Tuyệt chiêu học Tiếng Anh nhờ phương pháp TPR

Hi mọi người, hôm nay mình xin chia sẻ với mọi người suy nghĩ của mình về việc dạy từ vựng bằng TPR – Total Physical Response. Vì phương pháp này khá quen thuộc nên mọi người cùng bàn luận với mình nhé!

1. TPR là gì?

Được phát triển bởi James Asher, nguyên lý của phương pháp này được dựa trên cách một đứa trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ khi ba mẹ luôn có “language-body conversations” với con mình. Cụ thể hơn, TPR nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc liên kết giữa lời nói và hành động để truyền tải ngôn ngữ thông qua những chuyển động của cơ thể. Nghĩa của từ được truyền tải thông qua hành động còn việc ghi nhớ từ vựng diễn ra thông qua quá trình quan sát hành động và lắng nghe khẩu lệnh, sau đó thực hiện hành động nhiều lần.

2. Tại sao TPR phù hợp trong việc dạy từ vựng?

TPR tuân thủ một số nguyên tắc trong việc dạy tiếng Anh cho học sinh (HS) như sau (mình chỉ đề cập một số nguyên tắc có sự liên kết với TPR):

  • Chú trọng sensory input – seeing, doing, hearing- từ đó giúp HS hình dung được nghĩa từ, dễ nhớ và nhớ lâu hơn.
  • Không khí lớp học vui vẻ, mang năng lượng tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Người học được nạp input nghe trước khi sẵn sàng để nói.
  • HS không phải nói cho tới khi sẵn sàng, do đó tạo cảm giác an toàn và giảm căng thẳng cho HS, đặc biệt ở những bạn level thấp.

Ngoài ra, TPR còn phù hợp cho các size lớp khác nhau và các lớp phân hóa vì chỉ cần GV hướng dẫn hành động, đưa ra khẩu lệnh để HS làm theo.

3. Cách tiến hành

GV giới thiệu từ/ cụm từ bằng cách đọc to từ/ cụm từ mới đi kèm với hành động miêu tả. Ví dụ: brush my teeth + hành động đánh răng. GV có thể dùng hình ảnh để hỗ trợ (trình chiếu, vẽ/ dán hình trên bảng).

GV lặp lại và yêu cầu HS làm theo hành động của mình. Khi HS đã tự tin hơn hoặc lớp nổi bật hơn, GV có thể chỉ đưa ra khẩu lệnh ở những lần lặp lại sau và yêu cầu HS nói theo. Ngoài ra, GV cũng có thể mời 1 HS khác để đưa ra khẩu lệnh cho cả lớp.

Khi thực hiện hành động, biểu cảm gương mặt và giọng nói cũng nên được chú ý để thu hút HS (có thể phóng đại nếu cần thiết).

Nếu là hoạt động storytelling, từng câu trong câu chuyện nên được drilling theo thứ tự cho đến khi HS có thể drilling các câu ở thứ tự khác nhau. HS cũng không nên được yêu cầu nói theo khi drilling cả câu.

4. Một số khó khăn nhất định

Thật ra, mình nghĩ mọi người đã khá quen thuộc với TPR và lợi ích của phương pháp này, đặc biệt là với hoạt động Simon says điển hình. Ở đây mình muốn bàn sâu hơn một chút về những khó khăn khi sử dụng TPR.

Levels

TPR phù hợp cho beginner levels hơn, đặc biệt khi dạy về động từ, kể chuyện đơn giản, classroom language. HS higher levels bắt đầu tiếp xúc với những từ trừu tượng hơn nên khó để thể hiện nghĩa từ bằng hành động hơn. Tất nhiên vẫn có những chủ đề có thể sử dụng TPR nhưng nhìn chung là không nhiều như đối với HS lower levels.

Rõ ràng là chúng ta không thể dạy mọi thứ bằng TPR mà cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để tránh nhàm chán. Ví dụ với mình, gần đây mình dạy cháu mình (HS lớp 1) bài School Things, đối với những topics như thế này, việc sử dụng realia sẽ tối ưu hơn. Mình không thể diễn tả hành động ngồi xuống ghế để chỉ từ “chair” vì như vậy sẽ dễ nhầm với động từ “sit down”, hoặc hành động viết để chỉ “pencil” vì sẽ gây nhầm lẫn với “write” hoặc “draw”.

Đối tượng dạy

TPR được nhắc đến nhiều trong việc dạy young learners, tuy nhiên mình đã từng dùng TPR cho adult learners và nhận thấy như sau: Về mặt lý thuyết, TPR hoàn toàn có thể được dùng với adult learners. Tuy nhiên, người lớn thường dễ ngại nên hoặc là GV phải bạo dạn, năng lượng hơn để thúc đẩy HS làm theo, hoặc là fail. Cá nhân mình có lúc thành công và có lúc fail. Khi mình reflect lại thì nhận ra mình thành công vì trong lớp có bạn hưởng ứng theo, và đa số các bạn là sinh viên, còn nhiều năng lượng, hoặc là người đi làm với tính tình sôi nổi, hoạt bát. Và mình fail trong trường hợp ngược lại: không có ai hưởng ứng hoặc học viên đã mệt vì công việc hoặc lớp trầm, các bạn tính tình khép kín. Mình blame việc thất bại này cho bản thân vì mình không đủ bạo dạn để thúc đẩy các bạn. Vì 1 vài lí do, mình chưa có cơ hội phục thù nên hy vọng trong tương lai có thể test TPR lại với adult learners.

Chuẩn bị

Trên lí thuyết, đây là ưu điểm của TPR khi không phải chuẩn bị nhiều teaching aids. Tuy nhiên, cá nhân mình nghĩ TPR khá tốn thời gian để chuẩn bị vì GV phải nghĩ ra hành động đơn giản, rõ ràng để thể hiện nghĩa của từ, sau đó tự tập nhiều lần để nhuần nhuyễn, không lóng ngóng khi thể hiện trước lớp. Nếu những từ đơn giản như sit down, stand up, walking sẽ không quá khó nhưng không phải bài nào, lớp nào mình cũng dạy những từ đơn giản như vậy. Hoặc cũng có thể do khả năng tưởng tượng của mình còn hạn chế nên mình thấy chuẩn bị lâu

Cách thực hiện

Mình có nhắc tới “có thể phóng đại nếu cần thiết”, việc này sẽ gây khó khăn cho 1 số GV hướng nội hoặc không quen sử dụng nhiều biểu cảm gương mặt. Mình tuy không phải quá hướng nội nhưng mình bị ngại trước người lạ và nếu không ai làm theo là mình rụt luôn, cho nên mình fail đó.

Quản lí lớp học

Vì không khí lớp được khuấy động nên 1 số HS (đặc biệt là young learners) có thể hơi quá khích. Việc này sẽ thử thách kĩ năng quản lớp của GV. Về phía GV, GV cũng có thể trở nên quá khích mà nói to hơn làm ảnh hưởng giọng nói nếu GV không biết về kĩ thuật lấy hơi (như mình), bữa nào lỡ lớp vui quá là khan cả giọng.

Mục tiêu bài dạy

Những hoạt động của TPR có thể sẽ lấn giờ những mục tiêu khác. Mình nghĩ có nhiều lí do cho việc này như là HS chưa quen với phương pháp, drilling nhiều lần, hoặc vui quá nên lố giờ một lần nữa, việc này thử thách khả năng quản lí thời gian và sắp xếp hoạt động của GV.

Mình dự định bài này viết ngắn thôi nhưng hình như hơi dài. Trải nghiệm dùng TPR của mọi người như thế nào? Chia sẻ cho mình biết với nhé!

Cô giáo giấu tên

Comments

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
alicele
alicele
Education is the most powerful weapon which you can use to change the world - Nelson Mandela

Related Posts