Storytelling là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp khơi gợi sự tò mò và hứng thú học tiếng Anh của trẻ. Thông qua các câu chuyện kể hấp dẫn, trẻ không chỉ được làm quen với ngôn ngữ một cách tự nhiên mà còn mở ra thế giới của sự sáng tạo, đồng thời nâng cao trí tuệ cảm xúc. Vậy phải áp dụng Storytelling vào việc giảng dạy tiếng Anh cho trẻ thế nào? Mời quý thầy cô cùng FLYER tìm hiểu trong bài viết này!
1. Storytelling là gì?
Storytelling (hay nghệ thuật kể chuyện) là cách truyền tải thông điệp thông qua những câu chuyện có tình tiết hấp dẫn và nội dung ý nghĩa. Trong giảng dạy, thầy cô có thể vận dụng Storytelling giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và tự nhiên nhất.
Về bản chất, Storytelling được xem như nghệ thuật tương tác sử dụng từ ngữ và hành động để khuyến khích học sinh phát huy trí tưởng tượng, hình dung về một nội dung kiến thức nào đó. Có 4 cách để giao tiếp thông qua Storytelling phổ biến nhất, bao gồm:
- Kể chuyện bằng ngôn ngữ nói
- Kể chuyện bằng hình ảnh
- Kể chuyện bằng văn bản
- Kể chuyện bằng kỹ thuật số
Bên cạnh đó, còn một số phương pháp thú vị khác nhưng đòi hỏi thầy cô phải vận dụng nhiều kỹ năng hơn như: Kể chuyện bằng âm nhạc, kể chuyện bằng vũ đạo,…
2. Tại sao Storytelling hiệu quả trong việc giảng dạy tiếng Anh cho trẻ?
Theo một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Reviews Neuroscience, Storytelling sẽ kích thích mạnh mẽ các vùng não liên quan đến trí tưởng tượng, khả năng tiếp thu ngôn ngữ và ghi nhớ như vỏ não trước trán (prefrontal cortex) hay hồi hải mã (hippocampus). Hệ thần kinh gương (mirror neurons) cũng được kích hoạt, giúp trẻ không chỉ nghe mà còn hình dung và cảm nhận câu chuyện.
Thông qua cơ chế này, trẻ có thể tiếp thu ngôn ngữ mới hiệu quả hơn vì:
- Những câu chuyện sẽ đưa trẻ vào thế giới của trí tưởng tượng và vẽ ra một bức tranh đầy màu sắc với nhiều nhân vật, tình tiết hấp dẫn.
- Kể chuyện là cách thú vị để tạo bối cảnh tự nhiên cho việc học ngôn ngữ. Thông qua lời kể của thầy cô, trẻ không chỉ được cải thiện kỹ năng nghe, mà còn có thể ghi nhớ từ vựng và cấu trúc ngữ pháp một cách dễ dàng.
- Trẻ có thể tham gia vào câu chuyện thông qua việc dự đoán, trả lời câu hỏi, hoặc thậm chí diễn xuất lại các phần của câu chuyện. Sự tương tác này giúp trẻ tự tin hơn trong việc sử dụng ngôn ngữ và rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
- Khi lắng nghe các câu chuyện, trẻ cũng đồng thời hiểu và cảm nhận được cảm xúc của các nhân vật như vui vẻ, sợ hãi, tức giận hoặc thất vọng. Điều này giúp trẻ học cách đặt mình vào vị trí của người khác, phát triển trí tuệ cảm xúc EQ – một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội tích cực.
3. Các bước triển khai Storytelling trong lớp học tiếng Anh
Nếu chỉ đơn thuần là kể một câu chuyện bằng tiếng Anh cho học sinh, Storytelling chắc chắn sẽ không thể phát huy hết hiệu quả trong việc truyền tải kiến thức. Hiểu được điều này, FLYER đã thiết kế một quy trình áp dụng Storytelling trong lớp học mà thầy cô có thể tham khảo để mang đến những buổi học thú vị cho học sinh:
3.1. Chuẩn bị nội dung truyện và giáo cụ minh hoạ
Độ tuổi của học sinh ở mỗi lớp là khác nhau, tương đương với trình độ và khả năng tiếp thu ngôn ngữ cũng khác nhau. Do đó, ngoài tìm kiếm những câu chuyện hay và truyền cảm hứng, thầy cô cũng cần đảm bảo “độ khó” của câu chuyện phù hợp với khả năng nghe, hiểu của học sinh. Thầy cô có thể ưu tiên một số thể loại truyện như:
- Huyền thoại và truyền thuyết về các vị anh hùng lịch sử
- Truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện dân gian
- Truyện ngắn hiện đại về bài học cuộc sống
- Truyện tưởng tượng về cuộc phưu lưu của các loài vật
- Truyện thơ
Với sự hỗ trợ từ các thiết bị công nghệ như Internet, máy tính, TV thông minh,… thầy cô cũng có thể chuẩn bị thêm các storybroad minh họa nội dung câu chuyện, giúp trẻ thêm hứng thú với bài học.
3.2. Khởi động bằng kiến thức liên quan
Ngay cả với những câu chuyện ngắn và quen thuộc, trẻ cũng khó lòng hiểu hết nội dung nếu được trình bày hoàn toàn bởi tiếng Anh – ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ. Chính vì vậy, trước khi bắt đầu học với Storytelling, thầy cô nên dành thời gian dạy trước các từ mới và cấu trúc câu có trong câu chuyện.
Khi chắc chắn học sinh đã nắm được kiến thức nền, bước tiếp theo là giới thiệu câu chuyện với một mở đầu thật hấp dẫn. Lúc này, thầy cô có thể đặt câu hỏi gợi mở, cho học sinh xem hình ảnh hoặc đoạn âm thanh ngắn liên quan đến chủ đề của câu chuyện và yêu cầu học sinh đoán nội dung. Đây sẽ là cơ hội để khuyến khích học sinh tương tác và thực hành giao tiếp cơ bản.
3.3. Giáo viên kể chuyện bằng tiếng Anh
Chuẩn bị và khởi động kỹ càng, thầy cô có thể bắt đầu đi vào nội dung chính của câu chuyện thông qua lời kể bằng tiếng Anh, sử dụng những từ vựng và cấu trúc câu vừa học. Trong quá trình kể, thầy cô đừng quên kết hợp biểu cảm gương mặt, cử chỉ tay chân và nhấn nhá trong giọng nói để truyền tải đúng tinh thần của từng tình tiết chuyện.
3.4. Học sinh thực hành kể chuyện
Mục đích chính của phương pháp giảng dạy Storytelling là giúp học sinh tiếp thu tiếng Anh tự nhiên, đồng thời khuyến khích học sinh thực hành sử dụng tiếng Anh một cách đầy hứng thú. Vì vậy, sau khi kể xong câu chuyện, thầy cô hãy trao cơ hội thực hành kể lại câu chuyện cho học sinh.
Thầy cô có thể hướng dẫn trẻ sử dụng các phương tiện hỗ trợ như con rối tay, băng đô hình nhân vật (headband) hoặc storyboard để vừa giúp trẻ trau dồi khả năng ngôn ngữ, vừa rèn luyện kỹ năng kể chuyện sáng tạo.
3.5. Kết thúc buổi học tiếng Anh với phương pháp Storytelling
Bước cuối cùng và cũng vô cùng cần thiết là củng cố lại kiến thức đã được học xuyên suốt buổi học bằng phương pháp Storytelling. Thay vì để trẻ nghe thầy cô nhắc lại những nội dung quan trọng một cách thụ động, hãy tạo sân chơi cho trẻ bằng các hoạt động như:
- Đố vui có thưởng với những câu hỏi xoay quanh câu chuyện vừa nghe
- Phân vai đóng kịch theo nội dung câu chuyện
- Làm thủ công và thuyết trình về nhân vật trong chuyện
4. Nguồn tham khảo truyện hay và miễn phí
Một lưu ý quan trọng khi triển khai Storytelling cho trong lớp học là làm sao tìm được những câu chuyện mang nội dung truyền cảm hứng và phù hợp với trình độ tiếng Anh của học sinh. Vậy, thầy cô có thể tìm nguồn tham khảo truyện hay ở đâu?
4.1. Storynory
Đây là một website của Anh, cung cấp rất nhiều đầu sách thiếu nhi thuộc đa dạng thể loại. Với trang web này, thầy cô có thể tìm thấy từ truyện cổ Grimm đến truyện ngụ ngôn Aesop, truyện cổ tích Andersen và cả những bài thơ, bài hát tiếng Anh hay cho trẻ.
Đặc biệt, mỗi tác phẩm được đăng tải trên Storynory có audio phát trực tuyến đi kèm và cho phép thầy cô tải về miễn phí.
Ví dụ audio truyện Birdy’s Two and Half Wishes:
4.2. Storyline Online
Đây là trang web ra đời dưới sự tài trợ của quỹ Entertainment Industry Foundation, chuyên sản xuất những video đọc sách thiếu nhi tiếng Anh cùng người nổi tiếng. Với Storyline Online, thầy cô có thể tìm thấy rất nhiều câu chuyện tiếng Anh ý nghĩa, chứa đựng những bài học cuộc sống sâu sắc dành riêng cho trẻ.
Bên cạnh đó, mỗi video còn có thêm lời khuyên và hướng dẫn thầy cô cách tổ chức hoạt động đọc sao cho thu hút nhất.
5. Mẹo hay luyện giọng kể chuyện cho thầy cô
Mặc dù thầy cô có thể nhờ đến sự hỗ trợ của giáo cụ trực quan khi giảng dạy, tuy nhiên giọng kể hay vẫn là mấu chốt quyết định sự thành công của một buổi học với Storytelling. Một câu chuyện chỉ thực sự hấp dẫn qua giọng kể truyền cảm, phát âm rõ ràng, ngắt nghỉ hợp lý, tiết tấu và âm lượng phù hợp với cảm xúc của tình tiết truyện.
Mặt khác, không phải ai bẩm sinh cũng đã sở hữu những kỹ năng này. Để luyện tập cho giọng kể trở nên thu hút hơn, thầy cô có thể áp dụng một số mẹo dưới đây:
- Luyện nói giọng bụng bằng cách lấy hơi, giữ và đẩy hơi lên từ khoang bụng. Cách này sẽ giúp thầy cô có một giọng nói khỏe và tròn vành rõ chữ hơn.
- Giữ cho âm lượng giọng nói vừa đủ nghe, không quá nhỏ nhưng cũng không quá lớn.
- Tập điều chỉnh tốc độ nói phù hợp với diễn biến cảm xúc của nhân vật và tình tiết truyện. Chẳng hạn giảm tốc độ khi mô tả cảnh thiên nhiên êm đềm và đẩy nhanh tốc độ ở những tình huống cao trào, đòi hỏi sự dồn dập.
- Tập thả lỏng cơ hàm và cổ họng bằng cách ngáp hoặc xoa bóp phần cơ xung quanh cổ để chúng được thư giãn, từ đó phát âm linh hoạt hơn.
- Thường xuyên xem audio truyện ngắn để nghe và nhại giọng của nhân vật/ người kể chuyện. Phương pháp này còn giúp thầy cô có thêm tài nguyên để lồng ghép vào bài giảng.
6. Câu hỏi thường gặp về phương pháp giảng dạy tiếng Anh Storytelling (FAQs)
Storytelling phù hợp với mọi lứa tuổi, từ trẻ mẫu giáo đến học sinh THCS, THPT và cả người lớn. Điều quan trọng là thầy cô lựa chọn được câu chuyện phù hợp với sở thích và trình độ của từng đối tượng học sinh.
Có rất nhiều giáo cụ minh họa để thầy cô lựa chọn như: tranh ảnh, con rối tay, băng đô cài tóc, mô hình của các nhân vật hoặc đồ vật liên quan đến câu chuyện, storyboard, đoạn âm thanh, video mô phỏng,…
Thay vì giao nhiệm vụ một cách máy móc và buộc trẻ phải tham gia, thầy cô có thể khuyến khích trẻ xung phong làm nhiệm vụ bằng cách trao thưởng những món quà nhỏ.
7. Tổng kết
Không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức, Storytelling còn tạo cơ hội để trẻ được kết nối cảm xúc và thả hồn trong thế giới của trí tưởng tượng. Với Storytelling, thầy cô có thể tạo ra những giờ học thú vị, giúp việc học tiếng Anh không còn là nỗi sợ đối với học sinh. Hy vọng thông qua những chia sẻ trong bài của FLYER, thầy cô sẽ xây dựng được cho mình phương án vận dụng Storytelling trong giảng dạy một cách hiệu quả nhất.
Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?
FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!
✅ Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…
✅ Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp
✅ Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…
✅ Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)
Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!
Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188
Xem thêm: