Mô Hình SAMR 4 cấp độ – Thầy cô đang ứng dụng công nghệ vào dạy học ở mức độ nào? 

Công nghệ đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong lớp học. Từ những việc đơn giản như sử dụng slides để giảng dạy, cho đến các mô hình mới lạ như lớp học trực tuyến và lớp học hỗn hợp. Tuy nhiên, liệu thầy cô đã tận dụng hết tiềm năng của công nghệ trong giảng dạy? Mô hình SAMR sẽ là công cụ giúp thầy cô xác định cấp độ ứng dụng công nghệ hiện tại của mình và khám phá những cấp độ ứng dụng cao hơn, hiệu quả hơn nữa trong giảng dạy tiếng Anh. Bài viết sau đây, FLYER sẽ cùng thầy cô tìm hiểu chi tiết về mô hình này và cách áp dụng nó trong thực tiễn.

1. Mô hình SAMR là gì?

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Mô hình SAMR là gì?

Mô hình SAMR là mô hình thể hiện 4 cấp độ ứng dụng công nghệ vào giáo dục, được thiết kế bởi Tiến sĩ Ruben Puentedura. SAMR là từ viết tắt của 4 cấp độ bao gồm: Substitution (Thay thế), Augmentation (Tăng cường), Modification (Sửa đổi) và Redefinition (Định nghĩa lại).

Qua từng cấp độ tích hợp công nghệ khác nhau, các thầy cô hiểu rõ hơn về tiềm năng của công nghệ trong việc cải tiến chương trình giảng dạy, từ đó có biện pháp tận dụng công nghệ trong lớp học tiếng Anh một cách hiệu quả và có ý nghĩa nhất.

2. Bốn cấp độ tích hợp công nghệ trong mô hình SAMR

Mức độ tích hợp công nghệ trong giảng dạy  mở rộng hơn qua từng cấp độ của mô hình SAMR. Giai đoạn “Thay thế” và “Tăng cường” giúp hỗ trợ ban đầu cho việc tiếp thu kiến thức, trong khi giai đoạn “Sửa đổi” và “Định nghĩa lại” ứng dụng công nghệ trong giáo dục (EdTech) để đổi mới việc dạy và học một cách toàn diện.

Thầy cô có thể tìm hiểu chi tiết về 4 cấp độ của mô hình SAMR sau đây:

2.1. Thay thế – Substitution

“Thay thế” – Substitution là cấp độ ứng dụng công nghệ vào giảng dạy cơ bản nhất, trong đó công nghệ được sử dụng để thay thế trực tiếp cho các phương pháp dạy học truyền thống.

Ở cấp độ này, thầy cô có thể cắt giảm các công việc tốn nhiều công sức với bút và giấy. Thay vì in ra hơn 20 tờ tài liệu chất đống, thầy cô hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ để dễ dàng quản lý tài liệu chỉ bằng vài cú nhấp chuột. 

Giai đoạn “Thay thế” cũng giúp học sinh bắt đầu làm quen với việc sử dụng công nghệ trước khi bước sang các giai đoạn tiếp theo là “Sửa đổi” và “Định nghĩa lại”. 

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Mô hình SAMR – Cấp độ Thay thế

Một số cách ứng dụng công nghệ ở cấp độ “Thay thế”:

  • Yêu cầu học sinh đánh máy và nộp bài tập của mình trên máy tính thay vì viết tay.
  • Sử dụng từ điển trực tuyến để tra từ thay cho từ điển truyền thống.
  • Đăng tải lý thuyết bài học dưới dạng một bản PDF để học sinh có thể truy cập, thay vì in ra và phát tài liệu trên lớp.
  • Sử dụng bảng trắng tương tác kỹ thuật số thay vì bảng đen truyền thống và lưu kết quả trên máy tính của mình.

Một điều thầy cô cần chú ý đó là ở giai đoạn này, việc tích hợp nên diễn ra dần dần và kết hợp linh hoạt với phương pháp truyền thống. Hãy đảm bảo rằng mục đích cuối cùng của công nghệ luôn hướng đến việc giúp cho quá trình dạy và học trở nên nhanh và hiệu quả hơn. 

2.2. Tăng cường – Augmentation

Ở cấp độ “Tăng cường”, vai trò của công nghệ biến đổi từ việc chỉ mang lại sự thuận tiện, đến thực sự bổ sung thêm điều gì đó vào quá trình học tập. Công nghệ có thể khiến một chủ đề kiến thức phức tạp trở nên dễ hiểu và hấp dẫn theo cách mà các phương pháp truyền thống không thể làm được.

Nhờ công nghệ, thầy cô cũng có thể khuyến khích học sinh học tập chủ động hơn và không cần quá phụ thuộc vào sự hướng dẫn của giáo viên.

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Mô hình SAMR – Cấp độ Tăng cường

Một số ví dụ về vai trò tăng cường của công nghệ trong giảng dạy:

  • Yêu cầu học sinh tự thiết kế các bài thuyết trình bằng PowerPoint hoặc các ứng dụng sáng tạo khác.
  • Yêu cầu học sinh tự tìm hiểu trước về kiến thức hoặc tra từ mới tại nhà bằng cách sử dụng Internet.
  • Học sinh sử dụng các chương trình EdTech để chơi các trò chơi ứng dụng kiến thức, đồng thời giúp thầy cô theo dõi sự tiến bộ của học sinh dễ dàng hơn.
  • Sử dụng bài hát tiếng Anh, phim tiếng Anh hoặc PowerPoint để củng cố thêm cho bài giảng của giáo viên dễ hiểu và trực quan hơn.

2.3. Sửa đổi – Modification

Ở giai đoạn “Sửa đổi”, công nghệ được sử dụng để thiết kế các nhiệm vụ tương tác và năng động vượt xa giới hạn của một lớp học truyền thống. Nhờ đó, việc giảng dạy hướng đến lấy học sinh làm trung tâm và khai thác được tiềm năng của các em.

Ví dụ, học sinh có thể tự mình tạo ra các tài liệu học tập và chia sẻ kiến thức theo nhóm lớn trên các app học tập. Các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cũng cho phép học sinh tạo ra những tác phẩm đầy cảm hứng và sáng tạo mà không bị giới hạn trên giấy.

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Mô hình SAMR – Cấp độ Sửa đổi

Ở cấp độ này, thầy cô có thể tích hợp công nghệ trong lớp học tiếng Anh theo những biện pháp sau:

  • Học sinh tạo podcast tiếng Anh về một chủ đề nào đó, sau đó các học sinh khác có thể truy cập những tài liệu này dưới dạng tài nguyên ôn tập.
  • Học sinh tạo một bài thuyết trình bằng video thay cho bài thuyết trình thông thường. Các em có thể tùy ý sử dụng giọng nói của mình cùng với các phương thức khác sáng tạo hơn.
  • Học sinh sử dụng công nghệ giúp giải thích các khái niệm trừu tượng một cách trực quan và có tính tương tác cao (ví dụ: du hành trên Google Earth để khám phá các địa điểm khác nhau trên thế giới).

2.4. Định nghĩa lại – Redefinition

“Định nghĩa lại” là cấp độ phức tạp nhất của SAMR, giúp thầy cô sử dụng công nghệ để tạo ra những cơ hội học tập hoàn toàn mới.

Điều này cho phép học sinh ứng dụng kiến thức đã học trong thế giới thực, phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như kỹ năng sử dụng máy tính, kỹ năng giao tiếp, và khả năng thích ứng với thế giới mới. Hơn thế nữa, việc sử dụng công nghệ để định nghĩa lại hoạt động học tập sẽ mang lại một lớp học năng động, gắn kết và giúp học sinh phát triển tư duy cầu tiến.

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Mô hình SAMR – Cấp độ Định nghĩa lại

Một số hoạt động có thể kể đến như:

  • Tạo cơ hội để học sinh thực hành giao tiếp tiếng Anh với các thầy cô và bạn học khác trên khắp thế giới qua Internet.
  • Ứng dụng thực tế ảo trong lớp học trực tuyến để tối ưu tương tác ngôn ngữ.
  • Kết hợp AI hỗ trợ học sinh cải thiện phát âm tiếng Anh nhanh chóng và chính xác hơn.
  • Thử thách học sinh với những bài tập sử dụng các phương tiện mở rộng như sản xuất phim ngắn, thiết kế trang web, v.v.

“Định nghĩa lại” không có nghĩa thầy cô phải sử dụng đến công nghệ cao. Trải nghiệm học tập sẽ được định nghĩa lại nếu công nghệ được tích hợp một cách xuyên suốt và hiệu quả để mở ra những cánh cửa mới cho tiềm năng học tập của học sinh, bất kể đó là công nghệ phức tạp hay đơn giản.

Tuy nhiên, thầy cô cũng nên lưu ý rằng không phải lúc nào chúng ta cũng cần “định nghĩa lại” việc học của học sinh. Với một chiến lược giảng dạy hiệu quả, chỉ cần tích hợp một chút công nghệ đã đủ để tạo ra sự khác biệt. 

3. Lợi ích của mô hình SAMR trong giảng dạy

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Lợi ích của mô hình SAMR

3.1. Lợi ích của mô hình SAMR đối với giáo viên

Mô hình SAMR có vai trò như chiếc “kim chỉ nam” cho các thầy cô khi quyết định tích hợp công nghệ trong lớp học tiếng Anh của mình. Ba lợi ích chính của việc sử dụng mô hình này bao gồm:

  • Giúp thầy cô hiểu được tiềm năng của công nghệ trong việc hỗ trợ và cải cách quá trình dạy và học: Mô hình SAMR cung cấp một góc nhìn toàn cảnh và cho thầy cô thấy có thể tận dụng công nghệ một cách sâu sắc và toàn diện hơn nữa trong lớp học như thế nào. Hiểu biết về tiềm năng của công nghệ, thầy cô cũng có thể đưa ra những quyết định mang tính chiến lược cho kế hoạch giảng dạy của mình. 
  • Thầy cô tự đánh giá việc ứng dụng công nghệ trong dạy học của mình và khám phá những cơ hội mới: Qua 4 cấp độ của việc tích hợp công nghệ, thầy cô có thể dễ dàng đánh giá mình đang ở đâu trên thang đo này, cải thiện những điểm chưa tốt và tìm ra cách ứng dụng công nghệ hiệu quả hơn.
  • Truyền cảm hứng để thầy cô tìm đến những phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn: Ở cấp độ cuối cùng, “Định nghĩa lại”, công nghệ được sử dụng để tạo ra những trải nghiệm học tập hoàn toàn mới mà cách dạy học truyền thống không thể thực hiện được. Thầy cô có thể sử dụng trí tưởng tượng của mình để chạm đến cấp độ cao nhất này, nơi trải nghiệm học tập được tái tạo và mở ra những cơ hội mới cho học sinh.

3.2. Lợi ích của mô hình SAMR đối với học sinh

Việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy nói chung, và việc sử dụng mô hình SAMR nói riêng, cũng mang lại sự trợ giúp to lớn cho việc học tập của học sinh:

  • Làm quen với công nghệ và sử dụng công nghệ trong học tập: Thông qua 4 cấp độ tích hợp công nghệ, học sinh được đi qua từng bước từ tiếp xúc, làm quen đến dần dần làm chủ công nghệ. Mô hình SAMR cũng khuyến khích học sinh học tập chủ động và tự mình khám phá ra những cách sáng tạo để sử dụng công nghệ phục vụ cho mục đích học tập.
  • Hình thành những kỹ năng quan trọng trong thời đại mới: Hiện nay, cùng với tiếng Anh, kỹ năng vi tính là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong thế giới hiện đại. Việc tiếp xúc với công nghệ trong trường học giúp các em rèn luyện kỹ năng này từ sớm. Những kỹ năng khác đi kèm như kỹ năng tự học, thuyết trình và làm việc nhóm cũng sẽ được phát huy.
  • Được truyền cảm hứng sử dụng công nghệ đúng cách: Việc giáo viên ứng dụng công nghệ trong lớp học cho học sinh thấy rằng thầy cô đang liên hệ việc học với thế giới không ngừng biến đổi ngoài kia. Các em học được cách thích nghi và chấp nhận những thử thách mới trong cuộc sống. Dưới sự hướng dẫn và giám sát của giáo viên, học sinh cũng học được cách sử dụng công nghệ cho những việc bổ ích và có ý nghĩa.

4. Ứng dụng thực tiễn của mô hình SAMR trong lớp học tiếng Anh

Như vậy, mô hình SAMR là một công cụ hữu ích giúp định hướng công tác tích hợp công nghệ trong giảng dạy. Trong thực tế, thầy cô có thể ứng dụng mô hình này như thế nào? Sau đây là chi tiết từng bước cách thầy cô sử dụng SAMR cho lớp học tiếng Anh của mình:

4.1. Ở cấp độ Thay thế

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Ứng dụng mô hình SAMR ở cấp độ Thay thế

Với những bước đầu tiên trong hành trình tích hợp công nghệ, thầy cô có thể khuyến khích học sinh sử dụng công nghệ để giải quyết các nhiệm vụ quen thuộc. 

Ví dụ, thay vì tra từ bằng từ điển truyền thống, học sinh có thể sử dụng những công cụ tra từ online như từ điển Cambridge, từ điển Oxford, v.v. Thay vì ghi chép và học thuộc từ vựng thầy cô viết trên bảng, thầy cô có thể giới thiệu với học sinh những ứng dụng học từ hiệu quả như Quizlet. Hoặc với bài tập về nhà, học sinh có thể đánh máy câu trả lời và nộp bài trực tuyến qua Teams hay Google Classroom. Điều này giúp giáo viên chấm và chữa bài thuận tiện và kỹ càng hơn. 

Tóm lại, hãy sử dụng công nghệ để thay thế những hoạt động học tập đã lỗi thời và kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc thay thế này nên diễn ra tuần tự và đều đặn, giúp học sinh dần thích nghi với phương pháp học tập mới trước khi đến với những cấp độ tiếp theo.

4.2. Ở cấp độ Tăng cường

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Ứng dụng mô hình SAMR ở cấp độ Tăng cường

Ở cấp độ Tăng cường, thầy cô có thể sử dụng những công cụ trực quan như PowerPoint, video hoặc hình ảnh để biến những khái niệm trừu tượng trở nên sống động và dễ hiểu hơn. Các trò chơi học tập như Kahoot!, Baamboozle, Quizizz để ôn tập từ mới và ngữ pháp cũng được nhiều thầy cô ứng dụng như một cách khuấy động không khí đầu buổi học. 

Ngoài ra, việc tích hợp các công cụ tương tác trực tuyến như Google Docs & Sheets hay Figma tạo ra một nền tảng chung cho phép học sinh chia sẻ và trao đổi ý kiến với mọi người, phù hợp với hoạt động brainstorm hoặc làm việc nhóm. Không dừng lại ở đó, học sinh có thể bổ sung ý tưởng của mình và chia sẻ đường link đó với các bạn học khác ngoài giờ học. Qua hoạt động này, học sinh được khuyến khích để chủ động khám phá lợi ích của công nghệ và ứng dụng nó cho riêng mình.

4.3. Ở cấp độ Sửa đổi

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Ứng dụng mô hình SAMR ở cấp độ Sửa đổi

Với cấp độ Sửa đổi, các bài tập “cũ” được thiết kế lại để kết hợp với công nghệ mới. Ví dụ, với một chủ đề từ vựng, thầy cô có thể yêu cầu học sinh lên kịch bản và quay một video ngắn. Học sinh có thể tự do sáng tạo và ứng dụng công nghệ theo cách riêng của mình. Một vài học sinh có thể chỉ đơn giản là ghi âm và ghép các đoạn video lại. Các học sinh khác có thể ghép thêm nhạc nền, thêm hiệu ứng và hoạt họa, v.v. Từng học sinh sẽ khám phá và sử dụng công nghệ theo các phương pháp khác nhau. Thầy cô có thể điều chỉnh thêm những yêu cầu về bài tập để thử thách học sinh. Có thể sức sáng tạo và khả năng thích nghi của các em sẽ khiến thầy cô phải bất ngờ đấy!

4.4. Ở cấp độ Định nghĩa lại

Mô Hình SAMR – Tích Hợp Công Nghệ Lớp Học
Ứng dụng mô hình SAMR ở cấp độ Định nghĩa lại

Đến với cấp độ cuối cùng cũng là lúc thầy cô thúc đẩy việc học tập chủ động ở học sinh đến mức cao nhất. Hãy hỏi ý kiến của học sinh về những cách mà các em nghĩ công nghệ có thể hỗ trợ mình trong học tập. Thầy cô cũng có thể đưa ra những gợi ý và hướng dẫn các em sử dụng những công cụ mới. Ví dụ, những ứng dụng trò chuyện trực tuyến như Zoom, Skype có thể được đưa vào lớp học để các em giao tiếp bằng tiếng Anh với các thầy cô và bạn nước ngoài. Hoặc thầy cô có thể yêu cầu học sinh xây dựng một trang web, ghi lại một podcast dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra, ứng dụng những công nghệ hiện đại như AI (trí thông minh nhân tạo) hay công nghệ thực tế ảo để tạo ra một môi trường học tiếng Anh chủ động cũng là một cách tiếp cận mới lạ và thú vị.

5. Một số câu hỏi thường gặp về mô hình SAMR

Mô hình SAMR dùng để làm gì?

Mô hình SAMR là công cụ giúp giáo viên đánh giá hiệu quả của việc tích hợp công nghệ trong lớp học. Nó đưa ra phương hướng mà công nghệ có thể và nên được sử dụng để tạo ra trải nghiệm học tập tuyệt vời cho học sinh.

Tôi có thể tích hợp công nghệ trong lớp học như thế nào?

Có nhiều cách mà thầy cô có thể tích hợp công nghệ trong lớp học, ví dụ như:
– Sử dụng và đăng tải tài liệu online thay vì sử dụng giấy bút
– Ứng dụng EdTech và các chương trình trò chơi học tập trực tuyến
– Sử dụng PowerPoint và video để hỗ trợ cho bài giảng
– Yêu cầu học sinh thiết kế slide/website/quay phim ngắn/ghi âm podcast để thực hành những kiến thức đã học.

Các cấp độ của SAMR là gì?

Có 4 cấp độ trong mô hình SAMR:
– Substitution – Thay thế: Sử dụng công nghệ thay thế cho phương pháp truyền thống, chưa có cải thiện rõ rệt về cách học.
– Augmentation – Tăng cường: Sử dụng công nghệ giúp bài học dễ hiểu và hấp dẫn hơn.
– Modification – Sửa đổi: Sử dụng công nghệ thiết kế lại các hoạt động học tập.
– Redefinition – Định nghĩa lại: Sử dụng công nghệ để tạo ra những hoạt động học tập mới chưa từng có trước đây.

6. Tổng kết

Tóm lại, mô hình SAMR là mô hình tích hợp công nghệ trong lớp học bao gồm 4 cấp độ: Thay thế, Sửa đổi, Tăng cường và Định nghĩa lại. Mô hình này đặc biệt hữu ích đối với những thầy cô đang tìm cách đánh giá độ hiệu quả của việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy, đồng thời giúp thầy cô khám phá tiềm năng vô hạn cho sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và giáo dục. Hy vọng thông qua bài viết trên đây của FLYER, thầy cô đã hiểu hơn về mô hình SAMR và có thêm gợi ý về cách tích hợp công nghệ trong lớp học tiếng Anh của mình.

Ba mẹ mong muốn con rinh chứng chỉ Cambridge, TOEFL Primary,…?

Tham khảo ngay gói luyện thi tiếng Anh trên Phòng thi ảo FLYER – Con giỏi tiếng Anh tự nhiên, không gượng ép!

✅ Truy cập 1700+ đề thi thử & bài luyện tập mọi cấp độ Cambridge, TOEFL, IOE, thi vào chuyênm,,,

Học hiệu quả mà vui với tính năng mô phỏng game độc đáo như thách đấu bạn bè, games từ vựng, quizzes,…

✅ Chấm, chữa bài luyện Nói chi tiết với AI Speaking

Theo sát tiến độ học của con với bài kiểm tra trình độ định kỳ, báo cáo học tập, app phụ huynh riêng

Tặng con môi trường luyện thi tiếng Anh ảo, chuẩn bản ngữ chỉ chưa đến 1,000VNĐ/ngày!

Xem thêm:

    Đăng ký Đối tác

    Comments

    Subscribe
    Notify of
    guest
    0 Comments
    Inline Feedbacks
    View all comments
    080_NÔNG TUỆ TÂM
    080_NÔNG TUỆ TÂM
    "Yesterday is history. Tomorrow is a mystery, but today is a gift. That's why it's called the present."

    Related Posts