Dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em – Bí quyết giúp thầy cô dạy trẻ học và ghi nhớ ngữ pháp hiệu quả

Trong tiếng Anh, ngữ pháp đóng vai trò rất quan trọng giúp ngôn ngữ này được sử dụng một cách chuẩn chỉnh nhất. Do đó, bên cạnh tích lũy từ vựng, việc dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em là vô cùng cần thiết. Qua đó, trẻ sẽ có nền tảng kiến thức chuẩn ngay từ đầu và phát triển tiếng Anh tốt hơn trong tương lai. 

Tuy nhiên, với trẻ em, việc học ngữ pháp lại tương đối khó khăn và khô khan. Để sinh động hóa các tiết học ngữ pháp của học sinh, trong bài viết này, FLYER sẽ chia sẻ với thầy cô một số phương pháp thú vị giúp trẻ tiếp thu ngữ pháp dễ dàng và hiệu quả. Mới quý thầy cô cùng tham khảo.

1. Độ tuổi phù hợp để dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em 

1.1. Độ tuổi phù hợp để dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ

Việc dạy ngữ pháp cho trẻ nên được bắt đầu từ sớm và phát triển như một thói quen. Theo các chuyên gia giáo dục, từ 7 đến 12 tuổi là thời điểm “vàng” để dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ. Trẻ em trong giai đoạn này thể hiện sự phát triển vượt bậc ở các khía cạnh sau:

  • Khả năng tập trung cao độ trong một thời gian dài hơn so với giai đoạn trước.
  • Kỹ năng giao tiếp và xã hội phát triển mạnh mẽ.
  • Khả năng nói tốt và có thể phát âm chuẩn tiếng Anh nếu đã được xây dựng thói quen từ trước. 
  • Bắt đầu hình thành lý luận logic và khả năng tư duy phân tích đối với những kiến thức em được tiếp thu.

Những đặc điểm trên cho phép trẻ ở độ tuổi này tiếp thu và thực hành kiến thức hiệu quả hơn bao giờ hết. Thậm chí, nếu được tận dụng đúng cách, các đặc điểm này cũng có thể bù đắp cho những hạn chế của trẻ trong khả năng hiểu biết các khái niệm trừu tượng, điển hình là các kiến thức ngữ pháp tiếng Anh.  

1.2. Lợi ích của việc dạy ngữ pháp cho trẻ em

dạy ngữ pháp tiếng anh cho trẻ em
Lợi ích của việc dạy ngữ pháp cho trẻ em

Cùng với từ vựng, ngữ pháp là một yếu tố mà người học không thể bỏ qua khi học một ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

Việc dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ từ sớm sẽ mang lại những lợi ích sau:

  • Tăng cường khả năng nói tiếng Anh: Các bé sẽ không thể ghép từ và thành lập câu một cách chính xác nếu không nắm vững các kiến thức ngữ pháp cơ bản, dẫn đến tình trạng người nghe có thể hiểu sai thông điệp mà các con muốn truyền đạt. Việc học tốt ngữ pháp sẽ giúp học sinh sử dụng cấu trúc câu một cách chuẩn xác và trở nên tự tin hơn khi giao tiếp bằng tiếng Anh. 
  • Trau dồi kỹ năng đọc hiểu tiếng Anh: Khi đọc một đoạn văn, các em cần có kiến thức ngữ pháp để nắm được cách vận hành của các thành phần trong câu và mối liên kết giữa các câu với nhau, từ đó có thể hiểu được ý nghĩa tổng quát của cả đoạn.
  • Phát triển kỹ năng viết tiếng Anh: Kỹ năng viết đòi hỏi học sinh phải có một nền tảng kiến thức ngữ pháp cơ bản để viết được một câu văn, đoạn văn hoàn chỉnh. Nếu không có những kiến thức này, việc đặt bút xuống viết những từ đầu tiên sẽ vô cùng khó khăn với các em.
  • Cải thiện kỹ năng nghe tiếng Anh: Các kiến thức ngữ pháp sẽ giúp trẻ nghe và liên kết các nội dung trong bài nghe một cách dễ dàng hơn. Nếu không nắm được ngữ pháp, những gì trẻ nghe được sẽ chỉ là những từ vựng rời rạc, không có ý nghĩa.

2. Các kiến thức ngữ pháp tiếng Anh cơ bản dành cho trẻ em

Các chủ điểm ngữ pháp dành cho trẻ em từ 7-12 tuổi nên bắt đầu từ cấp độ cơ bản nhất, đủ để các em có thể nói và viết chính xác những câu tiếng Anh đơn giản. Dưới đây là một số chủ điểm cơ bản mà thầy cô có thể tham khảo:

2.1. Các thì căn bản 

Tiếng Anh có 12 thì. Tuy nhiên, học sinh ở độ tuổi này chỉ cần nắm chắc 6 thì căn bản sau: 

2.2. Các từ loại chính

Với trẻ em ở độ tuổi từ 7 đến 12, các kiến thức về từ loại cơ bản mà thầy cô có thể hướng dẫn các em bao gồm:  

  • 5 từ loại chính: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, giới từ
  • Vị trí của 5 từ loại này trong câu
  • Cách kết hợp các từ loại để tạo thành câu hoàn chỉnh

2.3. Các cấu trúc câu cơ bản

Các cấu trúc câu cơ bản là phần kiến thức không thể thiếu để trẻ sử dụng tiếng Anh hiệu quả. Nếu trẻ chỉ nắm được các thì và cách dùng những từ loại chính mà chưa có kiến thức về cấu trúc câu, câu văn của trẻ có thể trở nên dài dòng, lan man và rời rạc. Ba cấu trúc câu cơ bản mà trẻ cần tiếp thu gồm:

  • Câu đơn (Simple sentences)
  • Câu hợp (Compound sentences)
  • Câu phức (Complex sentences)

Các cấu trúc câu trên sẽ trở thành phần kiến thức xuyên suốt trong quá trình học tiếng Anh trong tương lai của trẻ. Đồng thời, những kiến thức này cũng là nền tảng hỗ trợ trẻ tiếp thu những kiến thức nâng cao sau này dễ dàng hơn.

Tìm hiểu thêm về các cấu trúc câu trong tiếng Anh

2.4. Dấu câu

Dấu câu là những thành phần tuy nhỏ nhưng cực kỳ quan trọng trong câu. Đối với một số cấu trúc, việc dùng sai hoặc thiếu dấu câu có thể làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của câu. Do đó, thầy cô cần hướng dẫn học sinh sử dụng dấu câu thật chuẩn ngay từ những bài học đầu tiên. Dưới đây là một số dấu câu cơ bản mà trẻ cần nắm:

  • Chữ in hoa (A, B) và dấu chấm (.)
  • Dấu chấm hỏi (?)
  • Dấu phẩy (,) và dấu chấm phẩy (;)
  • Dấu hai chấm (:) 
  • Dấu chấm than (!)
  • Dấu ngoặc kép (“…”)

3. Một số phương pháp dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em hiệu quả

3.1. Ghi nhớ ngữ pháp qua giao tiếp

dạy ngữ pháp tiếng anh cho trẻ em
Học ngữ pháp qua giao tiếp

Việc học lý thuyết cần đi đôi với thực hành. Nếu trẻ chỉ học mà không vận dụng các kiến thức ngữ pháp, theo thời gian, các em có thể quên dần các kiến thức đã học và không thể giao tiếp tiếng Anh hiệu quả. 

Để tránh xảy ra tình trạng này, thầy cô có thể tạo cơ hội cho trẻ vận dụng các chủ điểm ngữ pháp đã học vào giao tiếp thông qua các cách sau:

  • Thảo luận theo chủ đề: Thầy cô đưa ra một chủ đề bất kỳ (nên là những chủ đề quen thuộc và gần gũi với học sinh), cùng một số từ khóa liên quan, sau đó yêu cầu học sinh thảo luận bằng tiếng Anh theo nhóm. Trong quá trình thảo luận, thầy cô cần gợi ý và khuyến khích các em sử dụng những điểm ngữ pháp đã học một cách tự nhiên nhất.
  • Hội thoại tự phát: Bên cạnh các buổi thảo luận theo nhóm, thầy cô cũng có thể đối thoại ngẫu nhiên với học sinh bằng tiếng Anh về bất cứ điều gì khiến các em hào hứng (trận bóng đá hôm qua diễn ra như thế nào, cuốn sách nào đang xem, em có thích món ăn nào đó không…). Cách này sẽ giúp các em hình thành phản xạ giao tiếp hiệu quả.

3.2. Học ngữ pháp qua văn bản

Học ngữ pháp qua văn bản là phương pháp tiếp theo mà FLYER xin gợi ý đến quý thầy cô. Thông qua các văn bản tiếng Anh, trẻ có thể làm quen với đa dạng cấu trúc ngữ pháp và hình thành thói quen sử dụng các cấu trúc này một cách tự nhiên nhất. Thầy cô có thể dễ dàng tìm thấy các văn bản này ở:

3.2.1. Sách

Những cuốn sách luôn là công cụ giúp người học trau dồi kỹ năng ngôn ngữ hiệu quả. Đối với trẻ em, có thể nói loại sách giúp các em học tiếng Anh một cách tự nhiên và thoải mái nhất đó là sách truyện, đi kèm với nội dung ngắn gọn, hấp dẫn, dễ hiểu và những hình ảnh minh họa sinh động, bắt mắt. 

Để phát huy lợi ích của sách truyện đối với việc học ngữ pháp của trẻ em, sau khi chọn được những cuốn sách phù hợp, thầy cô có thể tham khảo các bước sau:

  • Hướng dẫn các em đọc lần thứ nhất để nắm sơ qua nội dung câu chuyện. Việc này giúp trẻ dễ dàng liên kết ngữ cảnh câu chuyện với những kiến thức ngữ pháp được học ở các bước tiếp theo. 
  • Tiến hành bước tìm hiểu ngữ pháp đầu tiên bằng việc yêu cầu học sinh xác định những loại thì được sử dụng trong sách, đồng thời chỉ ra cho trẻ thấy mối liên hệ giữa các thì này với thể loại sách mà các em đang đọc. Ví dụ, sách kể chuyện lịch sử hoặc chuyện cổ tích thường sử dụng thì quá khứ, trong khi sách có chủ đề khoa học thường dùng thì hiện tại vì chúng mô tả các sự kiện và hiện tượng có thật hoặc đã được chứng thực.
  • Khuyến khích học sinh phân tích các từ vựng mới về mặt ngữ pháp, bao gồm ý nghĩa, từ loại, ngữ cảnh sử dụng, cách kết hợp với các từ xung quanh và cách dùng trong câu,… dựa trên những kiến thức mà các em đã được học. Ở bước này, thầy cô cũng có thể lồng ghép một số kiến thức mới, phù hợp với trình độ tiếng Anh của các em, giúp các em có thể củng cố bài cũ và học thêm bài mới. 
  • Sau khi đã tìm hiểu và củng cố các kiến thức quan trọng, ở bước này, thầy cô tiến hành tổ chức các hoạt động hấp dẫn để các em có cơ hội vận dụng các kiến thức đã học. Một số hoạt động phổ biến, dễ thực hiện và hiệu quả nhất mà thầy cô có thể tham khảo gồm:
    Thành lập các nhóm học sinh và yêu cầu các thành viên trong nhóm cùng thảo luận về các khía cạnh khác nhau trong câu chuyện vừa đọc. 
    Hướng dẫn các em viết tóm tắt nội dung câu chuyện theo cách của mình, yêu cầu trẻ chú ý sử dụng đúng các kiến thức ngữ pháp, dấu câu và hơn nữa là cách dùng các liên từ, trạng từ nối để liệt kê các tình tiết theo trình tự thời gian hợp lý (First…, suddenly…, then…, finally…, …) 

Một số sách truyện tiếng Anh dành cho trẻ em độ tuổi 7 – 9:

  • “Comet in Moominland” của Tove Jansson
  • “Corduroy” của Don Freeman
  • “Goodnight Moon” của Margaret Wise Brown 
  • “Hodgeheg” của Dick King-Smith
  • “If You Give a Moose a Muffin” của Laura Numeroff
  • “Little Nemo. Return to Slumberland” của Eric Shanower
  • “Phoebe and Her Unicorn” của Dana Claire Simpson 
  • “Sardine in Outer Space’ của Emmanuel Guibert 
  • “The Tale of Despereaux” của Kate Dicamillo
  • “The Very Hungry Caterpillar” của Eric Carle …

Một số sách truyện tiếng Anh dành cho trẻ em độ tuổi 10 – 12:

  • “A Boy called Hope” của Lara Williamson 
  • “Absolutely Everything” của Christopher Lloyd
  • “Granny” của Anthony Horowitz
  • “Harry Potter and the Philosopher’s Stone” by JK. Rowling 
  • “Lion boy” của Zizou Corder
  • “Sea BEAN” của Sarah Holding
  • “The Boy at The Back of The Class” của Onjali Rauf
  • “The Hobbit” của J.R.R. Tolkien
  • “The Silver Sword” của Ian Serraillier
  • “The Silly Book of Side-Splitting Stuff” của Andy Seed
  • “Time Travelling with a Hamster” của Ross Welford …

Tham khảo thêm: 15 truyện tranh tiếng Anh song ngữ hay giúp bé vui học 

3.2.2. Các bài hát

Việc nghe và lặp lại các bài hát thường xuyên có thể hỗ trợ rất tốt cho việc học ngữ pháp. Các nghiên cứu còn cho thấy ca hát giúp cải thiện khả năng ghi nhớ từ vựng và làm tăng động lực trong lớp học ngoại ngữ. Ngoài ra, các em cũng sẽ học được cách phát âm tiếng Anh tốt hơn.

Khi chọn bài hát tiếng Anh cho trẻ, thầy cô cần cân nhắc đến độ tuổi, sở thích của học sinh, điểm ngữ pháp cần học và ngôn ngữ được sử dụng trong bài hát. Nếu lựa chọn đúng và áp dụng phù hợp, các bài hát có thể được sử dụng cho phần trình bày và giai đoạn thực hành của bài học ngữ pháp. 

Trước khi cho học sinh nghe nhạc, thầy cô có thể cung cấp cho các em chủ đề của bài hát, một số từ vựng mới trong bài và hướng dẫn các em những mẫu câu, quy tắc ngữ pháp cơ bản được sử dụng trong bài hát. Điều này giúp học sinh có thể nhận biết cũng như tập trung hơn vào những kiến thức cần nắm trong khi nghe và lặp lại. 

Một số bài hát có thể khai thác cấu trúc ngữ pháp dễ dàng như: 

  • Bài hát “Hello song”
  • Bài hát “Five little duck”
  • Bài hát “Rain, rain go away”
  • Bài hát “If you’re happy”
  • Bài hát “Jinger bell”

Xem thêm: 25 bài hát tiếng Anh cho bé từ 3-10 tuổi vừa học vừa vui

3.2.3. Bài thơ, bài đồng dao

Giống như bài hát, những bài thơ, bài đồng dao cũng là công cụ đắc lực giúp trẻ học ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả. Với vần điệu đặc trưng của các bài thơ, bài đồng dao, trẻ sẽ dễ dàng ghi nhớ nội dung và ngữ cảnh của bài, qua đó làm quen dần với cách dùng chuẩn của các cấu trúc ngữ pháp được sử dụng trong bài.

Để chọn lọc những bài thơ, bài đồng dao phù hợp với trẻ, thầy cô có thể cân nhắc một số tiêu chí sau:

  • Trình độ, lứa tuổi và sở thích chung của các em.
  • Bài thơ, bài đồng dao cần chứa chủ điểm từ vựng và ngữ pháp trọng tâm.
  • Thể loại thơ phù hợp: Những bài thơ đương đại nên được ưu tiên lựa chọn vì thơ cũ thường sử dụng những từ và cấu trúc ngữ pháp phức tạp, khó hiểu.

FLYER gợi ý một số bước mà thầy cô có thể tham khảo để dạy trẻ ngữ pháp tiếng Anh thông qua thơ, đồng dao:

  • Trước tiên, thầy cô cần xem xét và chọn lọc cấu trúc ngữ pháp cần trình bày, thực hành hoặc ôn tập cho các em. Nếu được, thầy cô có thể cung cấp cho học sinh một số từ vựng mới trong bài.
  • Thầy cô phát cho các em giấy có in bài thơ và đọc bài thơ ít nhất hai lần cho các em nghe. Ở bước này, thầy cô lưu ý không nên vội “tiết lộ” nội dung bài thơ cho các em, mà hãy để các em tự mình khám phá ở những bước tiếp theo.
  • Sau khi đã đọc mẫu, thầy cô yêu cầu các em tự đọc lại bài, có thể đọc to hoặc đọc thầm tùy vào bối cảnh và đặc điểm lớp học, đồng thời nhấn mạnh các kiến thức quan trọng trong bài để các em được làm quen hoặc củng cố những từ vựng, ngữ pháp trọng tâm.
  • Để các em thực hành điểm ngữ pháp đã học, thầy cô có thể yêu cầu các em diễn giải bài thơ bằng văn xuôi, hoặc tổ chức những cuộc thảo luận nhỏ thông qua những câu hỏi tư duy liên quan đến bài thơ. Thông qua những hoạt động này, các em sẽ có cơ hội chuyển kiến thức mà thầy cô dạy thành kiến thức của riêng các em.
  • Khi các em đã nắm được các kiến thức trọng tâm cũng như nội dung chính của bài thơ, thầy cô có thể giúp các em mở rộng kiến thức hơn thông qua việc cung cấp thêm thông tin về bối cảnh văn hóa của bài thơ.

Một số bài thơ có thể sử dụng để dạy ngữ pháp cho trẻ em:

  • “At the Zoo” của William Mekepeace Thackeray
  • “Chocolate Cake” của Michael Rosen
  • “From a Railway Carriage” của Robert Louis Stevenson
  • “I’m a Little Teapot” của George Harold Sanders 
  • “The Forest” của Annette Wynne
  • “The Porcupine” của Ogden Nash
  • “There Was an Old Man with a Beard” của Edward Lear
  • “Your Catfish Friend” của Richard Brautigan 
  • “Your Outlook” của Joan Smerset
  • “Your Smile” của Tasha Taylor 

Ngoài những bài thơ trên, thầy cô cũng có thể sử dụng các bài đồng dao để dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ hiệu quả, đặc biệt với trẻ em ở độ tuổi 7 đến 8. Một số lợi ích có thể kể đến của việc học ngữ pháp tiếng Anh thông qua các bài đồng dao gồm:

  • Giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ: Đồng dao thực chất là ngôn ngữ có tính thi ca, có vần, có nhịp. Những bài hát đồng dao cũng chính là cuốn từ điển sống chứa đựng một kho từ vựng giàu có. Qua các bài đồng dao, trẻ sẽ được tiếp xúc với những hoạt động khác nhau trong xã hội.
  • Nâng cao ý thức nơi trẻ: Chỉ thông qua những ca từ đơn giản, dễ nhớ dễ học của đồng dao cũng chứa đủ những nội dung cơ bản nhất để giáo dục tình yêu và sự biết ơn đối với ông bà cha mẹ,ý thức bảo vệ môi trường, sự yêu thương loài vật, nhận biết đúng sai giúp trẻ không chỉ rèn luyện kiến thức mà còn cả đạo đức.
  • Rèn luyện trí thông minh ở trẻ: Đồng dao cũng có tác dụng rất lớn trong việc giúp trẻ phát triển trí tuệ, từ cách lập luận đơn giản cho tới những nhận thức đơn giản về số học. Tuy chỉ là những bài hát nói đồng dao nhưng trẻ em cũng đã chập chững làm quen dần với các số đếm cũng như một vài kiến thức căn bản khác.

Một số bài đồng dao cho trẻ mà thầy cô có thể tham khảo:

  • Five Little Raindrops
  • Goosey, Goosey, Goosey
  • Hickory Dickory Dock
  • I Can Sing a Rainbow
  • Incy Wincy Spider
  • Look at The Sneaky Crocodile
  • Polly Put The Kettle on
  • Two Little Dicky Birds

3.3. Sử dụng hình ảnh minh họa

dạy ngữ pháp tiếng anh cho trẻ em
Sử dụng hình ảnh minh họa

Đối với trẻ em, hình ảnh trực quan là một trong những công cụ tốt nhất giúp các em ghi nhớ kiến thức hiệu quả, đặc biệt là những khái niệm trừu tượng như ngữ pháp tiếng Anh. Dưới đây là một số dạng hình ảnh minh họa phù hợp cho việc dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em:

3.3.1. Hình ảnh

Việc học ngữ pháp qua hình ảnh thường đi kèm với một cốt truyện phù hợp. Thầy cô cho các em quan sát một hoặc nhiều bức tranh với các nhân vật và tình tiết cụ thể, sau đó hướng dẫn các em kể lại câu chuyện sử dụng những kiến thức ngữ pháp đã học. Bằng cách này, trẻ có cơ hội được học ngữ pháp một cách thú vị và có thể ghi nhớ ngữ cảnh sử dụng chính xác của điểm ngữ pháp.

3.3.2. Phim

Xem phim giúp cho quá trình học tiếng Anh của học sinh trở nên thú vị, hấp dẫn và hiệu quả hơn. Trong khi xem phim tiếng Anh, các em được học từ vựng và ngữ pháp với một ngữ cảnh cụ thể, qua đó có thể nắm được cách sử dụng những kiến thức này trong giao tiếp thực tế. 

Một số hướng dẫn gợi ý cho thầy cô:

  • Thầy cô cần chọn những bộ phim phù hợp với lứa tuổi, trình độ của học sinh và phù hợp với mục tiêu bài học. Phim được chọn không nên quá dài và có nội dung phức tạp vì dễ gây chán nản cho các em. 
  • Thầy cô nên cho học sinh xem đoạn phim 1-2 lần. Ở lần xem đầu tiên, các em sẽ được xem phim tiếng Anh không phụ đề, qua đó thầy cô kiểm tra xem học sinh có thể hiểu được bao nhiêu phần nội dung khi chỉ nghe tiếng Anh. Ở lần xem thứ hai, thầy cô cho các em xem phim với phụ đề để các em có thể nắm được nội dung chính của đoạn phim, đồng thời nhận diện kiến thức cần học dễ dàng hơn. 
  • Sau khi xem phim, thầy cô hướng sự tập trung của các em vào các điểm ngữ pháp trọng tâm có trong đoạn phim. Thông qua đó, các em sẽ nắm được cách dùng các điểm ngữ pháp này trong ngữ cảnh cụ thể. 
  • Hướng dẫn các em thực hiện trò chơi Roleplay (nhập vai). Trong quá trình nhập vai, các em vừa được hóa nhân vào các nhân vật yêu thích, vừa có cơ hội thực hành những kiến thức đã học, từ đó ghi nhớ bài học tốt hơn.

Trên đây là gợi ý các bước kết hợp phim mà thầy cô có thể tham khảo để áp dụng vào bài giảng tiếng Anh của mình. Ngoài ra, trên Internet hiện nay cũng có vô số trang web hỗ trợ giáo viên thiết kế những bộ giáo án thú vị với phim tiếng Anh, tiêu biểu như:

  • Blog Allat C của Steve Muir và Tom Spain: Cung cấp giáo án dựa trên các video ngắn, các clip từ phim truyền hình.
  • Lessonstream của Jamie Keddie: Cung cấp nhiều giáo án sáng tạo sử dụng các video ngắn.
  • Film in Language Teaching Association (FILTA): Cung cấp các hướng dẫn để sử dụng phim trong giảng dạy tiếng Anh. 
  • Film Education: Cung cấp các cấu trúc bài giảng và hướng dẫn cách dạy thú vị với nhiều loại phim.  

Những bộ phim được dùng nhiều nhất trong việc học ngữ pháp tiếng Anh: 

  • Finding Nemo 
  • Home Alone
  • Hotel Transylvania 
  • Jurassic Park
  • Kung Fu Panda 
  • Lord of the Rings
  • My Little Pony: Friendship is Magic
  • The Lion King 
  • The Incredibles
  • Toy Story

Thầy cô có thể tham khảo thêm: Gợi ý 4 bộ phim cùng 6 phương pháp giúp trẻ em học tiếng Anh qua phim ảnh hiệu quả

3.3.3. Biểu đồ 

Biểu đồ cũng là một loại hình ảnh minh họa hiệu quả giúp trẻ hình dung và tiếp thu các kiến thức ngữ pháp dễ dàng. Do đó, trong quá trình giảng dạy ngữ pháp tiếng Anh cho học sinh, thầy cô nên cân nhắc lồng ghép sử dụng biểu đồ bất cứ khi nào có thể. 

Ví dụ, khi dạy về các loại thì tiếng Anh, thầy cô có thể vẽ trục thời gian và dùng các ký hiệu để minh họa cho mốc thời gian mà loại thì thể hiện.

3.3.4. Sơ đồ tư duy (mindmap)

Sơ đồ tư duy là phương pháp học ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả đối với rất nhiều người học, không riêng gì trẻ em. Thông qua sơ đồ tư duy, những chủ điểm ngữ pháp được trình bày ngắn gọn, khoa học, có hệ thống và thường được đi kèm hình ảnh minh họa sinh động. 

Thầy cô có thể cung cấp cho các em sơ đồ tư duy có sẵn, hoặc khuyến khích các em tự mình vẽ sơ đồ sau mỗi bài học. Khi các em đã sở hữu sơ đồ tư duy trong tay, thầy cô cần dặn dò các em lưu trữ cẩn thận để có thể mở ra và ôn tập lại kiến thức bất cứ lúc nào.

3.4. Thông qua các trò chơi tiếng Anh

dạy ngữ pháp tiếng anh cho trẻ em
Thông qua các trò chơi tiếng Anh

Ngữ pháp là phần kiến thức khá hàn lâm và khô khan đối với phần lớn học sinh tiểu học. Ở lứa tuổi này, các em ưa chuộng việc học thông qua những hình ảnh trực quan cùng những hoạt động thú vị, hấp dẫn. Do đó, để cân bằng giữa việc học ngữ pháp và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, những trò chơi tiếng Anh chính là sự lựa chọn hoàn hảo mà thầy cô không thể bỏ qua trong các tiết học của mình. Thầy cô có thể sử dụng trò chơi để giúp học sinh ôn lại bài cũ và tiếp thu bài mới một cách hiệu quả.

Bên cạnh việc trau dồi các kiến thức liên quan đến tiếng Anh, những trò chơi này cũng góp phần thúc đẩy kỹ năng giao tiếp xã hội của học sinh mạnh mẽ, thông qua những hoạt động tương tác với nhau và với thầy cô.  

Để phương pháp này đạt được kết quả mong muốn, thầy cô cần cân nhắc khả năng và trình độ tiếng Anh của học sinh, cũng như mục tiêu bài giảng của mình. Dưới đây là một số hoạt động mà thầy cô có thể tham khảo:

3.4.1. Change Chairs (Đổi ghế) 

“Change Chairs” là trò chơi đầu tiên mà FLYER muốn gợi ý đến thầy cô. Cách chơi trò này như sau: Học sinh ngồi trên ghế xếp thành một vòng tròn, quay mặt vào tâm vòng tròn đề nhìn và nghe một em học sinh khác đứng ở đó ra hiệu lệnh. Em này sẽ ra một hiệu lệnh bất kỳ với câu lệnh bắt đầu bằng: “Change chairs if…” (Đối ghế nếu …)

Ví dụ “Change chairs if you are wearing white shoes” (Đổi ghế nếu bạn đang mang giày trắng). Những em đang mang giày trắng phải đứng dậy di chuyển sang ghế khác, lúc này em đứng ở tâm vòng tròn cũng cần chạy đi tìm ghế để ngồi. Học sinh không tìm được ghế sẽ là người tiếp theo ra hiệu lệnh.

Trò chơi này thường được lồng ghép trong các tiết học về thì hiện tại đơn, thì hiện tại tiếp diễnthì quá khứ đơn. Với mỗi thì, các em cần đưa ra những câu hiệu lệnh với những nội dung nhất định, tương ứng cách dùng của mỗi thì. 

Chẳng hạn, thì hiện tại đơn được dùng cho những thông tin cá nhân cơ bản (ví dụ “Change chairs if you have a brother”, “…if you don’t like pizza”, …), thì hiện tại tiếp diễn được dùng với quần áo và phụ kiện mà các em đang mặc (ví dụ “…you wearing jeans.”), thì quá khứ đơn được dùng để chỉ những hành động đã xảy ra và kết thúc trong quá khứ (ví dụ “…you were late yesterday.”),…

3.4.2. Find Someone Who (Tìm người)

“Find Someone Who …” là trò chơi giúp không khí lớp học được khuấy động hiệu quả, hơn nữa còn làm gia tăng mức độ hiểu biết lẫn nhau giữa các em học sinh trong lớp. Để tổ chức hoạt động này, trước hết, thầy cô cần nắm được một vài thông tin cơ bản về học sinh của mình, bao gồm những sở thích, thói quen, sở trường,… của các em. Dựa vào những thông tin này, thầy cô soạn sẵn 20 câu hiệu lệnh liên quan, bắt đầu bằng “Find someone who …”, và in ra giấy để phát cho các em khi đến lớp. 

Ví dụ một số câu hiệu lệnh:

  • “Find someone who likes to eat hotdogs”
    Tìm một người thích ăn hotdog
  • “Find someone who is good at maths”
    Tìm một người giỏi toán…

Trò chơi được thực hiện thông qua ba bước sau:

  • Thầy cô phát phiếu những câu hiệu lệnh đã soạn trước đó cho mỗi học sinh, yêu cầu các em đọc lướt qua để giải nghĩa kịp thời những từ vựng mới.  
  • Khi đã hiểu toàn bộ câu lệnh, các em tiến hành di chuyển quanh lớp học, hỏi càng nhiều bạn học càng tốt về các thông tin trong bảng, cố gắng tìm ra ai đó trong lớp đáp ứng các gợi ý này.
  • Viết tên bạn học đáp ứng những thông tin gợi ý vào bảng. Học sinh nào có nhiều tên nhất sẽ thắng.

3.4.3. How Well Do You Know Your Friend

“How well do you know your friend” cũng là một trò chơi giúp các em học sinh có cơ hội hiểu biết về nhau nhiều hơn. Trò chơi này thích hợp với hầu hết mọi thì tiếng Anh, nhưng phù hợp nhất vẫn là các thì: hiện tại đơn, quá khứ đơn và tương lai đơn.

Cách thức tiến hành trò chơi như sau:

  • Giáo viên đặt một câu hỏi trước lớp liên quan đến các em học sinh, ví dụ: “What will you be when you grow up?” (Khi lớn lên bạn sẽ làm gì?) 
  • Học sinh trong lớp chia thành từng cặp, một em trong cặp sẽ viết câu trả lời của mình, trong khi em còn lại dự đoán câu trả lời của bạn mình và viết ra giấy câu trả lời dự đoán đó. 
  • Sau đó, các cặp lần lượt chia sẻ câu trả lời của mình, học sinh dự đoán câu trả lời của bạn mình sẽ là người chia sẻ trước tiên.

Ví dụ:

A: I think he will be a doctor. 

Tôi nghĩ bạn ấy sẽ là một bác sĩ.

B: No! I will be a pilot.

Không! Tôi sẽ là một phi công.

3.4.4. Kể chuyện nối tiếp

Hoạt động “Kể chuyện nối tiếp” được thực hành vô cùng đơn giản. Thầy cô yêu cầu các em ngồi thành vòng tròn, mở đầu câu chuyện bằng cụm từ quen thuộc “Once upon a time …” (Ngày xửa ngày xưa ), sau đó yêu câu một em học sinh bất kỳ nối tiếp câu chuyện với những tình tiết do em sáng tạo, và lần lượt với những học sinh kế tiếp cho đến khi kết thúc câu chuyện (thầy cô nên đạt giới hạn cho câu chuyện để tránh tình trạng lan man).

Đây có thể nói là một trò chơi tiếng Anh khá bổ ích, giúp các em vừa vận dụng được các kiến thức đã học, vừa gia tăng trí tưởng tượng và óc sáng tạo vô hạn.

3.4.5. Snowball

“Snowball” là trò chơi nối câu cho phép học sinh vận dụng các cấu trúc ngữ pháp vừa được học vào giao tiếp. Để tổ chức trò chơi này, thầy cô chỉ cần mở đầu bằng một câu bất kỳ với kiến thức đã dạy, sau đó yêu cầu học sinh nhắc lại và nối tiếp câu này bằng ý tượng của các em. 

Chẳng hạn, chủ đề ngữ pháp trọng tâm là Present Simple (Thì hiện tại đơn). Thầy cô sẽ mở đầu bằng một câu về bản thân mình (sử dụng thì hiện tại đơn), sau đó yêu cầu một học sinh bất kỳ nhắc lại câu này và bổ sung ý tưởng tiếp theo.

Ví dụ :

  • Thầy cô: I play basketball on Saturdays.
  • Học sinh: I play basketball and do homework on Saturdays.

Với trò chơi này, thầy cô có thể chia lớp thành nhóm 2 hay 3 em để thực hành nói hiệu quả nhất.

3.4.6. Spot the mistakes (Phát hiện lỗi)

Trò chơi “Spot the mistakes” cho phép học sinh được vào vai “giáo viên” và chấm điểm bài viết chứa nhiều lỗi sai. Trò chơi này giúp học sinh không những được củng cố lại các kiến thức đã học, mà còn trau dồi khả năng tự sửa lỗi sai của chính các em trong giao tiếp. 

Cách chơi trò này như sau: Thầy cô phát cho mỗi em một tờ giấy có in một đoạn văn (nên chọn một đoạn văn hài hước hoặc thú vị), trong mỗi đoạn văn sẽ có vài lỗi chính tả hoặc ngữ pháp (thầy cô nên chọn những lỗi mà các em hay mắc phải, ví dụ “alot” thay vì “a lot”). Thầy cô yêu cầu các em tìm ra các lỗi sai trong đoạn, sửa lại lỗi sai và cho điểm đoạn văn này. Chắc hẳn đa phần các em sẽ rất hào hứng trong vai trò làm giáo viên!

3.4.7. Two Truths and A Lie (Hai sự thật và một lời nói dối) 

“Two Truths and A Lie” là hoạt động đặc biệt phù hợp với tiết học về thì hiện tại hoặc quá khứ đơn. Trò chơi này được tiến hành như sau: 

  • Thầy cô yêu cầu mỗi học sinh viết 3 câu về cuộc sống của mình (sử dụng thì mà giáo viên chọn để thực hành), hai trong số đó là sự thật và một câu không đúng sự thật. 
  • Các em lần lượt trình bày 3 câu của mình trước lớp, các bạn trong lớp sẽ đặt câu hỏi để cố gắng tìm ra đâu là cầu nói dối. 
  • Trong quá trình phân tích lời nói dối và nói thật, những “phiếu bầu” của học sinh sẽ được ghi chú lại và đếm ở bước cuối cùng.

Học sinh nào lừa được nhiều bạn nhất là người chiến thắng.

3.4.8. Where Am I (Tôi đang ở đâu)

Trò chơi “Where Am I” sẽ giúp gia tăng mức độ tương tác giữa các thành viên trong lớp. Thầy cô cử một em đại diện lên ngồi trước lớp, quay lưng về phía bảng. Sau đó, thầy cô viết lên bảng một địa điểm, hoặc vị trí bất kỳ, yêu cầu các thành viên còn lại lần lượt mô tả về địa điểm, vị trí đó (mà không nhắc thẳng tên) để em học sinh được cử có thể đoán được chính xác. Để cung cấp địa điểm, vị trí phù hợp, thầy cô có thể cân nhắc về độ tuổi của học sinh: 

  • Với những học sinh nhỏ tuổi, thầy cô chỉ cần yêu cầu các em đoán địa điểm là các phòng trong nhà, trong trường hoặc những nơi quen thuộc với các em.
  • Với các lớp ở độ tuổi lớn hơn, thầy cô có thể chọn những địa điểm rộng lớn hơn như những nơi trong một thành phố, một thành phố bất kỳ hoặc một quốc gia.

3.4.9. Who Am I (Tôi là ai)

Trò chơi “Who Am I” có cách thức chơi trái ngược với trò “Where Am I”. Trong trò chơi này, thầy cô cũng đề cử một bạn bất kỳ lên ngồi ở chiếc ghế đặt giữa bục giảng và xoay lưng về phía bảng. Thầy cô tiến hành viết tên của một người nào đó lên bảng, đó có thể là một người nổi tiếng hoặc bạn cùng lớp với các em. 

Tuy nhiên, ở bước này, thay vì các thành viên bên dưới lớp mô tả cho bạn ngồi ghế đoán như trò “Where Am I” (tức bạn ngồi ghế nói ít hơn), luật chơi của trò “Who Am I” yêu cầu bạn ngồi ghế đặt câu hỏi ngược lại để các thành viên bên dưới lớp đưa ra gợi ý và các bạn này chỉ được trả lời Yes hoặc No. 

Ví dụ: 

  • Thầy cô viết lên bảng: “Justin Bieber”
  • Bạn ngồi ghế đặt câu hỏi cho cả lớp: “Is he a singer?” 
  • Các thành viên trong lớp trả lời: “Yes, he is.”

Trò chơi này đặc biệt phù hợp với những bài học ngữ pháp về thì hiện tại đơn, thì quá khứ đơn và cấu trúc câu hỏi Yes/ No. Thầy cô có thể cân nhắc điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với khả năng và trình độ lớp học của mình.

3.4.10. Word Scramble (Sắp xếp từ)

“Word Scramble” là trò chơi ngữ pháp cuối cùng mà FLYER muốn gợi ý đến quý thầy cô trong bài viết này. Đây có thể nói là một trò chơi “bất hủ” không thể thiếu trong các tiết học tiếng Anh nói chung, bởi trò chơi này giúp học sinh có thể ghi nhớ cấu tạo từ cũng như cấu trúc câu một cách hiệu quả. 

Mặc dù có tên là “Sắp xếp từ”, nhưng trò chơi này thường được tổ chức với 2 hình thức: 

  • Sắp xếp từ: Thầy cô cung cấp cho các em những chữ cái được sắp xếp ngẫu nhiên, yêu cầu các em sắp xếp lại các chữ cái này để tạo thành một từ có nghĩa.

Ví dụ: 

WOBEL (Elbow, Below)

LEPAES (Please)

  • Sắp xếp câu: Thầy cô đảo vị trí của các từ trong câu và yêu cầu học sinh sắp xếp lại các từ đó để tạo thành câu có nghĩa và có cấu trúc phù hợp.

Tham khảo thêm: <strong>Gợi ý 10+ trò chơi dạy tiếng Anh giúp khuấy động không khí lớp học tốt nhất</strong>

3.5. Đưa ngữ pháp vào ngữ cảnh, tình huống phù hợp

Giáo viên cần đưa bài học ngữ pháp vào ngữ cảnh, liên hệ với những tình huống trong cuộc sống hàng ngày để không gây nhàm chán và giúp các em có khả năng kết nối ngôn ngữ với bối cảnh thực tế. Ví dụ:

  • Thường xuyên hội thoại trong lớp, sử dụng những quy tắc ngữ pháp đã học. 
  • Nếu đang học thì hiện tại đơn, giáo viên có thể kể một câu chuyện về ngày hôm nay của mình và gợi ý để các em dùng cấu trúc ngữ pháp này nói về chính mình và về bạn bè.  
  • Một trong những cách thực hiện là hướng dẫn ngữ pháp thông qua một chủ đề. Khi những cuộc hội thoại xoay quanh một chủ đề, các khái niệm ngôn ngữ và cấu trúc ngữ pháp được liên kết với nhau một cách hiệu quả.

3.6. Ôn tập thường xuyên

Không riêng ngữ pháp, việc ôn tập thường xuyên luôn là phương pháp học hữu hiệu đối với bất kỳ mảng kiến thức nào. Nếu chỉ học qua một lần mà không củng cố và luyện tập, kiến thức sẽ khó có thể lưu trữ vào trí nhớ dài hạn, đặc biệt là với trẻ em khi học những kiến thức mang tính trừu tượng như ngữ pháp.

Để khuyến khích và hỗ trợ các em ôn tập ngữ pháp đều đặn, thầy cô có thể tham khảo một số cách sau:

  • Tổ chức cho các em chơi trò chơi đầu tiết để ôn bài tiết trước, vừa giúp các em nhớ lại kiến thức đã học lại vừa tăng sự hứng thú để bắt đầu một tiết học mới.
  • Cho các em thảo luận nhóm, vận dụng những kiến thức đã học để kích thích việc chủ động tư duy ở các em.
  •  Làm flashcards, banner, vẽ tranh,… sử dụng kiến thức đã học để gợi nhắc kiến thức một cách sinh động giúp các em dễ ghi nhớ hơn.
  • Cho các em nghe nhạc hoặc xem phim, và tìm những từ đã được học ở tiết trước. Nhóm nào tìm được nhiều từ vựng nhất thì sẽ giành phần thắng.

4. Các giai đoạn dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em tham khảo

Các giai đoạn dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em tham khảo
Các giai đoạn dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em tham khảo

Để dạy một kiến thức ngữ pháp mới cho trẻ em, thầy cô cần đi qua 5 giai đoạn sau:

4.1. Trình bày

Giai đoạn “Trình bày” là giai đoạn thầy cô truyền đạt kiến thức mới cho học sinh. Ở giai đoạn này, các em chỉ tiếp cận lý thuyết mà không có bất kỳ hoạt động thực hành nào, do đó có thể dẫn đến mất tập trung và chán nản trước lượng kiến thức cần học. 

Để hạn chế tình trạng này, thầy cô có thể tham khảo và vận dụng kết hợp các phương pháp mà FLYER gợi ý bên trên nhằm sinh động hóa các lý thuyết được trình bày. Qua đó, trẻ sẽ được tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên nhất mà không gặp bất kỳ khó khăn, trở ngại nào. 

4.2. Luyện tập thụ động

Luyện tập thụ động là giai đoạn học sinh luyện tập kiến thức vừa học thông qua việc tiếp nhận và xử lý nguồn thông tin đầu vào (nghe/ đọc). Quá trình này không yêu cầu học sinh phản hồi lại nguồn thông tin này, tức không luyện tập nói/ viết.

Ở giai đoạn này, thầy cô có thể cho học sinh nghe/ đọc và nhận diện điểm ngữ pháp vừa học. Đây là nền tảng để các em tiến lên các bước thực hành chủ động hơn.

4.3. Tập trung vào câu mẫu 

Sau phần luyện tập thụ động, khi trẻ đã dần làm quen được với các kiến thức vừa học, thầy cô từng bước cho trẻ luyện tập chủ động thông qua những bài tập ngắn, đơn giản như lặp lại các câu ví dụ với điểm ngữ pháp vừa học, điền từ/ cấu trúc câu vào chỗ trống, trắc nghiệm chọn đáp án đúng,…

Thầy cô không nên bắt đầu với các dạng bài tập phức tạp ở giai đoạn này, bởi có thể khiến trẻ bị quá tải kiến thức, khó ghi nhớ bài học và trở nên chán nản nhanh chóng.

4.4. Thực hành

Nếu ở giai đoạn trước, trẻ đã được làm quen với việc luyện tập chủ động thông qua các bài tập ngắn, đơn giản, thì đến giai đoạn “Thực hành”, quá trình luyện tập chủ động sẽ “nâng cấp” hơn. 

Ở giai đoạn này, thầy cô cần thiết kế những hoạt động yêu cầu các em luyện tập các kỹ năng nói – viết nhiều nhất có thể. Thông qua đó, các kiến thức mà thầy cô dạy sẽ được chuyển hóa mạnh mẽ trở thành kiến thức của riêng các em. Đồng thời, cũng qua những hoạt động “đầu ra” này, thầy cô sẽ đánh giá được kiến thức “đầu vào” của trẻ, từ đó có thể điều chỉnh giáo án phù hợp. 

Một số hoạt động thực hành phổ biến và hiệu quả mà thầy cô có thể tham khảo như: 

  • Thảo luận nhóm về một sự kiện lịch sử sau khi học về thì quá khứ đơn. 
  • Lập các nhóm đôi để hỏi về sở thích, thói quen của nhau sau khi học thì hiện tại đơn. 
  • Thiết kế poster cho một sự kiện, vận dụng cách viết ngày, tháng, năm và địa điểm vừa được học. 
  • Viết thư hỏi thăm một người bạn phương xa.


  • Ngoài ra, thầy cô có thể sáng tạo thêm nhiều hoạt động khác tùy thuộc vào bài học và đặc điểm lớp học, với hai kỹ năng trọng tâm trong giai đoạn này là nói và viết.

4.5. Ôn tập 

Giai đoạn cuối cùng và cũng là quan trọng nhất của một tiết học chính là giai đoạn “Ôn tập”. Sau khi dạy lý thuyết, thực hành thụ động và chủ động, thầy cô cần dành ít nhất 5 phút cuối tiết để tổng kết bài học và điểm lại những nội dung chính yếu, quan trọng mà các em cần nắm. Nếu thầy cô không thực hiện bước này, học sinh có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ bài học về lâu dài và trong việc chuẩn bị bài mới cho tiết sau. 

Trên đây là 5 giai đoạn cơ bản nhất của một tiết học ngữ pháp và các kiến thức tiếng Anh khác nói chung. Dựa vào 5 giai đoạn trên, thầy cô có thể tham khảo, điều chỉnh giáo án cũng như thiết kế các hoạt động sáng tạo sao cho phù hợp, hiệu quả nhất với các em học sinh của mình. 

5. Một số nền tảng luyện tập ngữ pháp hiệu quả dành cho trẻ em

Một số nền tảng luyện tập ngữ pháp hiệu quả dành cho trẻ em
Một số nền tảng luyện tập ngữ pháp hiệu quả dành cho trẻ em

Công nghệ giáo dục đang ngày càng phát triển tạo cơ hội cho thầy cô được tiếp cận với các phương pháp dạy học sáng tạo, sinh động hơn bao giờ hết. Đặc biệt, sự phát triển này cũng hỗ trợ thầy cô đáng kể khi đứng trước những “bài toán khó” như việc dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em, giúp thầy cô tiết kiệm nhiều thời gian và công sức hơn trong quá trình soạn giáo án. Mời thầy cô cùng FLYER điểm qua một số nền tảng dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ cực kỳ hiệu quả sau đây: 

  • 15 game học tiếng Anh hiệu quả cho trẻ tại FLYER (những trò chơi hấp dẫn luyện ngữ pháp một cách hiệu quả như “Word Cookies!”, “Wordalot”, “Duolingo”, “Monkey Stories”, “LearnEnglish Kids: Playtime”…)
  • en.islcollective.com (163 Kids grammar English ESL video lessons)
  • hkids.britishcouncil.org (Grammar videos)
  • eJoy Epic English Courses
  • cambridgeenglish.org (Activities for children)
  • education.com/games/

Đi đôi với việc học lý thuyết không thể thiếu việc thực hành các điểm ngữ pháp đã được học. Dưới đây là những nền tảng chất lượng hỗ trợ trẻ luyện tập ngữ pháp tiếng Anh, thầy cô có thể tham khảo để thiết kế các buổi luyện tập sinh động sau những giờ học lý thuyết hàn lâm, giúp các em tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn:

  • “FLYER Practice” với các dạng bài tập đa tương tác, vui nhộn và đầy hứng thú. Với tính năng này của FLYER, các em chỉ cần luyện tập nhanh với các bài ôn tập chỉ có độ dài 5 – 10 phút. Các em dễ dàng luyện nhanh 2-3 bài tập trong lúc rảnh, bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào. 
  • perfect-english-grammar.com 
  • english.britishcouncil.org
  • englishgrammar.org
  • elt.oup.com (Oxford Practice Grammar)

6. Một số khó khăn trong quá trình dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em và cách khắc phục

Một số khó khăn trong quá trình dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em và cách khắc phục
Một số khó khăn trong quá trình dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em và cách khắc phục

6.1. Những vấn đề thường gặp khi dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em

Ngữ pháp tiếng Anh là một trong những phần kiến thức được xem là khá phức tạp và khó nhớ đối với trẻ em. Hiểu được lý do trẻ khó tiếp thu ngữ pháp sẽ giúp thầy cô tìm được biện pháp khắc phục vấn đề này hiệu quả. Sở dĩ, nguyên nhân trẻ “sợ” học ngữ pháp tiếng Anh là do bắt nguồn từ những yếu tố sau đây:

  • Kiến thức ngữ pháp khá trừu tượng so với mức độ phát triển tư duy của trẻ em.
  • Trẻ em thích học thông qua hình ảnh trực quan và hoạt động vui nhộn, trong khi đó, các lý thuyết ngữ pháp lại quá hàn lâm và khô khan.
  • Khả năng tập trung của trẻ em còn hạn chế, dẫn đến việc khó tập trung lâu vào lượng kiến thức nhiều và dài như ngữ pháp. 
  • Vốn từ vựng của trẻ còn hạn chế, khó hiểu hết được các thuật ngữ khi học ngữ pháp.
  • Trẻ thường không hiểu được mục đích của việc học ngữ pháp, do đó không hình thành được động lực học.

6.2. Một số cách khắc phục để dạy ngữ pháp tiếng Anh hiệu quả

Vì một số nguyên nhân FLYER đã chia sẻ ở phần trước, trẻ em có thể cảm thấy khó khăn trong việc tiếp thu ngữ pháp tiếng Anh. Vì vậy, thầy cô cũng cần phải có những biện pháp khắc phục giúp việc dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ hiệu quả hơn. Sau đây là một số gợi ý đến từ FLYER:

Thầy cô nên dạy ngữ pháp một cách đơn giản nhất có thể: 

  • Thầy cô sử dụng ngôn ngữ đơn giản và tự nhiên nhất có thể để giải thích các thuật ngữ hoặc điểm ngữ pháp phức tạp, có thể sử dụng các biện pháp so sánh, nhân hóa vui nhộn để các con dễ hình dung và tiếp thu bài tốt hơn.
  • Tập trung vào những điểm ngữ pháp cơ bản cũng như quy tắc trọng tâm nhất, tối ưu hóa kiến thức hết mức có thể, tránh tình trạng trẻ cảm thấy áp lực vì bị dồn kiến thức.
  • Tạo thói quen sử dụng đúng ngữ pháp bằng cách cho học sinh lặp lại nhiều lần các mẫu câu quen thuộc. 

Tạo động lực:

Nếu giáo viên cho bài tập hoặc trò chơi quá khó, học sinh có thể chán nản và dễ bỏ cuộc, thậm chí là đánh giá sai khả năng thực tế của bản thân. Ngược lại, những hoạt động quá đơn giản có thể không đủ để kích thích các em “ở lại” cho đến khi hoạt động kết thúc. Do đó, các trò chơi, bài tập, các hoạt động nhóm… cần có tính thử thách nhưng không nên quá khó để khơi gợi tính chinh phục và ham học hỏi của trẻ.

Thầy cô cần có cách trình bày bài giảng rõ ràng:

  • Nên trình bày cấu trúc ngữ pháp trong một ngữ cảnh cụ thể giúp các em dễ dàng liên kết ngôn ngữ với thực tế và thấy được tính ứng dụng của ngôn ngữ. 
  • Dạy ngữ pháp lồng ghép với các chủ đề giao tiếp quen thuộc. (ví dụ: giới thiệu sở thích -> sử dụng thì hiện tại đơn; kể về một câu chuyện đã qua -> sử dụng thì quá khứ đơn,…) 
  • Đưa ra nhiều ví dụ trực quan, cụ thể.

Trẻ em đôi khi thiếu kiên nhẫn, đặc biệt trong trường hợp các em không thể diễn đạt suy nghĩ của mình bằng tiếng Anh. Giáo viên nên cung cấp cho các em nhiều mảng kiến thức khác nhau dưới dạng bài hát, thơ , kịch…dễ nhớ, các em sẽ dần tích lũy được nhiều từ vựng và biết cách sử dụng phù hợp.

7. Tổng kết

Thông qua bài viết trên của FLYER, mong rằng thầy cô có thể đúc kết được cho mình những phương pháp dạy ngữ pháp tiếng Anh cho trẻ em hiệu quả và phù hợp. Chúc thầy cô có những tiết học thú vị cùng các bạn nhỏ!

Thầy, cô quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào giảng dạy tiếng Anh Cambridge, TOEFL, IOE,…?

FLYER SCHOOL đem đến trải nghiệm luyện thi tiếng Anh sinh động & đa tương tác với các tính năng học tập mô phỏng game!

Tiết kiệm thời gian & chi phí soạn đề với 1700+ đề thi thử Cambridge, TOEFL, IOE, BGD,…

Quản lý hàng ngàn học sinh hiệu quả, tối ưu & tự động với Trang Quản lý lớp

Tính năng nổi bật: Theo dõi tiến độ học tập, giao bài tập online, tạo phòng thi ảo thi đua cho học sinh, tính năng Kiểm tra đầu vào, tạo bài luyện thi ngắn,…

Chấm điểm Speaking với AI (tính năng mới!)

Giảng dạy tiếng Anh theo cách thú vị, hiệu quả hơn với Phòng thi ảo FLYER ngay hôm nay!

Để được tư vấn thêm, thầy/ cô vui lòng liên hệ với FLYER qua hotline 086.879.3188

>>>Xem thêm

Comments

Subscribe
Notify of
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
Mai Duy Anh
Mai Duy Anhhttps://flyer.vn/
Tốt nghiệp đại học FPT với chứng chỉ TOEFL 100. Từng làm sáng tạo nội dung hoàn toàn bằng tiếng Anh cho thương hiệu thời trang đến từ Pháp: Yvette LIBBY N'guyen Paris và Công ty TNHH Âm Nhạc Yamaha Việt Nam. Mục tiêu của tôi là sáng tạo ra những nội dung mang kiến thức về tiếng Anh độc đáo, bổ ích nhưng cũng thật gần gũi và dễ hiểu cho nhiều đối tượng người đọc khác nhau.

Related Posts