biến động, kiến thức phải được cập nhật thường xuyên để đuổi kịp với xu hướng và thế hệ khách hàng mới.
3.2. Chất lượng nhân sự chưa đạt hoặc chưa đồng đều
Có thể nói, lĩnh vực giáo dục là một trong những lĩnh vực khó tuyển nhân sự nhất. Những yêu cầu cao không chỉ áp lên đội ngũ giáo viên mà còn toàn bộ nhân viên phòng ban khác, đặc biệt là phòng Tư vấn và chăm sóc khách hàng. Nếu thời gian đầu xuất hiện không chuyên nghiệp và chỉn chu, những vị khách hàng khó tính sẽ không có lý do để mắt đến một trung tâm mới bước vào thị trường.
3.3. Không tận dụng marketing triệt để
Dù chất lượng trung tâm có tốt thế nào thì sẽ là vô ích nếu điều đó không được nhiều người biết đến. Chi phí marketing bài bản có thể rất lớn nhưng cũng có thể là 0 đồng nếu biết cách chọn lọc chiến lược phù hợp và kiên trì với nó.
Một số cách marketing 0 đồng:
- Tổ chức hoạt động công cộng (dọn rác thải, hiến máu…)
- Tự xây dựng fanpage bằng những bài viết đánh đúng nhu cầu, nỗi đau khách hàng
- Tự quảng bá bằng sự chuyên nghiệp từ nhân viên
- Lập kênh tik tok chia sẻ về “hậu trường”
FLYER cũng khuyến khích các chủ trung tâm hợp tác với đội ngũ marketing chuyên nghiệp để lên kế hoạch bài bản cho những chiến dịch lớn. Việc làm này dù khá tốn kém thời gian đầu nhưng cũng thu về nhiều lợi ích và tiết kiệm chi phí về sau.
3.4. Chọn địa điểm chưa phù hợp với khả năng tài chính
Nhiều nhà sáng lập chọn lựa địa điểm “vàng” khi mở trung tâm tiếng Anh và hy vọng sẽ tiếp cận được lượng lớn khách hàng. Sau vài tháng, doanh thu không đủ, phải gồng lỗ và cuối cùng đóng cửa trong tiếc nuối.
Thực tế là, sẽ luôn có những lựa chọn thay thế có lợi hơn nếu thầy cô không quá nóng vội. Thay vì một mặt bằng giữa ngã tư hoặc giữa trung tâm thành phố với phí thuê tháng 50 triệu thì một mặt bằng ở ngay đầu ngõ với mức giá 30 triệu cùng khu vực sẽ tiết kiệm chi phí hơn mà vẫn đảm bảo sự thuận tiện cho khách hàng.
Địa điểm phù hợp cần đi đôi với việc làm marketing khôn ngoan và đầu tư vào chất lượng giảng dạy thì mới tạo ra kết quả vượt bậc.
4. Một số câu hỏi thường gặp khi mở trung tâm tiếng Anh
Vốn nhiều hay ít tùy thuộc vào quy mô và giá thị trường. Theo quy định, cần có từ 300 – 500 triệu đồng để được cấp phép mở trung tâm tiếng Anh. Trên thực tế, con số này có thể tăng lên gấp đôi, gấp ba. Điều này là hoàn toàn bình thường và hầu hết mọi cơ sở đều phát sinh thêm chi phí trước, trong và sau vận hành. Nhà quản lý không thể điều khiển dòng tiền đi theo mục đích mình muốn 100% nhưng có thể giảm thiểu chi phí phát sinh bằng cách sử dụng nguồn vốn và cân đối chi phí hợp lý.
Khi mở một trung tâm tiếng Anh, thầy cô cần tính đến các phí sau:
– Phí thành lập doanh nghiệp: 250.000 VNĐ.
– Phí khắc con dấu: 220.000 – 450.000 VNĐ.
– Phí công bố đăng ký doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia: 300.000 VNĐ.
– Lệ phí xin giấy phép thành lập trung tâm tiếng Anh: 20 – 40 triệu VNĐ.
– Tiền mặt bằng: 20 – 40 triệu/ tháng tại các tỉnh, thường yêu cầu cọc 3 hoặc 6 tháng.
– Phí setup cơ sở vật chất: 200 – 400 triệu tại các tỉnh.
Note: Chi phí mang tính thời điểm, có thể thay đổi dựa theo quy định Nhà nước và sự biến động của thị trường.
– Vị trí thuận tiện đi lại, gần trường học, dân cư đông, nhiều học sinh, trẻ nhỏ. Ở các thành phố lớn, nếu không đủ kinh phí thuê mặt bằng trên đường lớn thì cũng nên ưu tiên những địa chỉ có một “xoẹt”, đường xe hơi đi vào được.
Ví dụ: 73/15.
– Tên của trung tâm phải có ý nghĩa và nổi bật, nói lên được hoạt động/ mục đích/ tầm nhìn của trung tâm. Ở các tỉnh, nhiều trung tâm ưu tiên tên thuần Việt. Ví dụ: Ngoại Ngữ Thần Đồng, Ngoại Ngữ Không Gian, Tôi Tự Học,…
– Mức học phí phù hợp với thị trường tại khu vực và tương xứng với chất lượng dịch vụ trung tâm mang lại.
– Xây dựng nội bộ vững chắc, sau đó mới tính đến chuyện thu hút khách hàng và lợi nhuận.
– Mọi điều kiện để mở trung tâm tiếng Anh được công bố rõ trong Nghị định 135/2018/NĐ-CP.
– Đội ngũ giáo viên và cán bộ bắt buộc đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 02/2020/TT-BGDĐT quy định.
Miền Bắc
Văn phòng luật sư Thái Minh
Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội
Công ty Luật TNHH ACC
Công ty Luật TNHH Sao Việt
Luật Dragon
Miền Nam
Công ty Luật Global Vietnam Lawyers
LNT and Partners
Công ty luật TNHH Quốc tế Việt Nam
Văn phòng luật sư Phan Law
Văn phòng luật sư Quang Thái
Ngoài ra còn có Tổng Đài Pháp Luật tư vấn online trên toàn quốc.
5. Tổng kết
Bài viết này tổng hợp 8 kinh nghiệm mở trung tâm tiếng Anh mà thầy cô có thể tham khảo. Tóm lại, những kinh nghiệm thường xoay quanh các vấn đề về vốn liếng, địa điểm, marketing và đội ngũ nhân sự. Để giải được những bài toán khó nhằn này đòi hỏi ở thầy cô thời gian học hỏi, quan sát bên cạnh tiếp thu nguồn kiến thức vô hạn. Dù vượt qua giai đoạn mở trung tâm tiếng Anh, thầy cô sẽ bước sang những giai đoạn khó hơn để duy trì và phát triển cơ sở. Vì vậy, FLYER hy vọng các nhà sáng lập tương lai sẽ chuẩn bị cho mình một tinh thần “thép”, giữ “cái đầu lạnh” và khát vọng nóng bỏng để biến mục tiêu thành hiện thực, đóng góp vào nền giáo dục nước nhà. Chúc quý thầy cô thành công.
Để tìm hiểu về giải pháp giáo dục FLYER SCHOOL, FLYER for Students, quý đối tác vui lòng để lại thông tin tại form này hoặc liên hệ Zalo: 0338431068.
>>> Tìm hiểu thêm về FLYER School: https://schools.flyer.vn/
>>> Xem thêm: