Phân loại phương pháp kĩ thuật dạy học
– Nếu là ôn tập các từ đã học: Thực hành (Tạo bộ thẻ) + tái hiện (ôn tập, nhớ lại)
– Nếu là giao để soạn mới từ vựng: Thực hành (Tạo bộ thẻ) + tìm tòi (HS tra cứu SGK, từ điển) để xác định nghĩa của từ. Có thể tận dụng mục wordlist cuối SGK.
Các bước thực hiện:
1. Liệt kê số lượng từ vựng cần ôn tập (đánh số theo thứ tự).
2. Chia nhóm, đánh số thứ tự thành viên trong nhóm. Phân chia cụ thể, đều công việc trong nhóm.
VD: Có 18 từ. Nhóm có 3 thành viên – mỗi bạn phụ trách 6 từ.
3. Cách ghi:
– Mỗi từ có 2 thành phần: Tiếng Anh – Nghĩa tiếng Việt/ hình ảnh minh hoạ. Mỗi thành phần được viết trên 1 mảnh giấy (viết 1 mặt).
– Viết to rõ ràng, có thể trang trí/ tô màu nếu đủ thời gian.
Đây là lúc các con CẨN THẬN, SÁNG TẠO thăng hoa.
4. Cách chơi
B1: Chia bộ bài đều cho mỗi thành viên. Có 2 trường hợp:
– TH1: Số thẻ bài chẵn số lượng người chơi => chơi bình thường.
– TH2: Số thẻ bài lẻ => cất phần quân bài dư.
B2: Người chơi lọc các cặp từ có sẵn và hạ quân.
B3: Với các từ còn lại, rock – paper – scissors để quyết định ai được đi trước.
– Người chơi thứ nhất hạ 1 quân. Nếu bạn chơi chặn được thì bạn đó tiếp tục được đi tiếp quân tiếp theo. Cứ thế cho đến khi bạn nào hạ quân hết thì về nhất/ nhì/ …
– Trường hợp bị lẻ quân do số thẻ bài lẻ, chơi đến khi không thể hạ quân được nữa thì ai còn ít lượng quân bài trước sẽ thắng.
B4: Luật thắng thua có thể theo luật chơi bài tiến lên (Nhất chơi, Nhì phát, Ba xếp, Bốn quỳ). Có thể nghĩ thêm về các luật khác.
5. Kiểm tra đánh giá
– Sau khi chơi, HS làm bài test/ tự truy xuất từ vựng đã học. VD có 18 từ, HS tự thử thách bản thân vượt 70% (tương ứng 12 từ vựng đúng). Trường hợp không đạt chỉ tiêu, HS về chỗ ngồi ôn tập lại. Và tiến hành làm lại từ đầu cho đến khi đạt mục tiêu.
– Với HS khá giỏi, mục tiêu lớn hơn (80% – 90%…).
– Với những từ bị sai/ thiếu: HS được yêu cầu chỉnh sửa bổ sung đầy đủ vào vở.
– Nguyên liệu hệ cây nhà lá vườn: HS đóng góp giấy trắng từ vở cũ, GV nhờ quán foto (có dao cắt thần thánh) cắc thành các mảnh chữ nhật đều tăm tắp. Với hệ sang xịn mịn: sử dụng giấy bìa cứng.
6. Lưu ý:
– Khi làm thẻ, nếu làm sai, HS có thể lật mặt sau để ghi lại. Trường hợp sai hết có thể xin thêm giấy. Lưu ý tài nguyên có hạn nên HS cần cẩn thận nhất có thể.
– Cần giải thích rõ tầm quan trọng của mỗi thành viên trong nhóm để các bạn phối hợp ăn ý (VD: bạn nào xong trước có thể giúp đỡ bạn trong nhóm).
– HS có sẽ được quyền tham khảo tài liệu khi chơi để dò từ.
– Trong khi chơi, nếu phát hiện thẻ ghi sai, HS cần chỉnh sửa ngay.
– Khi hạ bài, HS đọc to từ (nếu sai thì đồng đội nhớ chỉnh sửa).
– Nên hướng dẫn các cụm từ tiếng anh khi chơi, ví dụ: Your turn, I win, I don’t have any matching cards.
– Có thể “treo” giải thưởng: HS làm xong và đúng – giao bớt btvn. Nếu 70% cả lớp ngay lần đầu tiên đã đúng thì miễn btvn buổi đó.
– Nhấn mạnh việc giải thích rõ mục tiêu của hoạt động là gì? Các bạn cảm nhận như thế nào sau hoạt động đó? Có đóng góp gì để cải thiện hoạt động hiệu quả hơn không?
7. Một số cảm nhận
– Mình cảm nhận rõ sự tham gia tích cực của các bạn, ngay cả với những bạn chưa hào hứng học tập.
– Học đi đôi với hành. Hành đi đôi với tỏi. Đúng là “có làm thì mới có ăn”, “có trải nghiệm thì mới có kinh nghiệm.”
– Sau khi học/ đọc/ biết tới 1 hoạt động thực hành, nên áp dụng để trải nghiệm và rút kinh nghiệm dần dần. Có thể trao đổi thực tế này với học sinh, để học sinh biết chính giáo viên cũng đang là người học với tinh thần cầu tiến, giáo viên trân trọng mọi đóng góp của học sinh. Đây chính là hành động noi gương.
Cô giáo Tô Thị Mỹ Phương