Áp lực của phụ huynh

Làm thế nào để giảm bớt áp lực học hành lên con, trong khi chúng ta còn áp lực với chính bản thân mình?

Áp lực chồng áp lực 

Với nhiều bậc phụ huynh, chúng ta không chắc việc ép con ngồi vào bàn học với một cái roi sẽ giúp nó đạt điểm thi cao, nhưng lại khá yên tâm rằng việc đó là đúng.

Đúng với con, vì có nghiêm khắc thì nó mới chịu tập trung học. Mà rốt cuộc thì “học ấm thân mày chứ ấm cho ai”.

Đúng với chính mình, vì bậc phụ huynh có trách nhiệm và quan tâm thực sự đến tương lai của con cái thì sẽ không dễ dãi với việc học của chúng.

Nhưng suy cho cùng, chẳng ông bố, bà mẹ nào muốn mặt nặng mày nhẹ với con. Và việc “gầm gừ”, quát tháo để thúc con học là việc cực chẳng đã. Chúng ta gây áp lực với con, xuất phát từ chính áp lực của việc làm cha mẹ, từ trách nhiệm phải rèn dũa định hướng để con thành công trong tương lai.

Thế rồi báo chí và mạng xã hội mấy hôm nay lại rộ lên “Hãy dừng việc gây áp lực học tập lên con cái”. “Đừng ép con thành công theo định nghĩa của cha mẹ”. “Lắng nghe và hiểu con nhiều hơn”.

Là những bậc phụ huynh yêu thương con cái, tôi tin đa phần chúng ta sẽ đồng tình với những quan điểm đó.

Nhiều người sẽ bắt đầu tự hỏi “Liệu mình có đang quá đáng với con không?”

Nhưng đồng thời “Không thúc ép con học bây giờ, tương lai nó sẽ thế nào”

Và sau cùng, quan trọng nhất có lẽ là “Vậy như thế nào mới là một người cha, mẹ tốt?” “Thúc ép hay dễ dãi?”

Rồi bỗng nhiên, ta nhận ra mình đang mang cả ba thứ áp lực: Tương lai của con cái, mong muốn làm một bậc phụ huynh tốt và cả nỗi lo mình làm chưa tốt.

Có một sự hoang mang không hề nhẹ… Phải rồi, làm cha mẹ chưa bao giờ là dễ dàng cả.

Kiểm soát kỳ vọng

Trong bài chia sẻ này, tôi sẽ không đề cập đến những phương pháp để giúp chúng ta trở thành những bậc phụ huynh kiêm nhà giáo dục hoàn hảo. Vì tôi tin rằng chẳng có cha mẹ nào hoàn hảo và cũng chẳng có phương pháp giáo dục nào chắc chắn giúp trẻ thành công trong tương lai, đồng thời tránh được mọi rắc rối trong suốt quá trình trưởng thành của chúng.

Thay vào đó, từ kinh nghiệm làm phụ huynh của ba đứa con, tôi nhận ra rằng, bằng cách thay đổi chính bản thân mình, chúng ta ít nhiều có thể khiến quãng thời gian con học tập và trưởng thành êm đềm hơn và công việc làm cha mẹ cũng “dễ thở” hơn.

Hóa ra, để giải tỏa bất kỳ áp lực nào lên con cái, trước hết hãy xử lý những áp lực của chính bản thân mình. Ở đó, một trong những điểm mấu chốt, là quản lý được những kỳ vọng của cá nhân. Bởi lẽ ý chí quyết định hành động. Chỉ khi bạn kiểm soát được kỳ vọng của mình, bạn mới kiểm soát được mong muốn và những hành động áp đặt của chính bạn lên người khác, trong đó có con cái bạn. Khi đó, ta sẽ không quá quan trọng việc con đạt 6.5 IELTS từ năm 10 tuổi hay 18 tuổi, thay vào đó ta vui vì thấy mỗi ngày con mình học tiếng Anh trong niềm hứng thú.

Tôi tin rằng đó sẽ là lúc việc học của con bạn sẽ trở nên nhẹ nhõm và thực chất hơn.

Nhưng vấn đề là, làm thế nào để chúng ta kỳ vọng ít đi mà đồng thời cũng không tự áp lực lên chính bản thân mình?  Làm thế nào để tôi giảm gánh nặng 6.5 IELTS lên con, mà cũng bớt lo lắng về tương lai đi du học nước ngoài của nó hay bớt thấy “tủi thân” khi xung quanh, con đồng nghiệp của tôi toàn “siêu nhân” tiếng Anh?

Giương cung và bắn

Có một câu chuyện gắn liền với triết học Khắc kỷ Hy Lạp làm tôi nhớ mãi.

Một cung thủ nổi tiếng ở Athens, ngày nọ, cùng cậu con trai đi săn trong khu rừng sâu. Không may hai cha con ông bị một toán cướp bắt được. Chúng biết đến danh tiếng của cung thủ, và muốn tận mắt xem tài của ông nên đã ra một điều kiện: nếu ông bắn trúng quả táo đặt trên đầu con trai mình thì cả hai có thể đi, còn nếu không chúng sẽ giết cả hai. Ông chỉ có hai lựa chọn: hoặc lo lắng, sợ hãi thực hiện một cú nhắm bắn với ít sự tập trung nhất hoặc làm điều đó với tất cả sự bình tĩnh có thể.

Tâm trí của bản thân là tất cả những gì ông có thể kiểm soát lúc này. Hướng gió, lực gió, sự nhúc nhích của đứa con, hay trò chơi khăm của một kẻ tai quái nào đó có thể khiến mũi tên không trúng đích.

Từ câu chuyện này, các triết gia đặt ra câu hỏi, nếu cứ mải lo lắng những thứ ngoài tầm kiểm soát, thì liệu chúng ta có thể làm mọi việc đạt kết quả tối ưu trong khả năng của mình không?

Liên hệ lại với hành trình dạy con của mình, tôi nhận ra, giống như người cung thủ trong câu chuyện nọ,. Tôi không thể hoàn toàn kiểm soát được tương lai con sẽ làm gì, thu nhập ra sao hay trở thành người như thế nào trong 10 – 20 năm nữa. Song không có nghĩa vì thế mà tôi “mặc kệ”. Trái lại, tôi tập trung làm tốt nhất những gì mà mình có thể đối cho việc học của con: kèm cặp hàng ngày, theo dõi, động viên, thử những phương pháp học mới để con có hứng thú học tập. Còn kết quả cuối cùng, hoàn toàn không do tôi quyết định.

Có quá nhiều biến số có thể khiến những kỳ vọng về tương lai của chúng ta đi chệch hướng. Giống như có vô số tác nhân khiến mũi tên của người cung thủ có thể đi trượt quả táo và bắn trúng con trai ông. Vậy thì tại sao chúng ta phải quá áp lực những việc mình không thể kiểm soát. Tốt nhất là hãy cứ “nhắm bắn” cho thật chuẩn trong trong khả năng của mình.

Đúng, sai hoặc… không cần phải phán xét

Tôi cũng nhiều lần mắc kẹt và stress trong những lựa chọn còn đôi khi còn chẳng phải của bản thân mình. Chẳng hạn như một ngày đẹp trời bỗng nhiên người chị của tôi, là giáo viên tiểu học, rủ rỉ nói con tôi học tiếng Anh trên app thực sự sai lầm, vì lý do không được giao tiếp thực tế, không phát triển được khả năng một cách tự nhiên, trong khi con tôi khá là thích cách học này.

Tôi bán tín bán nghi, bắt đầu sục sạo thông tin, kiểm nghiệm lại với cả người đang cho con học theo app, cả những người phản đối cách học này. Tôi nhận ra có những đứa trẻ tiến bộ hơn nhiều từ việc học qua app, có đứa thì được một thời gian rồi bỏ. Cách tiếp nhận kiến thức của chúng khác nhau.

Con tôi thích học qua app, còn người thân kiêm chuyên gia của tôi lại bảo cách đó không đúng. Tự đánh giá thì kết quả 50 – 50. Vậy thì việc tôi đang cho con ôn luyện trên app là đúng hay sai? Rốt cuộc tôi nhận ra mình còn một lựa chọn khác, là không nhất thiết phải đưa ra phán xét đúng hay sai. Kết quả tự nó sẽ phản ánh qua thời gian và như đã nói ở phần trên, kết quả con tôi có thực sự tiến bộ hay không, tôi cũng không thể hoàn toàn kiểm soát.

Điều tôi có thể làm tốt nhất là tạo mọi điều kiện có thể để con học theo cách mình thích.

Chúng ta luôn có quyền lựa chọn không đưa ra phán xét đúng-sai trong nhiều tình huống, từ việc quyết định con học theo phương pháp nào, thiên hướng gì hay trường gì trong tương lai. Đôi khi việc không đưa ra phán xét cuối cùng là lại giúp chúng ta hài lòng với lựa chọn của mình nhất.

Memento Mori

Nếu như ngày mai tôi phải đi xa, và hôm nay là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy thằng nhóc nhà mình – (đang cúp học ngồi chơi điện tử) thì tôi sẽ làm gì?

Liệu tôi nên tiếp tục đặt kỳ vọng là nó sẽ đạt học sinh giỏi trong năm nay, và kéo nó trở lại bàn học, bằng tiếng gầm gừ quát tháo?

Hay kệ để nó chơi tiếp như vậy?

Không, có lẽ tôi nên thuyết phục con trở lại bàn học, nói với nó về ý nghĩa của sự nỗ lực, với tất cả sự dịu dàng của một người sắp phải nói lời chia tay.

“Memento Mori” là một cụm từ tiếng Latin nghĩa rằng “Nhớ rằng bạn sẽ phải chết”. Sự chia lìa có thể đến với chúng ta trong thể là rất lâu nữa, nhưng có thể là ngay ngày mai, thậm chí ngay bây giờ, lúc này, vậy thì tôi sẽ hành xử thế nào với những chuyện trái ý mình?

Đó là cụm từ tôi thường xuyên nhớ đến lúc cơn giận khởi phát khi con không làm theo những yêu cầu của mình. Nghe chừng đúng là tiêu cực, song đây lại là một kỹ thuật tâm lý được các triết gia Hy lạp sử dụng từ ngàn xưa để chiến thắng chính những cảm xúc tiêu cực của mình.

Khi chúng ta nhận ra, những gì rất đỗi thân thuộc với mình có thể biến mất bất cứ lúc nào, chúng ta bắt đầu đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của những áp đặt và kỳ vọng của chúng ta. Và đó là lúc sự trân trọng và yêu thương bắt đầu thế chỗ.

Lời kết

Thực ra những kỳ vọng hay áp lực là không tốt, cũng không xấu. Nhìn góc độ tích cực, chúng là động lực để giúp chúng ta phát triển nhanh hơn. Nhưng tôi hiểu ra cả kỳ vọng và áp lực đều có xu hướng leo thang, mà nếu chúng ta không có một chế độ “hãm phanh” của riêng mình, chúng rất dễ dẫn đến những tâm lý và hành động cực đoan lên cả bản thân cha mẹ lẫn con cái.

Và để điều đó không xảy ra, để những sự kỳ vọng và áp lực vô lý không nhân danh sự quan tâm và tình yêu dành cho con mà gây ra bất cứ điều gì khiến chúng ta nuối tiếc. Tôi mong, trước hết, chúng ta – những bậc phụ huynh giàu tình yêu thương lý trí với các con, hãy nghiêm túc nghĩ về câu hỏi:

Tôi muốn con trở nên thành đạt hay hạnh phúc toàn vẹn?

Bởi vì hai điều đó không nhất thiết đi đôi với nhau.

Mà chúng ta lại có ít nhiều quyền tác động đến một trong hai.

Minh Tú

Bài viết phản ánh quan điểm của phụ huynh

Comments

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Related Posts