Bạn muốn tiến bộ thật nhanh chóng trong tiếng Anh? Bạn muốn ghi nhớ được nhiều từ vựng mới cùng một lúc nhưng việc học từ mới lại quá khó khăn và bạn cứ thường xuyên quên đi những từ đã học? Đừng lo lắng, đây là vấn đề mà rất nhiều người học tiếng Anh khác cũng gặp phải.
Trong bài viết này, FLYER sẽ giới thiệu đến bạn một phương pháp là “chìa khóa” giải quyết những vấn đề ghi nhớ trong việc học từ vựng – đó là phương pháp “spaced repetition”. Hãy cùng tìm hiểu về phương pháp này và những lợi ích mà nó mang lại nhé.
1. “Spaced repetition” là gì?
“Spaced repetition” còn gọi là kỹ thuật “lặp lại ngắt quãng”, là kỹ thuật gia tăng thời gian giữa những lần ôn tập, tức lặp đi lặp lại những kiến thức đã học theo chu kỳ.
Sự lặp lại theo khoảng cách sẽ tối đa hóa khả năng não bộ lưu giữ thông tin. Điều này được gọi là “hiệu ứng giãn cách”, nghĩa là học tập được “giãn cách” theo thời gian thay vì nhồi nhét cùng một lúc.
Kỹ thuật này thường được áp dụng khi bạn muốn ghi nhớ một lượng lớn kiến thức, đặc biệt thích hợp trong việc học từ vựng thuộc một ngoại ngữ nào đó.
Đọc thêm: Từ A đến Z phương pháp Shadowing giúp giao tiếp tiếng Anh như người bản xứ
1.1. Nội dung của phương pháp “spaced repetition”
Phương pháp “Spaced repetition” giúp người học phân bổ tần suất ôn tập các kiến thức đã học phù hợp. Khoảng cách giữa các lần ôn tập sẽ tăng dần theo thời gian.
Việc lặp lại ngắt quãng sẽ giúp người học ghi nhớ dễ dàng các kiến thức mới và lưu giữ thông tin lâu dài hơn. Nhờ việc tiếp xúc nhiều lần với thông tin trong những khoảng thời gian cụ thể, dần dần các thông tin sẽ được đưa vào hệ thống trí nhớ dài hạn.
Có 2 cách ứng dụng phương pháp “spaced repetition” thường dùng:
- Chu kỳ không đổi. Ví dụ 3 ngày x 3 chu kỳ, tức là bạn sẽ dành thời gian để học về một chủ đề kiến thức. 3 ngày sau khi học kiến thức này lần đầu tiên, bạn tiến hành ôn lại và tiếp tục ôn tập sau 3 ngày tiếp đến. Như vậy tổng cộng bạn sẽ ôn tập phần kiến thức này tổng cộng 3 lần và mỗi lần cách nhau 3 ngày.
- Ngày càng dài ra. Ví dụ 2 ngày sau, 4 ngày sau, rồi đến 8 ngày sau khi học. Tương tự như trên, nhưng với cách ứng dụng này, khoảng cách giữa những lần ôn luyện cùng một chủ đề kiến thức sẽ được kéo giãn ra dần theo thời gian.
1.2. Cơ sở khoa học của phương pháp “spaced repetition”
Việc ứng dụng nguyên lý lặp lại ngắt quãng vào việc học đã được đề cập từ lâu (“Tâm lý trong việc học” của giáo sư Cecil Alec Mace năm 1932).
Năm 1939 H.F. Spitzer đã tiến hành thử nghiệm phương pháp này với những học sinh đang học môn Khoa học, qua đó đã chứng tỏ rằng kỹ thuật này thật sự có hiệu quả.
Trong những năm 1960, các nhà tâm lý học nhận thức đã nghiên cứu về sự ảnh hưởng của việc lặp lại nhiều lần trong cải thiện trí nhớ.
Năm 1973, Sebastian Leitner đã phát minh ra “hệ thống Leitner” – hệ thống giúp ôn tập nhiều lần để đạt được thành tích thông qua việc sử dụng flashcards (thẻ thông tin để lưu trữ các kiến thức cần học hay câu trả lời chính xác).
Năm 1985, nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus đã tìm ra quy luật của trí nhớ, cho thấy nếu không có sự ôn tập hay những dấu hiệu để gợi nhớ, hầu hết các thông tin mà chúng ta đã học sẽ mất đi vài ngày sau đó. Việc lặp lại thường xuyên hỗ trợ trí nhớ lâu dài hơn. Khả năng làm chủ bộ nhớ đến từ việc tiếp xúc nhiều lần với thông tin.
Sự phát triển của máy tính cá nhân từ những năm 1980 đã ảnh hưởng lớn tới phương pháp học bằng “kỹ thuật lặp lại ngắt quãng” nhờ các phần mềm học tập. Các phần mềm này hỗ trợ người học ứng dụng phương pháp “spaced repetition” bằng cách tự động lên lịch để người dùng ôn lại kiến thức trong những khoảng cách thời gian lớn dần.
Nguồn tham khảo:
- https://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BB%B9_thu%E1%BA%ADt_l%E1%BA%B7p_l%E1%BA%A1i_ng%E1%BA%AFt_qu%C3%A3ng
- https://collegeinfogeek.com/spaced-repetition-memory-technique/
- https://e-student.org/spaced-repetition/
2. Những lợi ích của phương pháp “spaced repetition”
Phương pháp “spaced repetition” mang lại vô số lợi ích cho người học tiếng Anh, một vài trong số đó có thể kể đến là:
- Bằng cách gia tăng khoảng cách thời gian giữa những lần ôn tập, phương pháp lặp lại ngắt quãng sẽ cải thiện và nâng cao khả năng ghi nhớ thông tin của người dùng.
- Giúp bạn ghi nhớ thông tin trong thời gian ngắn hơn nhiều so với các phương pháp học khác như học thuộc lòng hoặc học nhồi nhét trước kỳ thi.
- Tiết kiệm thời gian trong quá trình học, đồng thời thúc đẩy khả năng lưu giữ thông tin của não bộ.
- Tăng thời gian tích cực luyện tập trí nhớ trong não của bạn thay vì sử dụng thông tin một cách thụ động. Cũng tức là, khi bạn muốn tập trung vào một kiến thức nào đó (ví dụ ôn luyện về các loại câu điều kiện trong tiếng Anh) thì bạn sẽ chủ động sắp lịch để chủ động áp dụng phương pháp “spaced repetition” để ôn tập thay vì đợi đến khi được thầy cô hướng dẫn những kiến thức này tại trường lớp.
- Cho phép hợp nhất thông tin mới với kiến thức cũ liên quan đã được lưu trữ trong bộ nhớ dài hạn, giúp việc truy xuất và nhớ lại thông tin sau này dễ dàng hơn.
- Kỹ thuật này cho phép bạn chia các nhiệm vụ lớn thành các phần nhỏ công việc cách nhau trong các khoảng thời gian trong ngày, điều này giúp não bộ lưu giữ thông tin hiệu quả hơn, tăng tốc độ và hiệu quả ghi nhớ, tiết kiệm thời gian dành cho cả buổi học và cải thiện đáng kể kết quả học tập.
3. Cách sử dụng phương pháp “spaced repetition”
3.1. Sử dụng “spaced repetition” bằng flashcard giấy
Để sở hữu flashcard nhằm vận dụng “spaced repetition”, bạn có thể tìm mua bộ có sẵn tại các nhà sách hoặc tự làm chúng theo các chỉ dẫn trên Internet.
Ví dụ: Cách làm flashcard học từ vựng tiếng Anh:
- Chuẩn bị 3 đến 5 chiếc hộp, mỗi hộp chứa các flashcard sẽ học với tần suất nhất định, chẳng hạn: hộp 1 học hàng ngày, hộp 2 học mỗi 2 hoặc 4 ngày, hộp 3 học một tuần/ lần, hộp 4 học 2 tuần/ lần, hộp 5 chứa các thẻ mà bạn chắc chắn đã nắm vững,…
- Tạo flashcard cho những từ bạn muốn học, có thể ghi gợi ý từ vựng ở một mặt và mặt kia là đáp án.
- Phân nhóm các thẻ theo mức độ bạn biết chúng. Ví dụ, hộp 1 chứa nhóm thẻ có các từ vựng mà bạn chưa học, hộp 2 chứa những thẻ từ vựng bạn đã biết, hộp 3 thứ ba chứa những thẻ bạn cảm thấy mình đã thành thạo.
- Đọc qua các nhóm thẻ, tự kiểm tra từ vựng. Khi bạn thấy mình nhớ chính xác từ đó, hãy chuyển thẻ lên một nhóm. Nếu bạn sai, đặt nó trở lại hộp đầu tiên.
3.2. Sử dụng “spaced repetition” bằng sự trợ giúp của các phần mềm
Phần lớn các phần mềm áp dụng kỹ thuật lặp lại ngắt quãng (SRS – Spaced Repetition Software) đều áp dụng hình thức ôn tập với flashcards. Khi cần ôn lại, người dùng phải nhập kết quả (thông tin đã ghi nhớ) tương ứng với câu hỏi (thông tin gợi ý). Dựa vào kết quả, phần mềm sẽ tính toán thời gian cho lần ôn lại tiếp theo của thông tin đó.
Các tính năng nâng cao mà các phần mềm cung cấp gồm:
- Hệ thống nhận diện giọng nói để luyện phát âm.
- Tự động tìm từ vựng để học.
- Đưa thêm các ví dụ của câu hoặc từ đồng nghĩa giúp ghi nhớ thông tin.
- Có cộng đồng hỗ trợ học tập.
Các chương trình được mô hình hóa tương tự như sử dụng thẻ nhớ (flashcard). Người dùng nhập các mục cần ghi nhớ vào chương trình, sau đó các mục này sẽ được chuyển đổi thành các bộ bài điện tử (electronic decks) xuất hiện trên màn hình theo mô hình tuần tự từng cái một.
Thông thường, người dùng nhấp một lần để hiển thị câu hỏi hoặc mặt trước của thẻ được tạo. Một cú nhấp chuột thứ hai sẽ hiển thị câu trả lời hoặc mặt sau của thẻ flashcard. Khi nhìn thấy câu trả lời, người dùng sẽ chỉ ra độ khó của thẻ bằng cách cho chương trình biết mức độ thử thách của thẻ.
Thứ tự xuất hiện của mỗi thẻ không phải là ngẫu nhiên. Các thẻ được xếp hạng “dễ” sẽ xuất hiện muộn hơn các thẻ được xếp hạng “khó”. Điều đó cho phép người dùng dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu các thẻ khó.Những thẻ khó sẽ xuất hiện thường xuyên hơn cho đến khi bạn đã thành thạo.
Theo thời gian, với mỗi lần xem liên tiếp, bạn sẽ ngày càng mất ít thời gian hơn để nhớ lại đầy đủ thông tin. Khi bạn bắt đầu thành thạo một tập hợp các từ, bạn sẽ lướt qua từng thẻ. Cuối cùng, thông tin sẽ được bạn nhớ thuộc lòng. Đây là lúc bạn biết mình đã sẵn sàng để chuyển sang một bộ flashcard mới, thử thách hơn.
Bạn có thể tham khảo thêm về cách học từ vựng tiếng Anh hiệu quả bằng “spaced repetition” thông qua video sau:
4. Các phần mềm “spaced repetition” phổ biến
4.1. SuperMemo
Bạn có thể tự tạo Flashcard hoặc tải xuống từ bộ sưu tập được tạo sẵn.
Sau khi được đưa ra một thẻ, bạn phải trả lời và sau đó tự cho mình một điểm phản ánh khả năng nhớ lại của bạn. SuperMemo sử dụng phản hồi này để ước tính độ khó chính xác của các thẻ flashcard và tính toán độ dài khoảng thời gian để thẻ được lặp lại.
Tuy nhiên việc sử dụng còn hạn chế do thuật toán yêu cầu cấp phép (thuật toán yêu cầu bạn phải cấp phép cho thiết bị để được sử dụng một số tính năng) hoặc bạn chỉ có thể truy cập bằng cách tham gia một trong các khóa học ngôn ngữ SuperMemo.
Nguồn học: https://www.supermemo.com/en
4.2. Anki
Anki là một trong những hệ thống “spaced repetition” dựa trên flashcard phổ biến nhất trên thế giới.
Anki cho phép bạn tạo các flashcard và lập lịch tùy chỉnh. Bạn có thể tùy chỉnh lịch của mình dựa trên thời gian rảnh và các ngày kiểm tra sắp tới.
Anki cũng có sẵn nhiều bộ flashcard để lựa chọn và cho phép bạn dễ dàng chia sẻ các bộ flashcard trực tuyến.
Ngoài ra, chương trình Anki rất dễ sử dụng. Với mỗi thẻ flashcard, bạn đánh giá mức độ nhận biết từ của mình từ “1” đến “5”. Những từ bạn đánh giá thấp sẽ lặp lại thường xuyên hơn. Anki cũng lưu trữ số liệu thống kê của bạn cho mỗi bộ bài (deck) để bạn có thể theo dõi tiến trình của mình theo thời gian.
Ứng dụng Anki còn có khả năng đồng bộ trên nhiều thiết bị, cho phép người dùng học trực tuyến hoặc trên điện thoại di động.
Nguồn học: https://apps.ankiweb.net/
4.3. FluentU
Đây là chương trình có một hệ thống SRS (Software Requirement Specification – tài liệu đặc tả yêu cầu, đây là loại tài liệu phổ biến trong ngành phần mềm, nhằm mô tả chi tiết các yêu cầu chức năng và phi chức năng của hệ thống; có vai trò cầu nối giữ đội ngũ phát triển phần mềm và người dùng cuối) rất mạnh.
FluentU cho phép bạn xem vô số đoạn video thú vị và sử dụng phụ đề tương tác để nhấp vào bất kỳ từ nào. Khi nhấp vào một từ bất kỳ, bạn sẽ nhận bản dịch và biến nó thành thẻ nhớ. Mỗi thẻ hiển thị hình ảnh, định nghĩa, thông tin ngữ pháp, các câu ví dụ và thậm chí các clip cho thấy cách sử dụng từ trong các video khác nhau.
Chương trình này có thể được sử dụng trên trình duyệt, cũng có thể tải xuống dưới dạng ứng dụng iOS hay Android.
Nguồn học: https://www.fluentu.com/en/
4.4. Quizlet
Đây là một trong các phần mềm học tập được sử dụng rộng rãi nhất toàn cầu. Quizlet tổng hợp sẵn nhiều bộ flashcard về hầu hết mọi chủ đề. Bạn có thể tạo và sử dụng thẻ của riêng mình hoặc dùng những bộ đã được tạo sẵn bởi những thành viên trong cộng đồng.
Nguồn học: https://quizlet.com/
4.5. Brainscape
Brainscape có hình thức hoạt động gần tương tự Anki. Bạn cũng có thể tạo thẻ nhớ của riêng mình hay tìm thẻ do các thành viên khác làm sẵn để học. Ngoài ra, bạn còn có thể đăng ký để sở hữu quyền truy cập vào các lớp học tiếng Anh có sẵn trên Brainscape.
Nguồn học: https://www.brainscape.com/
4.6. Memrise
Đây là ứng dụng được thiết kế đặc biệt cho những người học ngoại ngữ. Memrise có một số khóa học thiết kế sẵn cùng nhiều chủ đề được chia nhỏ thích hợp để bạn học theo phương pháp “spaced repetition”. Hẳn bạn sẽ tìm thấy một vài khóa học thích hợp cho mình tại đây.
Nguồn học: https://www.memrise.com/
5. Sử dụng phương pháp “spaced repetition” thế nào để đạt hiệu quả?
5.1. Các bước thực hiện phương pháp “spaced repetition”
5.1.1. Bước 1: Lập kế hoạch khoảng cách cho các buổi học của bạn.
Đây là bước quan trọng vì nó giúp cho việc học tiếng Anh của bạn có mục tiêu hơn. Việc lập kế hoạch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Đề tài rộng hay tập trung ít kiến thức
- Đề tài phức tạp hay đơn giản
- Năng lực học tập của bạn
- Kiến thức bạn đã có về chủ đề này là bao nhiêu
Một trong những cách phổ biến để lập kế hoạch theo phương pháp spaced repetition là tính khoảng cách theo hệ thống SuperMemo, cụ thể:
- Lần lặp lại đầu tiên: Ngày 1
- Lặp lại lần thứ hai: Ngày thứ 7
- Lặp lại lần thứ ba: Ngày 16
- Lặp lại lần thứ tự: Ngày 35
Với khoảng cách nhắc lại này, bạn có thể ghi nhớ thông tin hiệu quả mà không bị quá tải bởi quá nhiều thông tin mới. Ngoài khoảng thời gian gợi ý trên, bạn cũng có thể điều chỉnh các khoảng thời gian sao cho phù hợp nhất với bản thân.
5.1.2. Bước 2: Học kiến thức lần đầu tiên
Tại bước này, bạn cần tìm kiếm những tài liệu liên quan đến kiến thức cần học, sau đó xem qua các nội dung tổng quát và quan trọng nhất để ôn tập theo phương pháp “spaced repetition” ở những bước sau. Bạn không nên bỏ qua bước này bởi nó sẽ giúp bạn hình dung được những kiến thức tổng quát và đánh giá được mức độ dễ-khó của kiến thức, từ đó có thể phân bổ thời gian ôn luyện hợp lý hơn.
5.1.3. Bước 3: Ôn lại kiến thức ở lần lặp lại đầu tiên
Khi lặp lại thông tin lần đầu tiên, bạn nên củng cố lại thông tin đã học thay vì nạp thêm thông tin mới. Ngoài ra, buổi học đầu tiên nên ngắn hơn các buổi lặp lại tiếp theo. Vì buổi đầu tiên, bạn chỉ nên đặt mục tiêu là nắm được khái quát những kiến thức cần biết trong chủ đề bạn sắp học và sẽ tìm hiểu chi tiết những kiến thức này ở các buổi lặp lại sau.
Ví dụ:
Khi tìm hiểu về các loại động từ trong tiếng Anh, ở buổi học đầu tiên, bạn nên tập trung ghi nhớ có bao nhiêu loại động từ và cách sử dụng khái quát của những động từ này, ở các buổi lặp lại tiếp theo sẽ tìm hiểu chi tiết về từng loại động từ (cấu trúc, cách sử dụng, các ví dụ v.v…).
5.1.4. Bước 4: Tiếp tục ôn lại thông tin ở những lần lặp lại đã chọn
Ở bước cuối cùng, bạn sẽ tiếp tục ôn tập cùng một thông tin ở những chu kỳ lặp đi lặp lại cách nhau. Chỉ cần bám sát lịch trình bạn đã chọn ở bước 1, bạn sẽ thấy mình đạt được kết quả mong muốn theo thời gian.
5.2. Những điều cần lưu ý khi thực hiện “spaced repetition”
Phương pháp “spaced repetition” đòi hỏi thời gian và nỗ lực để phát huy tính hiệu quả, do đó bạn nên kiên trì và đừng bỏ cuộc nếu gặp những khó khăn ban đầu.
Khi học theo phương pháp này, bạn nên tìm kiếm môi trường học tập thoải mái, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết để tránh bị phân tâm trong lúc học.
Tùy vào khả năng của bản thân, bạn nên cân nhắc tần suất và cường độ học phù hợp. Nếu bạn khó có thể tập trung quá lâu, những buổi học ngắn và thường xuyên sẽ tốt hơn những buổi học dài nhưng không thường xuyên. Thời lượng gợi ý thường là không quá 30 phút/ buổi.
Thay vì cố gắng nhồi nhét tất cả tài liệu vào một hoặc hai buổi học, bạn hãy dành thời gian theo khoảng cách để ôn tập với những tài liệu được chia nhỏ theo khả năng.
Cuối cùng, khi học bài mới, bạn đừng quên quay lại ôn những bài đã học thường xuyên để những bài học có tính liên kết hơn nhé!.
6. Tổng kết
Sau khi đọc bài viết trên, chắc hẳn bạn đã phần nào hiểu rõ về phương pháp “spaced repetition” và có thể tự lập một kế hoạch học tập phù hợp cho mình rồi đúng không? Phương pháp “spaced repetition” chỉ thực sự hiệu quả nếu bạn tự đặt ra kỷ luật cho bản thân và biến việc ôn tập thành một thói quen hàng ngày.
Hãy áp dụng phương pháp này vào việc học từ vựng tiếng Anh, sau một thời gian, bạn sẽ thấy não bộ của mình ghi nhớ được một lượng từ vựng đáng kể đấy.
Ba mẹ mong muốn con rinh chứng chỉ Cambridge, TOEFL Primary,…?
Tham khảo ngay gói luyện thi tiếng Anh trên Phòng thi ảo FLYER – Con giỏi tiếng Anh tự nhiên, không gượng ép!
✅ Truy cập 1700+ đề thi thử & bài luyện tập mọi cấp độ Cambridge, TOEFL, IOE, thi vào chuyênm,,,
✅ Học hiệu quả mà vui với tính năng mô phỏng game độc đáo như thách đấu bạn bè, games từ vựng, quizzes,…
✅ Chấm, chữa bài luyện Nói chi tiết với AI Speaking
✅ Theo sát tiến độ học của con với bài kiểm tra trình độ định kỳ, báo cáo học tập, app phụ huynh riêng
Tặng con môi trường luyện thi tiếng Anh ảo, chuẩn bản ngữ chỉ chưa đến 1,000VNĐ/ngày!
>>>Xem thêm