Con mình “dốt” tiếng Anh thì đã sao?

Người ta cứ nói không có đứa trẻ “dốt”, chỉ có phương pháp giáo dục chưa đúng, nhưng nhìn vào quá trình học tiếng Anh của con mình mấy năm nay, sau khi đi học hết thầy này trung tâm nọ, thì mình phải thừa nhận một điều: Con mình “dốt” tiếng Anh thật. 

Nhưng có nhất thiết con bạn phải giỏi tiếng Anh từ nhỏ và giỏi bây giờ thì có ý nghĩa gì? 

Con mình năm nay vừa bước vào lớp 5. Học trường công. Từ khi con lên lớp 3, mình biết rằng con chỉ học tiếng Anh trên lớp là không đủ, nên mình bắt đầu cho con đi học thêm ở các trung tâm tiếng Anh trẻ em. Ừ thì, mới đầu cũng có vẻ hứng thú, về bắt đầu kể hôm nay con được “thầy Tây” dạy về các môn thể thao, cùng các bạn làm việc nhóm đề tài về các loài động vật v…v… Nhưng học ở đâu cũng thế, vài ba hôm cu cậu bắt đầu lơi dần, về nhà hỏi học gì cũng chỉ trả lời qua loa mà hỏi gặng nhiều là bắt đầu mặt mày bí xị. 

Đến đoạn đó là mình đã thấy không ổn rồi. Được một thời gian thì thấy bố mẹ các bạn cùng trung tâm của con đăng video con thuyết trình tiếng Anh vanh vách. Đằng này, ông con mình thì đi học về là bổ vào đọc truyện, chơi game mà kiểm tra từ vựng cơ bản còn ấp úng. Sốt ruột thực sự. 

Sau hai năm loay hoay thử đủ cách mà không thấy con tiến bộ, mình quyết định thôi, không phải cố để con xuất sắc nữa. Nói ra có thể nhiều người sẽ nghĩ mình sớm bỏ cuộc. Có thể đúng vậy, nhưng có hai lý do chính làm mình có suy nghĩ này.

Thứ nhất là mình mệt thật sự. Nhưng phải mệt thế này, rồi nhìn lại quãng thời gian hai mẹ con “theo đuổi con chữ” mình mới nhận ra một điều. Cả con mình cũng đã mệt. 

Nhiều người nói, để học tốt tiếng Anh con cần môi trường có thể giao tiếp thường xuyên và học đúng phương pháp. Nhưng học trường quốc tế thì gia đình mình không đủ điều kiện. Kèm cặp ở nhà cũng khó vì hai vợ chồng cũng chẳng giỏi tiếng Anh gì cho cam. Học trung tâm thì đó, đi làm đón con tan học lúc 5 rưỡi là đi thẳng đến trung tâm một mạch học đến 8 giờ, về nhà cơm nước xong cũng hết ngày. 

Nếu mình và con đã cố gắng hết sức mà con vẫn “dốt”, thì mình bắt đầu đặt lại vấn đề: Liệu thời gian con học nhiều hơn có đồng nghĩa với việc con sẽ giỏi hơn?

Từ kinh nghiệm chạy đua đi học cùng con, mình bắt đầu thấm thía rằng, trẻ sẽ chỉ thực sự chăm học khi chúng có hứng thú với môn học đó, hoặc những gì liên quan đến môn học đó. Nhiều khi cái chúng ta vẫn gọi là năng khiếu, chính là hứng thú tự nhiên của trẻ với môn học này. Và khi chúng thích thì khả năng tiếp thu cao hơn nhiều, nhớ lâu hơn nhiều và trong khi thời gian “đánh vật” với môn học lại giảm đi. 

Như vậy khi nói con không có năng khiếu tiếng Anh, có thể hiểu phần nào là do trẻ không thích thú gì việc phải ngồi hàng giờ nghiền ngẫm từ vựng, mẫu câu hay đoạn văn mẫu. Không thích thì chểnh mảng, học lấy lệ, như vậy thì con “dốt” tiếng Anh là chuyện hoàn toàn bình thường, chứ không phải khiếm khuyết gì của trẻ cả. 

Từ đây mình cho rằng, thay vì cứ cố gắng để con giỏi thì cha mẹ nên tập trung vào tìm cách để con thích và từ đó dần dần tiến bộ. 

Con mình thích chơi game. Thế thì, bây giờ mình bắt đầu cân nhắc tìm đến những game có nội dung về dạy tiếng Anh để con chơi sau giờ học trên lớp.

Thứ hai là mình bắt đầu suy nghĩ thực tế hơn về nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong 10 đến 15 năm nữa. 

Nếu như thế hệ của mình trước đây (tiện thể mình đời đầu 8x nhé), chủ yếu cố học tiếng Anh với suy nghĩ là ra để mở rộng hiểu biết ra tầm quốc tế, để giao tiếp tốt phục vụ cho công việc ở các công ty nước ngoài, hoặc liên doanh thì bây giờ, sự phát triển chóng mặt của công nghệ làm mình phải suy nghĩ lại. 

Khoảng 15 năm trước, để hiểu được đoạn văn bản học thuật bạn cần phải có trình độ tiếng Anh kha khá, bét cũng IELTS 5.5 trở lên. Đến năm 2022, Google Translate có thể giúp bạn dịch văn bản tiếng Anh sang tiếng mẹ đẻ đúng đến khoảng 85%, trong khi bạn chẳng cần phải có “chấm” IELTS nào. Ngay cả viết email thì bây giờ cũng có đủ loại app ra đời giúp bạn soạn một đoạn văn bản theo mẫu khá dễ hiểu chỉ trong vài phút (và nhịp độ công việc thời nay cũng cho chúng ta ít thời gian để soi chính tả trong email hơn nhiều).  

Làm việc nhóm ư? Hãy hỏi con bạn xem chúng đang “lập team đánh quái” trong các game online phiên bản quốc tế như thế nào. Ngôn ngữ được giản lược đến mức tối giản mà vẫn đảm bảo hiệu quả hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong game.

Tất nhiên để nói trong 10 đến 15 năm nữa, công nghệ có thể thay thế được các kỹ năng ngôn ngữ thành thạo và xuất sắc là sự chủ quan. Tuy nhiên, xu thế phát triển nhanh và đột phá của công nghệ hiện tại cho chúng ta cơ sở để tin rằng, trong tương lai, yêu cầu các kỹ năng tiếng Anh xuất sắc trong công việc có thể sẽ ít hơn rất nhiều, nếu ngành nghề đó không liên quan mật thiết đến việc sử dụng ngôn ngữ. 

Tựu chung lại, mình muốn nói rằng, có vẻ như chúng ta đang bị quá quan trọng hóa vấn đề con phải giỏi tiếng Anh từ lứa tuổi nhỏ. Chúng ta sợ con bị bỏ lại trong cuộc đua theo đuổi kiến thức và việc làm tốt trong tương lai. Theo mình, thay vào đó, ta nên tập trung vào việc tạo được cảm hứng học tập cho con và đồng thời giảm áp lực đối với chính bản thân mình. 

Lan Phương

Bài viết phản ánh quan điểm của phụ huynh. 

    ĐĂNG KÝ TRẢI NGHIỆM FLYER

    ✅ Trải nghiệm miễn phí ôn luyện phòng thi ảo chuẩn quốc tế
    ✅ Truy cập 1700+ đề thi thử & bài luyện tập mọi cấp độ Cambridge, TOEFL, IOE, thi vào chuyên...
    ✅ Chấm, chữa bài luyện Nói chi tiết với AI Speaking

    Comments

    Subscribe
    Notify of
    guest
    0 Comments
    Inline Feedbacks
    View all comments

    Related Posts