3 tuổi là thời điểm “vàng” để trẻ làm quen với bất cứ ngôn ngữ thứ hai nào, trong đó có tiếng Anh. Chính vì điều này mà không ít phụ huynh có con 3 tuổi đã tranh thủ đăng ký ngay cho trẻ những khóa học đắt đỏ với mong muốn bé sẽ giỏi tiếng Anh thật nhanh. Tuy nhiên, việc này là không cần thiết bởi ba mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh một cách tự nhiên nhất tại nhà thông qua các hoạt động vui chơi hàng ngày.
Nếu ba mẹ chưa có nhiều kinh nghiệm dạy trẻ thì cũng đừng lo bởi vì trong bài viết dưới đây, FLYER sẽ “bật mí” 6 bí quyết dạy tiếng Anh cho bé 3 tuổi tại nhà, vừa đơn giản, vừa tiết kiệm mà vẫn đảm bảo đủ để xây dựng cho trẻ một nền tảng tiếng Anh vững chắc. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
1. Có nên cho trẻ lên 3 học tiếng Anh? Những lợi ích của việc dạy tiếng Anh cho bé 3 tuổi
Có 3 lý do chính mà trẻ nên được tiếp xúc với ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng khi lên 3, cụ thể:
1.1. Não bộ và hệ thần kinh đang phát triển sẽ giúp bé tiếp thu điều mới dễ dàng hơn
Khoảng thời gian từ 3 đến 4 năm đầu đời là thời kỳ trẻ phát triển vô cùng mạnh mẽ cả về nhận thức và thái độ học tập. Tất cả những gì trẻ tiếp thu được trong giai đoạn này đều sẽ được ghi nhớ rất lâu, đồng thời tạo nền móng để trẻ có thể dễ dàng học thêm bất cứ điều gì khác sau này.
Ở thời điểm này, ba mẹ đừng lo lắng rằng trẻ sẽ bị quá tải khi phải học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, bởi chính bộ não non nớt sẽ giúp trẻ linh hoạt hơn trong việc tiếp thu nhiều nguồn thông tin, khác hẳn so với bộ não của người lớn đã hoàn thiện và đi theo một lối mòn.
1.2. Giúp bé phát triển giọng nói tốt, phát âm rõ ràng
Nếu ba mẹ cho bé học tiếng Anh vào lúc thời điểm “vàng” đã qua đi, tức khi bé đã quen với âm điệu của tiếng mẹ đẻ, bé có thể gặp khó khăn trong việc phát âm chính xác như người bản xứ.
Để giảm bớt khó khăn cho bé trong việc học phát âm tiếng Anh, ba mẹ nên cho trẻ luyện nói tiếng Anh song song với thời điểm trẻ đang học nói tiếng Việt. Điều này sẽ giúp trẻ tiếp thu tốt hơn những ngữ điệu, quy tắc phát âm, trọng âm và cách luyến láy âm trong tiếng Anh.
1.3. Quy tắc 10.000 giờ
Nếu đã từng đọc qua cuốn “Outliers” (Những kẻ xuất chúng) của tác giả Malcolm Gladwell, có lẽ ba mẹ sẽ biết đến quy tắc 10.000 giờ. Về cơ bản, quy tắc này cho rằng: con người phải mất trung bình 10.000 giờ luyện tập để có thể trở thành chuyên gia trong bất cứ lĩnh vực nào.
Điều đó có nghĩa, nếu trẻ dành ra 20 tiếng/ tuần để học tiếng Anh và học khoảng 50 tuần/năm, trẻ sẽ phải mất 10 năm để thành thạo ngôn ngữ này. Như vậy, nếu trẻ bắt đầu học từ lúc 3 tuổi, trẻ sẽ có thể thành thạo tiếng Anh vào năm 13 tuổi. Ngược lại, nếu trẻ bắt đầu học từ khi 13 tuổi, thì phải đến năm 23 tuổi trẻ mới có thể đạt được trình độ tương tự.
2. Một số phương pháp dạy tiếng Anh cho bé 3 tuổi tại nhà đơn giản và hiệu quả
2.1. Thiết lập thói quen học tiếng Anh cho bé
Đối với trẻ lên 3, vì nhận thức của bé còn non nớt và khả năng tập trung còn kém, ba mẹ nên bắt đầu dạy bé với những phiên học ngắn khoảng 5 – 10 phút và lặp lại nhiều lần trong ngày nhằm rèn cho trẻ một thói quen học tập lành mạnh. Khi quan sát thấy khả năng tập trung của trẻ đã được cải thiện, ba mẹ có thể tăng dần thời lượng lên 15 phút, 20 phút, 25 phút…/ ngày.
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên cố gắng duy trì những hoạt động học tập nhất định trong cùng một khung giờ mỗi ngày, tương tự như việc tạo thói quen đánh răng trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp trẻ hình thành tính tự giác, đồng thời tự tin và chủ động hơn, vì trẻ biết mình cần phải làm gì.
Ví dụ: 4 giờ chiều mỗi ngày sau khi trở về từ trường mẫu giáo, ba mẹ có thể cùng trẻ chơi ghép chữ tiếng Anh 30 phút trước khi đi tắm, hoặc mỗi tối trước khi đi ngủ cùng trẻ đọc một câu chuyện ngắn bằng tiếng Anh. Khi trẻ đã quen với lịch trình đó, ngay cả khi ba mẹ không ở bên cạnh, trẻ vẫn có thể tự mình thực hiện với sự tự giác và say mê.
2.2. Nói chuyện với bé bằng những từ tiếng Anh đơn giản hàng ngày
Để tạo lối mòn tư duy và thói quen sử dụng tiếng Anh cho trẻ, việc cùng trẻ gọi tên những đồ vật, con vật hoặc hành động diễn ra trong cuộc sống hàng ngày bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh (song ngữ) cũng là một cách vô cùng hiệu quả.
Ví dụ: Ba mẹ có thể nhờ bé “Lấy giúp ba/mẹ chiếc bút – pen ở trên bàn”, hay rủ bé “Mình cùng đi đôi tất màu xanh – blue này rồi đi chơi nhé!”. Dần dần, trẻ sẽ nhớ những cặp từ vựng này một cách tự nhiên nhất.
2.3. Chơi những trò chơi thú vị bằng tiếng Anh
Ngay cả người lớn cũng rất dễ cảm thấy nhàm chán với những bài học khô khan, nhiều chữ. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ trường Đại học Inowa – Mỹ, khả năng ghi nhớ hình ảnh và âm thanh có giai điệu ở con người thường tốt hơn nhiều so với khả năng ghi nhớ từ ngữ – logic. Đó chính là lí do vì sao càng ngày, các phương pháp học tập thông qua những trò chơi vận dụng với hình ảnh sống động và âm thanh vui tai lại càng được khuyến khích, hơn nữa còn được xem là phương pháp học tập hiệu quả nhất ở nhiều người học, đặc biệt đối với trẻ em.
Hiện nay có rất nhiều trò chơi tiếng Anh phù hợp với trẻ, tuy nhiên ba mẹ hãy ưu tiên những trò chơi với đồ họa thú vị, từ vựng đơn giản và có hỗ trợ âm thanh để khơi dậy hứng thú của trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ bắt chước cách phát âm bất cứ khi nào có thể.
Dưới đây là một số trò chơi đơn giản ba mẹ có thể tham khảo để chơi và học tiếng Anh cùng bé mỗi ngày:
- Trò chơi hành động: Simon says, nhìn cử chỉ đoán từ, nhìn hình đoán chữ, What’s the time Mr Wolf…
- Trò chơi cờ bàn: Snakes and ladders, Blurt, Sight Word Candyland…
- Trò chơi xếp chữ: Popsicle Words, DIY Wordle, Toss the Balloon, Boggle, Sight Word Splat…
- Trò chơi trực tuyến: Trên Internet hiện nay có vô số trò chơi với nhiều chủ đề hấp dẫn cùng đồ họa sinh động cho phép trẻ nhỏ học tiếng Anh thật thú vị. Ba mẹ có thể truy cập Learnenglish Kids hoặc Phòng luyện thi ảo FLYER để vừa chơi vừa học hiệu quả cùng bé nhé.
2.4. Kể chuyện bằng tiếng Anh cho bé
Những câu chuyện có nội dung và tình tiết hấp dẫn với những nhân vật sinh động, vui nhộn cũng là một trong những công cụ hữu ích khơi dậy hứng thú học tiếng Anh ở trẻ. Khi được nghe kể chuyện tiếng Anh mỗi ngày, trẻ sẽ có cơ hội làm quen với tiếng Anh, bao gồm cách phát âm, ngữ điệu, từ vựng, cách diễn đạt một câu chuyện,…, nhờ đó dần tiến bộ theo thời gian.
Để thực hiện phương pháp này, ba mẹ chỉ cần dành khoảng 30 phút mỗi tối trước khi ngủ, mở những mẩu chuyện tiếng Anh dành cho trẻ em có sẵn trên Youtube, hoặc tự mình đọc cho con nghe qua sách nếu ba mẹ tự tin vào giọng đọc tiếng Anh của mình. Hãy cố gắng giúp con duy trì thói quen này lâu nhất có thể để bé hình thành nền tảng giao tiếp tiếng Anh vững chắc ba mẹ nhé!
Dưới đây là một mẩu chuyện tiếng Anh dành cho bé mà ba mẹ có thể tham khảo:
Xem thêm: 15 truyện tranh tiếng Anh song ngữ hay giúp bé vui học
2.5. Cho bé nghe những bài hát tiếng Anh
Những bài hát tiếng Anh dành cho trẻ em thường có phần lời ngắn với những từ vựng đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc cùng giai điệu sôi động, bắt tai kích thích khả năng học tập ở trẻ. Do đó, việc nghe nhạc tiếng Anh được xem là một trong những phương pháp giúp trẻ học tiếng Anh hiệu quả và được nhiều người ưu tiên lựa chọn.
Để việc nghe nhạc tiếng Anh của trẻ thêm phần thú vị, ba mẹ có thể khuyến khích trẻ vừa hát vừa nhảy múa theo giai điệu bài hát. Nếu trẻ cố gắng hát theo nhưng chưa rõ lời, ba mẹ hãy kiên nhẫn góp ý và giúp bé điều chỉnh lại sau khi đã hát xong, hạn chế ngắt lời trong khi bé đang hát nhé!
Ngoài ra, ba mẹ cũng nên tìm hiểu nội dung và ý nghĩa bài hát để có thể giải thích cho bé và giúp bé thực sự hiểu lời bài hát thay vì chỉ bắt chước đơn thuần.
Sau đây, mời ba mẹ cùng FLYER tham khảo một trong những bài hát tiếng Anh phổ biến nhất dành cho trẻ em:
Xem thêm: 25 bài hát tiếng Anh cho bé từ 3-10 tuổi vừa học vừa vui
2.6. Bắt đầu từ những mẫu câu đơn giản hoàn chỉnh
Để học tốt tiếng Anh, chỉ có từ vựng thôi là chưa đủ. Khi quan sát thấy trẻ đã ghi nhớ và vận dụng được kha khá các cặp từ vựng, ba mẹ cần dạy bé thêm cả những mẫu câu giao tiếp hoàn chỉnh, có đầy đủ thành phần chủ ngữ, vị ngữ…trong câu.
Với phương pháp này, ba mẹ đừng lo nếu bản thân không quá giỏi tiếng Anh hoặc khả năng giao tiếp tiếng Anh không quá trôi chảy. Những mẫu câu hàng ngày dùng để nói chuyện với trẻ rất đơn giản, hầu như ai cũng có thể vận dụng được, chẳng hạn như “Hello, Good morning, Have a nice day…”, hay một số câu hỏi “Where is your/my book?, What are you doing?…”
Tìm hiểu thêm: Tự tin trò chuyện với 100+ câu giao tiếp tiếng Anh thông dụng nhất
3. Một số chủ đề phù hợp với bé 3 tuổi mới làm quen với tiếng Anh
Ở phần này, FLYER xin gợi ý đến ba mẹ một số chủ đề từ vựng vô cùng quen thuộc, gần gũi và đặc biệt phù hợp với trẻ lên 3 giúp ba mẹ có thể tận dụng và dạy trẻ bất cứ lúc nào. Để dạy ngôn ngữ cho trẻ ở độ tuổi này thật hiệu quả, ba mẹ nên áp dụng phương pháp dạy song ngữ Anh-Việt nhằm giúp trẻ phát triển cân bằng hơn về cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, hạn chế tình trạng mất cân bằng ngôn ngữ thường gặp ở trẻ em.
Dưới đây là một số chủ đề từ vựng tiếng Anh dành cho trẻ lên 3:
3.1. Chủ đề số đếm
Bên cạnh bảng chữ cái, số đếm là một trong những chủ đề đầu tiên mà trẻ cần được học với tất cả các ngôn ngữ, không riêng gì tiếng Anh.
Với các bé 3 tuổi, ba mẹ hãy dạy trẻ đếm số trong phạm vi hẹp nhất, bắt đầu từ 1 đến 10. Dần dần, khi bé đã thuộc lòng và nhận được mặt số, ba mẹ có thể dạy trẻ những con số lớn hơn.
Từ vựng | Phát âm | Nghĩa tiếng Việt |
---|---|---|
One | /wʌn/ | Số 1 |
Two | /tuː/ | Số 2 |
Three | /θriː/ | Số 3 |
Four | /fɔːr/ | Số 4 |
Five | /faɪv/ | Số 5 |
Six | /sɪks | Số 6 |
Seven | /ˈsev.ən/ | Số 7 |
Eight | /eɪt/ | Số 8 |
Nine | /naɪn/ | Số 9 |
Ten | /ten/ | Số 10 |
Tìm hiểu thêm: Số đếm tiếng Anh: Hướng dẫn chi tiết cách đọc, viết và phân biệt với số thứ tự
3.2. Chủ đề màu sắc
Trong độ tuổi từ 2 – 10 tuổi, trẻ rất nhạy cảm với màu sắc, đặc biệt là các màu sắc rực rỡ như đỏ, cam, vàng, xanh, hồng, hoặc tím. Đây cũng là thời điểm ba mẹ thường bắt đầu dạy trẻ nhận biết màu sắc bằng tiếng Việt. Tận dụng khoảng thời gian này, nếu ba mẹ kết hợp dạy trẻ thêm cả tên của các màu sắc bằng tiếng Anh, chắc chắn trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh.
Từ vựng | Phát âm | Nghĩa tiếng Việt |
---|---|---|
Blue | /bluː/ | Màu xanh da trời/xanh nước biển |
Red | /red/ | Màu đỏ |
Yellow | /ˈjel.oʊ/ | Màu vàng |
Purple | /ˈpɝː.pəl/ | Màu tím |
Green | /ɡriːn/ | Màu xanh |
Pink | /pɪŋk/ | Màu hồng |
White | /waɪt/ | Màu trắng |
Black | /blæk/ | Màu đen |
Brown | /braʊn/ | Màu nâu |
Xem thêm: Từ điển các màu sắc trong tiếng Anh: Chưa chắc bạn đã nắm được hết đâu đó!
3.3. Chủ đề cơ thể
Nhận biết các bộ phận trên cơ thể cũng là kiến thức vô cùng quan trọng ba mẹ thường dạy trẻ vào thời điểm này.
Từ khi 2 tuổi, trẻ đã có thể tự chỉ vào các bộ phận cơ thể và đọc đúng tên mắt, mũi, miệng… nếu được ba mẹ thường xuyên hướng dẫn. Ở độ tuổi lên 3, ba mẹ có thể dạy trẻ kiến thức nâng cao hơn bằng cách gọi tên những bộ phận cơ thể bằng tiếng Anh kèm đại từ sở hữu your/ my, để trẻ ghi nhớ và lặp lại.
Từ vựng | Phát âm | Nghĩa tiếng Việt |
---|---|---|
Head | /hed/ | Đầu |
Face | /feɪs/ | Mặt |
Eyes | /aɪz/ | Đôi mắt |
Nose | /nəʊz/ | Mũi |
Mouth | /maʊθ/ | Miệng |
Ears | /ɪəz/ | Đôi tai |
Hair | /heə/ | Tóc |
Hand | /hænd/ | Bàn tay |
Fingers | /fɪŋɡəz/ | Các ngón tay |
Foot | /fʊt/ | Bàn chân |
Toes | /təʊz/ | Các ngón chân |
Xem thêm: Thuộc lòng dễ dàng 100+ từ vựng, thành ngữ hữu ích về các bộ phận cơ thể người bằng tiếng Anh
3.4. Chủ đề đồ chơi
Những đồ chơi trẻ yêu thích và thường xuyên tiếp xúc là những thứ quen thuộc, có sự liên kết mạnh mẽ với trẻ. Vì vậy, trẻ chắc chắn sẽ không bao giờ từ chối cơ hội để học cách gọi tên những đồ vật này. Chúng có thể là gấu bông, búp bê, siêu nhân, bộ đồ hàng, bóng đá…
Từ vựng | Phiên âm | Nghĩa tiếng Việt |
---|---|---|
Airplane | /ˈer.pleɪn/ | Máy bay |
Ball | /bɑːl/ | Quả bóng |
Balloon | /bəˈluːn/ | Quả bóng bay |
Chess | /tʃes/ | Cờ |
Doll | /dɒl/ | Búp bê |
Dinosaur | /ˈdaɪ.nə.sɔːr/ | Khủng long |
Duck | /dʌk/ | Con vịt |
Teddy Bear | /ˈted·i ˌbeər/ | Gấu bông |
Train | /treɪn/ | Tàu hỏa |
Ba mẹ hãy chú ý quan sát sở thích vui chơi của trẻ hàng ngày để tham khảo những từ vựng phù hợp nhé!
Xem thêm: Từ vựng tiếng Anh về đồ chơi giúp kích thích sự yêu thích tiếng Anh trong trẻ
3.5. Chủ đề con vật
Tìm hiểu về các loài động vật cũng là một cách để kích thích trí thông minh và gia tăng khả năng nhận biết ở trẻ. Cách tốt nhất là ba mẹ nên dành thời gian cùng trẻ quan sát trực tiếp những con vật quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày như chó, mèo, gà, vịt, côn trùng…, đồng thời học tập thông qua tranh ảnh với những loài động vật khác khó quan sát hơn.
Từ vựng | Phát âm | Nghĩa tiếng Việt |
---|---|---|
Bird | /bɜːrd/ | Con chim |
Cat | /kæt/ | Con mèo |
Cow | /kaʊ/ | Con bò sữa |
Cock | /kɑːk/ | Con gà trống |
Dog | /dɔːɡ/ | Con chó |
Fish | /fɪʃ/ | Con cá |
Hamster | /ˈhæmstər/ | Chuột hamster |
Hen | /hen/ | Con gà mái |
Rabbit | /ˈræbɪt/ | Con thỏ |
Xem thêm: Bộ từ vựng các con vật bằng tiếng Anh thông dụng và hữu ích nhất cho trẻ
Ngoài những chủ đề kể trên còn rất nhiều chủ đề quen thuộc khác trong cuộc sống mà ba mẹ có thể tận dụng và giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ nói chung, đồng thời nâng cao vốn từ vựng tiếng Anh nói riêng. Các chủ đề này có thể là thời tiết, đồ ăn, cảm xúc hoặc vật dụng gia đình. Hãy quan sát thật kỹ những người, sự vật, sự việc và hiện tượng xung quanh để có thêm nhiều chủ đề hơn ba mẹ nhé!
4. Những lưu ý khi dạy tiếng Anh cho bé 3 tuổi
Hiểu được những gì trẻ có thể và không thể làm là một trong những bước quan trọng đầu tiên ba mẹ cần chú ý khi dạy tiếng Anh cho trẻ. Dưới đây là một số lưu ý mà không phải ba mẹ nào cũng biết khi dạy tiếng Anh cho bé 3 tuổi:
- Hãy vui chơi với bé như những người bạn, đừng dạy bé như những người thầy. Như đã đề cập ở trên, vì nhận thức còn non nớt nên đa phần những gì trẻ nhỏ học được đều xuất phát từ việc bắt chước những người xung quanh, thông qua chơi đùa. Nếu quá ép buộc, trẻ có thể hình thành nên nỗi sợ hãi với việc học sau này.
- Điều quan trọng nhất trong quá trình dạy trẻ là kiên nhẫn, nhiệt tình và dành cho trẻ nhiều lời khen ngợi, càng động viên, bé sẽ càng thể hiện thái độ nhiệt tình với việc học tập. Ba mẹ đừng cảm thấy lo lắng nếu trẻ không bắt đầu nói tiếng Anh ngay lập tức hoặc không chú ý đến những gì ba mẹ dạy mà hãy kiên nhẫn, trẻ sẽ bắt đầu nói tiếng Anh khi chúng thực sự muốn.
- Ba mẹ cũng đừng nản lòng nếu bé chỉ biết nói theo người lớn mà không thể nhận mặt chữ hoặc viết. Trẻ chỉ mới 3 tuổi, còn rất nhiều thời gian để trẻ làm những việc này khi chúng lớn lên.
Ba mẹ sẽ không thể giúp con học những kiến thức mới thành công nếu luôn mong đợi rằng con sẽ tiếp thu thật nhanh hoặc đòi hỏi con phải theo kịp tốc độ của người lớn. Ngược lại, ba mẹ cần tự mình hình thành tính kiên nhẫn cao độ, sự tỉ mỉ và cố gắng giảm chậm tốc độ của bản thân để phù hợp với khả năng tiếp thu còn hạn chế của trẻ.
Sau cùng, nếu ba mẹ vẫn cảm thấy khó khăn và rối rắm trong việc lên lộ trình tự dạy tiếng Anh cho con tại nhà, ba mẹ có thể tham khảo phương pháp của video sau đây nhé:
Đừng quên rằng một kiến thức cần phải được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần thì trẻ mới có thể tiếp thu và ghi nhớ lâu dài!
5. Tổng kết
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của FLYER về việc dạy tiếng Anh cho bé 3 tuổi tại nhà. Hi vọng những bí quyết trên sẽ hữu ích với ba mẹ trong những bước đầu giúp trẻ xây dựng nền tảng tiếng Anh vững chắc. Cuối cùng, dù ba mẹ chọn cách tiếp cận nào để dạy tiếng Anh cho trẻ lên 3, điều quan trọng nhất vẫn là tâm lý thoải mái, vui vẻ và xem việc học tiếng Anh như một trải nghiệm thú vị của ba mẹ và con, tránh gây áp lực để giúp con đạt hiệu quả học tốt nhất ba mẹ nhé!.
Ba mẹ mong muốn con rinh chứng chỉ Cambridge, TOEFL Primary,…?
Tham khảo ngay gói luyện thi tiếng Anh trên Phòng thi ảo FLYER – Con giỏi tiếng Anh tự nhiên, không gượng ép!
✅ Truy cập 1700+ đề thi thử & bài luyện tập mọi cấp độ Cambridge, TOEFL, IOE, thi vào chuyênm,,,
✅ Học hiệu quả mà vui với tính năng mô phỏng game độc đáo như thách đấu bạn bè, games từ vựng, quizzes,…
✅ Chấm, chữa bài luyện Nói chi tiết với AI Speaking
✅ Theo sát tiến độ học của con với bài kiểm tra trình độ định kỳ, báo cáo học tập, app phụ huynh riêng
Tặng con môi trường luyện thi tiếng Anh ảo, chuẩn bản ngữ chỉ chưa đến 1,000VNĐ/ngày!