Bạn có biết – Ẩn giấu trong mỗi đứa trẻ là một thiên tài ngôn ngữ

Flyer.vnPatricia Kuhl, giáo sư ngành Khoa học Ngôn ngữ và Thính Giác tại University of Washington, trong một lần là khách mời của TED Talks, đã chia sẻ những phát hiện đáng kinh ngạc về cách thức trẻ học ngôn ngữ thông qua các thí nghiệm và ảnh quét não bộ. Một trong số đó là chỉ ra những em bé đích thực là những “thiên tài ngôn ngữ” có khả năng học MỌI ngôn ngữ trên thế giới.

1, Trẻ có khả năng học ngôn ngữ tuyệt vời nhất ngay trong những năm đầu đời

GS. Kuhl và nhóm nghiên cứu đặt vấn đề những người mẹ Ấn Độ, cũng như 800 người nói tiếng Koro, một ngôn ngữ mới được phát hiện trên thế giới, nói chuyện với những đứa con chưa đầy năm tuổi của mình bằng tiếng Koro hàng ngày. Họ mong muốn những đứa trẻ sẽ hiểu được ngôn ngữ này, và sau đó, trở thành những người sử dụng, gìn giữ và tiếp nối nó.

thiên tài ngôn ngữ #1
Một người mẹ nói tiếng Koro với đứa con nhỏ của mình (Ảnh: Chris Rainier)

Tại sao người lớn lại không được “tín nhiệm” giao trọng trách bảo tồn và phát triển ngôn ngữ trong trường hợp này? Trẻ em hẳn là phải có ưu thế gì đặc biệt.
Câu trả lời chính là sự phát triển não bộ của chúng. Khả năng học ngôn ngữ và tuổi tác là hai yếu tố tỉ lệ nghịch với nhau, và trong giai đoạn phát triển quan trọng đầu tiên, trẻ có khả năng học ngôn ngữ tuyệt vời nhất.

thiên tài ngôn ngữ #2
Khả năng học ngôn ngữ giảm đi khi tuổi tác tăng lên, đạt đỉnh ngay trong giai đoạn đầu đời của trẻ (Ảnh: Youtube)

2. Khả năng nhận biết ngôn ngữ: bắt đầu khi trẻ chưa tròn tuổi

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của GS. Kuhl tập trung vào giai đoạn quan trọng đầu tiên trong sự phát triển của trẻ, những em bé 6 tháng tuổi. Đó là khoảng thời gian những đứa trẻ nhận biết các âm (sound) trong tiếng mẹ đẻ. Họ cho rằng, bằng việc nghiên cứu cách những đứa trẻ tiếp thu các âm, họ sẽ có một mô hình chung cho các thành tố còn lại của ngôn ngữ đó, và có thể là cho cả những giai đoạn phát triển quan trọng khác của trẻ về mặt xã giao, cảm xúc và tư duy.
Nghiên cứu được tiến hành bằng phương pháp tổng quát cho việc nghiên cứu các âm ở mọi ngôn ngữ.
Theo đó, em bé ngồi trong lòng mẹ, bên cạnh là một chiếc hộp đen có con gấu bông cầm một chiếc trống bên trong. Nhà nghiên cứu sẽ dạy bé lắc đầu mỗi khi xuất hiện sự thay đổi âm, ví dụ như từ /a/ sang /i/. Nếu em bé thực hiện hành động lắc đầu đúng lúc có sự thay đổi âm, đèn trong hộp sẽ bật sáng và chú gấu sẽ đánh một tiếng trống. Các em bé 6 tháng tuổi tỏ ra rất thích thú với thí nghiệm này.

Thí nghiệm cho thấy mọi đứa trẻ trên thế giới, không phân biệt màu da, quốc tịch, chủng tộc, nhận thấy được thay đổi âm của mọi ngôn ngữ. Trong khi đó, người lớn chỉ có thể phân biệt được các âm trong tiếng mẹ đẻ bởi những ràng buộc văn hóa đã bén rễ quá sâu trong nhận thức của họ.
Vậy khi nào những “thiên tài ngôn ngữ” trở thành những người lắng nghe bị ràng buộc bởi văn hóa như chúng ta? Và câu trả lời là: trước ngày sinh nhật 1 tuổi của chúng.

3. Sự thật thú vị: trẻ không chỉ nghe mà còn thu thập dữ liệu ngôn ngữ

Nhóm nghiên cứu đối chiếu 2 nhóm trẻ 6-8 tháng ở Mỹ và ở Nhật. Họ cho chúng nghe âm /r/ và /l/ – những âm quan trọng trong tiếng Anh, nhưng lại không có nhiều vai trò trong tiếng Nhật. Kết quả là những đứa trẻ nhận diện âm chính xác như nhau, ở cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Tuy nhiên, 2 tháng sau, những đứa trẻ ở Mỹ có tiến bộ, còn những đứa trẻ Nhật lại thụt lùi. Vậy chuyện gì đang xảy ra trong thời gian 2 tháng quan trọng này?
Những đứa trẻ đích thực là những nhà khoa học nhí: chúng không chỉ không chỉ chăm chú  lắng nghe mà còn thu thập dữ liệu. Dữ liệu của tiếng Nhật và tiếng Anh rất khác nhau: tiếng Anh có rất nhiều âm /r/ và /l/ còn tiếng Nhật thì không.
Vì thế, những “dữ liệu thống kê” này của trẻ làm thay đổi não bộ chúng, và những công dân nhí có khả năng học MỌI ngôn ngữ trên thế giới dần dần trở thành những người nghe ràng buộc bởi văn hóa giống như người lớn.

Vậy những đứa trẻ có thể thu thập số liệu của một ngôn ngữ hoàn toàn mới không? Nhóm nghiên cứu của GS Kuhl cho những em bé người Mỹ chưa bao giờ tiếp cận với ngôn ngữ thứ 2 nào tiếp xúc với tiếng Trung phổ thông ngay trong giai đoạn phát triển quan trọng đầu tiên của chúng.
Kết quả của những em bé 6-8 tháng tuổi được kiểm tra ở Đài Bắc và Seattle hoàn toàn tương đồng. Nhưng sự khác biệt vẫn xảy ra trong 2 tháng sau đó. Những em bé 8 tháng tuổi ở Đài Bắc có kết quả tốt hơn những bạn cùng tuổi mình ở Seattle.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục thay đổi 1 điều kiện nghiên cứu: cho các em bé người Mỹ tiếp xúc với tiếng Trung 12 lần, giống như trường hợp gia đình có người thân là người Trung Quốc đến thăm nhà và nói chuyện với con bằng tiếng Trung vậy. Kết quả là chúng có thể cảm nhận sự thay đổi âm tiếng Trung giỏi như những đứa trẻ ở Đài Loan đã nghe tiếng Trung suốt cả ngày. Điều đó chứng tỏ những đứa trẻ có biệt tài thu thập dữ liệu của BẤT KÌ ngôn ngữ mới nào chúng được tiếp xúc.
Sử dụng các máy quét não MEG (magnetoencephalography), các nhà nghiên cứu nhận thấy khi trẻ em nghe một từ, một vùng âm thanh trong não sáng lên, và kích hoạt những vùng xung quanh liên quan đến tư duy.

thiên tài ngôn ngữ #3
Chiếc máy MEG thiết kế đặc biệt an toàn được sử dụng để thu thập những hình ảnh quét não bộ trẻ 6 tháng tuổi (Ảnh: Youtube)
thiên tài ngôn ngữ #4
Khi trẻ em nghe một từ, một vùng âm thanh trong não sáng lên, và kích hoạt những vùng xung quanh. (Ảnh: Youtube)

Đây là những bước đầu của hành trình nghiên cứu sự phát triển của bộ não của trẻ em – những thiên tài ngôn ngữ. Bằng cách nhận thấy những thay đổi trong não bộ của trẻ khi trẻ học tập, tư duy, chúng ta có thể tạo ra những can thiệp cho những trẻ gặp khó khăn trong học tập.

Như vậy, trong quá trình tìm hiểu về bộ não trẻ em, chúng ta cũng khám phá ra những chân lý sâu sắc về yếu tố khiến con người trở nên đặc biệt, tìm ra cách đánh thức “thiên tài ngôn ngữ” trong mỗi đứa trẻ, và nhận thấy sự cần thiết của việc cởi mở tư duy để học tập suốt đời.
Chi tiết phần trình bày của GS. Kuhl, xin xem thêm video:

Nguồn: ted.com

Comments

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Thuan Duong
Thuan Duonghttps://flyer.vn/
Làm việc với giáo viên bản ngữ trong các lớp tiếng Anh nhiều trình độ từ khi học đại học, hoàn thành chương trình cao học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh tại ĐHNN – ĐHQG Hà Nội năm 2014, mình yêu thích tìm hiểu các nền tảng & công nghệ dạy-học tiếng Anh thú vị & mang tính thực tiễn cao.

Related Posts