Differentiate instruction: Bí quyết dạy học phân hóa giúp phát huy tối đa tiềm năng của học sinh

Differentiate Instruction (Dạy học phân hóa) là xu thế của quá trình giáo dục nói chung và dạy học nói riêng. Nhiều nghiên cứu của các nhà giáo dục học đã chứng minh rằng mỗi cá nhân học sinh có một năng lực nhận thức, phong cách học khác nhau. Hơn nữa, dạy học phân hóa là một trong những quan điểm dạy học cho phép “tối đa hóa” yếu tố cá nhân cho người học, là giải pháp bền vững đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh và tối ưu hóa thời gian của các thầy cô.

Cùng FLYER khám phá ngay các cách ứng dụng dạy học phân hóa bí kíp giúp giáo viên nâng cao hiệu quả giảng dạy, cũng như khai thác tối đa tiềm năng của mỗi học sinh!

1. Differentiate instruction (Dạy học phân hóa) là gì và không là gì?

Differentiate Instruction (Dạy học phân hoá)
Dạy học phân hóa là gì và không là gì?

Đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước về dạy học phân hóa. Trong đó, nhóm tác giả Hall, Strangman và Meyer cho rằng “Differentiate instruction (Dạy học phân hóa) là một quá trình giáo viên nâng cao hiệu quả việc học bằng cách kết hợp các đặc điểm của học sinh với việc giảng dạy và đánh giá. Dạy học phân hóa cho phép tất cả học sinh tiếp cận cùng một chương trình giảng dạy bằng cách được kiểm tra trình độ đầu vào, xác định nhiệm vụ học tập và kết quả cần đạt phù hợp với nhu cầu của học sinh. Trong một lớp ứng dụng dạy học phân hóa, sự phân hóa xảy ra trong cách học sinh tiếp cận với nội dung được giảng dạy, quá trình các em thu thập thông tin và cách các em trình bày sự hiểu biết của mình”.

Tác giả Đặng Thành Hưng, người có nhiều nghiên cứu về dạy học phân hóa tại Việt Nam quan niệm: “Dạy học phân hóa thực chất là tạo ra những khác biệt nhất định trong nội dung và phương thức hoạt động của học sinh, bằng cách thiết kế và thực hiện quá trình dạy học theo nhiều hướng khác nhau dựa vào nhóm năng lực, hứng thú hoặc nhu cầu học tập của người học và mục tiêu giáo dục”.

Theo đó, có thể nhận thấy dạy học phân hóa tôn trọng sự khác biệt ở từng cá nhân người học. Học sinh có thể tự chọn học theo nhóm dựa trên kỹ năng, sở thích và mức độ sẵn sàng tiếp nhận kiến thức. Các nhóm này có thể điều chỉnh linh hoạt một cách có chủ đích trong khi vẫn ghi nhớ mục tiêu bài học. Giáo viên trong dạy học phân hóa đóng vai trò định hướng và hỗ trợ học sinh đạt đến những chuẩn kiến thức, kỹ năng ở mức cao.

Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều thầy cô có quan niệm sai lầm trong quá trình ứng dụng dạy học phân hóa vào giảng dạy. Nhiều người cho rằng, nếu đã quan tâm đến sự khác biệt của từng học sinh, chắc hẳn nên lập kế hoạch học tập cho từng em. Việc cá nhân hóa như thế có lẽ khả thi với hình thức gia sư 1-1, còn với quy mô lớp học chưa chắc đã hiệu quả khi không đảm bảo yếu tố tiết kiệm thời gian, công sức cho người dạy.

Hiểu nhầm tiếp theo về dạy học phân hóa là hành động sắp xếp học sinh yếu cố định vào nhóm kém dựa trên điểm đầu vào. Và sau đó là giáo viên chỉ tập trung vào nhóm yếu hơn và để mặc học sinh nhóm có trình độ cao hơn tự học.

Đó là ba hiểu sai cơ bản và phổ biến về dạy học phân hóa dễ dàng mắc phải ở bất kỳ nền giáo dục nào trong giai đoạn đầu ứng dụng phương pháp này. Chính vì vậy, việc thẳng thắn nhìn nhận và tháo gỡ là vô cùng quan trọng.

Vai trò của người giáo viên trong dạy học phân hóa là rất lớn. Để ứng dụng phương pháp này được hiệu quả, mỗi nhà giáo cần đặt ra những kỳ vọng rõ ràng cho lớp học của mình. Quản lý kỳ vọng cho phép thầy cô và học sinh hướng tới những mục tiêu đúng, tìm được vùng giao giữa những điều thầy cô muốn truyền tải và những điều học sinh muốn học.

Thế nhưng, thực sự rất khó để làm việc với những học sinh với những nhu cầu rất khác nhau. Thầy cô có thể suy nghĩ về việc xây dựng giáo án dựa trên sự đa dạng năng lực của học sinh. Sự năng động của các em chắc chắn sẽ giúp đỡ thầy cô rất nhiều.

Để việc bắt đầu được thuận lợi hơn, dưới đây là một số cách thức ứng dụng giảng dạy phân hóa mà các thầy cô có thể tham khảo.

2. 9 cách ứng dụng dạy học phân hóa vào trong thực tế

Không phải tất cả học sinh đều hưởng ứng bài giảng của thầy cô và một trong số đó không học được gì nhiều từ sách giáo khoa, một số khác thậm chí đang gặp khó khăn để theo kịp lớp học. Tuy nhiên, trong lớp chúng ta luôn có những học sinh rất xuất sắc và sẵn sàng hỗ trợ học sinh khác khi cần.

2.1. Cách 1: Linh hoạt trong phân chia nhóm học sinh

Phân chia linh hoạt là cách nhóm học sinh lại với nhau dựa theo phong cách, sở thích học tập hoặc kiến thức môn học của các em. Cách thức này giải quyết được vấn đề tiến bộ không đồng đều của các học sinh trong cùng một lớp học. Sau khi chia nhóm, giáo viên có thể yêu cầu các nhóm này thực hiện các bài thuyết trình hoặc các dự án dài hạn. 

Cách 1: Linh hoạt trong phân chia nhóm học sinh

Đây là một cách tốt để kiểm tra xem một nhóm học sinh có nắm vững một chủ đề nhất định hay không. Vì suy cho cùng, nếu một học sinh có thể truyền đạt lại một khái niệm khiến những học sinh khác hiểu, học sinh này đã phải tìm hiểu rất kỹ về nó!

Tuy nhiên, có một số thầy cô áp dụng hình thức này một cách khá khuôn mẫu. Trong mọi trường hợp, họ để nhóm học sinh đó cố định trong cả năm học, có những nhóm vận hành rất tốt, trong khi có nhóm xảy ra xích mích lâu dài khiến giảm chất lượng học tập.

Thay vào đó, giáo viên nên có sự điều chỉnh linh hoạt theo nội dung giảng dạy và thời điểm thích hợp. Nhờ vậy mà giúp học sinh kết nối nhiều hơn với nhau, tìm thấy những người bạn rất hợp tác và chân thành, đồng thời gia tăng trao đổi hiểu biết giữa các thành viên trong lớp.

Giáo viên có rất nhiều cơ sở để tiến hành chia nhóm học sinh phù hợp và khả năng sẵn sàng xử lý kiến thức mới của học sinh là một trong số đó. Dù trong một lớp khá giỏi hay trung bình thì cũng có những em nắm chắc kiến thức nền tảng, sẵn sàng “xử gọn” bài tập mới và ngược lại. Khi đó, giáo viên cần linh hoạt nhóm những học sinh chưa sẵn sàng, cung cấp thêm thông tin hướng dẫn, điều chỉnh tốc độ chậm hơn để hỗ trợ các em bắt kịp bài học. Với nhóm sẵn sàng, các em có thể tiến hành làm bài tập độc lập.

2.2. Cách 2: Chọn nhóm trưởng cho nhóm nhỏ

dạy học phân hóa là gì (3)
Cách 2: Chọn nhóm trưởng cho nhóm nhỏ

Như đã nhắc đến ở trên, trong một lớp học luôn có những học sinh có nhiều kiến thức, kỹ năng và tự tin hơn những học sinh khác. Nếu xem đây là thách thức, thầy cô có thể chỉ thấy những học sinh này là “rắc rối”, lo sợ các em chểnh mảng trong giờ học, hơn nữa lo rằng những nội dung thầy cô đã chuẩn bị trở nên vô nghĩa với các em. Tuy nhiên, nếu cho phép những học sinh này tham gia đóng góp vào giờ học, thầy cô sẽ thấy các em tạo ra những điều kỳ diệu.

Khi tổ chức lớp học thành các nhóm nhỏ theo hình tròn để khuyến khích sự tương tác, chắc hẳn thầy cô cần những đội trưởng. Người đội trưởng này phải tự tin, hiểu biết và có động lực hơn những thành viên còn lại để có thể hỗ trợ các thành viên đó – những người cần thêm một chút động lực để vượt khó.

Điều quan trọng người giáo viên cần làm được là khuyến khích thành viên yêu cầu sự giúp đỡ từ nhóm trưởng khi các em gặp khó. Thực tế cho thấy học sinh mạnh dạn và thẳng thắn hơn khi nhờ đến sự hỗ trợ của các bạn đồng trang lứa. Đặc biệt, các em có thể được giúp đỡ ngay lập tức chứ không phải chờ đến lượt rất lâu khi giáo viên đi qua một vòng lớp học. Bạn nhóm trưởng khi thấy mình có thể giúp bạn bè và nhận được sự cảm ơn từ họ sẽ cảm thấy bản thân được trân trọng và nỗ lực đóng góp cho thành công của giờ học.

Điểm cộng lớn nhất của việc vận dụng cách thức này là giáo viên có nhiều hơn thời gian để điều phối và quan sát lớp học thay vì sốt sắng chỉ đạo, dùng rất nhiều công sức đi đến từng bạn nhưng không mấy hiệu quả và kịp thời.

2.3. Cách 3: Xây dựng nội dung học theo mức độ từ cơ bản đến nâng cao

Cách 3: Xây dựng nội dung học theo mức độ từ cơ bản đến nâng cao

Hãy thẳng thắn nhìn nhận rằng thầy cô không thể kỳ vọng 100% học sinh trong lớp đều có thể tiếp thu kiến thức khó và giải được bài tập mức độ vận dụng cao. Bằng cách xây dựng nội dung học theo mức độ tăng dần từ cơ bản, thầy cô cho phép học sinh trải nghiệm và có cơ hội khám phá chính mình.

Một số học sinh có thể chấp nhận duy trì việc học tập của bản thân ở mức độ vừa phải, nhưng cũng có những em lại cổ vũ bản thân cố gắng thêm một chút. Nhìn chung, cách thức này cho phép học sinh đặt ra mục tiêu thực tế hơn cho bản thân về mặt thành tích, đồng thời cũng đòi hỏi giáo viên chú trọng hơn trong việc thiết kế bài giảng và phân cấp kiến thức phù hợp với lớp học của mình.

2.4. Cách 4: Chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến

Cách 4: Chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến

Thầy cô có thể biên soạn câu trả lời cho danh sách câu hỏi phổ biến trong môn học thầy cô phụ trách, sau đó in và dán tài liệu này ở bảng tin của lớp học. Danh sách này giúp học sinh nhanh chóng có được câu trả lời cần thiết mà không làm gián đoạn giờ học.

Đây cũng là cách dạy học phân hóa tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh. Bởi một số em có thể cảm thấy lo lắng và sợ hãi mỗi lần đặt câu hỏi trước lớp do nghĩ rằng câu hỏi của mình là “thừa thãi”, sợ rằng sẽ bị các bạn chê cười nếu nói ra băn khoăn của mình. 

2.5. Cách 5: Tổ chức dự án và các hoạt động thực hành

Cách 5: Tổ chức dự án và các hoạt động thực hành

Học tập dựa trên tổ chức các dự án và hoạt động thực hành cho phép học sinh được học theo tốc độ của riêng mình và khuyến khích các em tự thúc đẩy bản thân tiến lên.

Thầy cô có thể bắt đầu từ một phạm vi kiến thức nhỏ mà học sinh có thể phải rất nỗ lực mới có thể hiểu được, sau đó thiết kế một hoạt động dựa trên những khái niệm đó để giúp các em củng cố nội dung đã học.

Những hoạt động này có thể được thực hiện trong lớp, làm bài tập nhóm hay các dự án dài hạn được giao thực hiện ngoài giờ. Dù thầy cô đưa việc thực hành, ứng dụng, tổ chức dự án theo cách nào vào chương trình giảng dạy thì chúng đều rất hữu ích khi giúp các em học từ trải nghiệm thực tế nhằm khắc sâu kiến thức đã có.

2.6. Cách 6: Cung cấp hướng dẫn học tập và tài liệu cần thiết

Cách 6: Cung cấp hướng dẫn học tập và tài liệu cần thiết

Khoa học đã chứng minh việc viết ra thông tin, ý tưởng có vai trò rất quan trọng đối với việc ghi nhớ chúng. Đó cũng là lý do tại sao bài tập hay tài liệu phát tay lại trở nên thiết thực trong các lớp học ngày nay đến vậy.

Khi chuẩn bị bản thuyết trình (slides) hay bài tập cho tiết học, thầy cô có thể dành những chỗ trống để học sinh có thể ghi chú theo cách của các em. Hoạt động này đóng vai trò kích thích việc các em ghi nhớ sâu hơn các kiến thức thầy cô muốn truyền tải.

2.7. Cách 7: Thay đổi vai trò trong lớp học

Cách 7: Thay đổi vai trò trong lớp học

Một trong những cách thức ứng dụng dạy học phân hóa hiệu quả trong thực tế phải kể đến phương pháp “Flip your classroom – lật ngược lớp học của bạn”. Trong đó, học sinh trải nghiệm một số công việc của giáo viên là nghiên cứu nội dung và sẵn sàng tham gia thảo luận, trình bày ý kiến trước lớp. Trong khi đó, giáo viên hỗ trợ học sinh nhiều nhất có thể bằng việc cung cấp tài liệu cần thiết, lắng nghe, phản biện và giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn các em gặp phải.

Thay vì chỉ đứng và giảng bài từ đầu đến cuối như phương pháp giảng dạy truyền thống, thầy cô giờ đây có thể thúc đẩy tinh thần chủ động tìm đến kiến thức của học sinh, thu hút các em tham gia vào những cuộc thảo luận, các dự án và phát triển kỹ năng cần thiết.

2.8. Cách 8: Phương pháp chia sẻ nhóm hai người

Cách 8. Phương pháp chia sẻ nhóm hai người

Phương pháp chia sẻ nhanh trong nhóm hai người là một sáng kiến trong dạy học phân hóa khi giúp học sinh xử lý thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. Phương pháp này phù hợp với mọi tính cách khác nhau và khiến học sinh thoải mái chia sẻ quan điểm, suy nghĩ của mình. Chia sẻ trong nhóm hai người sẽ đơn giản và dễ chịu hơn so với việc phải đứng lên phát biểu ý kiến trước một lớp đông người.

Giáo viên có thể bắt đầu bằng việc giới thiệu chủ đề mới và khơi gợi suy nghĩ của học sinh bằng các câu hỏi và gợi ý thảo luận. Tiếp theo, thầy cô yêu cầu học sinh ghép đôi để thảo luận ý kiến của mình về chủ đề này. Như vậy, học sinh vừa có thể bày tỏ suy nghĩ của mình và đồng thời có thể lắng nghe quan điểm của người đối diện về cùng một vấn đề.

Sau khi đã nói ra được rõ ràng ý tưởng của mình cho người đối diện, học sinh có xu hướng thoải mái hơn nếu được mời trình bày lại trước lớp. Nương theo thảo luận của học sinh, thầy cô hoàn toàn có thể điều hướng uyển chuyển sang bài học mà thầy cô muốn truyền đạt.

2.9. Cách 9: Ứng dụng công nghệ vào trong giảng dạy

Ứng dụng công nghệ vào dạy học phân hóa cho phép giáo viên kết hợp nhiều phương pháp cùng lúc như chia nhóm, chọn nhóm trưởng, ghim sẵn tài liệu cần thiết, lưu trữ video bài giảng, nộp bài tập, thuyết trình, thảo luận, học online, chấm điểm thành phần…

Cách 9. Ứng dụng công nghệ vào trong giảng dạy

Hiện nay, tại nhiều trường đã phát triển hệ thống eLearning nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cũng như tạo ra sự khác biệt trong kỷ nguyên giáo dục mới.

Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, việc giảng dạy ngày nay trở nên linh hoạt và đa dạng hơn bao giờ hết. Học sinh nhờ đó có thể linh động học tập theo khả năng của mình, có thể học đi học lại đến khi hiểu sâu, hoặc học nhanh hơn chương trình và tìm kiếm kiến thức nâng cao bổ trợ. Hơn nữa, nhờ việc sử dụng công nghệ, thầy cô có thể dễ dàng đánh giá tiến độ học tập và phân loại học sinh chuẩn xác hơn. 

FLYER là đơn vị tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ sâu rộng vào hoạt động dạy và học tại Việt Nam. Với các tính năng đánh giá và xếp loại dựa trên ghi nhận thực học của học sinh, FLYER trở thành nền tảng hỗ trợ đắc lực thầy cô trong dạy học phân hóa.

Tìm hiểu thêm tại: Tiết kiệm 40% thời gian giảng dạy với FLYER

3. Tổng kết

Bài viết của FLYER đã chia sẻ những góc nhìn và cách thức thiết thực trong ứng dụng dạy học phân hóa vào thực trạng quá trình giảng dạy hiện tại. Hy vọng quý thầy cô đã có thể tìm thấy giải pháp cho mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng của mỗi học sinh, cũng như cải thiện chất lượng giảng dạy ngày càng hiệu quả hơn. 

Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?

FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!

Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…

Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp

Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…

Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)

Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!

Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188

Xem thêm:

Comments

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Thanh Hoa
Thanh Hoa
"Do small things with great love"

Related Posts