“Bật mí” cách dạy tiếng Anh ở nhà cho con hiệu quả hơn cả trung tâm ngoại ngữ

Khi đã trưởng thành và trở thành cha mẹ, có lúc nào bạn từng ước giá như mình được học tiếng Anh từ khi con bé xíu để bây giờ có thể thành thạo tiếng Anh không? Nếu bạn băn khoăn không biết mình có khả năng dạy con học tiếng Anh ngay từ bây giờ để bé sau này không phải vất vả vì môn ngoại ngữ này như bạn ngày xưa, tác giả AJ Hoge đã dành cho bạn câu trả lời trọn vẹn.

 1. Cho con đi học tiếng Anh ở trung tâm, nên hay không?

Ít ai biết AJ Hoge, một thầy giáo tiếng Anh nhiều kinh nghiệm và tác giả phương pháp Effortless English mà hàng trăm ngàn người học sử dụng, bắt đầu nghề dạy học là vì… bất đắc dĩ. Khi còn trẻ, ông mong mỏi được trải nghiệm cuộc sống ở các nước trên thế giới. Vì thế, khi một trung tâm tiếng Anh ở Hàn Quốc ngỏ lời mời ông đến Hàn Quốc và đồng ý chu cấp cho ông mọi sinh hoạt phí, ông đồng ý ngay. AJ bắt đầu công việc dạy học với kinh nghiệm ở con số 0, nhưng không ngờ sau này, ông lại đạt được thành công ngoài mong đợi. Tất cả là nhờ những học sinh nhí ở trung tâm tiếng Anh này.

Sau đó, chặng đường dạy học và khám khá các đất nước trên thế giới của ông rộng mở. Đó cũng là lúc ông phát hiện ra những bất cập trong việc dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ nói chung.

Theo AJ, số lượng trung tâm tiếng Anh có chất lượng tốt để bạn yên tâm cho con theo học là rất hiếm. Đại đa số các trung tâm tiếng Anh nơi ông từng giảng dạy đều có chung một phương pháp: dạy học theo giáo trình. Trẻ nhỏ vốn hiếu động ham chơi, học lâu mà lại chóng quên, nên cách dạy học này không hiệu quả.

Tệ hơn nữa, khi trẻ không thấy thoải mái và vui vẻ khi học tiếng Anh, trong đầu bé sẽ hình thành những suy nghĩ như “đi học tiếng Anh rất chán” hay “học tiếng Anh chẳng có gì vui.” Hậu quả là khi lớn lên, con có những cảm xúc tiêu cực khi học tiếng Anh và hành trình chinh phục ngôn ngữ còn lắm chông gai hơn nữa này.

Cho con đi học tiếng Anh ở trung tâm khi tuổi còn nhỏ lợi bất cập hại như vậy. Vì thế AJ Hoge, khuyên ba mẹ không nên cho con nhỏ (3-5 tuổi) đến lớp học tiếng Anh mà nên dạy bé ngay tại nhà để chủ động khắc phục những nhược điểm của phương pháp giáo dục sách vở này.

2. Đâu là giải pháp?

dạy tiếng anh cho con#2
Theo AJ Hoge, phương pháp phản xạ toàn thân TPR có hiệu quả khi dạy tiếng Anh cho trẻ (Ảnh minh họa: Pexels/Yan Krukov)

Để giải bài toán dạy trẻ tiếng Anh không gây nhàm chán, phương pháp được khuyến khích sử dụng là Total Physical Response – TPR (tạm dịch: phản xạ toàn thân). Đây là phương pháp giảng dạy ngôn ngữ được TS. James Asher tại Đại học San José State University, Hoa Kỳ phát triển vào những năm 1960 dựa trên cách thức trẻ em học tiếng mẹ đẻ. Theo đó, trẻ có thể học ngoại ngữ kết hợp cùng với vận động thể chất một cách thoải mái và vui nhộn.

3. Lộ trình khuyến nghị dành cho ba mẹ dạy tiếng Anh cho con thông qua TPR

Trước tiên, ba mẹ không nên quá lo lắng về việc tiếng Anh của mình không được chuẩn xác như giáo viên tiếng Anh. Trong giai đoạn trẻ 3-5 tuổi, điều chúng ta chú trọng là hình thành niềm yêu thích của con với tiếng Anh. Đừng quá nặng nề việc con phải có phát âm chuẩn, từ vựng chuẩn hay ngữ pháp chuẩn ngay từ đầu bởi như vậy đã vô hình trung tạo áp lực lên con mình rồi.

dạy tiếng anh cho con#2
Ba mẹ – bạn đồng hành thân thiết của con trong các giai đoạn con học ngoại ngữ (Ảnh minh họa: Unsplash)

Dưới đây là lộ trình 3 bước thầy giáo AJ Hoge khuyến nghị ba mẹ nên áp dụng để dạy tiếng Anh tại nhà cho con một cách hiệu quả:

Giai đoạn 1: Làm quen với các ĐỒ VẬT bằng tiếng Anh

Ba mẹ có thể dạy cho con 5 đồ vật bằng tiếng Anh một ngày. Ví dụ, bạn cầm chiếc cốc và nói với con “cup, cup, cup,” “a CUP” hoặc “This is a CUP.” Nếu nói một cụm từ hoặc một câu, nhớ nhấn mạnh từ “cup.”

Hôm sau, ba mẹ nên giúp con ôn lại những gì bé đã học ngày hôm trước, rồi mới bắt đầu cho bé làm quen với những đồ vật khác bằng tiếng Anh.

Hãy dành vài tuần như vậy để con làm quen hết với đồ vật, thành viên trong gia đình bằng tiếng Anh, như “ball,” “milk,” “orange,” “apple,” “car,” “cat,” “dog,” “Mommy,” “Daddy,” v..v

Trong bài thi Starters – bài thi tiếng Anh thiếu nhi cấp độ đầu tiên của Cambridge – các bé chủ yếu làm quen với các từ vựng quen thuộc

Giai đoạn 2: Làm quen với các HÀNH ĐỘNG bằng tiếng Anh

Đối với các hành động bằng tiếng Anh, ba mẹ cũng dạy con theo cách tương tự. Khi nói “stand up” hay “sit down,” ba mẹ sẽ làm mẫu cho con luôn. Hãy thực hiện các động tác “walk, “jump,” “fall down”, “dance”… một cách tự nhiên và vui nhộn.

Ba mẹ cũng có thể xem bé đang làm gì và diễn tả lại động tác của bé. Ví dụ “Oh, you are walking,” “You stand up,” “You sit down.”

Giai đoạn 3: thực hiện CÂU MỆNH LỆNH bằng tiếng Anh

Khi con đã làm quen với các đồ vật và hành động bằng tiếng Anh, ba mẹ có thể kết hợp chúng lại bằng những câu mệnh lệnh như “throw/pick up a ball.” Các câu mệnh lệnh đơn giản để ba mẹ thực hiện cho con xem có thể là “Go to the door,” “Touch the door,” “Come back,” “Throw the ball,” “Pick up the ball,” “Walk slowly,” “Walk fast.”

Mỗi buổi học nên kéo dài khoảng 1 giờ và nên được duy trì hàng ngày. Khi cộng dồn lại, khi duy trì thói quen này trong 5 tháng chẳng hạn, con đã có 150 giờ tiếp xúc với tiếng Anh cùng ba mẹ. Mỗi hoạt động dạy học chỉ nên diễn ra 10-15 phút vì bé sẽ nhanh chán. Một buổi, bạn cũng có thể chỉ dạy bé 15 phút. Vậy thời gian còn lại thì nên làm gì? Ba mẹ sẽ chơi cùng con, hát cùng con, đọc truyện cùng con, hoặc nhảy múa cùng con. Lưu ý, khi bé thực hiện các động tác nhún nhảy, đi lại, nằm, ngồi v..v bạn nhớ diễn ta chúng bằng tiếng Anh như trong giai đoạn 2.

Ba mẹ có thể sử dụng những cuốn truyện kể bằng tranh mà bé thích mê, chỉ vào nhân vật, đồ vật trong tranh và nhắc đi nhắc lại cho bé nghe nhiều lần để những từ này trở nên thân thuộc với bé.

Ba mẹ có thể theo dõi video thầy AJ Hoge gợi ý lộ trình dạy tiếng Anh cho bé hiệu quả hơn cả trung tâm tiếng Anh tại đây:

Lưu ý:

  • Mỗi giai đoạn có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí lâu hơn, ba mẹ hãy kiên trì cùng con.
  • Ba mẹ đừng kiểm tra xem con đã học được gì. Ví dụ, ba mẹ không nên hỏi con “What’s this?” và mong con sẽ trả lời “a ball.” Quá trình bé nhớ được quả bóng trong tiếng Anh là “a ball” và bật được ra từ đó không phải ngày một ngày hai.
  • Ba mẹ hãy khen con khi con nói đúng hoặc có phản xạ chuẩn.
  • Nếu dạy hoài một hành động mà con không hiểu, ba mẹ đừng la mắng con. Ví dụ, khi ba mẹ nói “Pick up the ball” mà con không có phản ứng gì, ba mẹ hãy cứ thực hiện hành động đó một cách vui vẻ để cho con nhìn thấy.
  • Các trò chơi phải mang lại tiếng cười và tâm lí thoải mái cho bé.

Khi con đã nghe đủ, được thấy ba mẹ thực hiện các hành động bằng tiếng Anh nhiều lần (có đủ input), cuối cùng sẽ có thể bật ra được những từ quen thuộc như “dog” hay “cat” (output). Bé nhà mình đặc biệt ấn tượng với con rùa, và từ đầu tiên bé nói được là “turtle” khi thấy một chú rùa con đang bò trong bể nước ở trường mẫu giáo. Những thành quả nho nhỏ của con thực sự có sức khích lệ rất lớn với ba mẹ.

ngữ pháp tiếng anh #7
Xem phim hoặc chương trình truyền hình bằng tiếng Anh giúp bé học tiếng Anh dễ dàng

Lời kết:
TPR (Total Physical Response) là phương pháp chú trọng đến tương tác tổng thể, ba mẹ luôn nhớ hãy gắn những danh từ, động tiếng Anh với những đồ vật hay hành động cụ thể. Diễn tả cho con xem các động tác một cách thú vị và đừng đặt nặng áp lực lên con. Được tiếp xúc với tiếng Anh khi còn bé xíu, chắc chắn khi lớn hơn, con sẽ có lợi thế hơn hẳn các bạn đồng trang lứa. Và dạy tiếng Anh cho con giai đoạn này cũng là điều tuyệt vời ba mẹ có thể làm để mang đến cho con hành trang ngoại ngữ vững chắc.

Phụ huynh cũng có thể tham khảo phòng luyện thi ảo TOEFL của FLYER tại đây với lượng đề thi được biên soạn cập nhật liên tục: https://flyer.vn/ 

Comments

Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Thuan Duong
Thuan Duonghttps://flyer.vn/
Làm việc với giáo viên bản ngữ trong các lớp tiếng Anh nhiều trình độ từ khi học đại học, hoàn thành chương trình cao học chuyên ngành Ngôn ngữ Anh tại ĐHNN – ĐHQG Hà Nội năm 2014, mình yêu thích tìm hiểu các nền tảng & công nghệ dạy-học tiếng Anh thú vị & mang tính thực tiễn cao.

Related Posts