Theo một nghiên cứu gần đây, khả năng học ngữ pháp một môn ngoại ngữ sẽ không mất dần đi cho đến khi người học sắp hết tuổi “teen”.
Càng lớn tuổi, bạn càng khó học nói tiếng Anh chuẩn như người bản ngữ. Nhưng chẳng ai biết chính xác ngưỡng này xuất hiện khi bạn bao nhiêu tuổi. Ví dụ như khi nào thì bạn không thể tiếp thu những quy tắc hòa hợp chủ-vị trong một môn ngoại ngữ?
Một nghiên cứu ngôn ngữ học đã thực hiện cuộc khảo sát trên Internet mang tính lan truyền cao, thu hút đến 1 triệu người tham gia, 2/3 trong số đó là những nhà nghiên cứu đến từ 3 trường đại học ở Boston. Kết quả nghiên cứu cho thấy người học vẫn còn khả năng thành thục một ngoại ngữ đến tận năm 18 tuổi, gần 10 năm trễ hơn so với những dự đoán trước đó.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người học nên bắt đầu học trước khi lên 10 để có thể nắm vững ngữ pháp của một ngoại ngữ như người bản xứ.
Để phân tích vấn đề này, nhóm nghiên cứu, bao gồm nhà tâm lý học Steven Pinker của Đại học Harvard, đã thu thập dữ liệu về độ tuổi, trình độ ngôn ngữ và thời gian học tiếng Anh của đối tượng nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu cho biết họ cần nghiên cứu trường hợp của hơn 500,000 người để có thể đưa ra dự đoán chính xác độ tuổi nào là thích hợp để người học thành thục ngữ pháp của một môn ngoại ngữ tốt nhất. Vì thế, họ đã chuyển sang môi trường nghiên cứu bao la nhất: Internet.
Họ thiết kế một bài kiểm tra ngữ pháp online ngắn gọn có tên Which English? kiểm tra các nội dung: sự hòa hợp chủ-vị, đại từ, giới từ và mệnh đề quan hệ. Một thuật toán có thể dựa vào các câu lời thu thập được để dự đoán ngôn ngữ nào là tiếng mẹ đẻ của người tham gia làm bài test và phương ngữ tiếng Anh (Anh Canada, Anh Ailen hay Anh Úc) mà họ sử dụng. Ví dụ, một số câu hỏi bao gồm các cụm từ mà người Chicago (Mỹ) cho là sai về mặt ngữ pháp nhưng một người Manitoba (Canada) lại cho là chấp nhận được.
Các nhà nghiên cứu đã nhận được rất nhiều phản hồi nói rằng bài test thực sự đem đến một trải nghiệm vô cùng lí thú. Và món quà nho nhỏ dành cho người tham gia bài test là dự đoán về lai lịch của họ.
Ông Hartshorne, phó giáo sư tâm lý tại Boston College, người đã tham gia điều hành nghiên cứu trong quá trình thực hiện luận án sau tiến sĩ của mình tại Viện Công Nghệ Massachusetts, cho biết “Nếu dự đoán lai lịch của người trả lời chính xác, ví dụ như nhận định họ là người Mỹ gốc Đức chẳng hạn, thì họ sẽ thốt lên ‘Sao mà khoa học tuyệt diệu vậy!’ còn nếu dự đoán là sai thì họ cũng phản ứng vui vẻ thôi, ví dụ như ‘Ha ha, con robot này ngớ ngẩn quá đi!‘ Nói chung, cho dù như thế nào thì họ cũng thấy bài test mang tính giải trí cao và có thể là một chủ đề tán gẫu với bạn bè.”
“Chiến thuật” của PGS.Hartshorne đúng là có hiệu quả. Có những ngày cao điểm, hơn 100,000 người đã tham gia làm test. Bài test cũng được chia sẻ 300,000 lần trên Facebook, lên trang nhất Reddit và trở thành một chủ đề phổ biến ở 4chan, nơi các thành viên thậm chí còn thảo luận xem các thuật toán làm thế nào mà quyết định lai lịch của người trả lời thông qua các câu hỏi về ngữ pháp.
Tham gia làm test là những người bản xứ của tổng cộng 38 ngôn ngữ.
Dựa trên điểm số và thông tin về quá trình học tiếng Anh của họ, những nhà nghiên cứu đã phát triển những mô hình dự đoán xem người ta mất bao nhiêu thời gian để thành thạo một ngôn ngữ và nên học lúc mấy tuổi để có kết quả tốt nhất.
Kết luận của nghiên cứu như sau: khả năng học một ngôn ngữ mới, ít nhất là về mặt ngữ pháp, tốt nhất khi bạn từ 18 tuổi trở xuống, sau độ tuổi đó thì tụt dốc không phanh.
Để thành thục ngoại ngữ tốt nhất thì người học nên bắt đầu trước khi lên 10 tuổi.
Có 3 lý do cho việc khả năng học ngoại ngữ suy giảm sau 18 tuổi: thay đổi xã hội, sự ảnh hưởng của ngôn ngữ bạn hay sử dụng nhất, và sự tiếp tục phát triển của não bộ.
Ở tuổi 18, học sinh tốt nghiệp trung học và bắt đầu học đại học hoặc đi làm toàn thời gian. Khi đó, họ sẽ không còn có nhiều thời gian, cơ hội và môi trường để học một ngôn ngữ thứ hai như khi họ ít tuổi hơn. Ngoài ra, có thể sau khi một người thành thạo một ngôn ngữ đầu tiên, các quy tắc của ngôn ngữ ấy sẽ can thiệp vào khả năng học ngôn ngữ thứ hai. Cuối cùng, những thay đổi trong não bộ diễn ra những năm cuối tuổi thiếu niên và đầu những năm 20 tuổi có thể khiến việc học trở nên khó khăn hơn.
Điều này không có nghĩa là chúng ta không thể học một ngôn ngữ mới khi chúng ta trên 20 tuổi. Có rất nhiều ví dụ về những người mãi đến sau này mới bắt đầu học một môn ngoại ngữ. Khả năng học từ vựng của chúng ta dường như không thay đổi nhưng hầu như mọi người không thể học được ngữ pháp hay phát âm chuẩn như người bản xứ được nữa.
Sử dụng một bài kiểm tra viết, nghiên cứu không thể nhận định được gì về chất giọng (accent) của người tham gia kiểm tra, nhưng các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra giai đoạn phát triển ngữ âm thậm chí còn diễn ra và kết thúc sớm hơn nữa.
Mặc dù nghiên cứu chỉ được thực hiện bằng tiếng Anh, các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả nghiên cứu có thể được ứng dụng trong các ngôn ngữ khác, nhóm nghiên cứu cũng hiện đang phát triển bài test cho tiếng Tây Ban Nha và tiếng Quan Thoại.
Học ngôn ngữ như thế nào có lẽ còn quan trọng hơn việc khi nào nên bắt đầu học. Những người học tiếng Anh khi được thực sự “đắm chìm” trong ngôn ngữ này (do sống ở một quốc gia nói tiếng Anh trong hơn 90% thời gian học tập) sẽ thông thạo tiếng Anh hơn những người chỉ học ở trường.
PGS Hartshorne cho biết nếu được chọn giữa việc học ngoại ngữ sớm và học trong môi trường ngôn ngữ bản địa, thì tất nhiên nên chọn cách thứ hai bởi được hoàn toàn bao bọc bằng thứ tiếng bạn học khiến cho việc học có kết quả khác biệt lớn, thậm chí rất lớn, với những người học cùng độ tuổi.
Điều đáng ngạc nhiên là ngôn ngữ chỉ ra người bản xứ của một ngôn ngữ có thể mất đến 30 năm để hoàn toàn làm chủ ngữ pháp của ngôn ngữ đó. Nghiên cứu cho thấy một sự cải thiện không đáng kể, khoảng 1 điểm phần trăm, giữa nhóm những người nói tiếng Anh suốt 30 năm và nhóm người sử dụng ngôn ngữ này trong suốt 20 năm. Phát hiện này phù hợp cho cả người bản ngữ và người phi bản ngữ.
Charles Yang, một nhà ngôn ngữ học tính toán tại Đại học Pennsylvania, nói rằng phát hiện này không làm ông ngạc nhiên khi có những quy tắc ngữ pháp mãi đến tuổi thiếu niên ta mới học được, ví dụ như chuyển đổi dạng thức của một tính từ sang danh từ.
“Đây là những chi tiết rất hay trong ngôn ngữ, bạn có thể học từ mới và một số dạng kết thúc hình thái (morphological endings) khi bạn đã ở tuổi thiếu niên, chứ không còn là thiếu nhi nữa.”
Tuy nhiên, không phải nhà khoa học nào trong lĩnh vực này cũng đồng quan điểm với những kết quả nghiên cứu được đưa ra. Bà Elissa Newport, giáo sư thần kinh học tại Đại học Georgetown chuyên nghiên cứu về tiếp thu ngôn ngữ, là một trong số những người hoài nghi về kết quả nghiên cứu.
“Hầu hết các tài liệu cho thấy việc học ngữ pháp và hình thái của một ngôn ngữ được hoàn thành trong khoảng 5 năm, chứ không phải là 30 năm. Kết quả nghiên cứu nói rằng phải mất đến 30 năm không ăn khớp với những nghiên cứu trước đó.”
Theo GS Newport, mặc dù tiền đề của nghiên cứu (việc tìm hiểu các giai đoạn quan trọng để học ngôn ngữ) được bảo đảm, nhưng bà cho rằng kết quả nghiên cứu đáng ngạc nhiên như vậy là do biện pháp nghiên cứu còn thiếu sót.
“Cho dù có 600.000 tham gia làm test vẫn không có nghĩa là kết quả nghiên cứu là xác đáng nếu bạn không hỏi đúng những gì cần hỏi.”
Thay vì tạo ra một bài kiểm tra mới, GS Newport ủng hộ phương án các nhà nghiên cứu sử dụng một bài test trình độ có sẵn để đảm bảo tính chính xác của việc kiểm tra.
PGS Hartshorne hy vọng sẽ nhân rộng thành công của bài test Which English? cho phiên bản kiểm tra từ vựng online, nhưng cũng cho biết ông phải nỗ lực rất nhiều để bài test có hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ như bài test ngữ pháp. Người làm test sẽ có xu hướng ngại chia sẻ kết quả trên mạng xã hội nếu họ được điểm kém.
“Bạn biết đấy, nếu họ đạt 99% điểm từ vựng, họ sẽ chia sẻ ngay không chần chừ, nhưng nếu đạt dưới mức trung bình 50% thì có lẽ người ta sẽ muốn giấu nhẹm đi.”
Nguồn: scientificamerican.com