Khi cho con học tại trung tâm ngoại ngữ, phụ huynh sẽ luôn quan tâm tới vấn đề: “Liệu con có thể cải thiện điểm số trên trường nhờ học trung tâm không?”. Vì thế, các trung tâm cần phải lưu ý lồng ghép thêm chương trình bám sát Bộ Giáo Dục để giúp việc học của con trở nên hiệu quả hơn. Bài viết này được chia làm 2 phần, trong phần 1 này có một vài khái niệm mình nghĩ các bạn cần biết khi muốn lựa chọn giáo trình tiếng Anh cho Trung tâm của mình.
Khái niệm 1: Khung trình độ Chung Châu Âu
Khung trình độ Chung Châu Âu (CEFR, viết tắt của Common European Framework for Reference, tên đầy đủ là Khung Quy chiếu về trình độ ngôn ngữ chung châu Âu), được phát triển bởi Hội đồng Châu Âu, nhằm cung cấp một cơ sở chung trong việc thiết kế giáo trình, giới thiệu chương trình giảng dạy, thi cử, sách giáo khoa… trên toàn Châu Âu. Khung CEFR được xây dựng nhằm thiết lập tiêu chuẩn quốc tế trong việc học, giảng dạy và đánh giá tất cả các ngôn ngữ châu Âu hiện đại.
Khung CEFR được thiết kế dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ và cũng là cơ sở để soạn thảo những tài liệu liên quan khác dành cho người học. Việc miêu tả các trình độ cho phép xác định và đánh giá các cấp độ năng lực ngôn ngữ của người học.
Khung này mô tả năng lực của người học dựa trên 06 mức trình độ cụ thể: A1, A2, B1, B2, C1 và C2. Cấp độ A1 là mức độ cơ bản nhất, sau đó người học có thể vươn lên các bậc cao hơn cho đến khi có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo (Level of Proficiency).
CEFR đánh giá năng lực ngoại ngữ theo 4 kĩ năng: Nghe-nói-đọc-viết. Nhằm tạo điều kiện cho cả việc dạy và học, khung tham chiếu đã xác định khả năng người học có thể làm gì ở từng cấp độ, từ cơ bản nhất cho đến cấp độ thành thạo. Giáo viên cũng cần biết những cấp độ mà khung CEFR đưa ra để định hướng công tác giảng dạy của họ thế nào, cũng như phương pháp lựa chọn sách giáo khoa và các tài liệu khác.
Khi xem một giáo trình tiếng Anh, bạn sẽ thấy bìa sách có ghi (Pre) A1, A2, B1, B2, C1 hoặc C2 là xếp theo Khung trình độ Chung Châu Âu này.
Khái niệm 2: Các bài thi chứng chỉ Cambridge dành cho Trường học
Mỗi văn bằng chứng chỉ Cambridge English Qualification đều tương ứng rõ ràng với một cấp độ của CEFR. Các chứng chỉ này được sử dụng trên toàn thế giới để đánh giá khả năng ngôn ngữ của học sinh, là 1 hệ thống chứng chỉ liền mạch từ Pre A1 Starters đến C2 Proficiency, gồm có:
Pre A1 Starters (YLE Starters)
A1 Movers (YLE Movers)
A2 Flyers (YLE Flyers)
A2 Key for Schools (KET), A2 Key (KET)
B1 Preliminary for Schools (PET), B1 Preliminary (PET)
B2 First for Schools (FCE), B2 First (FCE)
C1 Advanced (CAE)
C2 Proficiency (CPE)
Ghi chú: IELTS cũng do Cambridge English tổ chức nhưng thuộc 1 hệ thống chứng chỉ khác
Khái niệm 3: Chương trình tiếng Anh đang giảng dạy tại trường phổ thông Việt Nam từ 2018
Theo mình tổng hợp được thì hiện có các bộ giáo trình sau đang được sử dụng cho chương trình tiếng Anh mới
Cấp 1
1. Tiếng Anh 1 – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Macmillian)
2. Family and Friends – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Oxford)
3. English Discovery – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (Pearson)
4. Tiếng Anh (I-learn Smart Start) – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Đại Trường Phát)
5. Explore Our World – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM (National Geographic)
6. Tiếng Anh 1 (Macmillan Next Move) – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TPHCM
Cấp 2
1. Friends Plus – NXB Giáo Dục Việt Nam (Oxford)
2. Bloggers – Smart NXB Đại Học Quốc Gia TP.HCM
3. Global Success – NXB Giáo Dục Việt Nam
4. Macmillan Motivate! – NXB Đại Học Sư Phạm TPHCM
5. Explore English – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM (National Geographic)
6. I-Learn Smart World – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
7. Right- on – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
Cấp 3
1. Global Success – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
2. Friends Global – Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
3. Think – NXB Đại Học Sư Phạm
4. English Discovery- NXB Đại Học Sư Phạm
5. Macmillan Move On – NXB Đại Học Sư Phạm TPHCM
6. Explore New World – Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM (National Geographic)
7. Bright – NXB Đại Học Huế
8. i-Learn Smart World – NXB Đại Học Huế
9. C21-Smart – – NXB Đại Học Quốc gia TPHCM
Từ các kiến thức nền trên, chúng ta có thể rút ra các nhận xét sau:
Dạy theo bộ sách nào cũng được vì các bộ sách đều xây dựng theo Khung trình độ chung châu Âu. Hiện giờ ngay cả Chương trình tiếng Anh của Bộ Giáo dục cũng theo hướng này rồi.
Việc luyện thi chứng chỉ Cambridge nên theo hướng giúp học viên làm quen với cách làm bài thi sau khi đã tích lũy ĐỦ kiến thức cần thiết để tham dự kỳ thi phù hợp với trình độ của mình.
Chương trình Bộ giáo dục hiện tại không hợp lý, lượng kiến thức không đủ để các em tham dự các kỳ thi phù hợp với cấp lớp của mình. Ví dụ, để thi chứng chỉ Starters, thông thường các em phải hoàn tất 2 cuốn sách trong các bộ sách dành cho thiếu nhi. Ở chương trình bộ Giáo dục thường là phải học trong 3-4 lớp (vì thường sách sẽ được chia đôi, 1 cuốn sách học trong 2 cấp lớp), trong khi thông thường học lớp 2 các em đã thi Starters, lớp 4 thi Movers và lớp 5 thi Flyers. Nên nếu các em chỉ học chương trình Bộ Giáo dục sẽ rất khó đạt kết quả mong muốn. Trong khi đó, tại Trung tâm thông thường 1 cuốn sách sẽ học trong 6 tháng. Để thi Starters chỉ cần học 1 năm là thoải mái rồi. Đó chính là lý do vì sao học Trung tâm thì đi thi nhẹ nhàng.
Các đề xuất cho các Trung tâm khi muốn kết hợp việc học Chương trình Bộ Giáo dục/ Chương trình của Trung tâm và luyện thi chứng chỉ Cambridge:
Cách 1: Chọn các bộ sách đã có biên soạn sẵn phần lồng ghép với bài thi Cambridge như Kid’s Box New Generation (Starters-Movers-Flyers), Prepare 2nd edition (KET,PET, FCE) của Nhà xuất bản Cambridge, Image, Look (Starters-Movers-Flyers), New Close up (KET,PET, FCE) của Nhà xuất bản Cengage…
Cách 2: Sử dụng bộ sách theo Chương trình Bộ Giáo dục hoặc sách do Trung tâm chọn và bổ sung phần luyện thi cho hợp với trình độ và chủ đề bài học. Các tài liệu bổ sung đề xuất là các tài liệu luyện thi của Nhà xuất bản Cambridge như Sách luyện thi Starters – Movers- Flyers (hình thức short course – tập trung luyện thi): Series Fun For, Series Fun Skills, Series Story Fun; Sách luyện thi KET, PET, FCE for school (Tập trung luyện thi, short course); các sách bài thi mẫu Authentic Examination Papers. Ngoài ra trên trang web của chính thức của đơn vị tổ chức thi cũng có nhiều tài liệu bổ ích, nên đọc kỹ Handbook for teachers và sử dụng các tài liệu có sẵn trong phần Teacher essentials.
Ghi chú: mình thấy có một số Trung tâm chỉ luyện thi mà không cho các bé học kiến thức cần thiết trước. Mình nghĩ không nên đi theo hướng này vì tuy các bé có thể vẫn đạt kết quả tốt nhưng không phát triển tốt 4 kỹ năng Nghe – Nói – Đọc – Viết và thiếu nền móng vững chắc. Với các bé này, càng lên cao sẽ càng khó dạy, lợi bất cập hại nếu những học sinh này vẫn tiếp tục học lâu dài tại Trung tâm mình. Với mình, thi chỉ là một cách kiểm tra xem các bé tiếp nhận kiến thức đến đâu, không phải là cái đích của chuyện học tiếng Anh.
—–
Về tác giả:
- Tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh – Đại học Sư phạm TP. HCM.
- Sinh viên Cao học ngành Quản lý Giáo dục – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM.
- 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo – quản lý Trung tâm ngoại ngữ (quy mô 7000 học viên/ khóa, doanh thu: 70 tỷ/ năm, khoảng trên 200 giáo viên và trên 10 nhân sự phòng đào tạo).
- 6 năm kinh nghiệm Nhân sự, 5 năm kinh nghiệm Marketing.
Tác giả – Đỗ Vũ Lưu Phương