Active learning là gì? 9 hoạt động Học tập chủ động dễ ứng dụng

Active learning (Học tập chủ động) được nhiều nhà giáo dục coi là phương pháp thực hành hiệu quả và tiết kiệm trong dạy và học. Điểm đặc biệt của học tập chủ động chính là sự chuyển giao trách nhiệm học tập từ giáo viên sang học sinh. Trong bài viết này, FLYER sẽ làm rõ về khái niệm “active learning” và gợi ý thầy cô 9 hoạt động học tập chủ động dễ ứng dụng trong lớp học.

1. Active learning là gì?

1.1. Định nghĩa

Active learning là gì? Học tập chủ động
Active learning (Học tập chủ động) là gì?

Active learning (Học tập chủ động), hay còn gọi là học tập tích cực, được hiểu là “bất cứ điều gì thu hút học sinh làm việc và suy nghĩ về những việc các em đang làm”. Học tập chủ động lấy các hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm, tập trung vào cách các em học thay vì vào nội dung giáo viên truyền đạt.

Active learning (Học tập chủ động) có thể chia thành 2 loại hoạt động:

Thực hiện

Suy nghĩ về những việc đang làm

  • Thảo luận
  • Lên ý tưởng
  • Tranh luận, yêu cầu học sinh tư duy bậc cao (như nhớ lại, phân tích, đánh giá, tổng hợp, diễn đạt). 

=> Trái ngược với kiến thức được truyền tới học sinh một cách thụ động thông qua việc nghe, ghi chép, đọc và học thuộc.

  • Tự đánh giá, tự điều chỉnh cách học
  • Phản hồi/ tương tác với giáo viên hoặc với những học sinh khác
  • Đối thoại

=> Giúp học sinh tự tạo thói quen học tập, thúc đẩy khả năng tự đánh giá và điều chỉnh phương pháp học sao cho phù hợp thay vì làm theo vòng lặp “lên lớp, làm bài tập, đi học thêm,…”

Để hiểu hơn về phương pháp active learning (học tập chủ động), mời thầy cô xem video ngắn sau đây:

1.2. Nguồn gốc của active learning (học tập chủ động)?

Một trong những người có sức ảnh hưởng đến khái niệm “học tập chủ động” là triết gia và nhà giáo dục John Dewey. Trong cuốn sách “Democracy and Education” (Dân chủ và Giáo dục), ông nêu quan điểm rằng: việc học là hành động mà học sinh thực hiện trong khi đang học.

Năm 1991, học tập chủ động trở nên phổ biến thông qua cuốn sách “Active learning: Creating Excitement in the Classroom” (Học tập chủ động: Tạo hứng thú trong lớp học) của giáo sư Charles Bonwell và James Eison. Cuốn sách ghi rằng, việc giảng dạy không nên tập trung vào việc truyền đạt thông tin đến học sinh dựa trên bài giảng mà cần tập trung vào việc phát triển các kỹ năng, đồng thời, thu hút học sinh tư duy có chiều sâu bằng cách đọc/ viết/ thảo luận về nhiệm vụ học tập trước mắt.

2. Lợi ích của active learning

Active learning (Học tập chủ động) thúc đẩy khả năng tư duy có chiều sâu, sáng tạo và phân tích vấn đề. Vì vậy, phương pháp này không chỉ phát huy tác dụng trong môi trường giáo dục mà còn giúp người học phát triển trong mọi môi trường làm việc.

Active learning là gì? Học tập chủ động
Lợi ích của học tập chủ động
  • Đẩy mạnh khả năng tự học mọi lúc, mọi nơi: Học tập chủ động phát triển tính tự chủ và khả năng tự học của học sinh xuyên suốt quá trình học. Các hoạt động học tập chủ động thu hút học sinh tham gia nhiều hơn và kiểm soát việc học của mình. Điều này có nghĩa, họ hoàn toàn có khả năng học tập tốt ngay cả khi không có sự quản lý của giáo viên, người dạy. .
  • Khuyến khích thành công: Học tập chủ động khuyến khích học sinh đóng vai trò trung tâm trong việc học của chính mình, từ đó chuẩn bị tốt cho đại học, cao học và công việc tương lai. Người học cũng giải quyết vấn đề nhanh nhạy và ứng dụng kiến thức vào thực tế tốt hơn nhờ vào kỹ năng phân tích đã được rèn luyện trước đó.
  • Duy trì sự hứng thú đối với việc học: Các học sinh luôn tương tác với nội dung thông qua nhiều hoạt động khác nhau ngoài việc ghi chép và học thuộc. Điều này giúp việc học trở nên thú vị và không còn “khô khan”.
  • Thúc đẩy sự tự tin: Các cuộc thảo luận, tranh luận, đối thoại là những hoạt động luôn có mặt trong học tập chủ động. Việc cất lên tiếng nói và nêu quan điểm bản thân trước nhiều người giúp học sinh rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, cách diễn đạt ý một cách rõ ràng, từ đó hình thành phong thái tự tin trong mọi cuộc đối thoại.

Đối với giáo viên, học tập chủ động giúp thầy cô hiểu rõ hơn về tính cách, tâm lý và cách tư duy của từng học sinh, nhờ đó dễ dàng “hô biến” lớp học trở nên sôi động cũng như làm mới phương pháp dạy học theo lối mòn.

Hiệu quả của active learning (Học tập chủ động):

3. 4 loại hình active learning

3.1. Ghi chú

“Ghi chú” hoàn toàn khác so với “ghi chép”. Ghi chép là hành động nghe và chép lại, trong khi ghi chú là viết xuống những ý chính, điểm nổi bật của bài giảng hoặc bất cứ ý tưởng nào từ người học.

Khoa học đã chứng minh rằng việc ghi chú giúp tăng cường trí nhớ và khả năng tư duy mạch lạc. Vì vậy, thầy cô nên thúc đẩy học sinh đọc tài liệu và tự ghi chú điểm mà các em cảm thấy hứng thú thay vì “đọc” và “chép”.

3.2. Viết

Viết là phạm trù rộng hơn của “ghi chú”. Các hoạt động viết có thể là tóm tắt một câu chuyện, viết một bài luận, diễn giải một vấn đề gì đó dựa vào vốn từ của bản thân, ghi nhật ký,… 

Viết rất dễ ứng dụng trên lớp học. Thầy cô có thể bắt đầu bằng cách phát cho học sinh một tờ giấy và để các em ghi cảm nhận sau mỗi bài học. 

3.3. Trở thành người giảng bài

Để học sinh đóng vai làm “giáo viên” luôn là một phương pháp học tập hiệu quả. Khi học sinh giải thích một vấn đề cho bạn học, thầy cô dễ dàng đánh giá được mức độ thực sự hiểu bài của học sinh đó. 

Ngay cả khi học sinh đã hiểu rõ vấn đề mình dạy, một số câu hỏi được đặt ra sẽ khai phá thêm nhiều khía cạnh mới của bài học mà có thể cả giáo viên và những học sinh còn lại chưa nghĩ tới.

3.4. Di chuyển 

Chuyển động đánh thức cơ thể và bộ não. Việc ngồi học hàng giờ khiến học sinh trở nên mệt mỏi và thiếu tập trung. Nghiên cứu cũng cho thấy, việc “đứng” giúp giảm đau lưng và tăng năng suất.

Thay vì “ngồi học”, thầy cô có thể hỏi ý kiến học sinh về việc “đứng học” trong khoảng 10 phút giữa giờ hoặc vận động nhẹ tại chỗ. Tổ chức một vài trò chơi cũng là một cách thú vị.

4. 3 quan điểm sai lầm về active learning

Active learning là gì? Học tập chủ động

Quan điểm sai lầm về học tập chủ động

4.1. Học tập chủ động là thực hiện một hoạt động cụ thể

Thực tế, học tập chủ động là việc khuyến khích học sinh học tập một cách chủ động. Điều này có nghĩa là mục tiêu học tập quan trọng hơn bản thân hoạt động đó. Giáo viên hiểu rõ về học tập chủ động thường tự đặt 2 câu hỏi:

  • Trong một cuộc thảo luận trên lớp, học sinh có được đặt những câu hỏi mở để thúc đẩy tư duy sâu không?
  • Khi làm việc nhóm, học sinh có biết mục tiêu học tập là gì không?

Mọi hoạt động phải tương thích với nội dung giáo viên muốn học sinh tiếp thu. Một số mục tiêu có thể đạt được thông qua thảo luận nhóm trong khi vài mục tiêu khác dễ được cảm nhận hơn thông qua thuyết trình.

4.2. Học tập chủ động làm giảm vai trò của giáo viên

Học tập chủ động không làm giảm bớt vai trò của giáo viên. Giáo viên vẫn là người hướng dẫn và chỉ đạo lớp học đi đúng hướng. Các kế hoạch học tập cần được lập một cách khéo léo. Chẳng hạn, thầy cô nên cân nhắc những vấn đề như:

  • Học sinh sẽ nhận được gì sau một hoạt động học tập chủ động? (Sự tự tin, kỹ năng tư duy, kỹ năng giao tiếp,…?)
  • Học sinh cần những công cụ, nguồn lực gì?
  • Đánh giá sự tiến bộ của học sinh như thế nào?

4.3. Học tập chủ động khiến học sinh kém tôn trọng giáo viên

Khi học sinh có cơ hội trình bày quan điểm cá nhân, các em có thể không đồng tình với ý kiến của giáo viên. Đóng vai trò chỉ đạo trong lớp học, thầy cô cần điều phối cuộc thảo luận cho phù hợp với môi trường giáo dục. Thảo luận lành mạnh đồng nghĩa với việc học sinh tương tác với giáo viên một cách lịch sự trong quá trình học tập.

5. Gợi ý 9 hoạt động ứng dụng active learning trong lớp học

Active learning (Học tập chủ động) có thể áp dụng trong lớp học có quy mô lớn, nhỏ khác nhau dưới vô vàn hình thức như viết, thảo luận, thuyết trình, chơi trò chơi,… FLYER gợi ý đến thầy cô một số hoạt động ứng dụng học tập chủ động trong lớp học:

5.1. Tạm dừng giữa giờ

Giáo viên tạm dừng giảng bài giữa giờ và yêu cầu học sinh dành vài phút để tóm tắt nội dung đã học theo ngôn từ riêng. Sau đó, học sinh trao đổi ghi chú với bạn cùng bàn/ cùng nhóm để so sánh, đối chiếu nhằm nắm bắt những ý chính mình có thể bỏ sót hoặc hiểu sai.

5.2. Thảo luận nhóm

Lớp được chia thành các nhóm nhỏ gồm 4-5 thành viên và thảo luận một chủ đề giáo viên yêu cầu. Thầy cô có thể soạn sẵn danh sách các câu hỏi để các em thảo luận.

Ví dụ về hoạt động thảo luận nhóm trong lớp học:

5.3. Suy nghĩ cá nhân

Học sinh được đóng góp ý kiến cho một chủ đề/ vấn đề mà thầy cô đưa ra. Sau vài phút, thầy cô mời học sinh trả lời trước lớp và góp ý thêm về ý kiến của các em.

Ví dụ:

Các em đồng ý hay không đồng ý với ý kiến: “Không nên ứng dụng trò chơi trong lớp học?”

5.4. Đóng vai

Thầy cô có thể cho học sinh tái hiện lại một câu chuyện văn học hoặc một buổi thảo luận giả tưởng giữa các nhà khoa học. Ngoài ra, học sinh cũng có thể tự sáng tạo một vở kịch có liên quan đến nội dung bài học.

Mời thầy cô xem đoạn video ngắn về các ứng dụng này dưới đây:

5.5. Tự xác định mục tiêu học tập

Học sinh tự lập danh sách các kỹ năng và chủ đề mình quan tâm đối với môn học, đồng thời nêu lên những nỗi lo lắng, rào cản của bản thân về khóa học/ môn học đó. 

Hoạt động này phù hợp trong buổi học đầu tiên hoặc những phút đầu tiên của buổi học. 

5.6. Để học sinh quyết định các quy tắc 

Trong một cuộc thảo luận/ tranh luận, giáo viên có thể để học sinh tự đặt ra những quy định chung thông qua “bỏ phiếu kín”. Sau đó, thầy cô là người góp ý, bổ sung bộ quy tắc cho hoàn chỉnh, phù hợp và công bằng.

5.7. Nghiên cứu tình huống

Giáo viên thu hút học sinh bằng những câu chuyện thực tế để giúp các em kết hợp kiến thức trong lớp với hành động, hậu quả trong đời thực. 

5.8. Học tập qua trải nghiệm

Những hoạt động học tập tích cực không nhất thiết phải diễn ra trong lớp học. Thầy cô nên tạo điều kiện cho các chuyến tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, triển lãm, làm việc cộng đồng,… Các buổi học ngoài trời này cho phép học sinh “thấy” tận mắt những lý thuyết khô khan đang được ứng dụng trong thực tế như thế nào. 

5.9. Tự đánh giá

Thầy cô có thể đưa ra các tiêu chí chấm điểm một bài luận hoặc đặt câu hỏi để các em tự đánh giá/ chấm điểm. Hoạt động này phù hợp với môn văn học, đạo đức và tiếng Anh. Một số tiêu chí/ câu hỏi nên có trong danh sách đó là:

  • Ý chính bài viết là gì?
  • Các luận điểm chính trong bài?
  • Các luận điểm có được chứng minh thông qua các dẫn chứng cụ thể không?
  • Học sinh có nêu ra quan điểm phản bác không?
  • Bài viết có sai chính tả không?

Hoạt động tự đánh giá có thể được hiển thị dưới nhiều hình thức khác nhau (viết, nói, quay video, thuyết trình,…) và ứng dụng trong nhiều môn học. Tuy nhiên, hoạt động dưới dạng “viết” sẽ giúp học sinh sắp xếp suy nghĩ và có thêm thời gian chiêm nghiệm về bản thân nhiều hơn.

6. 5 điểm cần lưu ý để ứng dụng active learning hiệu quả

Hiểu và ghi nhớ 5 lưu ý này là điều quan trọng với thầy cô, đồng thời giúp hoạt động học tập thêm phần hiệu quả.

Active learning là gì? Học tập chủ động

5 điểm cần lưu ý khi ứng dụng active learning:

5 điểm cần lưu ýMô tả
Học sinh cần tham gia tích cựcCho phép học sinh tương tác với môi trường học và với chính bản thân bằng cách tận dụng công cụ học tập, thay đổi không gian, học tập thông qua nhiều giác quan,… 
Gia tăng sự lặp lạiỨng dụng các hoạt động học tập chủ động trong mỗi buổi học hoặc đề nghị các em tự đánh giá năng suất bản thân sau mỗi tuần học. 
Sự phù hợpThầy cô cần hiểu trình tự phát triển các kỹ năng và cung cấp những hoạt động luyện tập các kỹ năng từ thấp đến cao. 
Ví dụ: Học sinh lớp 1 không phù hợp với hoạt động viết/ ghi chú. Thay vào đó, thầy cô có thể đưa ra các lựa chọn bằng lời/ tranh ảnh và để các em quyết định có đồng ý với lựa chọn đó hay không.
Tạo động lựcGiáo viên cần trao đổi thật nhiều trong các buổi học và cần có ít nhất một hoạt động thú vị để thu hút học trò, gia tăng sự hợp tác.
Hạn chế yếu tố gây nhiễuThầy cô cần chú ý đến ánh sáng, tiếng ồn, sự mệt mỏi, nhiệt độ của điều hòa và không khí lớp học. Đặc biệt, yếu tố “mệt mỏi” thường xuất hiện ở những tiết học cuối buổi. 
Lưu ý khi ứng dụng active learning

7. Ví dụ về active learning trên thực tế

Ví dụ 1:

Ứng dụng trong môn văn/ tiếng Anh

Giáo viên đưa ra tiêu chí chấm điểm một bài luận. Sau khi giáo viên trả điểm, học sinh đọc lại bài và tự so sánh, đối chiếu với các tiêu chí, tìm ra điểm tốt/ chưa tốt của bài. Hành động này gọi là sự “tự phản ánh”. Sau đó, học sinh viết lại những phần chưa tốt và suy ngẫm bản thân đã tiến bộ thế nào trong việc viết lách.

Ví dụ 2:

Ứng dụng trong lớp học sinh học tại Colorado

Cô giáo đặt một câu hỏi với 3 đáp án: A, B, C và yêu cầu học sinh tự chọn. Tuy nhiên, sau khi 80% học sinh đưa ra kết quả, cô giáo hỏi rằng: “Có ai có ý tưởng khác không?” và “Tại sao các em lại chọn đáp án A/B/C?”. Cô giáo kích thích khả năng học tập chủ động bằng việc đặt câu hỏi để học sinh suy nghĩ, nghiên cứu thêm và chứng minh cho lựa chọn của mình.

Ví dụ 3:

Ứng dụng trong lớp học vật lý tại MIT

Giáo viên phát cho học sinh các khối nhôm hình chữ nhật có kích thước giống nhau và một cái thước kẻ. Sau đó, học sinh được yêu cầu đo chiều dài/ rộng/ cao của khối nhôm (trong im lặng) và tính thể tích dựa vào các số đo này.

Kết quả đã cho ra những con số hoàn toàn khác nhau. Một số học sinh bắt đầu cho rằng khối nhôm của mình bị lỗi và có kích thước khác. Lớp học bắt đầu thảo luận sôi nổi, học sinh so sánh kích thước các số đo với bạn học và chia sẻ quan điểm riêng một cách tích cực.

Ví dụ 4:

Ứng dụng trong lớp học vật lý tại Havard

Lớp học được chia thành các nhóm từ 4 – 6 thành viên. Giáo viên đặt 1 câu hỏi khó về ánh sáng và bấm thời gian trả lời trong 2 phút. Thành viên nhóm tự thảo luận và thống nhất đáp án, sau đó trả lời trên hệ thống trực tuyến – nơi mà giáo viên có thể thống kê kết quả đúng/ sai. 

Active learning diễn ra trong quá trình thảo luận nhóm, khi các thành viên bắt buộc phải nêu ra ý kiến nếu muốn đạt điểm số cao.

Kết luận: 

  • Ví dụ 2 có có thể kém hiệu quả trong lớp học Việt Nam, vì mỗi khi đặt câu hỏi, hầu hết học sinh sẽ đợi giáo viên chỉ định thay vì giơ tay phát biểu. 
  • Đối với ví dụ 1, một vài học sinh sẽ không đủ chăm chỉ để đọc các tiêu chí một cách cẩn thận hoặc không đủ khả năng để tự đánh giá bài luận của mình.

8. Nền tảng cung cấp hoạt động học tập chủ động hiệu quả trong dạy học online

Bên cạnh học tập tích cực tại lớp, thầy cô có thể ứng dụng phương pháp này trong các lớp học trực tuyến. Chiếc lược xây dựng lớp học trực tuyến chủ động thường gồm các hoạt động như: học tập ngang hàng (học nhóm, trao đổi cặp), thực hành và phản hồi, trả lời câu hỏi,…

Dưới đây là 2 nền tảng trực tuyến phổ biến có các tính năng ứng dụng active learning online:

Active learning là gì? Học tập chủ động

Gợi ý nền tảng học chủ động trực tuyến

Nền tảng

Tính năng active learning

Zoom

  • Bỏ phiếu: Có thể ứng dụng giữa giờ học, giáo viên đặt câu hỏi liên quan đến nội dung vừa giảng và yêu cầu học sinh trả lời bằng cách bỏ phiếu.
  • Chia sẻ màn hình: Giáo viên có thể yêu cầu học sinh chia sẻ màn hình có ghi câu trả lời/ bài thuyết trình của mình.
  • Trò chuyện: Học sinh đưa phản hồi qua khung chat Zoom.
  • Phòng học nhóm: Phù hợp với quy mô lớp học lớn.

Canva

  • Cho phép học sinh đăng tải bài tập dưới nhiều hình thức mang tính sáng tạo: video, hình ảnh, thuyết trình,… với giao diện đẹp mắt.
  • Canva Discussion (Bảng thảo luận trực tuyến): Giúp học sinh chia sẻ thông tin, suy nghĩ, quan điểm online.
  • Group Assignment (Bài tập nhóm): Cho phép học sinh gửi bài tập nhóm.
  • Group Member Evaluation (Đánh giá thành viên nhóm): Nhóm trưởng đưa phản hồi về đóng góp của thành viên trong dự án hoặc phản hồi chéo giữa các thành viên.
  • Chú thích/ nhận xét xã hội: Học sinh có thể chú thích bài đọc và trả lời nhận xét của nhau.

Giới thiệu tính năng “phòng học nhóm” của Zoom:

9. Rào cản của giáo viên khi ứng dụng active learning vào giảng dạy 

9.1. Áp lực bị “cháy giáo án”

Thầy cô thường cảm thấy 45 phút là không đủ để truyền tải mọi thông tin hữu ích. Đặc biệt là với một số môn cần mất nhiều thời gian phân tích như văn học, lịch sử, triết học,… Vì vậy, nếu tổ chức thêm những hoạt động học tập tích cực, khả năng bị “cháy giáo án” là rất cao.

=> Biện pháp đề xuất: Thầy cô cần chú trọng vào kỹ năng của học sinh thay vì nội dung bài giảng. Trong mỗi buổi học, thầy cô có thể giảm nội dung giảng dạy (bằng cách yêu cầu học sinh đọc tài liệu ở nhà trước) và dành thời gian để các em thảo luận, phát biểu ý kiến hoặc viết một đoạn nghị luận ngay tại lớp.

9.2. Quy mô lớp học quá lớn

Một số giáo viên mới ứng dụng phương pháp active learning cảm thấy khó khăn bởi quy mô lớp học quá lớn và khó kiểm soát. Chẳng hạn như giảng viên đại học thường dạy một lớp lên đến 100 sinh viên. 

=> Biện pháp đề xuất: Các thầy cô nên ưu tiên loại hình học tập chủ động là viết/ ghi chú thay vì thảo luận hoặc tranh luận (những hoạt động này sẽ khả thi hơn nếu dành riêng 1 buổi học). Giáo viên tạm dừng giữa giờ và yêu cầu học sinh viết ra tất cả những kiến thức các em nhớ được từ đầu bài giảng tới giờ. 

9.3. Khó lên kế hoạch

Active learning (Học tập chủ động) là một phương pháp vẫn còn mới tại Việt Nam. Lần đầu ứng dụng, thầy cô sẽ không khỏi lo lắng về thời gian và kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, việc tích hợp học tập tích cực không nhất thiết phải diễn ra ngay lập tức mà có thể ứng dụng từ từ. 

=> Biện pháp đề xuất: Các hoạt động mới hiếm khi hoàn hảo trong lần đầu thử nghiệm. Vì vậy, thầy cô cần đánh giá và điều chỉnh dần trước khi chuyển sang một hoạt động khác. Ví dụ: Một số giáo viên dày dặn kinh nghiệm có thể dẫn dắt vào bài giảng bằng một cuộc thảo luận với học sinh về một vấn đề xã hội đang “hot”.

9.4. Thiếu hụt nguồn lực

Tại Việt Nam, còn nhiều khu vực thiếu hụt cơ sở vật chất giáo dục trong khi nhiều hoạt động học tập chủ động hấp dẫn cần sự trợ giúp của công nghệ

Ví dụ:

Cho học sinh xem một bộ phim tài liệu, thuyết trình bằng Powerpoint, lớp học trực tuyến… Mặt khác, sự hấp dẫn của các hoạt động active learning không hoàn toàn phụ thuộc vào thiết bị hay công nghệ.

=> Biện pháp đề xuất: Các hoạt động liên quan đến ghi chú, viết đều chỉ cần giấy và bút. Thầy cô có thể bỏ qua “powerpoint” trong các buổi thuyết trình. Tích cực tổ chức hoạt động nhóm, thảo luận, tranh luận, đóng kịch,… Đẩy mạnh tương tác giữa người với người ngay tại lớp học.

10. Tổng kết

Active learning (Học tập chủ động) giúp học sinh tiếp cận nội dung có chiều sâu và đẩy mạnh kỹ năng tư duy bậc cao. Tại các trường học Việt Nam, kỹ thuật giảng bài vẫn rất quan trọng. Tuy nhiên, thầy cô có thể chuyển hướng mối quan tâm từ việc “chạy giáo án” sang việc rèn luyện các kỹ năng cho học sinh. Một khi đã ứng dụng active learning đúng cách, thầy cô sẽ thấy sự chuyển biến tích cực trong lớp học của mình. FLYER chúc quý thầy cô thành công.

Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?

FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!

Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…

Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp

Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…

Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)

Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!

Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188

>>> Xem thêm:

    Đăng ký Đối tác

    Comments

    Subscribe
    Notify of
    guest
    0 Comments
    Inline Feedbacks
    View all comments
    Tâm Trần
    Tâm Trần
    "Muốn thay đổi vận mệnh, trước tiên hãy thay đổi tính cách".

    Related Posts